Người Phật Tử chân chánh (tiếp theo)

LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

BÀI 2
NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH
(tiếp theo kỳ trước)

Trong bài trước, chúng tôi đã đưa ra một số chân dung tiêu biểu về Người Phật Tử Chân Chánh của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, qua đó nêu bật năm tiêu chí một người Phật tử chân chánh cần có. Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về phương pháp tu tập của huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) để trở thành Phật tử chân chánh (PTCC)

NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH TU THEO THỪA NÀO TRONG NGŨ THỪA PHẬT GIÁO?

Huynh trưởng GĐPT đến với đạo Phật bằng con đường Chánh tin, do đó, cuộc đời tu tập của chúng ta phải được định hướng rõ ràng, phải co phương pháp thực tiễn và phải có đích đến nhất định. Chúng ta không thể “tu mù”.

Thế nào là tu mù?

Tu mù nghĩa là ai nói gì cũng nghe theo, gặp kinh gì cũng đọc cũng tin, ai bày ra cách tu gì cũng làm theo. Tu như vậy khác nào người mù mò mẫm đi trong đêm tối, như người lạc vào mê cung chẳng có đường ra, khác chi người đi giữa biển mà không có la bàn định hướng, biết đâu là bờ bến để ngày nào đó đưa thuyền “đáo bỉ ngạn” về tới chốn bình an?

Vì vậy, trước hết chúng ta phải chọn cho mình một cỗ xe phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và con đường muốn đi của mình để đến đích một cách chắc chắn và an toàn. Thừa có nghĩa là cỗ xe hay nói rộng ra là phương tiện chuyên chở. Có nhiều thứ phương tiện chuyên chở như : xe đạp, xe máy, xe hơi, xe lửa, máy bay, tàu thủy v.v…Tùy theo khả năng tài chánh, tùy theo đường bộ hay đường thủy, tùy mình muốn đi xa hay gần, tùy mình muốn đi nhanh vừa hay thật nhanh v.v… mà chọn một trong những phương tiện nói trên.

Nguoi Phat Tu Chan Chanh Tiep Theo 1
ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tìm trong Từ điển Phật học, chúng ta thấy định nghĩa về Ngũ thừa như sau:

Giáo pháp của Phật gồm chung cả thế gian và xuất thế gian, tùy theo căn cơ lợi độn và trình độ cao thấp mà giáo hóa, nên trong các cuộc thuyết pháp Đức Phật chỉ ra 5 thừa, để chúng sinh lần lượt tu tập tiến dần đến quả vị vô thượng.

  1. Nhơn thừa: Tức là người thọ Tam qui, ngũ giới trong cuộc sống luôn thân cận Tam bảo, cung kính, cúng dường và giữ trọn 5 giới đã thọ, thì đời sau sinh ra làm người phúc đức.
  2. Thiên thừa : Tu tập 10 điều lành (thập thiện) sẽ được sinh lên cõi Trời hưởng các sự phúc lạc.
  3. Thanh Văn thừa : Hành giả Tu tập Tứ Diệu Đế để thành bậc A La Hán, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
  4. Duyên giác thừa : ( Trung thừa). Hành giả tu tập pháp Thập nhị nhơn duyên, là nguyên nhân của sanh tử luân hồi. rồi y theo đó tu hành quán lưu chuyển và hoàn diệt cho đến khi thuần thục giác ngộ giải thoát, thành Bậc Bích Chi Phật.

Ngoài ra còn một hạng  người không gặp Phật, không nghe pháp của Phật, nhưng nhờ có trí tuệ sáng suốt, tự mình quan sát thấy được cảnh vô thường biến đổi của vạn vật của nhơn sanh mà giác ngộ được nguyên nhân sanh tử luân hồi rồi đắc đạo gọi là Độc giác Phật.

  1. Bồ Tát Thừa : ( Đại thừa) Hành giả tu tập lục độ Ba La Mật và thành tựu đủ muôn hạnh muôn đức, có nghĩa là thực hành Lục Độ Thập độ vạn hạnh, Tứ nhiếp pháp, Tứ vô lượng tâm, Tứ hoằng thệ nguyện…Hàng Bồ Tát là những bậc phát Bồ Đề tâm rộng lớn, cầu thành Phật quả để độ chúng sanh, phát nguyện tu hành tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, trãi qua vô lượng kiếp, đến khi nào giác hạnh được viên mãn mới đắc quả vô lượng Bồ Đề, nên gọi là Đại Thừa.

Đức Phật thường dạy : Vì căn cơ chúng sanh khác nhau nên Phật phương tiện thuyết ngũ thừa, để tùy tiện cho độ họ dần dần đạt đến chân lý.

Ngoài ra còn một pháp môn đặc biệt thù thắng, dành riêng cho người đại căn đại trí chỉ cần khai thị một câu Kinh, một bài kệ hay một cử chỉ,một hành động nào đó họ trực nhận ngay tánh giác Bồ Đề sẵn có của mình, chứ chẳng phải giảng giải dài dòng văn tự như Ngũ thừa, và pháp môn này là pháp môn” Tối thượng thừa” cũng gọi là “ Đốn giáo”, “ Phật Thừa” “ Nhứt thừa” …. Pháp môn này vắn tắt chỉ ngay vào tâm người thấy tánh thành Phật.

Như vậy, chúng ta thấy rõ  trong năm thừa trên đây có 2 thừa phù hợp với hoàn cảnh đời sống của Phật tử tại gia, gọi là thế gian thừa. Đó là:

1) Nhơn thừa
2) Thiên thừa

Ba thừa còn lại khó tu hơn, chỉ thích hợp với đời sống xuất gia, gọi là xuất thế gian thừa. Đó là:

3) Thanh văn thừa
4) Duyên giác thừa
5) Bồ tát thừa

Vậy, để trả lời câu hỏi “Người Phật tử chân chánh tu theo thừa nào trong ngũ thừa Phật giáo?” thì chúng ta không ngần ngại khẳng định rằng:”Huynh trưởng GĐPT chọn Nhơn thừa  tu để trở thành Phật tử chân chánh”

Nguoi Phat Tu Chan Chanh Tiep Theo 2
ảnh minh họa. Nguồn: Internet

VÌ SAO HUYNH TRƯỞNG GĐPT CHỌN TU THEO NHƠN THỪA?

Khi chấp nhận tham gia tổ chức GĐPT tức là chúng ta đã chấp nhận mục đích của tổ chức là :”Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành Phật từ chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”.

Phật tử chân chánh là ai, nếu không phải là CON NGƯỜI ? Nói cụ thể mục đích tu của huynh trưởng GĐPT là trở thành con người có ích cho bản thân, gia đình, cho đạo pháp và xã hội ngay trong đời sống này, khi trái tim chúng ta còn đập và khi trí não chúng ta còn phân biệt được cái đúng cái sai.

Chúng ta không tu để cầu sau khi chết được vãng sanh Tây phương Cực lạc. Chúng ta không muốn tu để được lên cõi Trời, bởi vì thực chất Cực Lạc hay cõi Trời cũng chỉ là trạng thái của tâm con người ở nơi Ta Bà này thôi. Khi con người làm việc lợi ích cho tha nhân, cho cộng đồng thì tâm người đó trở nên trong sáng, thanh tịnh và an vui. Đó chính là Cực Lạc, là cõi Trời rồi vậy.

Hiện đời, chúng ta không thể tu để trở thành A la hán, Bích Chi Phật , Bồ tát vì chúng ta còn vướng bận đời sống tại gia. Bất cứ ai muốn chọn ngồi trên ba cỗ xe này đều phải “cát ái ly gia” , chọn đời sống xuất gia.

TU NHƠN THỪA LÀ TU NHƯ THẾ NÀO

Chúng ta đọc lại định nghĩa về Nhơn thừa trong Từ điển Phật học:

Nhơn thừa: Tức là người thọ Tam qui, ngũ giới trong cuộc sống luôn thân cận Tam bảo, cung kính, cúng dường và giữ trọn 5 giới đã thọ, thì đời sau sinh ra làm người phúc đức.

Định nghĩa trong từ điển có phần quá cô đọng nên cần được triển khai thêm để anh chị em chúng ta nắm vững mà học và tu cho có kết quả.

Tu theo Nhơn thừa có những đặc điểm sau đây:

1) Người tu Nhơn thừa thường được gọi là tu tại gia. Được hiểu là người tu vẫn gắn liền với gia đình, xã hội, với công việc thường ngày, không rời bỏ trách nhiệm và bổn phận của một thành viên trong gia đình và một công dân trong xã hội. Nói là tu tại gia nhưng chúng ta cần thường xuyên thân cận và cầu học nơi hàng Tăng Bảo chân chính.

2) Tu Nhơn thừa phải gắn liền với việc học Phật. Chư thầy tổ có dạy : “Tu mà không học là tu mù…”. Phật pháp chính là kim chỉ nam cho mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của người tu mọi lúc mọi nơi trong đời sống. Học – hiểu – thực hành là kiềng ba chân của người tu Nhon thừa. Cũng cần nhớ rằng trình độ học vấn ngoài đời (thế học) giúp ích rất nhiều cho việc học Phật.

3) Tu Nhơn thừa là xa rời các loại mê tín như: tin thế gian này là do Thượng đế tạo ra; Tin vào đa thần như: Ngọc hoàng, Diêm vương, Thổ địa, Thần tài, Bà Chúa xứ v.v…; Tin vào sự cầu nguyện lễ bái thần thánh siêu hình phù hộ cho mình được bình an, thành đạt, phú quý… Bởi vì những thứ mê tín này sẽ làm cho cả cuộc đời tu của mình trở thành “dã tràng xe cát”.

4) Cốt lõi của sự tu Nhơn thừa là tự mình cải thiện tánh tình, nhân cách của bản thân từ chưa tốt thành ra tốt đẹp chớ không đặt nặng về hình thức như: tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền. Giá trị của sự tu Nhơn thừa nằm ở chỗ mang lại lợi lạc thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội ngay trong đời sống này, chớ không ở chỗ tụng được bao nhiêu bộ kinh, niệm được bao nhiêu danh hiệu Phật, ngồi thiền được bao nhiêu giờ… ( Còn tiếp…)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.