Phật Giáo Việt Nam đã sản sinh rất nhiều thiền sư nổi tiếng, chứng tỏ rằng trong quá trình tồn tại và phát triển đạo Phật trên đất nước ta, Thiền Tông đã một thời hưng thịnh.
– Sư Vạn Hạnh là một trong những vị thiền sư ấy.
– GĐPT chủ trương có 4 trại huấn luyện, mỗi huynh trưởng đều phải đi qua các trại huấn luyện ấy. Đó là trại Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang và Vạn Hạnh. Mỗi tên trại đều mang một tinh thần khác nhau. Trại sinh thuộc trại nào cũng cần tiếp nhận tinh thần ấy để tu, để học, để tự rèn luyện và để vận dụng trong đời sống cá nhân và tập thể.
Ở đây là trại Vạn Hạnh thì tinh thần trại là tinh thần gì?
Nghiên cứu về cuộc đời của Thiền Sư, hậu thế có thể rút ra 5 bài học lớn sau đây:
– Tuổi nhỏ của sư đã khác thường, tinh thông tam học, nghiên cứu bách luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia cùng Thiền Sư Định Huệ, học với Thiền Ông Đạo Giả chùa Lục Tổ (Đình Bảng, Bắc Ninh ngày nay). Sau khi Thiền Ông tịch, sư kế tục trụ trì chùa nầy và chuyên tập pháp “Tổng trì tam ma địa”. Ngài thuộc thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thế hệ thứ 12, ngài tinh thông phong thủy, địa cuộc.
– Nói đến sự hùng cường của vương triều Lý cùng với sự hưng thịnh của Phật giáo, Thiền sư Vạn Hạnh được hậu thế nêu tên hàng đầu. Thật vậy vương triều Lý (1010-1225) đứng đầu là Lý Thái Tổ, người học trò đặc biệt của Thiền sư Vạn Hạnh, là vị vua tài đức vẹn toàn được quần thần triều Tiền Lê tôn lên làm Hoàng Đế khi Lê Long Đĩnh qua đời. Người ngoại tộc như Lý Công Uẩn làm quan của triều Lê (chức Thân Vệ) mà lên ngôi vua không tốn một giọt máu, đó là điều kỳ diệu. Rõ ràng bằng sở học của mình khi thấy triều Lê đã hết vận, mất lòng dân, Lê Long Đĩnh mất hết tính người nên Thiền sư Vạn Hạnh vận dụng sấm ngữ thuyết phục lòng dân, việc Thân Vệ Lý Công Uẩn lên ngôi là ý “Trời”.
Bài kệ sau cho chúng ta thấy tài kinh bang tế thế của sư Vạn Hạnh:
“Tật Lê trầm Bắc thủy, Tật Lê chìm biển Bắc
Lý tử thọ Nam Thiên Hạt Lý mọc trời Nam
Tứ phương qua can tỉnh Bốn phương gươm giáo lặng
Bát biều hạ bình yên” Tám cõi mừng bình an
Với việc tinh thông địa lý, hiểu rõ phong thủy thì việc dời đô của Lý Thái Tổ không thể thiếu ý kiến tham mưu của Thiền sư Vạn Hạnh vì khi đó ngài là Quốc Sư, chiếu dời đô ghi “Để mưu đồ chỗ chính giữa làm kế cho con cháu muôn đời… vận nước lâu bền, phong tục giàu thịnh…”
Trong chiếu dời đô Lý Thái Tổ đã nhận định vùng đất Hoa Lư chật hẹp các triều đại trước coi thường mệnh trời…, thành Đại La là nơi hổ phục, rồng chầu. Nhà Lý đổi Đại La thành Thăng Long, ngày nay là Hà Nội.
Đối với vương triều Lý, chính Lý Thái Tổ cũng được đào tạo trong ngôi trường nhà chùa. Cả một loạt trí thức xuất thân từ nhà chùa đã ra phục vụ đất nước một cách tích cực. Thiền sư Vạn Hạnh có thể coi là nhà giáo dục vĩ đại đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam. Thiền sư Vạn Hạnh đã tổng hợp 5 luồng văn hóa Phật Ấn, Hán, Chăm pa, Ốc Eo, Hòa Bình, xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngài chủ trương TAM GIÁO đồng nguyên vì thế vương triều Lý tạo ra sự đồng thuận của quần chúng nhân dân: đất nước thái bình, chúng sanh an lạc.
– Với tư cách là nhà tu hành, ngài hành trì giới luật một cách miên mật, không bao giờ lơ là việc trì kinh, thiền định.
– Ngài không có ý hại một ai, nhưng ngài có tài phát hiện ý nghĩ mờ ám của người khác. Câu chuyện sau đây là một minh chứng:
Ông quan Đỗ Ngân muốn hại sư, biết được ý đồ của ông Ngân, Sư gởi bài kệ:
“Thổ mộc tương sinh ngân hạn kim Cây đất sinh nhau cấn với vàng
Vi hà mưu ngã uẩn linh khâm Cớ sao mưu hại mãi cưu mang
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt Bây giờ năm miệng hồn thu dứt
Châu chí vị lai bất hạn tâm” Thật đến về sau chẳng hận lòng
Từ đó ông Ngân từ bỏ gian ý của mình.
Tứ vô lượng tâm của Thiền sư Vạn Hạnh bao trùm cả non sông đất nước và dân chúng Đại Việt. Ngài vui sau cái vui của dân. Ngài khổ trước cái khổ của dân.
Đối với những đệ tử có học, có tu Ngài thể hiện lòng thương đầy trí tuệ, trước giây phút thị tịch ngài dạy: “Các con muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, không nương vào chỗ không trụ mà trụ. Các pháp đều không.”
Là một vị quốc sư nhưng xem danh vị là mộng ảo, bào ảnh, Ngài không tính toán cho bản thân một điều gì, mặc dù có dư điều kiện để xây mộ tháp nguy nga cho riêng mình. Chúng ta hãy suy nghiệm bài kệ thị tịch của Ngài
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Thân như điện chớp có rồi không
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Cây cỏ xuân tươi thu đượm hồng
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Tuy vận thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” Thịnh suy đầu cỏ dính sương mai
Câu “nhậm vận thịnh suy vô bố úy” đã cô đọng cái biết trước, cái nhìn sâu về đất nước và con người Đại Việt lúc bấy giờ, nếu sợ thì làm sao Thiền sư Vạn Hạnh có bài “cáo thị” chỉ ra nhà Lê sắp tàn. Tinh thần không sợ hãi là tinh thần dám đối diện dám nhìn thẳng vào chính mình và thực tại, có thể ngày nay người ta không bằng lòng với việc dùng sấm vĩ nhưng thời đó: thiền, mật song tu nên củng cố niềm tin của quần chúng cuối triều đại mục nát Lê Long Đỉnh dưới hình thức nêu trên là thuận theo ý “trời”.
Tinh thần “không sợ hãi” là lời kêu gọi mọi người không phân biệt lương, giáo hãy sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước.
Thiền sư Vạn Hạnh đã vận dụng xuyên suốt tư tưởng Bát Nhã, tinh thần vô ngã vị tha trong cả cuộc đời. Với 95 năm trụ thế Ngài để lại cho hậu thế tấm gương sáng ngời về tinh thần phục vụ quên cả bản thân, chúng ta có thể thưa với chân linh ngài, Ngài là vị Bồ Tát “chung thân dĩ pháp vi gia”.
Chính vì công đức vô lượng của Ngài đối với quê hương, đạo pháp mà vua Lý Nhân Tông đã truy tặng Ngài bài kệ vô cùng súc tích:
Vạn Hạnh dung tam tế Vạn Hạnh thông ba mé
Chân phù cổ sấm kỳ Thật hiệp lời sấm xưa
Hương quan danh Cổ Pháp Quê hương tên Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ Chống gậy trấn kinh vua
Bài kệ đã tổng kết đầy đủ cuộc đời và công hạnh của Ngài, anh chị trại sinh VẠN HẠNH rút ra bài học gì về Ngài ?