Người Phật Tử chân chánh (Kỳ 4)

LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

BÀI 2
NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH (kỳ 4)
(tiếp theo kỳ trước)

Trong bài viết kỳ 3, chúng ta đã xác đĩnh bốn tiêu chí của người tu Nhơn thừa :

  • Một: quy y Ba Ngôi Báu và thọ trì Năm Giới
  • Hai: thường xuyên học Phật để mở mang trí tuệ
  • Ba: xa lìa các hình thức mê tín
  • Bốn: lấy đạo đức bản thân làm thước do kết quả tu tập.

Chúng tôi đã trình bày tiêu chí thứ nhất là “Quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới” trong bài viết trước. Nay xin tiếp tục trình bày tiêu chí thứ hai : Thường xuyên học Phật.

HÀNH TRÌNH CỦA CỖ XE NHƠN THỪA

1)Quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới : (đã trình bày lần trước)

2)Thường xuyên học Phật :

Người Cư sĩ Phật tữ không phải là người “tu chuyên nghiệp” nên việc học Phật khác với người xuất gia. Chúng ta học Phật trong những giờ rảnh rỗi sau khi đã đã hoàn thành các bổn phận trong ngày. Tùy theo hoàn cảnh mỗi người mà giờ giấc rảnh rỗi khác nhau, nhưng thường thì vào buổi tối là thuận tiện nhất. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tranh thủ vào buổi nghỉ trưa lên mạng You Tube nghe các bài thuyết giảng của những vị giảng sư mà ta yêu thích.

Riêng đối với đoàn viên Gia Đình Phật Tử (GĐPT) thì giờ giấc tu học được ấn định vào buổi chiều chủ nhật hằng tuần, lồng ghép vào chương trình buổi sinh hoạt thường lệ của một đơn vị GĐPT.Nguoi Phat Tu Chan Chanh Ky 4 1

a- Vì sao người Cư sĩ Phật tử phải học Phật ?

Ở các tôn giáo khác, người tín đồ không cần phải học, phải tu gì cả, hoặc có chăng là chỉ phải học để gìn giữ một số giáo điều nhằm duy trì sự tôn kính vô điều kiện đối với thần thánh của họ, hoặc để thực hành một số luân lý trong đời sống theo quan điểm đạo của họ.

Các tôn giáo ngoài đạo Phật dạy tín đồ của họ chỉ biết cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Trước và sau khi ăn phải cầu nguyện;  trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy: cầu nguyện; gặp điều khổ đau hay sung sướng: cầu nguyện… Trong một ngày cầu nguyện càng nhiều càng tốt. Tín đồ chỉ cần cầu nguyện, còn mọi việc khác hãy để cho thần thánh định đoạt.

Tóm lại, họ chỉ cần đức tin, cầu nguyện và tôn vinh thần thánh của họ. Ngoài ra họ không cần mất công tốn sức học và tu những thứ giáo lý “rắc rối, khó hiểu” nào cả.

Trong khi đó, Đức Phật Thích Ca, người sáng lập ra đạo Phật, dạy hàng Phật tử rằng: “Ta không phải là thần thánh có khả năng ban phước giáng họa cho bất cứ ai. Ta chỉ là người giác ngộ ra con đường thoát khổ và chỉ lại cho các người…”

Một lần khác, Đức Phật dạy: “Các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Rồi Phật lại động viên các đệ tử “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”.

Lần khác nữa, Đức Phật nhắc lại : “Ta chỉ là thầy thuốc cho thuốc để trị bệnh khổ. Ai chịu uống thuốc thì hết bệnh khổ; ai không chịu uống thuốc thì bệnh khổ còn mãi”.

Tóm lại, người Phật tử tin vào Phật là tin vào lời Phật dạy có công năng trị được “bệnh khổ” của nhân loại nếu nhân loại chịu học và hành theo lời Phật dạy, chứ không phải tin vào Phật như một vị thần có khả năng ban phước giáng họa như tín đồ các tôn giáo khác tin vào thần thánh của đạo họ.

Vì bởi niềm tin của người Phật tử là như vậy cho nên hễ ai chấp nhận làm Phật tử, chấp nhận đi theo con đường thoát khổ của đạo Phật thì phải chấp nhận nỗ lực học Phật tu thân với niềm tin rằng “Học và tu nhiều thì bớt khổ nhiều, học và tu ít thì bớt khổ ít, không học và tu thì còn khổ mãi”

Bởi vậy, muốn làm người Phật tử chân chánh thì phải nỗ lực học và tu theo lời Phật dạy. Không thể cầu nguyện Phật cho mình bớt khổ thêm vui được.

Cũng chính vì điều này mà đạo Phật ít tín đồ hơn các đạo khác, đồng thời trong nội bộ tín đồ đạo Phật cũng có ít Phật tử chân chánh lắm. Nói như vậy để thấy rằng: làm người Phật tử chân chánh là rất khó

b- Người Cư sĩ Phật tử học những gì trong kho tàng giáo lý Phật Đà ?

Kho tàng giáo lý đạo Phật rất là phong phú và thâm sâu. Nền giáo lý ấy đề cập đến mọi vấn đề về vũ trụ và nhân sinh, nếu một người để dành cả cuộc đời cũng không thể thâm nhập cho hết kho tàng Phật pháp. Vì vậy, người Cư sĩ chỉ nên học và tu theo những giáo lý cơ bản , nhất là những bài giáo lý mà Phật thuyêt giảng riêng cho hàng Cư sĩ. Những bài giáo lý này, chúng ta tìm trong các tác phẩm do Thầy Nhật Từ biên soạn, có đăng trên trang Website Đạo Phật Ngày Nay.

Nguoi Phat Tu Chan Chanh Ky 4 2

Anh chị em đoàn viên Gia Đình Phật Tử may mắn được Chư Thầy Tổ soạn cho một chương trình tu học hết sức khoa học, phù hợp với đời sống cư sĩ. Chương trình tu học GĐPT đào luyện thanh, thiếu, đồng niên

-Khi còn là đoàn sinh ngành Đồng, các em học theo chương trình bốn bậc : Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng, Tung bay. Chương trình tu học ngành Đồng thiên về phương pháp huân tập nên nhẹ nhàng không quá nhiều lý thuyết. Các em hoàn tất chương trình này trong bốn năm.

-Khi lên ngành Thiếu, các em được học theo chương trình bốn bậc ngành Thiếu : Hướng thiện, Sơ thiện, Trung thiện, Chánh thiện. Chương trình này bắt đầu tập cho các em về phương pháp lý giải và hoạt động, dỉ nhiên vẫn còn áp dụng phương pháp huân tập. Các em hoàn tất chương trình này trong bốn năm.

-Sau khi hoàn tất chương trình tu học ngành Thiếu, đến tuổi 18 trở lên, nếu các anh chị không đủ điều kiện làm huynh trưởng thì tiếp tục làm đoàn sinh ngành Thanh và tu học theo chương trình tu học ngành Thanh gồm bốn bậc: Hòa, Minh, Kiến, Trực. Mỗi bậc học trong 3 năm. Hoàn tất chương trình này trong 12 năm.

-Sau khi học xong chương trình ngành Thiếu, đến tuổi 18 trở lên anh chị nào quyết tâm theo đuổi lý tưởng GĐPT, nguyện đem cả cuộc đời mình phụng sự Đạo pháp thi học theo chương trình tu học huynh trưởng cũng gồm bốn bậc :

+Bậc Kiên:  học 1 năm

+Bậc Trì:     học 2 năm

+Bậc Định:  học 3 năm

+Bậc Lực:    học 4 năm

Hoàn tất bốn bậc học của huynh trưởng trong 10 năm.

Như vậy, một đoàn viên GĐPT từ khi bước vào sinh hoạt cho đến khi học xong bậc cuối cùng của người huynh trưởng phải mất thời gian là :

+Ngành Đồng:      4 năm

+Ngành Thiếu:      4 năm

+Huynh trưởng:    10 năm

Tổng cộng là…     18 năm

Tuy nhiên, trên đây chỉ mới là lý thuyết để biên soạn chương trình tu học của GĐPT. Còn trên thực tế thì người Cư sĩ Phật tử phải học và hành (tu) theo lời Phật dạy suốt cả cuộc đời. không phút giây nào ngơi nghỉ.

Sau đây là những giáo lý căn bản mà một đoàn viên GĐPT phải học suốt 18 năm và dành trọn cuộc đời thực hành các giáo lý ấy:

  1. Lịch sử Đức Phật Thích Ca: học lịch sử Đức Phật để hiểu Phật là ai, Phật có phải là vị thần ban phúc giáng họa như giáo chủ các tôn giáo khác không ? Con đường đi đến quả vị Phật có khả thi đối với con người không? Có xác định được những vấn đề này tức là chúng ta đã có Chánh Tín khi bước vào đạo Phật.
  2. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam : học lịch sử PGVN để tăng trưởng niềm tin vào Phật giáo và định hướng con đượng học Phật tu thân của chúng ta theo đúng tinh thần PGVN chứ không phải Phật giáo của dân tộc nào khác.
  3. Những giáo lý căn bản của đạo làm người : những giáo lý ấy gồm có : Bốn trọng ân, Bốn pháp thu phục lòng người (Tứ nhiếp pháp), Bốn pháp chuyên cần (Tứ chánh cần), Năm Giới của người tại gia , Năm dức hạnh cao quý làm người, Sáu pháp hòa kỉnh, Tám con đường chân chánh, Mười điều thiện, Kinh Thiện Sanh v.v…
  4. Những giáo lý căn bản làm nên vũ trụ quan, nhân sinh quan Phật giáo: Trung đạo, Tội và phước, Bốn chân lý vi diệu (Tứ Đế), Nhân duyên, Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Năm uẩn,
  5. Những giáo lý định hướng cho việc tu học của người Phật tử : Bát quan trai giới, Tứ Niệm Xứ, Văn-Tu-Tư, Giới-Định-Tuệ, Thực hành Chánh niệm (Thiền), Nhân Minh học,
  6. Những tấm gương hộ pháp vĩ đại trong nước và trên thế giới : vua A Dục (Ấn Độ), vua Lương Võ Đế (Trung Hoa), Thánh Đức Thái Tử (Nhật Bản) , Pháp sư Huyền Trang (Trung Hoa), Vạn Hạnh Thiền sư (Việt Nam), Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Cư sĩ Tuệ Trung Thượng sĩ,  Tâm Minh Lê Đình Thám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Nguyễn Hữu Kha, Thích Quảng Đức v.v…

Tóm lại, những giáo lý mà người tu Nhơn Thừa cần học và hành là những giáo lý nhập thế có liên quan mật thiết tới cuộc sống hằng ngày của người cư sĩ Phật tử, chứ không phải những giáo lý xuất thế gian chỉ dành cho các bậc xuất gia.

Đoàn viên GĐPT, ngoài việc tu học theo chương trình của GĐPT, cũng cần tìm đọc thêm nhiều sách Phật học bên ngoài, đồng thời rất nên nghe các bài thuyết giảng của các vị giảng sư nổ tiếng có rất nhiều trên mạng You Tube. Điều này sẽ làm phong phú thêm cho nền tảng Phật học của chúng ta, từ đo giúp cho tư duy người học Phật càng rộng đường suy luận, không bị vướng mắc vào tà kiến, biên kiến, giới cấm thủ kiến… dẫn đến việc thực hành lời Phật dạy trong cuộc sống thêm phần kết quả.

XIN LƯU Ý : có những giáo lý mà người Cư sĩ Phật tử không nên học vì nó không phù hợp với hoàn cảnh và khả năng chúng ta. Nếu ta cố học cũng không đem lại kết quả gì mà còn gây ra hậu quả tiêu cực cho con đường tu Nhơn thừa . Những giáo lý đó là : triết học Tánh Không (hệ thống Kinh Bát Nhã), Duy Thức học, Tịnh Độ (niệm Phật nhất tâm bất loạn – Niệm Phật cầu vãng sanh), Tổ Sư Thiền và các phương pháp Thiền có tính chất cao siêu huyền bí khác, giáo lý Phật giáo Mật tông Tây Tạng v.v… (chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở bài sau)

(Đón xem tiếp kỳ sau: Tiếp tục hành trình cỗ xe Nhơn Thừa)

Tâm Pháp.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.