Lý Tưởng Gia Đình Phật Tử Là Gì ?

Ngày xưa, lúc mới vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT), tôi thường tìm đọc các tác phẩm của Anh Võ Đình Cường như : Thử hòa điệu sống, Những cặp kính màu, Đây Gia đình v.v… hoặc tác phẩm Sứ mệnh Gia Đình Phật Tử của tác giả Lữ Hồ, hay những tác phẩm của Anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ v.v…Có một cụm từ mà tôi thường đọc được, đó là cụm từ “Lý tưởng Gia Đình Phật Tử”. Nói thật, lúc đó tôi không hiểu lý tưởng GĐPT là gì, chỉ mơ hồ biết đó là một cái gì cao quý mà bất cứ đoàn viên GĐPT nào cũng mơ ước và tôn thờ.

Sau này, suốt mấy chục năm đi sinh hoạt GĐPT, tôi không lúc nào ngơi nghỉ suy tư, quán chiếu tìm hiểu thế nào là lý tưởng GĐPT. Rồi dần dần theo năm tháng, giống như một trái cây trên cành đã đến lúc chín muồi, cái nghĩa lý của cụm từ “Lý tưởng GĐPT” hiện hình dần trong tâm thức tôi. Cho đến hôm nay, ở tuổi “thất thập cổ lai hi” tôi tự thấy mình đã có đủ tự tin để chia sẻ đề tài này đến các anh chị huynh trưởng trẻ, nhằm mục đích giúp các anh chị sớm hiểu về lý tưởng của mình để kiên định con đường mình đang đi, để đủ sức vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời làm huynh trưởng GĐPT, từ đó có thể hoàn thành lý tưởng và kết thúc vẻ vang sự nghiệp cao quý trong cuộc đời huynh trưởng của chúng ta.

LÝ TƯỞNG LÀ GÌ?

Trước khi tìm hiểu về Lý tưởng GĐPT, chúng ta cần hiểu từ “Lý tưởng” là gì.

Lý tưởng là ước mơ cháy bõng và cao đẹp của một người, mà người ấy sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mà người đời thường coi là quý giá nhất  để  biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Ước mơ phải cao đẹp và vĩ đại thì mới được gọi là lý tưởng.

Thế nào là cao đẹp và cĩ đại ?

Đó là khi ước mơ ấy mang mục đích lợi ích chân chánh cho nhân quần xã hội. Thí dụ :

  • Thái tử Tất Đạt Đa ước mơ thành Phật để cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi đau khổ
  • Nhà cách mạng ước mơ đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho Tổ Quốc
  • Ước mơ sau này trở thành bác sĩ để cứu người thoát khỏi bệnh tật
  • Ước mơ trở thành một nhà đại doanh nhân làm giàu cho đất nước
  • Ước mơ trở thành nhà chính trị lỗi lạc lãnh đạo đất nước đi lên sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Vân vân…

Ly Tuong Gia Dinh Phat Tu La Gi

NGƯỜI SỐNG CÓ LÝ TƯỞNG LÀ NGƯỜI ĐÁNG QUÝ

Người sống có lý tưởng là người cao quý đáng được mọi người kính trọng. Ngưới đó có thể thành công hay thất bại, nhưng vẫn được người đời ca tụng, tôn thờ. Thí dụ :

-Trong thời thực dân Pháp đô hộ nước ta, có biết bao người đứng lên chống Pháp để dành độc lập nhưng đều thất bại, nổi bật trong số nhà cách mạng ấy có : Vua Thành Thái, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh v.v… Đó là những thần tượng cách mạng, tuy họ không thành công nhưng nhân dân vẫn ca ngợi, kính trọng vì đó là những con người đã hy sinh cho lý tưởng vì dân vì nước của mình.

Người sống có lý tưởng luôn là thiểu số trong xã hội. Họ thường không giàu tiền bạc và địa vị xã hội, thậm chí họ còn là người “vô sản” đúng nghĩa . Tại sao vậy ? Tại vì tất cả nỗ lực của họ không hướng về việc kiếm tiền , tài sản hay địa vị, mà để dành tất cả sinh lực cho việc biến lý tưởng của mình trở thành hiện thực. Chúng ta hãy tìm hiểu về cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc và các học trò của Người trong suốt sự nghiệp chống Pháp, chống  Mỹ giành độc lập cho dân tộc Việt Nam thì thấy rõ điều này.

LÝ TƯỞNG CỦA THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA

Thái tử Tất Đạt Đa ra đời tại một tiểu quốc tên Ca Tỳ La Vệ thuộc miền Bắc Ấn Độ cách nay 2.644 năm. Vào lúc ấy, xã hội Ấn Độ chia làm bốn giai cấp gồm :

-Giai cấp Bà la môn : tức giai cấp giáo sĩ đạo Bà la môn, được xã hội trọng vọng và ưu đãi nhất

-Giai cấp Sát đế lợi : tức giai cấp vua chúa, quan quyền, quân đội giữ việc cai trị đất nước, được kính trọng và có nhiều đặc quyền kế sau giai cấp Bà la môn

-Giai cấp Phệ xá : bao gồm những người thương gia, chủ hảng xưởng giàu có, địa chủ… được xã hội dành sự trọng vọng sau hai giai cấp trên

-Giai cấp Thủ đà la : đây là giai cấp hạ tiện ở tận cùng dưới đáy xã hội, gồm những hạng đầy tớ, làm thuê, hốt rác, gánh phân, phu pheng, tạp dịch, lao động chân tay v.v… bị xã hội khinh miệt ruồng bỏ. trong khi 3 giai cấp trên cộng lại chỉ chiếm tỷ lệ 50% dân số, thì giai cáp Thủ đà la chiếm 50% dân số còn lại, Họ làm lụng cực khổ suốt đời nhưng vẫn không đủ cơm ăn áo mặc; sống trong những túp lều tạm bợ; không được đi học; bệnh tật không có thuốc uống; chết không có hòm chôn… Từ đời tổ tiên cho đến đời cháu, chắt, chút, chít… mãi mãi không bao giờ vươn lên thoát khỏi cảnh đời khốn khổ của giai cấp Thủ đà la.

Trong bối cảnh xã hội phân chia giai cấp cùng cực ấy đã làm nổi bật lên sự bất hạnh của con người trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Đó là nguyên nhân khơi dậy lòng bi mẫn của Thái tử Tất Đạt Đa, khiến Ngài quyết định hy sinh tất cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ và những thú vui trần thế để sống đời khất sĩ đi tìm chân lý kiếp nhân sinh qua 5 năm học đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày đêm thiền định.

Ngài đã đi đến tận cùng con đường lý tưởng của mình và đã thành công vang dội khi đạt đến chỗ giác ngộ toàn diện mọi chân lý vũ trụ và nhân sinh. Ngài đã hiến tặng trọn cuộc đời 49 năm để đi khắp nơi thuyết giảng những chân lý do Ngài khám phá giúp cho nhân loại thực hành nhằm đi tới chỗ giác ngộ, giải thoát, an vui, không còn đau khổ nữa.

Trong lịch sử nhân loại chưa có bậc vĩ nhân nào sánh được với Đức Phật về tầm vóc vĩ đại của lý tưởng Ngài chọn và về sự thành công trong việc theo đuổi và thực hiện đến cùng lý tưởng cao đẹp của mình.

Ly Tuong Gia Dinh Phat Tu La Gi 2

LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ LÀ GÌ?

Là đoàn viên GĐPT, không ai trong chúng ta không biết về mục đích của tổ chức GĐPT là “… đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội” Để hoàn thành mục đích của tổ chức, người huynh trưởng phải nỗ lực hoàn thành ba việc lớn có ý nghĩa lợi ích thiết thực cho bản thân , cho đạo pháp và cho xã hội:

  • Một là tự tu  học và hướng dẫn đoàn sinh tu học để trở thành người Phật tử chân chánh, tức là hạng người có giá trị về mặt tài năng và đạo đức trong xã hội, là những công dân gương mẫu của đất nước Việt Nam.
  • Hai là đem đạo đức và tài năng của mình ra phụng sự đạo pháp, tức là làm cho Phật pháp chân chánh phát triển rực rỡ không giới hạn không gian, thời gian,
  • Ba là cống hiến cho xã hội những giá trị mà mình có được do tu tập nhiều năm theo Phật pháp, nghĩa là góp phần xây dựng một xã hội đạo đức an vui, đem trí tuệ và hạnh tinh tấn ra xây dựng xã hội ấm no hạnh phúc.

Ba việc lớn nêu trên có mang ý nghĩa cao quý không ? – Có !

Ba việc lớn trên đây có đem lợi ích cho nhân quần xã hội không ? – Có !

Hoàn thành tốt đẹp ba việc trên đây tức là chu toàn Lý tưởng Gia Đình Phật Tử rồi vậy.

(Xin đón xem tiếp phần 2)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.