Tàm & Quý – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

TÀM & QUÝ

Bạn thân mến,

Trong bức thư kỳ này chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa hai từ TÀMQUÝ, các bạn nhé !

Tàm và Quý là hai từ Hán-Việt mà ngoài đời rất hiếm khi sử dụng, dường như chúng chỉ có trong các sách Phật học. Ngày xưa khi còn ngồi ghế nhà trường, học các áng văn cổ của văn thi sĩ thời xưa, chúng ta cũng không thấy hai từ này xuất hiện. Do vậy, rất ít người biết về hai từ này.

Tàm và Quý cùng có nghĩa như nhau: tự hổ thẹn, tự sám hối ăn năn trước việc làm sai trái của bản thân – Tự tủi hổ khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Tàm và quý
Tàm và quý (ảnh minh họa)

-Người nào thấy việc xấu ác mà hổ thẹn không dám làm, thấy lời nói thô tục mà mắc cỡ không dám nói, đó là người có tàm và quý.

-Người nào lỡ làm một việc xấu ác, liền thức tỉnh ngay và sanh tâm hỗ thẹn, tự hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa, đó là người có tàm và quý

-Người nào dù đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng do gặp nhiều nghịch duyên nên không hoàn thành được nhiệm vụ, người ấy tử cảm thấy tủi hổ, lương tâm cắn rứt, tự trách mình là “kẻ vô dụng”… Đó là người có tàm và quý.

Trong số dân tộc các nước trên thế giới, dân tộc nào cũng có người biết tàm-quý, nhưng dân tộc thể hiện rõ nhất đức tính tàm-quý có lẽ là dân tộc Nhật Bản. Người Nhật Bản rất xem trọng danh dự theo tinh thần Võ Sĩ Đạo. Họ làm việc gì cũng với một lương tâm rất cao để hoàn thành công việc, nhưng một khi họ bị thất bại thì họ sẵn sàng lấy cái chết ra chuộc lỗi lầm của mình. Như vào cuối chiến tranh thế giới thứ II, khi nước Nhật bị hai quả bom nguyên tử do Mỹ dội xuống hai thành phố Kawasaki và Nagasaki khiến cho quân đội Nhật phải  đầu hàng quân Đồng Minh, đã có rất nhiều tướng lãnh Nhật tự mổ bụng để bảo toàn danh dự chứ không cam chịu sống để chịu nhục nhã trước kẻ thù, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ của một người tướng trước sự thất trận của quân đội mình.

Tàm-Quý như người Nhật thật là đáng kính phục.

Tàm và Quý
Người Nhật luôn làm việc với lương tâm rất cao nhưng khi thất bại họ cũng sẵn sàng nhận lỗi (ảnh minh họa)

Trái ngược với người biết tàm-quý là những người không bao giờ biết lỗi, không bao giờ biết ăn năn sám hối trước việc làm sai trái của mình, không bao giờ biết mắc cỡ trước sự hèn kém hay thất bại của mình. Khi có người chỉ cho thấy lỗi của họ, họ vẫn cố cãi bướng để ngụy biện cho hành vi xấu ác của mình. Khi bị thất bại trong công việc, họ đều đổ lỗi cho khách quan chứ không bào giờ dám nhận lỗi về phần mình Những người như vậy được người đời tặng cho xú danh là “kẻ mặt dầy”. Người da mặt dầy đến nỗi kiến cắn họ không biết đau, có người dùng tay đánh mạnh vào mặt họ cũng không thấy họ đau, nói chi đến việc dùng lời lẽ phải trái ôn hòa mà chỉ cái sai cho họ thấy?

Người có tàm-quý là người tự trọng, không muốn ai khinh chê mình là người bất tài vô dụng. Dù việc nhỏ hay việc lớn cũng đều được người ấy làm với sự tận tụy nhất. Do vậy, bất cứ công việc gì giao cho người có tàm-quý thực hiện đều đạt kết quả tốt. Người có tàm-quý đi đến đâu cũng được mọi người trọng dụng.

Người có tàm-quý là người điềm đạm, kín đáo, không bao giờ khoe khoang, không bao giờ “nổ” như một số thanh niên bây giờ. Nói dối về những cái mình không có, không làm được… là một việc làm xấu ác mà người có tàm-quý đều mắc cỡ không chịu làm.

Người có tàm-quý là người dũng cảm, biết nhận trách nhiệm mỗi khi công việc do mình làm bị thất bại. Người ấy chắc chắn sẽ thành công nếu được giao cho cơ hội làm lại từ đầu.

Tàm và Quý
Người có tàm-quý là người dũng cảm, biết nhận trách nhiệm mỗi khi công việc do mình làm bị thất bại. (ảnh minh họa)

Người có tàm-quý là người tài năng. Họ luôn cầu học để tích lũy kiến thức cho công việc. Họ không muốn mình là chiếc “thùng rỗng kêu to” như bao kẻ bất tài khác. Vì luôn cầu học cho nên người ấy cũng là con người khiêm hạ, luôn tìm cái hay của người khác để đem về dự trữ vào kho tàng tri thức của mình, không phân biệt người đó lớn hay nhỏ hơn mình.

Người có tàm-quý là người trí tuệ. Tánh tự hổ thẹn, sợ thất bại khiến cho người ấy làm việc gì cũng cẩn thận, chu đáo, luôn phân tích thấu đáo từng công việc, luôn soi xét từng ngõ ngách trong công việc, không vội vàng hấp tấp. Nếu trong công việc lỡ có sai sót mà được người khác chỉ cho thì người ấy vô cùng biết ơn chứ không bao giờ giận hờn hay tự ái.

Người có tàm-quý là người luôn làm chủ hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm của mình trong từng thời từng khắc. Họ không có những lời nói thô tháo, đùa giỡn vô duyên. Họ không có những hành vi thấp hèn làm giảm giá trị con người. Họ cũng không bao giờ hành động xúc phạm tới danh giá người khác.

Sau cùng, người có tàm-quý là người mau giải thoát trên con đường tu thiện. Người ấy rất dễ nhận ra điều xấu ác để tránh xa và luôn nhận ra các chân lý hay đẹp qua lời Phật dạy để thực hành. Người ấy thường lánh xa những chỗ trụy lạc thấp hèn và thường thân cận với các bậc Thiện Tri Thức để tiếp thu đạo lý làm hành trang tu tâm sửa tánh.

Ngày xưa, khi Phật Thích Ca vừa chứng đắc quả vị Chánh đẳng chánh giác, Ngài muốn nhập Niết Bàn ngay mà không muốn đem giáo lý truyền bá trong nhân gian vì lý do “chúng sanh quá cang cường, e rằng họ không muốn tiếp nhận những đạo lý thâm sâu của Ngài. “Chúng sanh cang cường” tức là loại người không biết tàm-quý mà chính Phật cũng e ngại không muốn đem đạo lý đến với họ.

Chúng ta hãy rèn luyện đức tính Tàm & Quý để ứng dụng vào sinh hoạt GĐPT, góp phần làm hưng thịnh tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Hãy làm người có tàm-quý. Đừng làm “chúng sanh cang cường” trong tập thể đoàn viên GĐPT, bạn nhé!

Thân ái chào bạn.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 05 năm 2024
11
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 7
Ngày Ất Hợi
Tháng Kỷ Tỵ
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
04
Tháng 04
Kiên Giang