Làm Rõ Một Số Hiểu Lầm Về Cuộc Vận Động “Xây Dựng Đơn Vị Vững Mạnh” tại GĐPT Kiên Giang

G

Cuộc vận động thi đua “Xây dựng Đơn Vị Vững Mạnh tại cơ sở” (gọi tắt là Đơn Vị Vững Mạnh) lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Kiên Giang vào năm 2013. Đây là một sản phẩm tâm huyết của cố Huynh trưởng cấp Dũng Minh Kim Quách Thành nhằm tạo định hướng cho các đơn vị tại tỉnh Kiên Giang xây dựng và phát triển theo đúng nội quy Gia Đình Phật Tử.

Trải qua 10 năm triển khai, Đơn Vị Vững Mạnh giờ đã là một hoạt động thường niên không còn xa lạ gì đối với Huynh trưởng trong tỉnh. Từ những tiêu chí ban đầu, trải qua các lần sửa đổi, cải tiến hàng năm, đến nay có thể coi Kế hoạch xây dựng Đơn Vị Vững Mạnh là “kim chỉ nam” để các đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch sinh hoạt, tu học hàng năm.

Tuy rằng đã qua một thời gian dài như vậy nhưng khi triển khai hàng năm, vẫn con đâu đó những ý kiến, hiểu lầm về “Đơn Vị Vững Mạnh”. Từ đó khiến cho việc xây dựng thiếu hiệu quả mà bản thân cuộc vận động này lại trở thành gánh nặng cho ban Huynh trưởng đơn vị.

Nhân hội nghị tổng kết hôm nay và trước khi triển khai kế hoạch Đơn Vị Vững Mạnh năm 2024, anh chị em hãy cùng nhau làm rõ một số hiểu lầm phổ biến tồn tại trong lòng chúng ta lâu nay…

1. Đơn Vị Vững Mạnh là một cuộc thi giữa các đơn vị:

Chính vì cho rằng đây là một cuộc thi đua giữa các đơn vị nên mới sinh ra sự so sánh điểm số ngay trong buổi chấm điểm khảo sát. Để rồi chỉ vì hơn kém nhau 1, 2 điểm mà anh chị em chúng ta không tiếc công “bươi móc” lỗi của các đơn vị khác để trừ điểm…

Thực tế, cuộc thi đua Đơn Vị Vững Mạnh hoàn toàn không căn cứ vào sự hơn kém điểm số giữa các đơn vị mà đánh giá đơn vị A là Đơn Vị Vững Mạnh hay đơn vị B là Đơn vị khá.

Trong kế hoạch xây dựng Đơn Vị Vững Mạnh hàng năm đều có ghi rõ tiêu chí này:

  1. Đơn Vị Vững Mạnh Xuất Sắc ( đạt từ 90 – 100% số điểm tối đa )
  2. Đơn Vị Vững Mạnh (đạt từ 75 – 89% số điểm tối đa )
  3. Đơn Vị Khá ( đạt từ 65 – 74% số điểm tối đa)
  4. Đơn vị trung bình ( đạt từ 50 – 64 % số điểm tối đa)
  5. Đơn vị yếu ( đạt dưới 50% số điểm tối đa)

Nói cho dễ hiểu thì tiêu chí này tương tự như việc xếp loại học sinh trong trường học: Nếu tổng kết cuối năm em đạt từ 9.0 trở lên thì được xếp loại xuất sắc, từ 8.0 thì được xếp loại giỏi…

Như vậy, việc đạt danh hiệu Đơn Vị Vững Mạnh hay Đơn vị khá hoàn toàn phụ thuộc vào điểm tổng kết hàng năm của đơn vị chứ không chịu ảnh hưởng của đơn vị khác.

Chính vì thế mà hằng năm, tổng kết thi đua Đơn Vị Vững Mạnh luôn tìm được nhiều hơn 1 đơn vị đạt danh hiệu Đơn Vị Vững Mạnh.

Hoá giải được hiểu lầm này thì thay vì tranh giành 1,2 điểm, các đơn vị cần chú trọng hơn vào nhưng tiêu chí chưa đạt của đơn vị mình để khắc phục. Có như vậy kết quả năm tới mới có thể cao hơn năm nay.

2. Đơn Vị Vững Mạnh là một cuộc thi:

Đây là hiểu lầm phổ biến nhất và lâu đời nhất trong các đơn vị.

Vì xem đây là một cuộc thi nên vô hình trung, Đơn Vị Vững Mạnh trở thành áp lực đè nặng lên vai Ban Huynh trưởng đơn vị.

Để rồi, khi đến lượt khảo sát đơn vị tìm mọi cách đối phó từ viết khống sổ sách, nộp báo cáo, kế hoạch khống để có điểm. Khi đoàn khảo sát đi qua, mọi thứ loại đâu vào đó.

Có thể các đơn vị đó sẽ đạt được danh hiệu Đơn Vị Vững Mạnh trong một hoặc hai kỳ nhưng tấm giấy chứng nhận Đơn Vị Vững Mạnh cuối cùng cũng chỉ như tấm lụa đẹp đẽ quấn lên mình con hình nhân. Nếu không có nội tại thì cũng là cái xác không hồn mà thôi.

Và rồi tình trạng đó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại hàng năm. Năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành một áp lực lên toàn ban Huynh trưởng. Đó là áp lực về điểm số, áp lực về thứ hạng…

Đã từng có những đơn vị muốn rút khỏi cuộc thi đơn vị vững mạnh vì cảm thấy quá mệt mỏi khi phải chuẩn bị quá nhiều thứ để đón đoàn khảo sát.

Thực ra, các tiêu chí trong cuộc thi Đơn Vị Vững Mạnh rất đa dạng. Có những tiêu chí trong ngắn hạn, thậm chí là hiển nhiên (vd: Huynh trưởng đi họp đúng kỳ, nộp báo cáo đầy đủ, có kế hoạch sinh hoạt…), cũng có những tiêu chí cần xây dựng trong thời gian dài (vd: tiêu chí về số lượng đoàn sinh, tiêu chí về kiến thức…). Các tiêu chí này giao thoa, ràng buộc lẫn nhau để tạo thành tấm lưới vững chắc cho hoạt động của đơn vị.

Để hoàn thiện hết toàn bộ các tiêu chí thi đua không chỉ mất một vài tháng mà có khi một vài năm. Tuy nhiên một khi đã xây dựng được nền móng vững chãi rồi thì các năm tiếp theo chúng ta không cần phải lo lắng hay mệt mỏi để chuẩn bị nữa. Lúc đó, việc tham gia Đơn Vị Vững Mạnh cũng thong dong như người rảnh tay giữa chợ.

Nói tóm lại, nếu năm nay đơn vị chưa đạt thì chúng ta hãy rút kinh nghiệm để xây dựng đơn vị tốt hơn vào năm tới chứ đừng nên vì một chút thành tích trước mắt mà cố đối phó để rồi bị phản tác dụng.

3. Người khảo sát là vị “quan thanh tra”:

Đây là hiểu lầm xuất hiện ở cả Huynh trưởng được cử đi khảo sát lẫn một số đơn vị được khảo sát.

Do tự coi mình là ông quan thanh tra nên khi đến đơn vị khảo sát vị Huynh trưởng đó lại hạch sách, bươi móc đủ điều. Thậm chí tự mình “chế” ra các quy định mới để thể hiện “quan uy” với đơn vị.

Tất nhiên với một tổ chức lấy tình thương làm gốc như Gia Đình Phật Tử, cái “quan uy” đó chẳng những không làm đơn vị kính sợ mà ngược lại còn khiến cho Huynh trưởng đơn vị bức xúc, dẫn đến những cự cãi, tranh luận không tốt giữa các bên. Hai chữ “Lục Hoà” cũng vì vậy mà xứt mẻ.

Xin các anh chị hãy luôn tâm niệm rằng, việc đi khảo sát là để ghi nhận chính xác nhất hiện trạng của đơn vị: đạt được những gì? Thiếu sót những gì? Để rồi đóng góp để ban Huynh trưởng rút kinh nghiệm và xây dựng đơn vị mình.

Còn nhớ những năm đầu của cuộc thi Đơn Vị Vững Mạnh; khi đó đoàn khảo sát chỉ gồm: chị Diệu Thiện, anh Minh Kim và anh Minh Trọng. Cuối mỗi buổi khảo sát, đoàn giám khảo đều họp cùng Ban Huynh trưởng để chỉ ra những thiếu sót của đơn vị và cả cách khắc phục để đi lên. Những anh chị đi trước không cần ra uy mà ai cũng kính, không cần vỗ về mà ai cũng thương…

Người đi sau xin lấy anh chị làm gương để giữ tình Lam ngày thêm khăng khít. Đừng để sau một buổi khảo sát mà đơn vị và Huynh trưởng khảo sát trở mặt thành người dưng…

4. “Mình mạnh tự mình biết”:

Nói về tư tưởng “mình mạnh tự mình biết”. Đây là tư tưởng một thời lan rộng trong các đơn vị.

Chính vì mang tư tưởng này mà một số đơn vị không quan tâm đến các tiêu chí cuộc thi Đơn Vị Vững Mạnh mà chỉ sinh hoạt theo cảm tính.

Ở đây, tôi không bàn đến việc đơn vị có thực sự mạnh hay không. Ở đây chỉ bàn rằng tư tưởng “mình mạnh tự mình biết” là một tư tưởng cực kỳ độc hại.

Lật lại câu chuyện lịch sử, chính vì tự cho rằng mình là một quốc gia hùng cường mà nước Đại Nam thực hiện chính sách bế quan toả cảng, tự chia cắt mình với phần còn lại của thế giới. Kết quả là chỉ sau vài chục năm, đất nước Đại Nam hùng cường đó đã không chịu nổi trước súng ống, tàu chiến của Pháp mà phải cắt từng mảnh đất máu thịt ra cầu hoà để rồi biến mình thành một thuộc địa.

Tương tự như vậy, nếu các anh chị cứ mang tư tưởng “mình mạnh tự mình hay” thì khác gì người mù cầm đèn đi trong đêm tối? Cứ dương dương tự đắc mà không hay ngọn đèn đã tắt tự khi nào…

Thang đo giá trị mỗi người mỗi khác; việc đánh giá đơn vị dựa vào cảm tính cá nhân mang nặng sự yêu, ghét của mỗi người cũng khiến kết quả trở thành sai lầm.

Việc đánh giá đơn vị mạnh hay không phải dựa trên quy chuẩn chung của tập thể. Có như vậy mới chính xác và thuyết phục. Thực tế thời gian đã chứng minh những đơn vị nào từng tự đắc với tư tưởng “mình mạnh tự mình hay” thì nay đều là những đơn vị yếu. Yếu thật sự chứ không chỉ yếu ở mặt danh hiệu. Xin các anh chị nhớ lại lời dạy của Hoà thượng Minh Châu rằng: “Cái gì là lõi của cây, cái ấy sẽ tồn tại và phát triển!”

Đừng bài xích Đơn Vị Vững Mạnh; nếu đơn vị thật sự là một đơn vị mạnh rồi thì cuộc thi này cũng như “thêu hoa trên gấm”, làm tăng giá trị của đơn vị mà thôi… Nhược bằng đơn vị của chúng ta thật sự không mạnh như tưởng tượng, thì Đơn Vị Vững Mạnh sẽ chỉ ra những điểm còn thiếu sót để khắc phục.

5. “Cùi không sợ lở”:

Một tư tưởng khác cũng xuất hiện trong các đơn vị, tạm gọi là “cùi không sợ lở”.

Đây là tình trạng xuất hiện khi các đơn vị mới hoặc các đơn vị đang yếu dần. Nhận thấy kết quả thi đua của đơn vị mình khó đạt được danh hiệu Đơn Vị Vững Mạnh, các anh chị liền buông xuôi, thả nổi để việc sinh hoạt tới đâu thì tới. Ban Huynh trưởng đơn vị chẳng màng lên kế hoạch sinh hoạt, không màng họp ban Huynh trưởng hay ghi chép sổ sách để theo dõi, đối với kế hoạch cắm trại, dã ngoại lại càng không có hứng thú. Buổi sinh hoạt của các đơn vị này chỉ là một cái vòng lặp của những việc như: lễ Phật – chào cờ – học Phật pháp – học HĐTN – chơi trò chơi… Với tương lai đơn vị còn không màng thì các anh chị đó còn màng chi tới các tiêu chí thi đua Đơn Vị Vững Mạnh?

Cứ như vậy, đơn vị biến thành những bông lục bình trôi lênh đênh, vô định. Dẫu bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu tiềm lực để phát triển đơn vị cũng lần lượt trôi đi mất. Đơn vị từ chỗ không mạnh rồi từng bước, từng bước một trở thành đơn vị yếu trong tỉnh.

Một người bệnh khi biết rõ căn bệnh của mình thì sẽ tìm thầy bốc thuốc hay cứ mặc kệ cơn bệnh hoành hành rồi chết? Câu hỏi này xin dành phần cho các anh chị vậy!

Kết luận:

Các tiêu chí trong cuộc thi đua xây dựng Đơn vị Vững mạnh là những việc làm cần thiết để đưa Gia đình tiến bộ mọi mặt. Đây không phải là trò chơi theo kiểu Game Show trên các đài truyền hình. Mà đây là bài học kinh nghiệm của các huynh trưởng tiền bối đã được đúc kết và áp dụng thành công tại các đơn vị GĐPT trong cả nước.

Nếu bạn xem cuộc thi đua xây dựng Đơn Vị Vững Mạnh là một gameshow thì thái độ tham gia cuộc thi của bạn sẽ không tích cực, và đơn vị bạn sẽ không bao giờ vững mạnh thật sự.

Nếu bạn thấy rằng cuộc thi đua xây dựng Đơn Vị Vững Mạnh là một bài học huấn luyện thiết thực quý giá được các huynh trưởng dàn anh đúc kết và truyền trao lại cho các huynh trưởng đàn em đi sau thực hành thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử thì bạn sẽ trân trọng cuộc thi và tham gia với một thái độ tích cực và với tinh thần hy sinh cống hiến vì tổ chức Áo Lam.

Được vậy, không sớm thì muộn, đơn vị chắc chắn sẽ là Đơn Vị Vững Mạnh.

Đấy là bạn cùng toàn ban huynh trưởng đơn vị của bạn đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Gia Đình Phật Tử Việt Nam vậy.

HT


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 10 năm 2024
18
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Ất Mão
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
16
Tháng 09
Kiên Giang