Để độc giả hiểu thêm về tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, chúng tôi xin trích một đoạn trong bài viết nhan đề “Vì sao Gia Đình Phật Tử ra đời” đăng trong tạp chí Viên Âm số 109 (1952 – cơ quan hoằng pháp của Hội Việt Nam Phật Học), Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết:
…“GĐPT không phải là một cơ quan chuyên lo tuyên truyền đạo Phật để lôi cuốn tín đồ Phật tử.GĐPT chỉ là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi dựa trên nền tảng giáo lý đạo Phật, tạo cho thanh thiếu nhi một đời sống chơn chánh lợi ích cho mình và cho mọi người. Cho nên GĐPT chỉ áp dụng những phương tiện trong sạch và chơn chánh để thực hiện mục đích của mình. GĐPT không lôi cuốn thanh thiếu nhi cho đông để làn vây cánh đối lập với các đoàn thể khác. GĐPT không dựa vào áp lực chính trị, không dựa vào sức mạnh khủng bố để mở rộng thế lực. GĐPT không dùng những danh lợi vật chất, những cách tuyên truyền nhồi sọ để dụ dỗ thanh thiếu nhi. GĐPT chỉ biết giới thiệu một cách vô tư, một lối sống chơn chánh hợp với lẽ phải, thuận với tuổi trẻ, đúng với tinh thần Bi-Trí-Dũng. Thanh thiếu nhi vào GĐPT chỉ vì thấy cuộc sống GĐPT hợp với chí hướng của mình, có lợi cho chính mình nên sanh lòng sung sướng và vinh hạnh được sống trong Đại Gia Đình Phật Tử.” …
Trong một bài viết khác đăng trong nguyệt san Liên Hoa – 1960, Cư sĩ Võ Đình Cường (*) viết như sau :
…“Gia Đình Phật Tử không phải là một nơi tập luyện cho các em tụng kinh gõ mõ cho giỏi để đi cầu siên, cầu an hay cầm tràng phan đi đưa đám ma.
Gia Đình Phật Tử không phải là một nơi khuyến khích các em xao lãng bài vở ờ trường để tổ chức những trò chơi vô nghĩa, những ca xướng vô ích.
Gia Đình Phật Tử không phải là một tổ chức Thanh niên có mục đích chánh trị, hay một tổ chức Hướng đạo trá hình. Gia Đình Phật Tử chỉ mượn một ít phương pháp Thanh niên hay Hướng đạo mà thôi. Còn tinh thần vẫn là tinh thần Phật giáo, nghĩa là Từ bi, Trí tuệ,Tinh tấn, Hoan hỷ và Thanh tịnh” …
Gia Đình Phật Tử không phải là một tổ chức con nít. GĐPT là tổ chức giáo dục trẻ con, chớ không phải là tổ chức trẻ con. Thành phần đoàn viên trong một đơn vị GĐPT bao gồm đủ mọi lứa tuổi :
1-Huynh trưởng : là những thanh niên nam, nữ từ 18 tuổi trở lên. Nhiều huynh trưởng cao niên ( trên 60 tuổi) vẫn còn đi sinh hoạt hằng tuần. Tuyệt đại đa số huynh trưởng cao niên đều là những Phật tử chân chính, thuần thành, có nhiều cống hiến cho đạo và đời.
2-Ngành Thanh : đoàn sinh ngành Thanh là những thanh niên nam, nữ từ 18 tuổi trở lên (cũng như huynh trưởng) nhưng không có điều hiện cống hiến như huynh trưởng nên chỉ tham gia với tư cách đoàn sinh chuyên tu học.
3-Ngành Thiếu : là những thiếu nam, thiếu nữ tuổi từ 13 đến 17
4-Ngành Đồng : còn gọi là Oanh Vũ, là những em nhi đồng nam, nữ từ 6 đến 12 tuổi.
Như vậy, GĐPT có thể xem như đạo tràng tu học có tính đặc thù của giới cư sĩ vì nó có đủ các độ tuổi, không như các đạo tràng thường thấy chỉ dành riêng cho nam nữ Phật tử ở độ tuổi thanh niên, trung niên và cao niên.
Mục đích của GĐPT từ ngày ra đời đến nay vẫn không thay đổi, đó là : “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh – Góp phần phụng sự dạo pháp và xây dựng xã hội”. Để đạt được mục đích đó, GĐPT lấy giáo lý Tam Tuệ: VĂN TUỆ – TƯ TUỆ – TU TUỆ làm kim chỉ nam trong sinh hoạt tu học.
VĂN là tiếp thu giáo lý Phật Đà bằng nhiều cách. Tiếp thu một cách có hệ thống, liên tục và phù hợp với tâm sinh lý từng độ tuổi. Trình độ Phật pháp của đoàn viên GĐPT mỗi ngày một cao hơn theo từng tháng năm đi sinh hoạt. Bắt đầu từ những giáo lý căn bản và phát triển dần cho đến những giáo lý thâm sâu vi diệu của Phật giáo Đại thừa. Chương trình tu học của GĐPT đã được hình thành nhiều năm qua và đến nay được xem như tương đối hoàn chỉnh.
TƯ là tư duy, quán chiếu, là tìm ra đạo lý sống trong từng lời dạy của Đức Phật. GĐPT không chủ trương cho đoàn sinh tụng thật nhiều kinh mà không hiểu kinh nói gì. GĐPT không bày vẽ các lễ nghi bái sám lễ lạy, cầu khấn mang tính chất của tín ngưỡng tôn giáo nhất thần và đa thần. Tất cả những gì người đoàn viên GĐPT tiếp thu trong sinh hoạt đều phải được hiểu rõ ràng , cụ thể, không có gì được coi là siêu nhiên, huyền bí trong những giáo lý mà các đoàn viên GĐPT được học.
TU là ứng dụng những điều đã học trong sinh hoạt GĐPT vào từng suy nghĩ, từng lời nói và từng việc làm của người đoàn viên GĐPT. Người đoàn viên GĐPT không tu bằng cách chờ đợi được về một thế giới cực lạc sau khi chết, mà nỗ lực bằng chính bản thân mình để tạo ra thế giới cực lạc ngay trong đời sống gia đình và xã hội hiện tại bằng cái tâm nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Tóm lại, sự tu của đoàn viên GĐPT, nhìn bề ngoài thì không thấy tu (vì không qua những hình thức tu thường thấy trong chùa), nhưng thực sự nó diễn ra trong nội tâm của anh chị em một cách thường xuyên qua sự điều chỉnh hành vi của mình trong từng hoàn cảnh sống.
Văn – Tư – Tu chính là nét đặc thù thứ hai trong sinh hoạt tu học GĐPT.
Gần đây, có ý kiến cho rằng “GĐPT chơi nhiều hơn tu” hoặc : “Huynh trưởng GĐPT không đủ trình độ Phật pháp, cũng không có tu chứng (so với tu sĩ ) thì làm sao hướng dẫn tu học cho đoàn sinh có kết quả được” vân vân…
Những nhận xét nêu trên không phải sai, nhưng sẽ không khả thi và không hiệu quả khi đem ứng dụng vào việc đưa giới trẻ đến với đạo Phật, cũng như việc hướng dẫn Phật pháp cho anh chị em. Vì sao vậy ?
Xin trả lời nhanh gọn :
-Một, nếu bắt học sinh, sinh viên tu miệt mài như niệm Phật, tọa thiền, nghe pháp do quý Thầy giảng, thậm chí cho các em hành nghi thức quá đường để gọi là “tập tành oai nghi tế hạnh” (?) v.v… theo kiểu người xuất gia, hoặc theo kiểu các cụ ông cụ bà thì chỉ được một tuần đầu, đến tuần thứ hai, thứ ba sẽ không còn một em nào đến chùa nữa.
-Hai, nếu không để huynh trưởng GĐPT hướng dẫn các em thì bản thân quý Thầy (xuất gia) không thể làm công việc này hằng tuần, hằng tháng, hằng năm, năm này qua năm kia, có thể kéo dài cho đến cả một đời người. Với vai trò, vị trí, phẩm chất của người xuất gia, quý Thầy làm sao kham nổi công việc này ?
Bởi vậy mới nói GĐPT là mô hình tu tập đặc thù của người cư sĩ, nhất là cư sĩ TRẺ. Chỉ có người cư sĩ Phật tử với tình yêu đạo pháp vô hạn, với trái tim yêu trẻ nồng nàn (yêu cái tốt và cả cái chưa tốt của các em), với nhiệt tình cống hiến cho công cuộc “trồng người” của Phật giáo Việt Nam, với đức tính chịu thương chịu khó của người thường ngày lăn lộn trong cuộc sống, mới có đủ tâm và lực mà gánh vác công việc đầy vất vả này.
Nếu cho rằng “GĐPT chơi nhiều hơn tu” đó là do không hiểu về các phương pháp giáo dục của GĐPT. Trong bài viết sau, người viết sẽ trình bày về 4 phương pháp giáo dục đang được áp dụng tại hơn 1.000 đơn vị cơ sở đang sinh hoạt tại 35 tỉnh, thành trong cả nước. (Xin mời xem tiếp kỳ sau)
BAN BIÊN TẬP
(*) Huynh trưởng cấp Dũng Nguyên Hùng Võ Đình Cường, nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung ương GĐPT VN từ 1951 cho đến 1975
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1