“Đạo Nào Cũng Tốt” ( ? ) Những Đặc Điểm Quý Báu Của Đạo Phật (tt)

G

Đặc điểm thứ IV: Đạo Phật là tôn giáo trí tuệ

Mục đích của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát. Toàn bộ nền giáo lý của Phật là nhằm hai mục tiêu:

1-Chỉ cho con người thấy rõ các nỗi khổ và nguyên nhân của khổ (giác ngộ)

2-Dạy cho con người các phương pháp để thoát ra khỏi những nỗi khổ đó (giải thoát)

-Muốn giác ngộ chân lý, đòi hỏi người tu Phật phải có căn cơ trí tuệ, phải  thực tập, trau dồi và rèn luyện trí tuệ suốt đời

-Muốn giải thoát cho mình, đòi hỏi người tu Phật phải nỗ lực, tinh tấn và dũng mãnh

Đạo Phật không có chỗ cho đức tin mù quáng, không có chỗ cho thói ỷ lại vào thần thánh và không có chỗ cho sự lễ bái cầu khấn thần linh. Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã tha thiết nhắn nhủ các đệ tử có mặt, cũng là nhắn nhủ cho các thế hệ Phật tử đời sau : “Các người hãy nương tựa chính mình, đừng nương tựa vào ai khác. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” (Kinh Đại Bát Niết Bàn)

Đây là đặc điểm quý báu thứ tư của đạo Phật mà không một tôn giáo nào khác có được.

Đặc điểm thứ V: Đạo Phật đứng ngoài mọi hoạt động chính trị phe phái.

Đạo Phật đề cao một nền chính trị theo “Vương đạo”. Trong rất nhiều bài kinh thuyết cho hàng vua chúa, Đức Phật thường chỉ ra 10 đức tính của người lãnh đạo quốc gia. 10 đức tính đó là :

1.Quảng đại, từ bi

2.Giữ gìn 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu

3.Hy sinh vì hạnh phúc của dân

4.Liêm chính, thành thực

5.Dịu dàng, hòa ái

6.Sống giản dị, tri túc

7.Không ganh ghét, thù hận

8.Không sử dụng bạo lực

9.Vị tha, kiên nhẫn, thông cảm với dân

10.Không độc tài, khắc nghiệt với dân.

Tuy nhiên, đạo Phật luôn đứng ngoài mọi tranh chấp của thứ chính trị phe phái mà các sử gia thường gọi là chính trị “Bá đạo” . Đạo Phật không tập hợp tín đồ cho đông nhằm tạo ra lực lượng quần chúng phục vụ cho bất cứ mưu đồ chính trị nào. Đạo Phật không dựa dẫm vào một thế lực chính trị nào để phát triển đạo mình. Đạo Phật không tham gia bất cứ cuộc bầu cử nào để có được các vị trí trong bộ máy chánh quyền (ngoại trừ trường hợp tham gia công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm như thời Đinh, Lê, Lý, Trần và thời chống Pháp, chống Mỹ. Trong những trường hợp như thế, nhà sư liền trở về với đời sống tu hành sau khi kháng chiến thành công, mà không tham đắm vào danh lợi do chính trị mang lại).

Đặc điểm thứ năm này nói lên tính chất cao quý của Phật giáo, luôn chọn vị trí đứng ngoài các cuộc tranh chấp của các phe phái chính trị, nguồn gốc của nội loạn, ly tán, khổ đau và bất hạnh.

Đặc điểm thứ VI : Đạo Phật luôn trung thành với lợi ích của dân tộc.

Trong lịch sử trên 2.500 năm của mình, đạo Phật chưa bao giờ  đi ngược lại lợi ích của dân tộc nơi quốc gia mà đạo Phật đang có mặt. Điển hình như tại Việt Nam, Phật giáo thời Đinh, Lê, Lý, Trần luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh vui buồn. Các tu sĩ Phật giáo luôn có mặt trong đoàn nghĩa quân kháng chiến chống ngoại xâm. Người Phật tử khắp mọi miền đất nước thường cưu mang, nuôi giấu nghĩa binh và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân, góp phần đánh thắng biết bao đoàn quân thiện chiến nước ngoài. Vua Lý Thái Tổ xuất thân là một tu sĩ Phật giáo, đã lãnh đạo toàn dân mở ra một thời kỳ thịnh trị cho quốc gia Đại Cồ Việt.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tăng Ni và Phật tử vẫn là một thành phần quan trọng trong hàng ngũ kháng chiến, tiêu biểu là phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” của Tăng, Ni trong giai đoạn 1945-1950 trên cả ba miền đất nước ta.

Người Phật tử, dù ở quốc gia nào, cũng không bao giờ vì lợi ích của đạo mà phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân, tiếp tay cho thực dân, đế quốc bên ngoài đến xâm lăng đất nước mình.

Đặc điểm thứ VII: Đạo Phật là tôn giáo của tình thương và hòa bình

Từ Bi là đức tính căn bản của những người tu Phật. Tăng, Ni và Phật tử có thể còn thiếu những đức tính nào khác nhưng không thể thiếu đức Từ Bi. Vì vậy, trong lịch sử đạo Phật suốt hơn 2.500 năm qua, Phật giáo chưa hề gây chiến tranh với tôn giáo nào. Chưa hề có một trường hợp nào nhân danh Đức Phật để đi gây đau khổ cho con người. Dù cho có rất nhiều giai đoạn lịch sử Phật giáo nơi này nơi khác đã từng bị các tôn giáo khác dựa vào sức mạnh quân xâm lược mà tàn sát, ngược đãi, tiêu diệt, nhưng toàn thể Phật tử tại quốc gia đó vẫn trung thành với hạnh Từ Bi mà nhẫn nhục chịu đựng kiếp nạn với tâm quảng đại tha thứ, lấy ân báo oán.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã rất nhiều lần chặn đứng chiến tranh giữa các nước, giúp cho nhân dân các nước ấy được sống trong hòa bình thịnh vượng. Một trong những trường hợp đấy được kể lại trong bài kinh Bảy Pháp sau đây:

“Một lần nọ, quốc vương xứ Ma Kiệt Đà là A Xà Thế muốn chinh phục xứ Bạc Kỳ để mở mang vương quốc mình. Vua sai đại thần Vũ Xá đến thỉnh ý Phật về việc chinh phục này. Đức Phật rất tế nhị, Ngài không trực tiếp trả lời các câu hỏi của nhà vua. Ngài gián tiếp trả lời bằng cách hỏi tôn giả A Nan về tình hình xứ Bạc Kỳ bằng bảy câu hỏi như sau:

“Này A Nan,

-Dân xứ Bạc Kỳ có hội họp thường không ?

-Dân Bạc Kỳ có đoàn kết khi hội họp, đoàn kết khi giải tán và đoàn kết khi làm việc không?

-Dân Bạc Kỳ có sống đúng với truyền thống của dân tộc và tôn trọng những luật pháp đã được ban hành từ thời xưa không?

-Dân Bạc Kỳ có tôn trọng những bậc trưởng lão trong nước và nghe theo lời dạy của những vị này không?

-Dân Bạc Kỳ có cưỡng ép những thiếu nữ và phụ nữ bắt họ phải sống chung với mình không?

-Dân Bạc Kỳ có thường xuyên dâng lễ ở các nơi thờ tự không?

-Dân Bạc Kỳ có tôn kính và bảo vệ các bậc A-la-hán khiến các vị ấy tìm đến ở trong xứ để xứ sở được an lạc không?”

Sau khi nghe tôn giả A Nan trả lời rằng dân xứ Bạc Kỳ có thực hiện bảy pháp này rất tốt đẹp, Đức Phật kết luận: “Thế thì dân xứ Bạc Kỳ sẽ phú cường, không ai có thể chinh phục được”

Bằng cách đó, Đức Phật đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh xâm lược của Ma Kiệt Đà nhắm vào xứ Bạc Kỳ”.

Vua A Xà Thế (ảnh minh họa)

Bảy pháp trên đây có thể tóm tắt bằng danh từ thời đại hôm nay cho dễ hiểu

  • Sinh hoạt dân chủ
  • Đoàn kết dân tộc
  • Nguyên tắc pháp trị
  • Sự hòa hợp các thế hệ
  • Tôn trọng phụ nữ
  • Tôn trọng các tín ngưỡng
  • Ưu đãi các bậc minh triết

Đức Phật thường dạy : “Chiến thắng ngàn quân giặc không bằng chiến thắng chính mình” (Pháp Cú 103)

Hay:

“Thắng trận sanh thù oán
Bại trận nếm khổ đau
Ai bỏ thắng, bỏ bại
Tịch tịnh, hưởng an lạc”

(Kinh Tương Ưng )

Chính vì đặc điểm quý báu này của Phật giáo đã góp phần gìn giữ hòa bình cho nhân loại nên trong phiên họp khoán đại của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 15 tháng 12 năm 1999, hơn 100 quốc gia hội viên LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết chọn ngày Vesak (Phật đản) là ngày lễ chính thức của LHQ với ý nghĩa tôn vinh đạo Phật là tôn giáo hòa bình của nhân loại.

Qua bảy đặc điểm quý báu của Phật giáo mà chúng ta vừa đề cập cho thấy đạo Phật có một giá trị đặc biệt mà không có tôn giáo nào có được. Những giá trí ấy là :

1.Chánh tín : Không nô lệ vào thần thánh, mỗi người là chủ nhân của đời mình

2.Khoa học : Ngày nay, khi mà niềm tin vào Thượng Đế đã bị lung lay tận gốc rể, thì những giáo lý của đạo Phật ngày càng sáng ngời, hấp dẫn bởi tính  khoa học của chúng.

3.Cao thượng : Vượt lên khỏi những cuộc ganh đua tầm thường của các tôn giáo, nguốn gốc của các cuộc chiến tranh tôn giáo

4.Trí tuệ : Đạo Phật là đạo của Bi-Trí-Dũng. Đạo Phật không phải là đạo mê tín.

5.Minh triết : vượt ra khỏi phe phái chính trị, nguồn gốc của mọi mâu thuẩn, tranh chấp, bất ổn và đau khổ.

6.Yêu nước : Phật giáo không bao giờ vì lợi ích của đạo mà phản bội lại quốc gia, dân tộc

7.Hòa bình : Với đức Từ -Bi-Hỷ-Xả và với nếp sống Trung Đạo, Phật giáo là hiện thân cho ý chí hòa bình của nhân loại.

Trên đây chỉ là bảy trong muôn ngàn giá trị mà đạo Phật đem đến cho nhân loại. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy được những giá trị chân thật của đạo Phật. Vì vậy mà trong suốt 2.000 năm có mặt tại Việt Nam, đạo Phật đã nhiều phen bị hiểu lầm, bị phân biệt đối xử, bị chèn ép bởi những thế lực chính trị, thậm chí bị cả những tôn giáo khác dựa vào các thế lực chính trị mà làm suy yếu đạo Phật bằng nhiều thủ đoạn.

Nhưng, đau nhất vẫn là tệ nạn “Người Phật tử mà không hiểu gì về đạo Phật”. Từ đó, Phật tử chúng ta vô tình trở thành những con “trùng sư tử” đục khoét thân thể Phật giáo, làm cho Phật giáo suy tàn, vô tình tiếp tay cho các thế lực “bài Phật giáo” đạt được những điều họ mong muốn nhưng họ chưa làm được.

Thí dụ :

1.Nói đạo Phật không nô lệ thần thánh, nhưng trên thực tế người ta vẫn thấy Phật tử lễ bái, cầu khấn đủ hạng thần linh.

2.Nói đạo Phật là đạo khoa học, nhưng hằng ngày vẫn thấy Phật tử mê tín vào những điều hoang đường như: đốt vàng mã cho người chết, vay tiền Bà Chúa Xứ để làm ăn phát tài, tin vào việc cúng sao giải hạn, bói toán, xem ngày tốt xấu…

3.Nói đạo Phật cao thượng, nhưng trong sinh hoạt các chùa vẫn thấy cảnh người giàu đến chùa được tiếp đón ân cần niềm nỡ hơn người nghèo. Bên cạnh đó, một bộ phận tăng, ni vẫn sống dung tục làm xấu đi bộ mặt của đạo Phật.

4.Nói đạo Phật trí tuệ mà sao vẫn còn nhiều Phật tử tin rằng người sắp chết cứ đưa vào chùa nghe niệm Phật bảo đảm sẽ được vãng sanh Cực Lạc ?

5.Nói đạo Phật minh triết mà sao vẫn còn nhiều vị ham mê làm chính trị, tự ứng cử vào Hội đồng Nhân dân khiến cho Giáo hội địa phương phải nhọc lòng xử lý nội bộ ?

6.Nói đạo Phật yêu nước mà sao vẫn có chùa sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay?

7.Nói đạo Phật là đạo hòa bình mà sao vẫn còn nhiều Phật tử cay cú, hận thù, phân biệt “Giáo hội truyền thống” với “Giáo hội quốc doanh”, tự gây cảnh “Nồi da xáo thịt” trong nội bộ Phật giáo suốt hơn 40 năm qua ?

Chúng tôi viết bài này với lòng mong mỏi:

-Một là, giáo dục hàng Huynh trưởng trẻ biết về giá trị của đạo Phật gốc, từ đó tránh xa những hình thức biến tướng của đạo Phật để sự tu của anh chị em, dù nhiều hay ít, cũng có được kết quả.

Đồng thời giúp cho các anh chị em có lập trường vững chắc, không dễ duôi và hời hợt trong suy nghĩ để bị rơi vào bẫy hôn nhân hoặc bị dụ dỗ bằng vật chất mà cải sang đạo khác.

-Hai là, dóng lên hồi chuông báo động về hiện trạng sinh hoạt của đạo Phật hiện nay, mong rằng toàn thể Phật tử chung ta cùng nhau chung tay sửa đổi dần cho đúng với bản chất tốt đẹp của đạo Phật.

Trong khi cả thế giới hô hào tôn vinh các giá trị của đạo Phật, thì một bộ phận Phật tử chúng ta lại vô tình tự làm xấu đi bộ mặt Phật giáo, tự đánh mất đi các giá trị của đạo chúng ta. Tội lỗi này, ai là người phải chịu trước Đức Từ Phụ Thích Ca ?

-Ba là, để cho mọi người, Phật tử hay không là Phật tử, đều hiểu rõ giá trị và sự khác biệt của đạo Phật với các đạo khác, để không còn nhận định mơ hồ rằng : “Đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng như đạo nào”

MINH ĐẠO


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang