Tính Gắn Bó Mật Thiết Của Gia Đình Phật Tử Với Giáo Hội

Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) chẳng những gắn bó mật thiết với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam về mặt pháp lý mà còn gắn bó trên rất nhiều mặt. Sự gắn bó giữa GĐPT với Giáo hội là điều kiện sống còn của tổ chức Áo Lam, không phải chỉ bây giờ, mà kể từ ngày thành lập GĐPT cho đến nay, không lúc nào GĐPT sống ngoài vòng tay thương yêu của Giáo hội.

Vì vậy, muốn GĐPT ổn định và phát triển thì GĐPT cùng với Giáo hội cần phải giữ gìn và vun đấp mối dây gắn bó mật thiết ấy cho bền chắc trước mọi hoàn cảnh biến thiên của dòng đời.

Sau đây tôi xin đóng góp vài ý kiến về “Tính gắn bó mật thiệt của GĐPT vói Giáo hội” . Kính mong chư thiện tri thức gần xa chỉ giáo thêm cho. 

I – SỰ NƯƠNG TỰA TÂM LINH CỦA ĐOÀN VIÊN GĐPT VÀO NGÔI TAM BẢO

Tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) bắt nguồn từ Phật Giáo Việt Nam, cụ thể là Hội An Nam Phật Học tại Huế. Trên bước đường phát triển vào Nam, ra Bắc của tổ chức Áo Lam cũng đều xuất phát từ một tổ chức Phật Giáo tại mỗi miền như : Hội Phật Học Nam Việt hay Hội Việt Nam Phật Giáo (miền Bắc).

Sau này, khi GĐPT đã thống nhất toàn diện về tổ chức thì vẫn nương tựa vào một giáo hội hợp pháp theo từng thời kỳ như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ( 1964 – 1975 ) hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay.

Tóm lại, ta có thể hình dung về tổ chức GĐPT giống như một chồi non mọc ra từ cây đại thụ Phật Giáo Việt Nam; Là đứa con hiếu của tổ chức giáo hội Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.

Mục đích khởi nguyên của tổ chức GĐPTVN là : “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh…” Mục đích ấy dù trải qua bao biến thiên của lịch sử đất nước và giáo hội, đến nay vẫn không thay đổi (có thay đổi chăng chỉ là một vài chữ nghĩa cho khế hợp với thời thế mà thôi). Từ mục đích ban đầu cho ta một khái niệm về sự nương tựa tất yếu, không thể tách rời về phương diện tâm linh giữa đoàn viên GĐPT với Ba Ngôi Báu, giống như sự nương tựa tất yếu của đứa con nhỏ vào tình thương của cha mẹ hay như một chồi non cần nguồn nhựa nuôi sống từ một cây đại thụ.

Từ khái niệm nêu trên cho ta thấy rằng đoàn viên GĐPT cần biết bao tình thương, sự ân cần chăm sóc và những dòng pháp nhũ từ Tam Bảo để nuôi sống tâm linh của mình; Rằng đoàn viên GĐPT phải là hiếu tử của chư tăng, ni, người đại diện cho Tam Bảo tại thế gian này. Đồng thời từ khái niệm nêu trên, cũng cho ta thấy thiên chức của giáo hội là nuôi dưỡng và dạy dỗ những đứa con của mình, xin đừng từ chối hay ghét bỏ mà tội nghiệp cho chúng,  vì chúng cũng nằm trong sự nghiệp “chúng sanh dị độ” của hàng Tăng Bảo.

Tinh Gan Bo Mat Thiet Cua Gia Dinh Phat Tu Voi Giao Hoi B

GĐPT NƯƠNG TỰA VÀO TAM BẢO NHỮNG GÌ ?

1) Nương tựa vào lý tưởng “chúng sanh dị độ” của hàng Tăng Bảo :

Không hiểu do đâu mà có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” khiến cho đạo pháp của Đức Thích Ca để lại chỉ độ được cho người già, người bệnh, người sắp chết, người thất tình, người thất bại trên đường đời… Còn lớp tuổi thanh thiếu đồng niên phơi phới xuân xanh, là rường cột tương lai của đất nước, của xã hội… thì bị bỏ quên, bị xua đuổi mỗi khi các em lân la đến cửa chùa. Như vậy thì sao được coi là “dị độ”?

Việc chấp nhận sự có mặt của thanh thiếu nhi đến với chùa, thậm chí bày ra các phương tiện để quy tụ, đoàn ngũ hóa và giáo dục cho các em… còn tùy thuộc vào lý tưởng, quan điểm và đường lối tu hành của thầy trụ trì ngôi chùa.

Nơi nào có nhiều vị trụ trì có lý tưởng, quan điểm, đường lối hành đạo đúng đắn thì nơi đó GĐPT dễ phát triển.

2)Nương tựa vào đạo hạnh của hàng Tăng Bảo :

Cổ nhân có nói “ Nước trong quá thì không có cá” để ngụ ý rằng : người quá nghiêm khắc và quá kỷ tính thì ít kẻ dám gần. Vì vậy, nơi nào mà thầy trụ trì quá yêu chuộng sự sạch sẽ và yên tĩnh, không thích trẻ con, ghét sự ồn ào… thì nơi đó không bao giờ có mặt GĐPT.

Quý thầy và Phật tử lớn tuổi ở những chùa không tổ chức GĐPT thường lấy lý do: đoàn sinh GĐPT làm ồn quá, đoàn sinh GĐPT không biết lễ phép với chư tăng ni và Phật tử lớn tuổi, đoàn sinh GĐPT không làm gì lợi ích cho chùa, đoàn sinh GĐPT nghe lời huynh trưởng chớ không nghe lời tăng ni và Phật tử v.v…

Nhưng, ở những chùa có GĐPT sinh hoạt tốt thì thầy trụ trì và Phật tử lớn tuổi nơi đó lại nói khác. Rằng : nếu muốn độ cho giới trẻ thì phải nhẫn nại chịu đựng sự ồn ào của các em, miễn là biết hướng sự ồn ào đó vào mục tiêu hướng thiện cho các em.

Rằng : đoàn sinh GĐPT đến chùa sinh hoạt xem tăng ni là cha mẹ, xem Phật tử là chú bác cô dì. Nếu nói đoàn sinh GĐPT không lễ phép, không nghe lời tăng ni và Phật tử lớn tuổi thì nên xét lại trách nhiệm làm cha mẹ của mình, bởi người xưa có nói : con nên là nhờ cha mẹ khéo dạy, con hư là do lỗi cha mẹ không biết dạy dỗ, chứ có cha mẹ nào đổ lỗi cho con trẻ đâu!

Rằng: trên thế giới, quốc gia nào cũng tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm để phát triển nền giáo dục từ mẫu giáo cho đến đại học. Chẳng thấy có nhà nước nào than : “học sinh sinh viên chẳng làm lợi gì cho đất nước” đâu ! Nền giáo dục GĐPT tuy không thấy cái lợi trước mắt, nhưng là cái lợi lớn lao và lâu dài cho đạo pháp, cho dân tộc và còn đóng góp phần lợi lạc cho đời sống nhân loại nữa đấy!

3)Nương tựa vào “Thân Giáo” của hàng Tăng Bảo :

Lớp trẻ thường nhìn đời bằng cặp kính màu “trực cảm” trong khi lý trí chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, GĐPT đưa ra một phương pháp giáo dục phù hợp với tâm lý này gọi là phương pháp huân tập.

Phương pháp giáo dục huân tập là tạo cho các em tiếp xúc với một môi trường thiện lành để các em sống trong đó, bắt chước theo đó để rồi dần dần trở thành nề nếp trong suy nghĩ, lời nói và lối sống của các em.

Môi trường thiện lành là môi trường mà trong dó mọi người đều biểu hiện ý nghĩ, lời nói và việc làm chân chính của người Phật tử chân chính. Tăng bảo là đối tượng mà các em đoàn sinh GĐPT chăm chú nhìn vào, noi gương và học hỏi trong quá trình đến với tổ chức Áo Lam. Do vậy, hình ảnh tăng, ni là bài học không lời nhưng vô cùng sâu sắc đối với các em. Nếu hình ảnh tăng, ni mà các em gặp hằng ngày là hình ảnh đẹp thì nó sẽ có tác dụng tích cực giúp các em thêm tín tâm vào đạo Phật, giúp các em tinh tấn hơn trên con đường tu học và trong tương lai chắc chắn các em sẽ trở thành những Phật tử thuần thành, chân chánh, gắn bó sống chết với Phật Giáo trọn đời.

Nói đến hình ảnh đẹp của hàng Tăng Bảo là không chỉ nói đến vẻ đẹp bề ngoài, mà quan trọng là nơi đức hạnh mà tăng, ni thể hiện trong đời sống thường ngày. Đó chính là bài học “thân giáo” của tăng bảo dành cho đoàn viên GĐPT.

Tinh Gan Bo Mat Thiet Cua Gia Dinh Phat Tu Voi Giao Hoi A

4)Nương tựa vào sự quan tâm giáo dưỡng của Giáo hội:

GĐPT, từ ngày ra đời đến nay, luôn luôn là đứa con hiếu của giáo hội các cấp dù bất cứ trong hoàn cảnh nào. Tuy sự nghiệp GĐPT, chủ yếu là do người cư sĩ đảm đương, nhưng nếu thiếu sự quan tâm bảo bọc chở che, nhất là sự ân cần giáo dưỡng của chư tôn đức trong giáo hội qua các thời kỳ, thì GĐPT không thể phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Thực tế cho thấy, nhờ có Giáo hội bảo bọc chở che mà vào kỳ đại hội Phật Giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IV (1997), sinh hoạt GĐPT đã được phục sinh sau nhiều năm vắng bóng. Tại các tỉnh, thành,  cũng nhờ vào tấm lòng bao dung thương mến của giáo hội địa phương mà GĐPT có được chỗ đứng vững vàng về mặt pháp lý để duy trì và phát triển sinh hoạt. Nhất là tại các cơ sở tự viện, nhờ có sự bảo bọc của thầy trụ trì và tăng ni trụ xứ mà các đơn vị GĐPT mới có nơi sinh hoạt cùng với nhiều phương tiện hỗ trợ khác.

Về mặt giáo dưỡng, từ khi GĐPT ra đời, chư tôn đức khắp nơi đã bỏ nhiều công sức vạch chương trình tu học , giảng dịch kinh điển soạn thành sách giáo khoa dành riêng cho GĐPT, tiêu biểu như cuốn “Phật Pháp GĐPT” do quý Thầy Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm biên soạn được sử dụng qua rất nhiều năm tháng.

Sinh hoạt GĐPT được đặt dưới sự dẫn dắt của vị Phó Ban trị sự kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử. Nói cách khác, GĐPT được giáo dưỡng bởi một vị giáo phẩm đứng vào hàng quan trọng nhất nhì trong cơ chế nhân sự của giáo hội địa phương.

Chính sự thương yêu, bảo bọc và giáo dưỡng của giáo hội đối với GĐPT qua các thời kỳ đã hình thành nên tình thầy trò, nghĩa cha con giữa chúng Trung Tôn với hàng ngũ huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT suốt hơn 70 năm trong lịch sử cận đại của Phật Giáo Việt Nam; đã viết nên những trang sữ oai hùng, trong đó hình ảnh đoàn viên Áo Lam sát cánh bên những chiếc y vàng, y nâu chung tay bảo vệ đạo pháp là minh chứng hùng hồn cho sự nương tựa của đoàn viên GĐPT vào chư tôn đức trong giáo hội qua các thời kỳ.

Bạn cũng có thể thích

Được đóng lại.