Băng Reo – Tiếng Reo

G

LỜI NÓI ĐẦU

Băng reo, tiếng reo là lời nói, lời hát, tiếng động, điệu bộ của một tập thể được làm đồng loạt, nhịp nhàng. Nhiều lúc băng reo được sử dụng như một quảng cáo ngắn gọn để gây sự chú ý với đám đông.

Với ý nghĩa như vậy, băng reo, tiếng reo có thể được tạo thành bởi:

  • Nhiều loại âm thanh hợp lại
  • Một số câu nói hài hước, kích động vui nhộn
  • Một bài hát ngắn có ý nghĩa
  • Những khẩu hiệu ghép lại
  • Những tiếng động trong thiên nhiên v.v…

Có nhiều loại tiếng reo nhưng cơ bản có bốn loại thường gặp:

  • Vỗ tay
  • Nói
  • Hát
  • Điệu bộ

Song, loại nào cũng cần phải đúng nhịp điệu.

Người ta có thể tạo ra nhiều loại băng reo, tiếng reo nhưng muốn nó thành công thì phải có các điều kiện sau:

  • Giản dị
  • Dễ làm
  • Vui mạnh
  • Ý nghĩa

Âm thanh nào cũng có thể trở thành băng reo, tiếng reo vui, hấp dẫn. Ở đây, vấn đề quan trọng thuộc về người điều khiển (hay quản trò)

Băng reo, tiếng reo có những công dụng thiết thực như sau:

1 – Để kích thích tinh thần tập thể hăng say hơn:

Ví dụ: Người điều khiển (NĐK): Ơ này anh em ơi!

Cử tọa (CT): Ơi!

NĐK: Một cây làm chẳng nên non

CT: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Tất cả: Dô hò, dô hò là hò dô ta, dô ta!

2-Để kêu gọi tinh thần truyền thống:

Ví dụ:  NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:   Bi-Trí-Dũng

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:  Hòa-Tin-Vui

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:  Đoàn kết-Đoàn kết

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT: Bi-Trí-Dũng, Hòa-Tin-Vui, Đoàn kết-Đoàn kết

3-Để kết thúc một tiết mục vui:

Ví dụ:  NĐK: Ai vui vẻ?

CT:   Tôi

NĐK: Ai lịch sự?

CT:   Tôi

NĐK: Ai buồn cười?

CT:  Tôi

NĐK: Ai vui vẻ, lịch sự, buồn cười?

CT:  Chúng ta 

4-Để tán dương khen thưởng:

Ví dụ:  NĐK: Bravi – Bravo – Bravo

CT:  Huri – Huro – Huro – Viva

(Tiếng Viva kéo dài tới khi nào NĐK bỏ tay xuống thì tất cả dậm chân hô lớn La Sô Noia!)

5-Để chào mừng:

Ví dụ:  Tất cả vỗ tay theo nhịp 1, 2, 3, 4, 5 Hoan (nói to)

Tất cả vỗ tay theo nhịp 1, 2, 3, 4, 5

Tất cả vỗ tay theo nhịp 1, 2, 3, 4, 5 Hoan Hô (3 lần)

6-Để tỏ tình đoàn kết:

Ví dụ:  NĐK chỉ một em Đồng nam

CT:  Đồng nam gắng

NĐK chỉ một em Thiều nữ

CT:  Thiếu nữ hòa

NĐK: Đồng nam, Thiếu nữ

CT:   Chị em một nhà

Băng reo, tiếng reo còn nhiều công dụng khác, nhưng người chơi phải biết áp dụng tùy lúc, tùy nơi và tùy hoàn cảnh. Đặc biệt tùy theo khả năng sáng tác và điều hành của NĐK.

Chúng tôi đã sưu tầm và sáng tác được một số băng reo, xin chia sẻ với anh chị em huynh trưởng để áp dụng vào sinh hoạt GĐPT. Mong rằng ACE thường xuyên thục hành trong mỗi buổi sinh hoạt, ngoài ra ACE có thể sáng chế thêm nhiều băng reo khác dựa vào các mẫu băng reo trong tập sách này để cho băng reo ngày càng phong phú hơn.

Thân chúc các bạn thành công.

Minh Kim
(Ủy viên Tu thư BHD.GĐPT.TW)

Băng reo Chào mừng,
Làm quen, Khen tặng, Chia tay

1.CHÀO MỪNG ANH

(Bài hát Mừng Anh Mới Tới – số 30 tập I)

 NĐK : Anh chị em ơi!

CT :    Ơi!

NĐK : Tay trái đâu (đưa tay trái ra phía trước)

CT :    Đây (tất cả cùng đưa tay trái ra)

NĐK : Tay phải đâu (đưa tay phải ra phía trước)

CT :    Đây (tất cả cùng đưa tay phải ra)

Tất cả : Mừng anh mừng anh mới tới (vỗ tay )

Tới đây ghé thăm Gia đình (vỗ tay)

Lòng em hân hoan vui thay khi trông thấy anh cười thật tươi (2 tay giơ cao, huơ qua huơ lại)

Ối ối giời giời! Mặt anh giống như mặt trời (2 tay kết vòng tròn trên đầu, nghiêng người qua lại)

Lòng em hân hoan vui thay khi trông thấy anh cười thật tươi. Ối ối giời giời! ( 2 tay bắt chéo trước ngực, nghiêng người qua lại . Hát vừa dứt vỗ tay liên hồi)

2.CHÀO MỪNG CHỊ

( Hát bài Chị Đoàn Em- Số 32, tập I)

NĐK: Anh chị em ơi!

CT :   Ơi

Tất cả: Chị đoàn em nghiêm trang đã đến kia rồi (vỗ tay)

Dáng đi hiền lành nụ cười trên môi (vỗ tay)

Với tà áo Lam tâm hồn trong sáng ( 2 tay chống nạnh,

chân phải đá sang trái, chân trái đá sang phải)

Đem hương Đạo vàng đến cho đoàn em (như trên)

Chị em hy sinh không sờn mưa nắng ( 2 tay giơ cao huơ qua huơ lại)

Xây đời đẹp tươi với bao nguồn vui (như trên)

Chị thương yêu em không bờ không bến ( 2 tay bắt chéo trước ngực, nghiêng người qua lại)

Noi gương sáng Ngài phụng sự đoàn em (như trên – Hát vừa dứt vỗ tay liên hồi)

3.MỜI BẠN VÀO CHƠI

(Hát bài Kính Mời, số 27 tập I) 

NĐK: Anh chị em ơi!

CT :    Ơi!

NĐK:  Chúng ta có mặt đầy đủ chưa?

CT:     Chưa

NĐK : Vậy phải làm sao?

Tất cả:

Chúng em kính mời, mời anh chị em đến chơi

(Vừa hát vừa vỗ tay)

Chúng em kính mời chị anh lại đây ca hát ( -nt-)

Chúng em kính mời, mời anh chị em đến mau

(2 cánh tay đưa ra trước, lóng bàn tay hướng ra phía trước, 2 bàn tay ngoắc qua ngoắc lại)

Các anh đến rồi đoàn em mừng vui đón chào (Vỗ tay liên hồi)

4.MỘT SỐ TIẾNG REO KHEN THƯỞNG

4.1. Hay quá hay quá là hay

Xin thưởng cho tràng pháo tay (vỗ tay 3 cái)

Hay quá hay quá là hay

Xin thưởng cho một nụ cười (cười 3 tiếng)

4.2. Hay  là hay quá – Hay là hay ghê –

Hay không chỗ nào chê (vỗ tay 3 cái)

Hay là hay quá – Hay là hay ghê –

Hay không chê chỗ nào (vỗ tay 3 cái)

4.3       NĐK :   Hoan hô anh (chị, em…) này một cái, bà con ơi

Tất cả : vỗ tay 5 cái rồi hô to chữ H

vỗ tay 5 cái rồi hô to chữ O

vỗ tay 5 cái rồi hô to chữ A

vỗ tay 5 cái rồi hô to chữ N

vỗ tay 5 cái rồi hô to chữ H

vỗ tay 5 cái rồi hô to chữ Ô

Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô! 

4.4       NĐK:  Giờ chơi hôm nay có vui không, bà con?

CT :    Vui!

NĐK : Vậy, ta hãy hát lên nào!

Tất cả: Vui là vui là vui, chúng mình vui nhiều (vỗ tay)

(la sol  la sol  la,    đố        fa     sol   đồ)

Vui là vui là vui, chúng mình vui quá    (vỗ tay)

(sol fa sol fa  sol,    la        fa    la  đố )

Vui là vui là vui, chúng mình vui nhiều (vỗ tay)

(la sol  la sol  la,   đố        fa     sol   đồ)

Vui là vui là vui, chúng mình quá vui    (vỗ tay)

(sol fa sol fa  sol,    la       đồ    sol  fa )

  • Gồ ghê, gồ ghê, gồ ghê! (vỗ tay 3 cái)

Khen anh (cô, em…) Hai một cái bà con ơi (vỗ tay 3 cái)

Gồ ghê, gồ ghê, gồ ghê! (vỗ tay 3 cái)

Hãy vỗ tay khen anh Hai một chầu

(vỗ tay 3 cái + 3 cái + 5 cái – lặp lại lần thứ hai)

  • Hoan hô, hoan hô! Chúng ta cùng ca

À a á chung tôi phục anh rất nhiều

À a á chung tôi phục anh rất nhiều

5. HÁT CHIA TAY

(Xem tập 2 Tài liệu hỗ trợ dạy hát trong GĐPT

do Minh Kim biên soạn và nghe ca khúc trong CD2 đính kèm )

Ngoài bài Dây Thân Ái là bài hát chia tay truyền thống của GĐPT, chúng ta có thể sử dụng thêm những bài hát chia tay sau đây:

 5.1-PHÚT CHIA LY (bài 27 tập 2)

Rời tay phút chia ly – Bạn ơi vui ra đi – Bạn hỡi, vui đi

Gian khó ta không nề – Luôn nhớ nhau trong đời – Từ đây cách xa

5.2-TẠM BIỆT (bài số 47 tập 2)

Gặp nhau đây, rồi chia tay – Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây – Niềm hăng say còn chưa phai – Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy.

Còn trong ta tình bao la – Là tình Lam thắm bừng lên trong chúng ta – Người tuy xa, lòng không xa – Dặn lòng hãy nhớ Tình Lam chung một nhà.

5.3-CA TẠM BIỆT (bài 49, tập 2)

Vì đâu – anh em chúng ta – ngày nay sắp cùng – bùi ngùi xa cách – Cớ sao – ta không còn trông – rồi đây có ngày – mình còn gặp nhau – Cách nhau – nhưng ta hằng vui – vì nay biết sau – còn ngày sung sướng – Cách nhau – nhưng ta hằng mong – rồi đây có ngày – còn gặp lại nhau.

Chú ý : động tác khi hát 3 bài trên cũng giống như khi kết Dây Thân Ái

Băng reo khi tập họp vòng tròn
giao lưu, chơi trò chơi và Lửa trại 

1.VÒNG TRÒN BÍ ẨN

Tất cả cùng hát : bài Nối Vòng Tay Lớn (bài số 28-Tập 1)

NĐK đi đầu. Mọi người cùng đi theo sau. Người đi sau để 2 tay lên vai người trước. Vừa đi vừa hát cho đến khi vòng tròn ngưng chuyển động mới thôi.

NĐK không đi thành vòng tròn đơn giản, mà đi vào trung tâm vòng tròn rồi lộn trở ra, biến vòng tròn thành hai, ba lớp trông rất ngộ nghĩnh và buồn cười

-Được một lúc, NĐK dẫn dắt đoàn người đi thành vòng tròn bình thường rồi dừng lại

2.ĐOÀN KẾT

NĐK: Đoàn kết, đoàn kết !

CT :   Kết mấy, kết mấy?

NĐK: Đại đoàn kết, đại đoàn kết!

Tất cả: (hát một bài hát về quay vòng tròn và nắm tay đi

xung quanh NĐK)

3.AI KHÔNG VÔ THÌ RA

NĐK:  Ai không vô ?

CT :    Thì ra (nhảy ra)

NĐK:  Ai không ra ?

CT :    Thì vô (nhảy vô)

NĐK:  Vòng tròn (giớ hai tay lên cao kết hình vòng tròn)

CT :    Tròn, tròn, tròn (vỗ tay 3 cái)

(Bắt bài hát vui và nắm tay đi vòng tròn) 

4.THẮP ĐUỐC

NĐK : Anh em ơi! Đuốc đâu ?

CT :    Đuốc đây (đưa ngón trỏ tay trái lên)

NĐK : Đèn đâu?

CT :    Đèn đây! (đưa ngón  trỏ tay phải lên)

NĐK : Thắp duốc

CT :   Thắp duốc (2 đầu ngón trỏ phải và trái chạm vào nhau)

NĐK : Đuốc sáng

CT :    Đuốc sáng ( 5 ngón tay bàn tay trái bung ra)

NĐK : Châm vào củi

CT :    Châm vào củi (Chìa tay trái vào giữa vòng tròn)

NĐK : Bừng sáng lên

CT :    Bừng sáng lên (quỳ xuống, hai cánh tay vung lên cao như ngọn lửa đang bừng cháy)

NĐK : Sáng tràn lan

CT :    Huy hoàng! Huy hoàng! Huy hoàng! ( vừa reo vừa nhảy lên theo tiếng reo 3 lấn- Sau đó bắt đầu bài Nhảy Lửa) 

5.NHẢY LỬA

(Hát bài Nhảy Lửa số 13 và bài Hồn Lửa Thiêng số 14-Tập 2)

Mọi người đứng vòng tròn quanh đống lửa

NĐK:  Anh chị em ơi!

CT :    Ơi!

NĐK: Đốt lửa lên nào!

Tất cả:  (Hát và múa bài Nhảy Lửa)

Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung

(Vừa vỗ tay vừa bước vô, cuối câu hát làm động tác quăng củi vô  đống lửa)

Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng

(Vỗ tay và đi lùi trở ra)

Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng trông khói xanh gió đưa bốc cao (nắm tay nhau đi về phía phải)

Cùng cầm tay vang lừng ta chúc lửa thêm sáng tươi xua tan bóng đêm (vẫn nắm tay, đi về phía trái)

Anh em ta đùa vui ca hát (nắm tay di vào- cuối câu giơ tay lên cao)

Hát cho đời vui vui thật vui (đi lui trở ra, vừa đi vừa hạ tay xuống)

Tiếp tục hát lời 2 bài hát và động tác múa y như trước:

Anh em ơi, ta hãy lắng tai nghe ngàn muôn tiếng vang

Trong đêm khuya trông ánh khói điểm tô rừng cây rõ ràng

Lên cho cao ngất bùng cao sáng bùng to nữa lên gió đưa bốc cao

Bùng bùng cao ngất bùng cao sáng bùng to nữa lên cao to nữa lên

Lên cho cao càng cao cao vút

Bốc lên nào cao cao thật cao

Liên tục điệu múa nhảy lửa, tất cả cùng hát và múa bài Hồn Lửa Thiêng:

 Lửa hồng cháy bừng tỏa hào quang

(Vỗ tay, bước đi vào, bước chân phải thì người nghiêng qua phải,

Bước chân trái thì người nghiêng qua trái- cuối câu đứng lại vỗ tay 3 cái)

Lửa hồng cháy bừng sáng rừng hoang

(Động tác như trên nhưng bước lùi ra – cuối câu vỗ tay 3 cái)

Đây hồn lửa thiêng vì sông núi  (Nắm tay nhau đi về bên phải)

Đây hồn lửa thiêng vì Chánh đạo (Nắm tay nhau đi về bên trái)

Ngàn xưa vang lên vạn lời ca

(nắm tay bước vào trong, từ từ giơ tay lên cao)

Hùng tiến bước chân từ bốn phương

(Bước lùi trở ra, từ từ hạ tay xuống)

Tiếp tục hát lời 2 – Động tác y như trước (chỉ khác câu kết)

Hỡi đoàn Áo Lam yêu lửa thiêng

Mau về siết tay ta cùng ca

Quây quần múa reo mừng trần thế

Không hờn oán nhau ta kết đoàn

Cầu xin lửa thiêng bừng bừng cháy

Cầu xin lửa thiêng bừng cháy cao

Câu kết: Cầu xin lửa thiêng bừng bừng cháy …

(Hai tay từ từ giơ cao, hai bàn tay lắc mạnh tạo hình ảnh ngọn lửa đang cháy)

6.TRỐNG VÀ CHUÔNG

 Chia mọi người ra làm 2 nhóm:

-Nhóm bên phải làm trống

-Nhóm bên trái làm chuông

NĐK giơ tay phải đánh trống thì nhóm bên phải kêu THÙNG!

NĐK giơ tay trái đánh chuông thì nhóm bên trái kêu BENG!

Trống và Chuông phải kêu theo nhịp đánh nhanh hay chậm của NĐK

(Có thể biến đổi thành: Chó và Mèo ;  Gà và Vịt vân vân…) 

7.HAI CON THẰN LẰN CON

 Đứng vòng tròn

NĐK : Các bạn ơi!

CT :    Ơi!

NĐK : Con gì đang bò trên tường ?

CT :    Con thằn lằn

NĐK : Con của thằn lằn gọi là gì?

CT :    Là thằn lằn con!

NĐK : Các bạn có biết bài “2 con thằn lằn con” không?

CT :    Biết!

NĐK : Vậy ta hãy hát lên nào!

Tất cả :

Hai con thằn lằn con đuổi nhau cắn, cắn nhau đứt đuôi

(Giơ tay phải và chân phải lên rồi để xuống, kế đó giơ tay trái và chân trái lên, bắt chước động tác con thằn lằn

đang bò trên tường)

Cha thằn lằn buồn hiu, gọi chúng đến mới mắng cho

(Đứng lại, hai bàn tay đưa ngang đầu, giơ 2 ngón trỏ lên lúc lắc như đang dạy dỗ ai)

Hai con thằn lằn con đuôi thì to nhưng đã cụt rồi

(Hai tay chà vào mông của mình)

Ôi đớn đau quá trời, chúng khóc la tơi bời – Trời ơi!

(Dậm chân, khóc mếu máo, lấy tay quẹt nước mắt)

8. BƯỚM VÀNG

NĐK : Bướm đâu, bướm đâu?

CT :    Bướm đây, bướm đây ( 2 tay xòe ra, vẫy nhẹ )

NĐK : Bướm bay lên cao

CT : Bướm bay lên cao (vẫy cánh, nhón gót, rướn người lên)

NĐK : Bướm bay xuống tháp

CT :    Bướm bay xuống thấp ( rùn người xuống thấp)

NĐK : Bướm bay sang phải

CT :    Bướm bay sang phải (xoay người sang phải)

NĐK : Bướm bay sang trái

CT :    Bướm bay sang trái (xoay người sang trái)

NĐK:  Kìa con bướm vàng!

Tất cả cùng hát : Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng – Xòe đôi cánh, xỏe đôi cánh – Bươm bướm bay đôi ba vòng, bươm bướm bay đôi ba vòng – Bên hàng bông, bên hàng bông (vừa hát vừa vẫy cánh, vừa bước từng bước về bên phải – Hát và múa lần thứ hai đi về bên trái)

9. CON VOI

(Bài số 48 tập 2 Bài hát GĐPT)

Kết vòng tròn

NĐK : Các bạn ơi! Nhìn xem con gì trên kia kìa!

CT :    Ồ!

Hát : Kìa nhìn xem trên kia có cái con chi to ghê

(Tay trái chống nạnh – Tay phải chỉ lên cao)

Trông cao lớn hơn xe hơi

(Vẫn động tác cũ nhưng đổi tay)

Đang lăn chiếc xe đi chơi

(Co 2 tay trước ngực, bàn tay nắm lại, làm động tác như bánh xe đang lăn – Chân chạy tại chỗ )

À thì ra con voi như vậy mà nghĩ ngợi hoài

(Giơ 2 ngón trỏ ngang đầu làm động tác như vừa hiểu ra Rồi gõ hai ngon tay vào đầu – Cái đầu gục gặc)

Đàng sau nó mang một cái đuôi và một cái đuôi trước

đầu (Khòm lưng xuống, cánh tay phải đưa ra sau làm đuôi, cánh tay trái đưa ra trước đầu làm vòi con voi-

Tất cả cùng bước đi )

 ( Hát bài số 24, tập 2 Bài hát GĐPT )

Kết vòng tròn, quay mặt theo chiều kim đồng hồ

NĐK : Anh chị em ơi!

CT :    Ơi!

NĐK : Xe hơi chúng ta đâu?

CT :    Xe hơi tôi đây

NĐK : Lên đường thôi

Tất cả hát :

Bí bo xình xịch, bí bo xình xịch

(chống nạnh hai tay, lắc mông qua lại)

Xe hơi đây, ai đi kia tránh ra

(Co 2 tay trước ngực, 2 bàn tay nắm lại – Quay tròn hai tay như bánh xe đang lăn – chân chạy tới)

Bí bo xình xịch, bí bo xình xịch – Có thấy không xe vô địch đây mà

(Lặp lại động tác như trên)

Xe này mua tận Hoa Kỳ – Đèn pha tay lài cái gì cũng mới toanh

(Đứng lại – Vỗ tay theo nhịp bài hát)

Khi no xe chạy rất nhanh

(Động tác như câu 2)

Lúc nào xe đói thì sinh khóc nhè

(Đang chạy dừng lại, ngồi bệt xuống đất, làm như đứa trẻ khóc nhè)

11. TẰNG GÔ Ố Ồ

(Tập họp vòng tròn)

NĐK: Tằng gô ố ồ

CT :   Tằng gô ố ồ

NĐK: Kun – ti pì kú – ná (Làm 1 động tác ngộ nghĩnh)

CT :    Kun – ti pì kú – ná (Làm theo động tác của NĐK)

NĐK:  Ồ ế à lê  (Chuyển qua 1 động tác khác )

CT :    Ồ ế à lê (Làm theo đúng động tác của NĐK)

NĐK:  Mà-lám-pa Ma-lồ-ghê (Chuyển qua 1 động tác khác)

CT :    Mà-lám-pa Ma-lồ-ghê (Làm theo động tác của NĐK)

(Làm nhiều lần với nhiều động tác khác nhau để gây cười)

 12.TẰNG GÔ Ố Ồ (Việt hóa)

NĐK: Bạn ơi hãy làm

CT :   Bạn ơi hãy làm

NĐK: Làm như thế này bạn nhé (Làm 1 động tác gì đó)

CT : Làm như thế này bạn nhé (Làm theo động tác của NĐK)

NĐK:  Đừng có làm sai  (Chuyển qua 1 động tác khác nửa)

CT :    Đừng có làm sai (Làm theo đúng động tác của NĐK)

NĐK:  Mà sẽ không vui bạn ơi (Chuyển qua 1 động tác khác)

CT :    Mà sẽ không vui bạn ơi (Làm theo động tác của NĐK)

Lưu ý: NĐK làm động tác càng khó, càng buồn cười sẽ càng vui.

 12.XẮC CÁI LỊ

 (Tập họp vòng tròn)

NĐK:  Các bạn đói bụng chưa ?

CT :    Đói!

NĐK:  Vậy chúng ta vào bếp nhé! Thớt đâu?

(đặt ngửa bàn tay trái ra trước mặt)

CT  :   Thớt đây! (Làm theo NĐK)

NĐK:  Dao đâu? (giơ bàn tay phải ra trước)

CT :    Dao đây! (làm theo NĐK)

Tất cả :

Xắc cái lị – xắc cái lị là xào xào xào

(làm động tác xắt đồ ăn trên thớt và xào đồ ăn trong chảo)

Púm cái lị – púm cái lị là pao pao

(Làm động tác đưa đồ ăn vào miệng và vỗ vào bụng)

Xắc cái lị là xào

(làm động tác xắt và xào)

Púm cái lị là pao

(làm động tác ăn và vỗ bụng)

Xắc cái lị – púm cái lị là xa xí pao

(làm 3 động tác: xắt + ăn + vỗ bụng 3 cái)

13.BÀI HÁT MẤT CHỮ

 (Ngồi vòng tròn hay ngồi theo bất cứ đội hình nào)

-Chọn một bài hát ngắn, vui – vừa hát vừa vỗ tay giữ nhịp

-Lần đầu tiên hát toàn bộ bài hát

-Lần thứ hai bỏ 1 từ cuối mỗi câu

-Lần thứ ba bỏ 2 từ cuối mỗi câu

-Lần thứ tư bỏ 3 từ cuối mỗi câu v.v…

-Cứ bỏ dần cho đến khi không còn từ nào để hát, nhưng vẫn

vỗ tay giữ được nhịp điệu bài hát

Ví dụ : bài “Hai Con Thằn Lằn Con”

Lần 1: Hai con thằn lằn con đuổi nhau cắn cắn nhau đứt đuôi

Lần 2: Hai con thằn lằn con đuổi nhau cắn cắn nhau đứt …

Lần 3: Hai con thằn lằn con đuổi nhau cắn cắn nhau …  …

Lần 4: Hai con thằn lằn con đuổi nhau cắn cắn …    …   …

Lần 5: Hai con thằn lằn con đuổi nhau cắn …   …    …   …

Hát cho tới không còn từ nào nữa.

14.NÀY BẠN VUI…

(Hát bài 26, tập 2 Bài hát GĐPT)

 Đứng vòng tròn

NĐK: Các bạn có muốn vui không?

CT:    Muôn!

NĐK: Vậy hãy hát và làm theo tôi!

Tất cả :

Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay (vỗ tay 2 cái)

Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay (vỗ tay 2 cái)

Này bạn vui mà muốn tỏ ra và lòng bạn nôn nao cho quanh đây biết Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay (vỗ tay 2 cái)

Hát lần 2: thay bằng “dậm đôi chân”

Hát lần 3: thay bằng “cười lên đi”  ( ha! ha!)

Hát lần 4: thay bằng “thì làm cả ba” (vỗ tay , dậm chân và cưới ha ha)

Vân vân… 

15. BAN KÈN HƠI

 Đứng vòng tròn

Tất cả: hát bài “Đội Kèn Tí Hon” :

Lời I:         Te  tò  te  đây  là  ban  kèn  hơi

(  Sol  rề  sol sol   rề  sol    rề    sol)

Tò  tò  tò  tò  te  có  anh  nào  muốn  chơi

( Rề  rề  rề  rề sol  sí    la    sol     sí       la)

Mau  vào  đây  bóp  cây kèn  te  tí

(La     sol    la     sí     la   sol  la  sí )

Tò  tò  tò  te  tí  bước  đều  chân  cùng  đi

( Sol sol sol la sí    sí      sol     la      rề   sol )

NĐK: vừa đi đều bước như quân đội, vừa làm động tác như đang thổi kèn. Khi bài hát vừa dứt , NĐK đứng trước bạn nào thì bạn đó cùng 2 người hai bên bước ra đi theo và cũng làm động tác như NĐK. Bài hát được tiếp tục, cứ mỗi lần hết bài thì lại có thêm 3 người nữa tham gia “Ban kèn hơi”. Cho tới khi nào tất cả mọi người trong vòng tròn đã tham gia “Ban kèn hơi” thì trò chơi kết thúc.

Trước khi kết thúc, đội kèn dậm đều chân tại chỗ hát lời II :

Te tò te anh nào kêu thật to

Tò tò tò tò te đứng ra đằng trước cho

Anh nào kêu bé trong mồm te tí

Tò tò tò te tí  đứng đằng sau cùng đi. 

16.VỖ TAY CHO ĐỀU

Đứng vòng tròn

NĐK:  Các bạn ơi!

CT :    Ơi!

NĐK:  Các bạn mệt chưa?

CT :    Mệt

NĐK:  Vậy hãy làm vài động tác thư giản nhé!

Tất cả:

1.Vỗ cái tay cho đều nè (vỗ tay)-Vỗ cái tay cho đều nè (vỗ tay) –A í a (2 tay chống nạnh, ngồi xuống đứng lên) mình vỗ cái tay cho đều (vỗ tay).

2.Đấm cái lưng cho đều nè (đấm lưng) – Đấm cái lưng cho đều nè (đấm lưng)– A í a (2 tay chống nạnh, ngồi xuống đứng lên) mình đấm cái lưng cho đều (đấm lưng)

3.Lắc cái mông cho đều nè (lắc mông) – Lắc cái mông cho đều nè (lắc mông) – A í a (2 tay chống nạnh, ngồi xuống đứng lên) mình lắc cái mông cho đều nè (lắc mông)

4.Bước cái chân cho đều nè (bước 1 bước) – Bươc cái chân cho đều nè (bước 1 bước)– A í a (2 tay chống nạnh, ngồi xuống đứng lên) mình bước cái chân cho đều (bước 1 bước)

5.Vỗ cái tay cho đều nè (vỗ tay) – Đấm cái lưng cho đều nè (đấm lưng) – Lắc cái mông cho đều nè (lắc mông) – Bước cái chân cho đều nè (bước chân) – A í a (2 tay chống nạnh, ngồi xuống đứng lên) mình vỗ cái tay (vỗ tay), mình đấm cái lưng (đấm lưng), mình lắc cái mông (lắc mông), mình bước cái chân (bước chân) cho đều.

(Có thể chia nhiều nhóm thay phiên nhau làm xem nhóm nào làm nhuần nhuyễn và ăn rập nhất , có hình thức khen thưởng)

 17.NGÓN TAY NHÚC NHÍCH

Đứng vòng tròn

NĐK:  Anh chị em ơi!

CT :    Ơi!

NĐK:  Anh chị em muốn vui hay buồn?

CT :    Muốn vui!

NĐK:  Vậy hãy làm theo tôi.

Tất cả:

  1. Một ngón tay nhúc nhích này, một ngón tay nhúc nhích này, một ngón tay nhúc nhích nhúc nhích đủ khiến anh em vui vầy (vừa hát vừa đưa một ngón tay lên cao và nhúc nhích ngón tay)
  2. Hai ngón tay nhúc nhích này, hai ngón tay nhúc nhích này, hai ngón tay nhúc nhích nhúc nhích đủ khiến anh em vui vầy (vừa hát vừa đưa hai ngón tay lên cao và nhúc nhích ngón tay)
  3. Một cánh tay nhúc nhích này, một cánh tay nhúc nhích này, một cánh tay nhúc nhích nhúc nhích đủ khiến anh em vui vầy (vừa hát vừa đưa một cánh tay lên cao và huơ qua huơ lại)
  4. Hai cánh tay nhúc nhích này, hai cánh tay nhúc nhích này, hai cánh tay nhúc nhích nhúc nhích đủ khiến anh em vui vầy (vừa hát vừa đưa hai cánh tay lên cao và huơ qua huơ lại)
  5. Một cáí chân nhúc nhích này, một cái chân nhúc nhích này, một cái chân nhúc nhích nhúc nhích đủ khiến anh em vui vầy (vừa hát vừa nhúc nhích một chân)
  6. Hai cáí chân nhúc nhích này, hai cái chân nhúc nhích này, hai cái chân nhúc nhích nhúc nhích đủ khiến anh em vui vầy (vừa hát vừa nhúc nhích hai chân)

 18.KHEN BẠN

Ngồi vòng tròn trong phòng

Bắt đầu, mọi người cùng vỗ tay đánh nhịp đều đều

NĐK:  Ai là người vừa đẹp vừa giỏi vừa uy tín nhất trong buổi họp mặt hôm nay? (Vừa hỏi vừa chỉ một người ngồi trong vòng tròn)

Người được chỉ (NĐC): Chị A là người vừa đẹp vừa giỏi vừa uy tín nhất trong buổi họp mặt hôm nay

Chị A : Không phải tôi

NĐC :  Vậy chớ ai?

Chị A:  Anh B là người vừa đẹp vừa giỏi vừa uy tín nhất trong buổi họp mặt hôm nay

Anh B: Không phải tôi

Chị A:  Vậy chớ ai?

Anh B: Em C là người vừa đẹp vừa giỏi vừa uy tín nhất trong buổi họp mặt hôm nay

Em C: Không phải em

Anh B: Vậy chớ ai?

Em C: Bạn D là người vừa đẹp vừa giỏi vừa uy tín nhất trong buổi họp mặt hôm nay

Vân vân…

(Cứ tiếp tục như vậy cho tới khi tất cả người ngồi trong phòng đều được khen thì kết thúc bằng một tràng vỗ tay )

Lưu ý: Người nói phải nói một hơi không vấp váp và phải ăn khớp với nhịp vỗ tay của mọi người.

19.CHẬP MÀ CHENG, CHENG CHENG

Đứng vòng tròn

Tất cả cùng nói “chập mà cheng, cheng cheng” trong lúc làm động tác.

NĐK làm động tác đầu tiên. CT chỉ nhắc lại câu trên mà chưa làm theo.

NĐK làm động tác thứ 2 thì CT mới làm động tác 1

Khi NĐK làm động tác 3 thì CT mới làm động tác 2

Ví dụ: động tác 1 của NĐK là vỗ đầu, động tác thứ 2 là vỗ bụng. Khi NĐK làm động tác 1 thì CT chỉ đọc câu nói mà không làm động tác gì. Khi NĐK làm động tác 2 là vỗ bụng thì CT mới làm động tác vỗ đầu . Khi NĐK làm động tác thứ 3 là dậm chân thì CT mới làm động tác 2 là vỗ bụng v.v…

20.GIÓ – MƯA – SẤM – SÉT

Đứng vòng tròn

NĐK: Gió lên (2 cánh tay giơ lên khỏi đầu, đong đưa qua lại)

CT:    Hù ….(vừa kêu hù… vừa làm theo NĐK)

NĐK: Mưa rơi! (2 tay đưa ra phía trước vẫy lên vẫy xuống)

CT :   Vỗ tay nhỏ nếu NĐK vẫy nhẹ – Vỗ tay càng lớn khi

NĐK vẫy tay nhanh, mạnh

NĐK: Sấm! (quay 2 cánh tay từ trong ra ngoài)

CT :   Àm, ấm… (làm theo NĐK)

NĐK: Sét! (Giớ tay thật cao rồi vụt xuống dưới như ném

mạnh một vật xuống đất

CT :   Đùng! Đùng! (Làm theo động tác của NĐK)

21.THI TÀI LÀM THƠ

Ngồi trong phòng – Chia ra 2 nhóm

NĐK:     Vân Tiên cõng mẹ chạy ra

Nhóm 1: Đụng phải bà già cõng mẹ chạy vô

NĐK:     Vân Tiên cõng mẹ chạy

Nhóm 2: Đụng phải cái bồ cõng mẹ chạy ra

NĐK:     Vân Tiên cõng mẹ chạy ra

Nhóm 1: Đụng phải …. (chọn 1 từ chỉ người, con vật, đồ vật có vần A  [thí dụ: con gà, cây chổi chà…] để ráp vô câu thơ) cõng mẹ chạy vô

NĐK:     Vân Tiên cõng mẹ chạy vô

Nhóm 2: Đụng phải …. (chọn 1 từ chỉ người, con vật, đồ vật có vần Ô  [thí dụ: con gà cồ, cái chày vồ…]để ráp vô câu thơ) cõng mẹ chạy ra

Nhóm nào không tìm được từ để ráp thành câu thơ thì thua.

22.THUỘC NHIỀU CA DAO

Ngồi trong phòng

):   Ơ này anh em ơi!

CT:     Ơi!

NĐK:  Một cây làm chẳng nên non

CT:      Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Tất cả: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng tôi hò lờ

NĐK:   Trong đầm gì đẹp bằng sen

CT :     Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

NĐK:   Nhụy vàng bông trắng lá xanh

CT :     Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Tất cả: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng tôi hò lờ

NĐK tiếp tục gợi lên nhiều câu ca dao để CT đối đáp, gây không khí hứng thú cho buổi họp mặt. 

23.TIẾNG REO TRUYỀN THỐNG

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:    Bi-Trí-Dũng

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:    Hòa-Tin-Vui

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:    Đoàn kết-Đoàn kết

NĐK: Gia Đình Phật Tử!

CT:    Bi-Trí-Dũng, Hòa-Tin-Vui, Đoàn kết-Đoàn kết

 24.TIẾNG REO KẾT THÚC 1 TIẾT MỤC

NĐK: Ai vui vẻ?

CT:    Tôi

NĐK: Ai lịch sự?

CT:    Tôi

NĐK: Ai buồn cười?

CT:    Tôi

NĐK: Ai vui vẻ, lịch sự, buồn cười?

CT:    Chúng ta

25.TIẾNG REO ĐOÀN KẾT

NĐK  chỉ một em Đồng nam

CT:    Đồng nam gắng

NĐK  chỉ một em Thiều nữ

CT:    Thiếu nữ hòa

NĐK: Đồng nam, Thiếu nữ

CT:    Chị em một nhà


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang