Sinh hoạt GĐPT, Mô Hình Tu Tập Đặc Thù Của Người Cư Sĩ Thể Hiện Tinh Thần “Tứ Chúng Đồng Tu” (kỳ 5)

G

Trong bài viết kỳ 4, chúng tôi đã trình bày với độc giả về phương pháp giáo dục “Lý giải” nằm trong bốn phương pháp giáo dục mà tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) đang áp dụng trong việc hướng dẫn thanh thiếu đồng niên Phật tử hiện nay.

Kỳ này, chúng tôi tiếp tục trình bày về phương pháp giáo dục thứ III trong GĐPT, đó là phương pháp HOẠT ĐỘNG.

Tâm sinh lý giới trẻ không giống với tâm sinh lý tuổi già. Đó là điều ai cũng hiểu. Từ xưa, các ngôi chùa Việt Nam vẫn luôn trung thành với quan điểm cho rằng : hễ là chùa thì phải thanh tịnh, trang nghiêm, trầm mặc, vắng vẻ, xa lánh các ồn ào náo nhiệt của thế gian v.v… Từ quan điểm trên, ngôi chùa không là nơi thích hợp để tiếp nhận thanh thiếu nhi, vốn là những mầm xanh tràn trề nhựa sống. Sự trầm mặc gần như quay lưng lại với cuộc sống xã hội bên ngoài của ngôi chùa xưa chỉ thích hợp cho những người già sau nhiều năm lăn lộn trong cuộc sống, giờ đã nhận rõ sự vô thường, sự huyễn hoặc của cuộc đời, tìm đến chùa để hưởng chút không khí tĩnh mặc cho tâm hồn thanh thản lúc tuổi đã xế chiều.

Bởi vậy, từ xa xưa đã hình thành câu thành ngữ : “Trẻ vui nhà, già vui chùa” . Nội dung câu thành ngữ này nhằm nói lên một thực tế trong đời sống xã hội ta vào những ngày xa xưa, khi mà Phật giáo Việt Nam, dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, đã phải nhẫn nhục chịu đựng , bị đời khinh rẻ như là một tôn giáo bi quan yếm thế, mê tín dị đoan.

Cùng với sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, Phật giáo Việt Nam đã làm cuộc chấn hưng vào những năm 1930-1950. Từ đó, quan điểm hành đạo của các chùa đã có những đổi mới theo đường lối nhập thế của Phật giáo đời Trần. Từ đây, giới Phật tử trẻ mới có được cơ hội bước chân vào cửa chùa dưới màu áo lam của GĐPT.

Người thiếu kiến thức về giáo dục thường hiểu lầm đối với phương pháp giáo dục “Hoạt động” của GĐPT, họ nhìn bề ngoài và vội vàng kết luận GĐPT chơi nhiều hơn tu” . Vì vậy, người viết xin trình bày về phương pháp giáo dục “Hoạt động” trong bài viết kỳ này.

III- Phương pháp Hoạt động :

1-Định nghĩa : Phương pháp giáo dục Hoạt động nghĩa là lấy những hoạt động cụ thể để thực hành những lời Phật dạy. Thay vì chỉ học lý thuyết suông, đoàn viên GĐPT được tham gia các hoạt động nhằm thực hành những điều tốt đẹp trong giáo lý Phật giáo. Nhiều khi, sự hoạt động, sự thực hành còn đem lại kết quả tốt hơn những giờ ngồi học trên lớp. Qua nhiều hình thức hoạt động như : cắm trại, thực hành các kỹ năng sống, trò chơi, công tác từ thiện, tham gia làm sạch đẹp môi trường v.v… sẽ làm nẩy nở nhiều đức tính trong mỗi đoàn viên. Đó là những “bài học không lời” nhưng vô cùng hiệu quả.

2-Sự cần thiết của phương pháp Hoạt động :

Tâm sinh lý của tuổi trẻ là hiếu động, tuổi càng nhỏ thì hiếu động càng nhiều. Các em không thể chú tâm vào một việc nào quá 30 – 45 phút. Không thể bắt các em tham gia các hình thức tu theo người lớn như : niệm Phật, tọa thiền, nghe quý Sư thuyết pháp… nhất là không thể bắt các em không được nói cười, không được nhúc nhích tay chân v.v…

Nếu vậy, cửa chùa mãi mãi là nơi không thể  cho các em có cơ hội được tiếp cận với đạo đức Phật giáo hay sao? Vì nỗi băn khoăn này mà GĐPT mới ứng dụng phương pháp hoạt động vào sinh hoạt của mình bằng cách cho các em “vừa chơi vừa học”, “học mà chơi, chơi mà học”. Đó chính là yếu chỉ của phương pháp hoạt động.

3-GĐPT ứng dụng phương pháp hoạt động như thế nào ?

Trong GĐPT, phương pháp hoạt động được ứng dụng qua nhiều hình thức :

  1. Hình thức rèn luyện kỹ năng sống : Trong đời sống, con người luôn phải đối diện với nhiều tình huống, muốn vượt qua nó, con người phải rèn luyện cho mình càng nhiều kỹ năng càng tốt. Kỹ năng sống giúp cho con người dễ dàng ứng phó với tình huống để đi đến thành công.

GĐPT, với khả năng, phương tiện và hoàn cảnh của mình, đã giúp cho đoàn viên rèn luyện một số kỹ năng sống nhất định qua các môn học Hoạt động Thanh niên như : gút dây, phương hướng, truyền tin, ước đạt, dấu  đi đường, bảng hiệu giao thông,  cấp cứu v.v… Ngoài ra còn thường xuyên tổ chức những chuyến cắm trại dưới nhiều hình thức như : trại giao lưu, trại du khảo, trại công tác, trại truyền thống … cùng nhiều trò chơi lớn và nhỏ, trong nhà hay ngoài trời.

Việc rèn luyện này còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng là đào luyện cho đoàn viên những đức tính cần thiết trong đời sống như : tính kỷ luật, tính kiên nhẫn, tính sáng tạo, tính vượt khó, tính trung thực, tính năng động, tính siêng năng, tình yêu quê hương, tình yêu đạo pháp, tình yêu dân tộc, sự tự tin, óc tổ chức, tài thao lược, sự sắp xếp công việc một cách khoa học v.v… Thông qua các hình thức hoạt động như vậy, giáo lý nhà Phật đi vào tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần bắt các em phải ngồi hằng giờ để nghe các bài thuyết pháp khô khan.

Hình thức ứng dụng trên đây nhằm mục đích giáo dục CON NGƯỜI TỰ THÂN của GĐPT

b.Hình thức thực hành giáo lý nhà Phật trong đời sống : đi sinh hoạt GĐPT, các em được học rất nhiều đức tính cao quý của nhà Phật mà danh từ Phật học thường gọi là HẠNH. Thí dụ : hạnh Tinh tấn, hạnh Từ bi, hạnh Trí tuệ, hạnh Hỷ xả, hạnh Thanh tịnh v.v…

GĐPT thường xuyên tổ chức những cuộc hoạt động từ thiện và hoạt động xã hội để đoàn viên có dịp thực hành những hạnh cao đẹp của người con Phật như :

-Tổ chức cho đoàn viên thăm các Nhà dưỡng lão để các em thông cảm với nỗi khổ của tuổi già neo đơn không nơi nương tựa. Đồng thời cho các em trực tiếp chăm sóc các cụ bằng những việc làm theo sức của mình. Việc làm này, ngoài mục đích giúp đỡ một phần nhỏ đối với các cụ, nhưng quan trọng hơn cả là đào luyện cho đoàn viên hạnh từ bi, sự dấn thân vì cộng đồng và huân tập đức tính hy sinh vì tha nhân.

-Tổ chức cho đoàn viên thăm và giao lưu với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng  tại các trung tâm bảo trợ xã hội ở địa phương. Hoạt động này giúp các em trực tiếp thấy được nỗi khổ của những bạn trẻ cùng trang lứa nhưng phải gánh chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời, từ đó các em cảm nhận và trân trọng đối với hạnh phúc hiện tại của chính mình, cảm thấy yêu kính và biết ơn cha mẹ mình nhiều hơn.

-Tổ chức cho đoàn viên tham gia làm sạch đẹp xóm làng nơi mình đang sống. Hoạt động này mang ý nghĩa đóng góp với cộng đồng về một môi trường xanh sạch đẹp, làm nẩy sinh đức tính “vô ngã vị tha” của nhà Phật và gây cho các em tình yêu quê hương, dân tộc, không phải chỉ trên lời nói, mà bằng hành động cụ thể tùy theo sức của mình.

Hình thức ứng dụng trên đây nhằm mục đích giáo dục CON NGƯỜI XÃ HỘI của GĐPT.

Ứng dụng phương pháp giáo dục hoạt động vào sinh hoạt GĐPT, thoạt nhìn bên ngoài cứ ngỡ là đoàn viên GĐPT chỉ biết chơi chớ không biết tu, nhưng trên thực tế đây chính là phương pháp giáo dục hiệu quả mang tính khoa học hiện đại, phù hợp với tâm sinh lý giới trẻ.

(Còn tiếp…)

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang