Hình Ảnh Con Chuột Trong Lời Dạy Của Đức Phật

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

HỎI:

Kính thưa Ban Biên tập, nhân dịp Tết Canh Tý sắp đến, chúng em muốn biết trong giáo pháp của Đức Phật có câu chuyện nào mượn hình ảnh con chuột để minh họa cho lời dạy của Đức Phật không ? Nếu có, kính đề nghị Ban Biên tập sưu tầm và kể cho chúng em với.

Chúng Sen Vàng GĐPT Giác Lâm

TRẢ LỜI:

Các bạn Chúng Sen Vàng thân mến,

Hình ảnh con chuột được Đức Phật sử dụng khá nhiều trong các bài giảng của Ngài. Sau đây chúng tôi xin kể một số câu chuyện mà chúng tôi sưu tầm được. Bước sang năm mới, chúng tôi thân chúc các bạn một năm Canh Tý luôn tinh tấn trên đường Đạo cũng như trên đường Đời.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ nhất: Người hàng xóm khả ái

Một con chuột con lần đầu ra khỏi hang một mình đi dạo chơi trong sân trang trại. Chú đi trong khoảng thời gian tàn nửa cây nhang thì trở về, hào hễn nói với mẹ:

“Trong lúc dạo chơi, con trông thấy một bác đi bằng hai chân, đội một chiếc mũ đỏ rất lạ lùng, bàn chân của bác có 4 ngón, mỗi ngón đều có vuốt nhọn, ngoài ra bác còn mang thêm một lưỡi kiếm sắc bén dưới cổ chân trông rất khiếp. Chưa hết, mỗi lần bác vỗ đôi cánh và cất tiếng kêu to và dài đến điếc cả tai. Con sợ quá không dám lại gần.

Kế đó con gặp một cô có bốn chân, hình dáng cô hơi giống nhưng lại to lớn hơn cả mẹ. Cô có cặp mắt nhung mơ huyền và một chiếc mũi màu hồng xinh xắn, dáng đi cô thật uyển chuyển và giọng nói của cô ngọt ngào làm sao. Cô hỏi con đi đâu và có muốn đến nhà cô chơi không. Con rất muốn đến nhà cô nhưng bị bác đội mũ đỏ kia cãn đường nên không dám đi, con hẹn với cô lần khác sẽ đến nhà cô chơi. Người hàng xóm dễ thương đó là ai vật mẹ?”

Chuột mẹ nghe xong, bảo chuột con: “Ôi, may mắn cho con. Cái bác có hình dạng dữ dằn làm con sợ ấy thật ra không nguy hiểm với loài chuột nhà mình vì bác ấy là Gà trống. Còn cái cô ra vẻ nhu mì hiền đức đó chính là con Mèo, nó ăn thịt không biết bao nhiêu chú bác cô dì của con rồi đấy. Sau này con có gặp cô ấy thì phải chạy cho thật xa nghe không!”

Sau khi kể câu chuyện, Đức Phật dạy: Đừng vội vàng tin vào những gì mình vừa mới thấy, mà hãy thận trọng tìm hiểu cho kỹ rồi hãy tin

Câu chuyện thứ hai : Chuột ăn nội tạng mèo

Kinh Tạp A Hàm kể câu chuyện sau :

Có một con mèo tham ăn háo đói rình chuột tại của hang. Lát sau chuột chạy ra, mèo vố lấy nuốt trửng. Con chuột bị nuốt trộng vô bụng mèo nên vẫn còn sống. Nó liền cắn nát nội tạng mèo khiến cho mèo đau đớn mà chết, còn chuột thì thoát thân ra ngoài.

Kể xong câu chuyện, Đức Phật dạy: con mèo ví cho hạng người ngu si, không giữ chánh niệm, khởi tâm tham dục để rồi bị chính tham ái đốt cháy tâm can mà chịu nhiều đau khổ.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ ba: Chuột do tham ăn mà chết

Kinh Xuất Diệu thuật câu chuyện sau :

Có ông trưởng giả dự trữ nhiều bơ sữa trong các chiếc bình. Những chiếc bình này được chế tác theo hình dáng bụng to cổ thắt. Trong đó có một chiếc bình đậy nắp không kín, bị một con chuột chui vào ở hẳn trong đó. Hằng ngày nó ăn bơ sữa trong bình , dần dần thân mình nó to lớn đến độ không thể chui ra khỏi chiếc bình cổ thắt đó. Khi bơ sữa trong bình không còn nữa, con chuột chết đói trong chiếc bình.

Kể xong câu chuyện, Đức Phật dạy: Những người phóng dật, tạo nhiều tội lỗi ngày này qua ngày nọ cuối cùng sẽ chết bỏi tội lỗi đó.

Câu chuyện thứ tư: Bốn loại chuột

Trong Kinh Hằng Thủy, Đức Phật nói có bốn loại chuột :

  1. Chuột sống trên nóc nhà
  2. Chuột sống trong nhà
  3. Chuột sống ngoài đồng ruộng
  4. Chuột sống dưới cống rảnh

Loại chuột sống nơi nào thì suốt đời chỉ ở nơi đó chứ không thể đồi sang sống nơi khác.

Rồi, Đức Phật dạy rằng: Đệ tử Phật, kể cả xuất gia và tại gia cũng có bốn hạng giống như vậy:

  1. Người tu hạnh chân thật, có nếp sống thanh cao, đó là các bậc A-la-hán
  2. Người đạo đức, tinh tấn tu học, đó là các bậc Độc giác Phật
  3. Người học Phật đến nơi đến chốn, nắm vững toàn bộ chân lý Phật dạy thực hành Bồ tát đạo
  4. Người đệ tử Phật trên danh nghĩa, trên hình tướng mà không có những phẩm chất của 3 hạng đệ tử trên

Lưu ý: Trong bài kinh này, Đức Phật không đem con chuột để ví với người tu, Ngài chỉ mượn hình ảnh bốn loại chuột để liên tưởng đến bốn hạng đệ tử với bốn tính cách khác nhau.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ năm: Chuột cứu người

Kinh Luật Dị Tướng kể về câu chuyện này như sau:

Ngoại thành Tỳ Xá Ly có một con chuột rừng làm ổ trong một cái lổ to trên một cành cây cổ thụ, hằng ngày nó ăn những rau củ quả trong rừng và sống một cuộc sống an nhàn của loài chuột.

Một hôm, vua Tỳ Xá Ly dẫn đoàn mỹ nữ vào rừng dạo chơi. Sau bữa ăn trưa, nhà vua nằm ngủ dưới gốc cây ấy, còn các mỹ nữ thì tụm năm tụm ba chơi đùa gần đấy.

Có một con rắn độc ở trong hang dưới gốc cây đánh hơi thấy mùi rượu thịt, bèn bò ra định cắn nhà vua. Nhà vua ngủ say không hay biết gì, nhưng con chuột rừng vốn ngày thường hay cảnh giác với loài rắn, nó nhìn thấy con rắn bò ra liền kêu lên “Chít! Chít!” khiến nhà vua tỉnh dậy ngó quanh tìm kiến. Con rắn vội lẩn vào hang.

Nhà vua lại nằm xuống ngủ tiếp. Lát sau, con rắn lại bò ra, con chuột lại kêu “Chít! Chít!” lần nữa làm cho vua tỉnh giấc, và con rắn lại lẩn vào hang. Đến lần thứ ba, mọi việc lại diễn tiến như trước nhưng lấn này nhà vua đã nhận ra mọi việc nên la thất thanh khiến bầy mỹ nữ xúm lại. Sau khi nói rõ sự việc, vua ra lệnh hồi cung.

Sau khi về cung, vua hồi tưởng lại câu chuyện trong rừng và hiểu rằng nhờ con chuột rừng báo động mà mình tránh bị rắn cắn. Ngài suy nghĩ tìm cách trả ơn cứu mạng của chuột.

Tại khu rừng ấy có một ngôi làng với vài chục nhà dân, trưởng làng là ông Ca-lan-dà, một trưởng giả giàu có. Một hôm, vua Tỳ Xá Ly đến làng hội họp tất cả dân làng lại và công bố hai việc:

Một, kể từ nay đặt tên làng là làng Ca-lan-Đà

Hai, chu cấp hằng tháng cho làng một số ngân khoản cố định để dân làng bảo vệ loài chuột rừng tại đây, không được đánh bẫy hoặc săn bắt ăn thịt loài chuột này.

Nhờ đó, dân làng Ca-lan-đà đươc sống cuộc sống no đủ, còn loài chuột rừng hưởng cảnh thái bình không còn bị săn bắt như trước.

Nhân câu chuyện này Đức Phật dạy: Tôn trọng sự sống muôn loài là giải pháp bảo vệ môi trường lâu dài và hiệu quả nhất.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ sáu: Bỏn xẻn tái sinh làm rắn làm chuột

Kinh Tiền thân Đức Phật kể câu chuyện như sau:

Có hai người ở cùng làng cùng xóm và cùng có tánh bỏn xẻn giống nhau. Họ mua gian bán lận, lừa gạt mọi người, thâu tóm tiền bạc, vòng vàng châu báu không biết là bao. Cả đời họ không bao giờ giúp đỡ ai một đồng xu nào. Vàng bạc châu báu nhiều quá không biết xài sao cho hết, họ bèn để vào cái chum sành chôn cất tại nơi bí mật chỉ có họ biết.

Sau khi mệnh chung, cả hai người tái sinh thành một con rắn và một con chuột cái. Rắn và chuột vẫn còn tiếc kho báu nên đào hang bên cạnh ngày đêm canh giữ không để ai đào lấy. Năm đó cả làng bị bão lũ tơi bời. Rắn và chuột đành phải bỏ của cứu lấy mạng sống. Chúng chạy lên đồi cao, tìm đến một am thất nơi đó có một vị ẩn sĩ đang tu hạnh đầu đà. Vì lòng từ bi, vị ẩn sĩ chấp nhận cho cả hai ở lại nơi am thất, nhó đó mà chúng được an toàn sau trận lũ trong khi đồng loại của chúng chết như rạ.

Sống bên cạnh vị ẩn sĩ một thời gian, rắn và chuột vơi dần tính bỏn xẻn và bắt đầu biết đến tội-phước là gì. Một hôm, cả hai nói với vị ẩn sĩ muôn tặng cho Ngài số châu báu của chúng để đền ơn cứu mạng. Ban đầu, vị ẩn sĩ không nhận, nhưng về sau Ngài suy nghĩ nên dùng của cải ấy cứu giúp người nghèo thay vì để chôn vùi mãi mãi dưới lòng đất. Từ đó rắn và chuột dẫn vị ẩn sĩ đến nơi chôn vàng. Vị ẩn sĩ dùng số vàng ấy làm biết bao việc từ thiện cho dân nghèo, còn rắn và chuột sống hết tuổi thọ của chúng rồi theo nghiệp tái sinh.

Nhân câu chuyện này, Đức Phật dạy: Đệ tử Phật luôn tu tập hạnh từ bi và từ bỏ tánh tham lam bỏn xẻn.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ bảy: Một tiền kiếp của La Hầu La

Phật giáo Bắc tông thường phát triển các giáo lý Đại thừa nhằm mục đích chuyên chở ý nghĩa sâu sắc những lời Phật dạy. Một trong những tác phẩm văn học Phật giáo Đại thừa kể lại câu chuyện như sau:

Thái tử Tất Đạt Đa có ý muốn xuất gia. Vua Tịnh Phạn vì muốn giữ chân thái tử ở lại nên gấp rút cưới Công chúa Da Du Đà La cho chàng. Hai năm sau ngày cưới Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng cung đi xuất gia. Theo sách này viết thì Thái tử đi xuất gia có sự đồng thuận và sự sắp xếp của Công chúa Da Du Đa La. Đặc biệt là vào lúc này hoàng tử La Hầu La chưa ra đời, mặc dù Da Du Đà La đã mang thai.

Cũng theo tác phẩm này viết rằng: sáu năm sau ngày Tất Đạt Đa đi xuất gia thì Da Du Đà La mới sinh La Hầu La. Chính sự chậm ra đời đên sáu năm của La Hầu La đã trở thành nỗi oan khiên nan giải cho Da Du Đà La, vì trong triều đình ai cũng cho rằng nàng đã ngoại tình trong thời gian Tất Đa Đa đi xuất gia.

Để giải thích cho việc La Hầu La phải chịu giam hãm trong bào thai mẹ đến 6 năm, sách viết rằng: Vào một tiền kiếp, La Hầu La là một người chuyên đi bắt chuột đồng để bán cho người chế biến thành các món ăn. Trước khi đem ra chợ bán, La Hầu La đã nhốt chuột trong những cái lồng sắt chật chội khiến chuột chết rất nhiều. Vì vậy kiếp này La Hầu La phải chịu quả báo bị giam hãm trong bào thai chật chội đến sáu năm.

Còn Da Du Đà La chịu án oan, phải bị đem thiêu sống trên giàn hỏa. Nhưng vì lòng trong trắng của nàng nên chư Thiên đã cứu nàng không bị chết cháy. Triều đình chứng kiến Da Du Đà La không bị lửa thiêu chết nên cỡi bỏ nỗi oan và phục hồi danh dự cho nàng.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ tám: Làm giàu từ xác chuột chết

Truyện Tiền thân Đức Phật có kể câu chuyện:

Vào một tiền kiếp, bậc Đạo sư là một triệu phú dạy người khác các phương pháp làm giàu. Ông thường giả dạng một người tầm thường đi khắp nơi tìm người hữu duyên để dạy họ cách làm giàu. Một hôm ông đến khu nhà nghèo, trông thấy nhiều chuột chết. Ông triệu phú nói với họ: “Những xác chuột này nếu biết tận dụng cũng có thể làm giàu”. Mọi người không tin, nhưng trong số họ có một người thông minh, nghe lời khuyên của triệu phú, anh đem xác chuột đến bán cho một nhà giàu nuôi nhiêu mèo và được một số tiền nhỏ. Với tiền bán xác chuột, anh theo lời khuyên của ông triệu phú, mua được ít mật đường, anh mang đên tặng cho những người nông phu. Những người nông phu tặng lại anh rất nhiều cây hoa đẹp. Triệu phú khuyên anh đem hoa đến bán cho các nhà giàu đang chuẩn bị tổ chức một lễ hội tôn giáo. Số hoa ấy mang lại cho anh số tiền kha khá. Triệu phú khuyên anh mang số tiền ấy đến đầu tư vào việc cải tạo nguồn nước cho thành phố. Nhờ dịch vụ cung cấp nước sạch cho dân trong thành phố, dần dần anh trở nên giàu có và có địa vị quan trọng trong thành phố.

Ý nghĩa câu chuyện: Đức Phật dạy ta phải biết “tich tiểu thành đại” và có ý chí vươn lên từ những việc nhỏ, không cam chịu sống mãi trong nghèo đói.

Câu chuyện thứ chín: Con chuột vàng

Kinh Bách Dụ kể câu chuyện sau:

Một người đang đi trên đường bỗng trông thấy một con chuột lông vàng rất đẹp liền bắt lấy định đem về nhà nuôi làm cảnh . Đến một con sông nhỏ, ông ôm con chuột lội qua sông. Tới giữa sông bỗng con chuột biến thành rắn. Ông không sợ vì cứ tin đấy là con chuột lông vàng (niềm tin vững chắc). Khi đã qua sông lên bờ, nhìn lại thì thấy con rắn đã biến thành một khối vàng ròng. Ông mang vàng về cất lại ngôi nhà đẹp và bố thí cho người nghèo.

Có người biết chuyện, bắt chước ông đi theo đúng con đường ông đã đi với ý mong cầu được vàng như ông. Người ấy cũng bắt được một con chuột lông vàng, cũng lội qua sông, con chuột cũng biến thành rắn, người ấy hoảng sợ định quăng bỏ con rắn thì liền bị rắn cắn chết ngay.

Ý nghĩa câu chuyện dạy: Tham lam mong cầu thái quá thường không được toại nguyện

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Câu chuyện thứ mười: Chuột trắng chuột đen

Kinh Đại Tập kể câu chuyện sau:

Một người tử tù vượt ngục chạy vào rừng, tưởng đã thoát không ngờ lại bị 2 con voi rượt chạy thục mạng. Trông thấy phía trước có một cái giếng, cạnh giếng có một cây đa cổ thụ mọc, rễ đa lòng thòng trên miệng giếng. Anh ta liền bám lấy rễ đa tuột dần xuống giếng để tránh sự truy đuổi của đôi voi.

Nhìn xuống đáy giếng, anh thấy có 5 con rắn đang phun lửa như muốn nướng chín mình như một con khô. Anh ta ngó lên miệng giếng thì thấy 2 con chuột một trắng một đen đang hối hả gậm nhấm sợi rễ đa mà anh đang bám lấy.

Trong cơn nguy hiểm “thập tử nhất sanh” ấy, anh chợt phát hiện ngay chỗ anh, từ thành giếng có một dây nho mọc ra mang nhiều trái nho chín mọng. Lập tức anh quên đi tình cảnh nguy hiểm của mình, mà để hết tâm trí vào việc hái những trái nho chin mọng cho vào miệng ăn ngon lành. Mãi lo thưởng thức nho, anh không còn nhớ rằng chỉ không lâu nữa đây, sợi rễ cây mà anh đang bám sẽ bị 2 con chuột một trắng một đen kia cắn đứt, và anh sẽ rơi thẳng xuống đáy giếng làm mồi ngon cho 5 con rắn đang phun lửa dưới kia.

Với câu chuyện này, bậc Đạo Sư muốn dạy chúng ta:

  • Tất cả chúng ta đều mang một bản án của NGHIỆP như người tử tù kia
  • 2 con voi là ẩn dụ cho THIỆN và ÁC trong đời sống
  • 5 con rắn tượng trưng cho NGŨ UẨN lúc nào cũng đe dọa làm khổ con người
  • Sợi rễ cây chính là THỌ MẠNG của mỗi người
  • 2 con chuột tượng trưng cho NGÀY và ĐÊM (thời gian)
  • Chùm nho là ẩn dụ cho TÀI, SẮC, DANH, THỰC, THÙY, những thứ mà ai cũng mê đắm (chỉ trừ những người có TU mới biết hạn chế tham đắm chúng)

Thân ái chào và chúc các bạn lãnh hội được ý nghĩa lời Phật dạy qua 10 câu chuyện về CHUỘT trên đây.

BAN BIÊN TẬP

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.