Vì Sao Gia Đình Phật Tử Khó Phát Triển Ở Các Tỉnh Miền Tây Nam Bộ?

G

Sau ngày 30-4-1975, gia đình tôi từ Đà Nẵng di dân vào một tỉnh miền Tây Nam bộ đi làm kinh tế mới. Lúc bấy giờ sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT) chưa được phục hoạt. Nơi xã tôi đang ở không có ngôi chùa nào. Muốn đi chùa phải đi bộ qua xã lân cận cách nhà tôi chứng 7 cây số. Vì thế họa hoằng lắm chúng tôi mới đi chùa, đó là vào các ngày lễ lớn như Phật đản, Vu Lan hay Tết nguyên đán hằng năm. Chẳng bù với quê tôi ở Quảng Nam, nơi đâu cũng thấy chùa, hể nơi nào có dân ở thì nơi đó có chùa, hoặc tệ lắm thì cũng có một ngôi niệm Phật đường do người dân tự lập tự quản. Mà cứ nơi nào chỉ cần có niệm Phật đường thì nơi đó có GĐPT sinh hoạt.

Do ít được đến chùa thường xuyên, chúng tôi gần như quên mất mình là Phật tử. Vợ chồng tôi hằng ngày chỉ biết vùi đầu vào cuộc sống tất bật lo toan đầy tranh đua hơn thiệt. Riêng tôi, vì thiếu niềm vui tâm linh nên nhập bọn theo đám đàn ông địa phương tìm vui nơi rượu chè, hút xách, cờ bạc. Nếu cứ sống như thế này mãi chắc rằng cuộc đời tôi sẽ kết thúc nơi địa ngục!

May mắn thay, do nhiều duyên lành đưa đẩy, cuối năm 1995 tôi có điều kiện đưa gia đình về sống nơi trung tâm tỉnh lỵ. Do điều kiện giao thông thuận tiện nơi thành thị, chúng tôi thường xuyên đi lễ Phật các chùa, vào dịp Tết âm lịch chúng tôi còn đi lễ cả mười ngôi chùa nữa cơ! Tuy nhiên ngôi chùa mà tôi thường hay đến nhất là chùa PN tọa lạc cùng phường nơi tôi đang ở.

Lúc này các chùa tại thị xã đang có phong trào mở lớp giáo lý cho thanh thiếu nhi. Một hôm, thầy trụ trì chùa PN kêu tôi lại bảo:” Chú là huynh trưởng GĐPT, vậy chú giúp thầy tổ chức lớp giáo lý cho thanh thiếu nhi được không?” Tôi mừng rỡ như mở cờ trong bụng nên nhận lời ngay. Lớp giáo lý quy tụ khoảng 40 em tuổi từ 6 đến 15, học theo chương trình do Ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử Tỉnh Giáo hội biên soạn. Tôi đọc kỹ tài liệu thì thấy đây là chương trình bậc Mở mắt và bậc Hướng thiện của GĐPT. Lớp giáo lý học vào chiều chủ nhật mỗi tuần. Tôi điều khiển buổi học giống như một buổi sinh hoạt GĐPT. Lúc đầu thầy trụ trì rất quan tâm, buổi học nào thầy cũng kêu người đem chuối, xôi, khoai, bắp… cho các em ăn để khuyến khích các em đi học thường xuyên, đừng bỏ buổi…

Lớp học duy trì được hơn sáu tháng thì tình hình có phần thay đổi. Mới đầu là những lời góp ý nhỏ nhẹ của thầy với tôi, rằng: “Bảo các cháu đừng đến chùa sớm quá làm mất giấc ngủ trưa của chư tăng!”  hoặc: “Nhớ bảo các cháu quét dọn vệ sinh sân chùa trước khi ra về!” hoặc “Dặn các em đừng chạy giỡn trong buổi học ảnh hưởng không khí thanh tịnh trong chùa” vân vân…

Lớp học được gần một năm thì tình hình tệ hơn: Có hôm đang lễ Phật thì thầy sai đệ tử lên bảo: “Đừng đánh chuông mạnh quá sợ làm bể chuông!” hoặc: “Đừng mở đèn mở quạt hao điện của chùa” vân vân…

Vi Sao Gia Dinh Phat Tu Kho Phat Trien O Cac Tinh Mien Tay Nam Bo 1

Tôi cố gắng hết sức để duy trì lớp học. Một mặt dặn dò các em theo ý của thầy, một mặt hạn chế các sinh hoạt đến nỗi các em đến chùa phải đi đứng khép nép, nói năng thì thầm, không dám nói cười lớn tiếng, vẻ mặt các em lúc nào cũng lấm la lấm lét như người có tội đang đứng trước quan tòa. Tôi bàn với ban huynh trưởng lớp học tìm cách cởi mở tình hình này, chứ bắt các em “thúc liễm thân tâm” theo kiểu người lớn như thế này thì các em sẽ nghỉ học hết! Bàn tới bàn lui nhiều lần nhưng chúng tôi chẳng tìm ra phương cách nào khả thi cả, đành buông xuôi tới đâu hay đó. Nếu đến lúc nào thầy bảo chúng tôi dẹp lớp thì dẹp chứ biết sao!

Trước tết âm lịch năm đó, thầy trụ trì kêu tôi lên chùa, bảo: “Tết nhứt, chùa lu bu nhiều việc lắm, chú tạm cho các em nghỉ học qua hết tháng Giêng sẽ tính tiếp”. Hết tháng Giêng, tôi đến gặp thầy xin ý kiến về việc tiếp tục lớp giáo lý thì thầy bảo: ”Thôi, tăng chúng và Phật tử trong chùa than phiền các em ồn ào quá chịu không nổi, chú cho lớp nghỉ luôn đi”. Thế là lớp giáo lý thanh thiếu nhi đành phải giải tán. Tội nghiệp gần năm mươi em mới làm quen với Phật pháp chưa đầy một năm đã phải nói lời chia tay từ giã mái chùa. Tôi buồn bã nghĩ đến không biết bao giờ các em mới có cơ hội được trở lại với mái chùa đây?

Cuối năm 1997, đại hội IV Phật giáo toàn quốc cho phép GĐPT phục hoạt. Tôi mừng quá, đi gặp các anh chị huynh trưởng trong tỉnh bàn bạc kế hoạch tổ chức phục hồi sinh hoạt GĐPT tỉnh nhà. Kế hoạch thì lớn lao, nhưng thực hiện thì rất chậm chạp vì có quá nhiều khó khăn trở ngại. Khó khăn trở ngại chính nằm ở chư tăng, ni trụ trì. Nếu không có sự đồng thuận của tăng, ni trụ trì thì không thể thành lập GĐPT tại chùa.

Sau rất nhiều nỗ lực, một vài đơn vị GĐPT cũng được thành lập tại thị xã, nhưng so với số lượng chùa trong thị xã thì số GĐPT được thành lập là quá ít. Cả thị xã có trên 20 ngôi chùa nhưng chỉ có 4 chùa thành lập GĐPT. Chùa PN ở phường tôi đã có kinh nghiệm trước đây của lớp giáo lý nên thầy trụ trì cương quyết không tổ chức GĐPT. Số chùa có GĐPT hầu hết là chùa do Ni trụ trì. (Có lẽ vì thiên chức “làm mẹ” tiềm tàng trong người nữ nên chư Ni thương con nít hơn chư Tăng chăng ?)

Vi Sao Gia Dinh Phat Tu Kho Phat Trien O Cac Tinh Mien Tay Nam Bo 2

Tôi đã cùng anh chị em Áo Lam nơi đây sinh hoạt từ năm 1998 đến cuối năm 2018. Sau đó, vì lý do kinh tế, gia đình tôi phải chuyển về nơi ở mới tại miền Đông Nam bộ. Giờ đây, sau 20 năm sinh hoạt GĐPT tại miền Tây Nam bộ, đã nếm trải đủ ngọt bùi cay đắng trong màu áo lam, tôi có thể mạnh dạn nói lên các nguyên nhân khiến GĐPT miền Tây Nam bộ khó phát triển, rất mong các ACE áo lam góp ý thêm cho.

Những nguyên nhân khiến sinh hoạt GĐPT tại các tỉnh miền Tây Nam bộ khó phát triển là :

  1. Phật tử tại gia: Đạo tâm của đại đa số Phật tử tại gia ờ miền Tây không sâu đậm như Phật tử miền Trung. Đặc biệt là họ không biết gì về GĐPT cả!
  2. Tăng, Ni : Sự hiểu biết của tăng, ni miền Tây đối với sinh hoạt GĐPT chưa đủ để cho quý vị quyết tâm cao trong việc thành lập GĐPT và giúp quý vị tin tưởng vượt qua những điều bất như ý do sinh hoạt GĐPT gây ra.
  3. Giáo hội: Giáo hội không mặn mà lắm với sinh hoạt GĐPT. Có cũng được , không có cũng không sao. Có nhiều vị trong thường trực Ban trị sự không thích GĐPT ra mặt.
  4. Chùa chật : Chùa ở miền Tây thường chật chội, không có chỗ không gian thoáng đãng dành riêng cho GĐPT sinh hoạt, do vậy những ồn ào náo nhiệt và thói xấu của trẻ con thường xuyên diễn ra trước mắt tăng, ni và các Phật tử lớn tuổi khiến họ không có cảm tình với sinh hoạt GĐPT.
  5. Thiếu gia trưởng và thiếu huynh trưởng : Đại đa số các đơn vị được thành lập đều thiếu huynh trưởng , nhất là thiếu một bác gia trưởng giỏi, từ đó việc quản lý và hướng dẫn các em sinh hoạt và tu học bị hạn chế, không đạt được sự hài lòng của trụ trì, tăng (ni) chúng và Phật tử trong chùa.

Những nguyên nhân trên đây khiến cho sinh hoạt GĐPT miên Tây Nam bộ không phát triển lên được. Do vậy mà trên 20 năm qua chưa có tỉnh nào được trên 10 đơn vị. Chỉ khi nào khắc phục được những nguyên nhân trên đây thì GĐPT miền Tây mới khá lên được.

TÂM PHƯỚC

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Kỷ Mùi
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
20
Tháng 09
Kiên Giang