Nhành mai xuân trong thơ Lý – Trần

G

Thơ ca Lý Trần là một nền thơ ca phát triển, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành nền thơ ca cổ điển Việt Nam, nói như Phạm Thế Ngũ thì đây là đỉnh cao thứ nhất của thơ ca Hán học nước ta. Thiên nhiên trong thơ ca đời Lý đa phần là những biểu tượng, là phương tiện để nói lên nội dung triết lý hay cảm quan Thiền đạo. Thiên nhiên ấy là “văn ảnh” tượng trưng cho những thực tế siêu nhiên, trừu tượng của triết lý. Thiên nhiên trong thơ ca đời Trần có khác: Đầu đời Trần, thiên nhiên còn có nét biểu hiện triết lý như trong thơ Trần Thái Tông, Tuệ Trung. Từ giữa đời Trần về sau, thiên nhiên đã trở thành đối tượng thẩm mĩ đích thực. Càng về cuối, thi nhân tiếp xúc với thiên nhiên ngoại cảnh với nhiều cảm xúc, phong phú, đa dạng: từ tâm trạng bình lắng trước cảnh thiên nhiên cô tịch, xa vắng, đến những cảm khái nhẹ nhàng rồi bất mãn với thời cuộc. Thiên nhiên lúc này vừa là sự rung động của thi nhân biểu lộ cảm quan Thiền học vừa có cái phóng khoáng của tư tưởng Nho gia và cái nhàn dật của Lão Trang. Trong số những biểu tượng thiên nhiên, nhành mai là hình ảnh trở đi trở lại trong nhiều thi phẩm thời Lý Trần như một biểu tượng độc đáo.

Nói qua, về vị trí cây mai trong quan niệm của người xưa cả Nho lẫn Phật: Mai và hoa mai là biểu tượng của người “quân tử”. Huyền Quang, vị Tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từng tôn mai lên ngôi vị “ngự sử” (chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua) trong bài phú Nôm:

“Ngự sử mai hai hàng chầu chắp
Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh.”

(Vịnh Hoa Yên tự phú) [1]

Cảm cái “dư cam chi vị”, cái “huyền ngoại chi âm” trong những bài thơ xuất hiện hình ảnh nhành mai âu cũng là một thú vui tao nhã khi mỗi độ hoàng mai rực rỡ bên hiên nhà.

Ngự sử mai, trượng phu tùng và quân tử trúc được các nhà nho hợp thành “tam ích hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” (ba người bạn có ích là: ngay thẳng, rộng lượng và hiểu biết nhiều). Cây mai cùng với cây tùng, cây trúc là ba loài cây chịu được sương giá tuyết lạnh thế nên người Trung quốc cũng xếp mai vào “Tuế hàn tam hữu”. Chính khả năng đó mà những loài cây này được lấy làm đại diện cho những đức tính của “chính nhân quân tử”!

Có lẽ, nụ mai nở sớm nhất trong thơ ca Việt Nam lại là đóa hoa nở… muộn. Ấy là cành mai cuối mùa của Thiền sư Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Tạm dịch:

Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân về, trăm hoa tươi
Trước mắt, việc đời ruổi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng cả
Đêm qua sân trước nở nhành mai.

Mãn Giác Thiền sư (1052-1096) tên thật là Lý Trường, sống vào thời vua Lý Nhân Tông. Năm 25 tuổi Ông mới xuất gia và trở thành một Thiền sư được ngưỡng vọng. Vua Lý thường xuyên hỏi Ông về việc nước. Năm 1096, Ông cáo bệnh và làm bài thơ này để báo cho mọi người biết. Cũng năm đó, Ông qua đời. Bài kệ nổi tiếng trên có thể chia làm hai phần: Phần thứ nhất nói về quy luật sinh tử của tự nhiên, phần thứ hai thể hiện tâm sự lạc quan của tác giả. Bài thơ mang vẻ đẹp trong sáng và chứa đựng chất triết lí sâu sắc của thơ thiền: vừa thể hiện tình yêu, niềm tin vào cuộc sống của con người, vừa là sự ngộ giải chân lí Phật giáo của một vị chân tu trước lúc “nhập diệt”. Hai câu cuối xuất hiện hình ảnh nhành mai như một biểu tượng:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Cành mai là điểm sáng, điểm tươi tắn nhất của bức tranh xuân tàn. Nó xuất hiện đột ngột như chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Cành mai ấy là cành mai của hiện thực và cũng là cành mai trong tâm tưởng, trong tinh thần của nhà thơ. Tưởng như mùa xuân đã qua và “hoa lạc tận” nhưng vẫn còn đó “nhất chi mai”. Mai, trong quan niệm của người xưa, là một loại trong bộ “Tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai), là biểu tượng cho sự thanh cao. Không phải là hoa gì khác mà là một cành mai, biểu tượng cho mùa xuân, mùa của trăm hoa khoe sắc, của muôn cây đâm chồi nảy lộc. Rất có thể, sự xuất hiện đầy bất ngờ của một cành mai cuối xuân đã khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ viết bài kệ này, nhưng cũng có thể nhà thơ mượn một cành mai trong tưởng tượng để thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự bất diệt của cái đẹp, của sự sống. Theo tình huống nào thì cành mai vẫn là một biểu tượng đẹp cho tinh thần của con người, con người có ý chí kiên cường, vượt lên sự nghiệt ngã của quy luật tự nhiên.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông có hai bài thơ viết về nhành hoa mai sớm (Tảo mai) hết sức đặc sắc. Bài thơ thứ nhất (kì I):

Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,
Dạ quang như thuỷ khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu!

(Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng,
[Như] bóng san hô chìm, [như] vảy cá biển nổi.
Cành hoa trắng xoá suốt trong ba tháng đông,
Sang đầu xuân chỉ còn loáng thoáng một vài cánh thơm nhẹ.
Móc ngọt chảy mùi thơm làm chú bướm si ngây tỉnh giấc,
Ánh sáng ban đêm như nước khiến con chim khát buồn rầu.
Nếu Hằng Nga biết được vẻ đẹp thanh nhã của hoa mai,
Thì có ưa gì cây quế với cung thiềm lạnh lẽo).

Bài thơ đã tả vẻ đẹp của cành mai sớm trong khung cảnh thanh tân của mùa xuân. Cánh hoa mai vẫn rực rỡ khoe sắc dù phải vừa trải qua ba tháng dài buốt giá của mùa đông. Chính vẻ đẹp ấy khiến cho vạn vật phải si mê.

Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn).
Ảnh hoành thuỷ diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thuý vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Hoạ long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

(Chỉ năm ngày sợ rét lười ra khỏi cửa,
Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn.
Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan,
Hoa trĩu nặng đầu cành, hơi ấm chưa định rõ.
Giọng ca Thuý vũ lắng chìm mặt trăng xóm núi.
Tiếng sáo Hoạ long ẩm ướt đám mây Ngọc Quan.
Một cành hoa lạc vào giấc mộng cố nhân,
Tỉnh dậy, không thể đem tặng anh được).

Trong bài thơ có hai câu thơ là “thần cú”:

Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

Có thể nói câu thơ trên đã lấy ý từ thơ của Lục Khải, nhà thơ thời Lục Triều (Trung Quốc) tặng Phạm Việp:

Chiết mai phùng dịch sứ,
Kí dữ Lũng Đầu nhân.
Giang Nam hà sở hữu,
Liêu tặng nhất chi xuân.

(Bẻ cành hoa mai gặp được người đưa trạm
Gửi cho người ở Lũng Đầu
Đất Giang Nam có gì đâu
Tặng anh một nhành xuân).

Chúng ta nhận thấy ở bài Tảo mai tuy Trần Nhân Tông vận dụng lại ý thơ của Lục Khải nhưng tác giả đã có những sáng tạo độc đáo. Nếu “một cành mai” trong thơ của Lục Khải là cành mai thực của đất giang Nam thì cành mai trong bài thơ của Trần Nhân Tông là “một cành mai ảo”, cành mai trong mộng. Như đã biết mai là thành viên trong nhóm “Tuế hàn tam hữu” (Tùng, trúc, mai). Mai thể hiện tiết tháo của người quân tử, không những thế nó còn là sứ giả báo tin xuân “Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín” (Trần Nguyên Đán) (Cây mai ngậm hạt ngọc như truyền thư tín của đất trời) thậm chí nó còn tượng trưng cho cả mùa xuân: “nhất chi xuân”. Như vậy trong thơ Lục Khải từ hình ảnh cành mai thực đã trở thành hình ảnh biểu trưng. Còn ở trong thơ của Trần Nhân Tông thì hình ảnh cành mai ấy hoàn toàn là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu trong thơ của Lục Khải mùa xuân được cảm nhận bằng thị giác “Cành mai thực” thì ở trong Tảo mai, thi nhân đã cảm nhận bằng tâm linh “cành mai ảo”. Tình bạn của Lục Khải thể hiện đậm đà, sâu lắng trên nền tảng của “cái có” còn tình bạn trong thơ của Trần Nhân Tông lại thể hiện trên nền tảng của “cái không”, “cái không” kiểu như Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến. Hơn thế nữa, qua tiêu đề Tảo mai kết hợp với hình ảnh “một cành mai”, ta có thể nhận ra ảnh hưởng của bài Tảo mai của Tề Kỉ đời Đường.

Sách Thực tân lục có ghi lại câu chuyện sau. Nhà sư Tề Kỉ hay thơ. Một hôm đem thơ yết kiến Trịnh Cốc. Bài thơ có tên là Tảo mai (Mai nở sớm):

Vạn mộc đồng dục chiết
Cô căn noãn độc hồi
Tiền thôn thâm tuyết lý
Tạc dạ sổ chi khai
Phong đệ u hương xuất
Cầm khuy tố diễm lai
Minh niên như ứng luật
Tiên phát Vọng xuân đài.

(Hàng vạn cây lạnh cóng gần như sắp gẫy gục
Riêng có một gốc hơi ấm đã tụ về
Thôn trước chìm trong tuyết dày
Đêm qua vài cành mai hoa nở
Gió truyền đi hương thơm kín đáo.
Chim chóc đã nhận ra vẻ đẹp đã trở lại
Năm tới cứ theo luật tạo hóa
Mà nở ở trước đài Vọng xuân).

Trịnh Cốc cười nói: Sổ là một vài, thì chẳng phải là sớm nữa, chẳng hay bằng nhất là một. Tề Kỉ cúi đầu bái lạy và gọi Trịnh Cốc là “Nhất tự sư” (thầy một chữ). Như thế từ đời Đường trở về sau hình ảnh “một nhành mai” đã gắn với hình ảnh tảo mai như hình với bóng.

Đến với bài thơ Lưu Gia độ Trần Quang Khải, người đọc bắt gặp một nhành bạch mai được so sánh với tuyết:

Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình thu thuỷ thượng,
Hoang tử cổ trũng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lý đại sơn hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

(Bến đò Lưu Gia cây cao ngất trời,
Xưa phò giá sang đông từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ, đình xưa dựng trên sông thu,
Đền hoang, mộ cổ trước mấy con lân đá.
Bản đồ thái bình ghi mấy ngàn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ nay trở lại đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống sông trong).

(Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Bài thơ là nỗi niềm hoài cổ sâu nặng, là những chiêm nghiệm trước sự biến thiên lẽ hưng phế trước quy luật của thời gian. Kết lại bài thơ là hình ảnh tuyệt đẹp của nhành mai phản chiếu dưới lòng sông. Vẻ đẹp của nhành mai chính là biểu tượng cho cái đẹp vĩnh hằng của tạo hóa. Chính vẻ đẹp thanh cao ấy sẽ trường tồn vượt lên trên những quy luật của lẽ biến dịch của thời cuộc. Huyền Quang là một Thiền sư danh tiếng đời nhà Trần, đệ tam Tổ phái Trúc Lâm cũng là một thi nhân tài hoa rất mực. Ngài là một tác gia thi sĩ tài hoa với nhiều bài thơ “ý tinh tế, cao siêu” và “lời bay bướm, phóng khoáng” được người đời sau như: Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú hết lời ngợi khen. Huyền Quang có bài thơ Mai hoa, bài thơ tứ tuyệt thể hiện sự tài hoa cũng như tâm hồn nghệ sĩ của thiền nhân – thi sĩ:

Dục hướng thương thương vấn sở tòng,
Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung.
Chiết lai bất vị già thanh nhãn,
Nguyện tá xuân tư uỷ bệnh ông.

(Muốn ngẩng nhìn trời xanh hỏi hoa mai từ đâu tới,
Lẫm liệt đứng sừng sững một mình trong núi tuyết.
Bẻ về không phải để che mắt những người tinh đời,
Chỉ muốn mượn tứ xuân an ủi ông già ốm yếu).

(Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Không chỉ thể hiện tiết tháo của người quân tử, mai còn là sứ giả báo tin xuân. Toàn bài không nói đến một chữ mai nào cả nhưng ở câu thứ hai thi nhân đã ca ngợi tiết tháo của nhành mai khi đứng một mình giữa non ngàn tuyết phủ giá rét. Tác giả đã bẻ một cành mai trong miền tuyết lạnh ấy đem về, bởi một cành mai không chỉ là một cành mai mà là cả một mùa xuân “nhất chi xuân” (Lục Khải). Thi nhân muốn bẻ về ngắm nhìn để an ủi bệnh già, chứ không phải là để che mắt những người tinh đời. Như thế, thi nhân thưởng hoa nhằm chú trọng đến vẻ đẹp thực tế của hoa mai chứ hoàn toàn không hướng đến ý nghĩa biểu tượng của hoa với mong mỏi Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông (Chỉ muốn mượn tứ xuân để an ủi ông già ốm yếu). Như vậy có thể thấy tâm hồn yêu thiên nhiên mãnh liệt của thiền nhân thi nhân Huyền Quang.

Bên cạnh đó thơ ca đời Trần cũng xuất hiện một cành mai rừng thanh cao không vướng mùi tục lụy trong bài thơ Tặng thi Hứa tăng Khắc Sơn của Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370).

Vật ngoại phiêu nhiên chỉ nhất thân,
Thử gian vinh nhục lưỡng vô văn.
Dã mai cốt cách nguyên phi tục,
Hải hạc phong tư tự bất quần.
Thi tụ phất lai Tương thuỷ nguyệt,
Thiền hài đạp phá Sở sơn vân.
Bất tri thử khứ phân Nam Bắc,
Lữ trướng âu trà kỷ mộng quân.

(Một thân phiêu nhiên ngoài đời,
Ở đây hai chữ vinh nhục không nghe đến.
Cốt cách mai rừng vốn vượt tục,
Phong tư hạc biển tự siêu quần.
Tay áo thơ phất lên có trăng sông Tương đến,
Đôi giầy thiền bước khiến mây núi Sở tan.
Biết đâu lần ra đi này lại không phân ly Nam Bắc,
Bên âu trà trong trướng lữ hành bao lần mộng thấy Ông).

(Theo “Toàn Việt thi lục”, Lê Quý Đôn – Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977)

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước, ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm Nội thư gia; Bảng nhãn Bùi Mộ chức Chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm Nội lệnh thư gia; Thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện…; Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp; tất cả 44 người đỗ Thái học sinh… Nguyễn Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng” [2]. Bên cạnh tài năng đã được nhà thơ ý thức qua bài thơ “tự thuật”:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,
Diệu linh dĩ hữu thôn ngưu chí.
Niên phương thập nhị Thái học sinh,
Tài đăng thập lục sung Đình thí.
Nhị thập hựu tứ nhập Gián quan,
Nhị thập hựu lục Yên Kinh sứ.

(Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu,
Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.
Tuổi mới mười hai Thái học sinh,
Vừa đến mười sáu dự thi Đình.
Hai mươi bốn tuổi làm quan Gián,
Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh).

Nguyễn Trung Ngạn còn thể hiện cốt cách của mình khi tự ví mình với cây mai rừng không vướng tục:

Dã mai cốt cách nguyên phi tục
Hải hạc phong tư tự bất quần.

(Cốt cách của mai rừng vốn không vướng tục
Phong tư loài hạc biển vốn chẳng phải ở trong bầy).

Tìm hiểu vẻ đẹp của nhành mai trong thơ ca Lý Trần để hiểu thêm tình xuân, ý xuân lan tỏa trong tâm hồn của các thi nhân. Cảm cái “dư cam chi vị”, cái “huyền ngoại chi âm” trong những bài thơ xuất hiện hình ảnh nhành mai âu cũng là một thú vui tao nhã khi mỗi độ hoàng mai rực rỡ bên hiên nhà.

Trầm Thanh Tuấn


Chú thích:

  1. Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, NXB. Khoa học xã hội (KHXH), Hà Nội, 1985.

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Tân Sửu
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 11
Kiên Giang