Huynh trưởng cấp Dũng Diệu Thiện TRẦN THẾ MỸ
Tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) là một tổ chức giáo dục, vì vậy việc hướng dẫn đoàn sinh học tập và thực hành các môn học theo chương trình tu học thống nhất trong cả nước do Ban Hướng Dẫn Phân ban GĐPT Trung ương ban hành là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người huynh trưởng.
Hoạt động giáo dục của GĐPT không chỉ gói gọn trong các giờ học giáo lý nơi giảng đường, mà nó diễn ra mọi lúc mọi nơi :
-Học giáo lý dưới mái hiên chùa cũng là giáo dục
-Thực hành các môn hoạt động thanh niên trong sân chùa cũng là giáo dục
-Chơi trò chơi dưới bóng râm vườn chùa cũng là giáo dục
-Lễ Phật và thực hành Chánh niệm trên chánh điện cũng là giáo dục
-Tổ chức một ngày cắm trại nơi công viên cũng là hình thức giáo dục
-Mỗi tối, các em bắt chân kiết già ngồi niệm Phật hay quán sổ tức tại nhà cũng là hình thức giáo dục v.v…
Trong phạm vi bài này, chúng tôi muốn trình bày với các anh chị về cách thực hiện một tiết dạy môn Phật Pháp hoặc bất cứ môn học nào , trong đó, đoàn sinh là người học và huynh trưởng chúng ta là người dạy.
Bất kỳ một công nghệ giáo dục nào đều có phương pháp hướng dẫn giảng dạy đúng mục tiêu giáo dục và tùy theo tuổi tác, sức tiếp thu của đối tượng mà ta có phương pháp giảng dạy.
Có 4 phương pháp giáo dục được áp dụng trong GĐPT :
1)Phương pháp huân tập
2)Phương pháp lý giải
3)Phương pháp hoạt động
4)Phương pháp quán niệm
Huân tập nghĩa là giáo dục bằng cách tạo ra một môi trường thiện lành để cho đoàn sinh thường ngày sống trong môi trường đó, tập tành suy nghĩ, lời nói và việc làm theo những điều hay lẽ phải. Lâu dần, các em sẽ huân tập được những điều tốt đẹp và trở thành thói quen trong đời sống.
Phương pháp huân tập thường được áp dụng với ngành đồng, vì ở độ tuổi này, các em nhận thức sự việc qua trực cảm chứ không qua lý trí. Đối với ngành thanh, thiếu, phương pháp huân tập vẫn đem lại kết quả giáo dục.
Để áp dụng phương pháp huân tập có kết quả, đòi hỏi người huynh trưởng phải lấy "thân giáo" làm phương tiện căn bản
Lý giải là dùng phương pháp lý luận (trong Phật Giáo gọi là Nhân Minh Luận) để phân tích, giải thích vấn đề một cách khúc triết, rõ ràng làm cho người học hiểu biết thấu đáo, cặn kẻ, không còn nghi ngờ gì nữa.
Phương pháp lý giải được áp dụng đối với ngành thanh, thiếu vì ở độ tuổi này, các em đã bắt đầu nhận thức sự việc qua lý trí.
Để áp dụng phương pháp này có kết quả, huynh trưởng cần phải có kiến thức sâu rộng về Phật Pháp và các môn học khác trong GĐPT, đồng thời còn phải có tài biện luận thông suốt
Hoạt động tức là giáo dục bằng những việc làm cụ thể. Thí dụ :
-Dạy các môn hoạt động thanh niên để làm tăng trưởng các đức tính : tháo vát, khéo tay, cần cù, sáng tạo, năng động v.v…
-Dạy thể dục để tăng cường thể chất; Dạy văn nghệ để phát triển nét đẹp trong tâm hồn v.v…
-Trò chơi là để tăng trưởng các tiềm năng vận động trong con người…
-Cắm trại, tham quan, dã ngoại… là để rèn luyện thân thể và phát triển các đức tính như: óc tổ chức, tinh thần kỷ luật, nhẫn nại, chịu khó v.v…
-Tham gia các công tác xã hội và từ thiện là để thực tập hạnh từ bi , tinh thần trách nhiệm với cộng đồng v.v…
Phương pháp hoạt động áp dụng được cho mọi lứa tuổi, nhưng phải tùy theo tâm sinh lý đoàn sinh mà chọn lựa loại hình phù hợp.
Muốn cho phương pháp hoạt động phát huy tác dụng giáo dục trong GĐPT, huynh trưởng cần có kiến thức sâu rộng về các mặt trong đời sống, phải siêng năng tháo vát, chịu khó và luôn tìm tòi sáng tạo những loại hình hoạt động mới mẻ, thu hút sự tham gia của đoàn sinh.
Phương pháp quán niệm là nét đặc thù của Phật Giáo. Những phương pháp trước có hiệu quả làm tăng trưởng kiến thức, phát huy các đức tính tốt và tăng cường thể chất và tâm hồn cho đoàn sinh. Còn phương pháp quán niệm lại là một khoa học để rèn luyện tâm linh. Nếu thiếu phương pháp quán niệm thì nền giáo dục GĐPT không khác chi nền giáo dục thế gian. Chính phương pháp quán niệm mang lại nét đặc thù cho nền giáo dục Phật Giáo nói chung và GĐPT nói riêng. Quán niệm là phương pháp quyết định để đoàn viên GĐPT hướng đến mục tiêu "trở thành Phật tử chân chánh"
Quán niệm là một tên khác của thiền định. Phương pháp quán niệm chính là thực hành Chánh Niệm và Chánh Định trong Bát Chánh Đạo. Hiện nay, GĐPT thực hành Chánh Niệm hằng tuần sau buổi lễ Phật, đó chính là phương pháp quán niệm vậy.
Trước khi bước vào một tiết dạy, huynh trưởng cần chuẩn bị như sau :
1-Nghiên cứu kỹ đề tài giảng dạy : Đọc kỹ tài liệu và tham khảo thêm về đề tài sắp dạy. Nên nhớ nguyên tắc trong nghề giảng dạy là :"Biết 10 để dạy 1" , không thể chấp nhận mới học lớp 5 mà đi dạy cho học sinh lớp 4 . Vì vậy, huynh trưởng muốn thành công trong việc hướng dẫn đoàn sinh thì kiến thức của mình phải cao hơn đoàn sinh nhiều lần.
2-Soạn giáo án : Giáo án dược ví như la bàn của người đi biển, hay như cây thước của thợ mộc, thợ nề. Ngưới đi biển mà không có la bàn thì sẽ bị lạc đường, không biết đâu là phương hướng để trở về nhà; người thợ mộc, thợ nề mà không có cây thước thì không thể xây xong một cái nhà v.v… Vì vậy, huynh trưởng muốn hướng dẫn đoàn sinh cho có kết quả thì nhất thiết phải soạn giáo án.
Một giáo án cơ bản có mấy phần như sau :
1.Tên bài dạy – Thời lượng dạy : thường là 30 phút
2.Mục đích bài học: (Thí dụ: phạm vi bài dạy này nhằm giúp cho đoàn sinh hiểu biết về nội dung cụ thể gì ? hoặc thực hành một việc cụ thể nào ? v.v…)
3.Chuẩn bị học cụ gì ? tranh ảnh hay một vật gì có liên quan đến nội dung bài học
4.Khởi động tiết học : Bài hát vui – Niệm Phật
5.Câu hỏi kiểm tra bài học tuần trước
6.Giới thiệu bài học mới (có sử dụng học cụ để kích thích sự chú ý của các em)
7.Nội dung bài dạy hôm nay :
-Văn : là những kiến thức cần thiết nằm trong mục đích bài dạy
-Tư : là bài học rút ra từ nội dung vừa tiếp thu
-Tu : là thể hiện hành động sau khi tiếp thu bài vừa học
8.Câu hỏi kiểm tra : nhằm ôn lại những điều vừa học
9.Kết thúc tiết học : biểu dương các em tích cực học tập – Nhắc nhở những em lơ là trong giờ học – Hồi hướng – Bài hát vui.
-Trong chương trình tu học môn Phật Pháp – Tinh thần – Lịch sử hiện hành được ghi trong tài liệu tu học do Trung ương phổ biến, có một số đề tài cần phải dạy trong 2 hoặc 3 tiết, chứ không phải đề tài nào cũng chỉ dạy 1 tiết.
Để soạn giáo án, các anh chị phải kết hợp 2 tài liệu do Trung ương phổ biến:
+Một là cuốn"Sổ Tay Huynh Trưởng"
+Hai là cuốn tài liệu tu học soạn riêng cho mỗi bậc học
Khi soạn giáo án, các anh chị phải đọc kỹ tài liệu "Sổ Tay Huynh Trưởng" để biết đề tài nào dạy 1 tiết, đề tài nào dạy 2 – 3 tiết mà soạn giáo án cho thích hợp. Ngoài ra, trong quá trình soạn giáo án, các anh chị sẽ thấy trường hợp : có đề tài, theo "Sổ Tay Huynh Trưởng" ghi chỉ học 1 tiết, nhưng trong Tài Liệu Tu Học thì lại biên soạn quá nhiều chi tiết, buộc lòng chúng ta phải chia ra thành 2 tiết học mới hết. Trong trường hợp đó, các anh chị có thể soạn 2 giáo án để dạy trong 2 tiết.
–Mục đích bài học: căn cứ theo tài liệu tu học của bậc mình đang hướng dẫn, gói gọn những kiến thức cần dạy theo trong tài liệu ấy, không tự tiện dạy thêm điều gì khác, cũng không tự tiện bỏ bớt (Sách Hướng dẫn huynh trưởng do Trung ương ban hành có ghi rõ mục đích cho từng bài dạy ở từng cấp học, đề nghị huynh trưởng coi theo đó mà soạn giáo án)
–Chuẩn bị học cụ : tranh ảnh phải mới, lạ, đẹp và có kích thước hơi to (cỡ tờ giấy A4 là vừa) Nếu tranh ảnh nhỏ quá, cũ và không đẹp sẽ không thu hút được sự chú ý của đoàn sinh – Các học cụ khác cũng phải to, đẹp, mới, lạ – Tranh ảnh có sẵn trên mạng, chỉ mất công tìm kiếm và tốn ít tiền in (màu) ra , dạy xong để dành cho lần sau sử dụng tiếp. Đơn vị nên thành lập "thư viện" lưu trữ những loại học cụ để huynh trưởng khi cần có thể sử dụng.
–Câu hỏi kiểm tra bài học tuần trước : khi soạn giáo án, anh chị đem các câu hỏi ở mục 8 của bài học tuần trước vào phần này. Nếu là tiết học đầu tiên trong năm học mới thì câu hỏi kiểm tra là của bài học cùng tên của năm trước (TD: tiết học đầu tiên của bậc Cánh Mềm là đề tài Lịch sử đức Phật Thích Ca – từ đản sanh đến xuất gia, thì câu hỏi kiểm tra là của bài LSDPTC -từ DS đến XG của bậc Mở Mắt v.v…)
–Lời giới thiệu bài học mới phải có tính gợi sự chú ý của đoàn sinh, được hỗ trợ bởi học cụ để dẫn người học vào đề tài sắp dạy. Lời giới thiệu phải được viết sẵn trong giáo án để khi vào tiết học, anh chị không bị quên
–Nội dung bài dạy được soạn theo 3 phần Văn – Tư – Tu chính là đặc thù của nền giáo dục Phật Giáo với ý nghĩa 3 giai đọan của người học Phật là :
+Văn : tiếp thu nội dung đề tài
+Tư : tư duy, quán chiếu đề tài để rút ra bài học trong cuộc sống
+Tu : biến những điều vừa học thành hành động cụ thể
Nếu trong 3 giai đoạn này mà thiếu đi một, thì sự tu học sẽ không viên mãn.
–Câu hỏi kiểm tra : nên soạn những câu hỏi ngắn gọn, súc tích để đoàn sinh dễ hiểu, dễ trả lời và dễ ghi nhớ.
–Khởi động : bài hát vui là để gây không khí vui tươi – Niệm Phật cho tâm trí bớt xao động để lắng lòng tiếp thu bài học
–Kiểm tra bài học tuần trước: các anh chị chỉ đặt câu hỏi cho đoàn sinh trả lời, chứ không nên giảng lại bài cũ, vì như thế sẽ không còn đủ thời gian cho bài mới. Phải bảo đảm tất cả đoàn sinh trong buổi học đều được lập lại câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi kiểm tra. Việc cho các em lập lại các câu trả lời đúng có mục đích củng cố kiến thức bài cũ cho các em.
–Giới thiệu bài mới : Giới thiệu bài mới là để dẫn dắt người học hướng sự tò mò và chú ý vào đề tài sắp học. Huynh trưởng không nên xem nhẹ mà bỏ qua phần này. Lời giới thiệu phải được soạn trước thành văn và ghi vào giáo án, các anh chị cứ theo đó mà nói lại với các em. Huynh trưởng cần tạo không khí vui tươi để gây tâm lý thoải mái cho đoàn sinh, nhưng không được giỡn hớt cười đùa quá đáng, làm cho đoàn sinh xem thường mà mất đi nề nếp kỷ luật trong giờ học.
–Dạy bài mới : Huynh trưởng phải bám sát giáo án mà dạy, đừng đi ra ngoài những kiến thức mà tài liệu đã biên soạn. Nên nhớ, chương trình tu học của chúng ta ở ngành Oanh có 9 đề tài xuyên suốt 4 bậc học từ Mở Mắt cho đến Tung Bay; còn ở ngành Thiếu cũng có 8 đề tài xuyên suốt ờ hai bậc Hướng thiện và Sơ thiện. Do vậy, tuy cùng một đề tài nhưng ở mỗi bậc học được biên soạn khác nhau để bậc học sau không lặp lại những kiến thức đã học ở bậc trước, vì vậy mà anh chị phải trung thành với tài liệu, đừng dạy những gì mà trong tài liệu không có để đảm bảo còn cái để dạy ở bậc học sau. Như trên đã nói: huynh trưởng muốn dạy một thì phải biết mười, nhưng không được "rút hết ruột gan" ra dạy cho các em liền một lúc để chứng tỏ tài năng thông bác của mình (đa số huynh trưởng hay mắc phải "tật" này).
Suốt tiết học, huynh trưởng phải làm chủ thời gian, đừng sa đà vào quá nhiều chi tiết không cần thiết mà bỏ quên trọng tâm bài dạy, để rồi kết cuộc 30 phút trôi qua mà mục đích bài dạy vẫn chưa được hoàn thành (tức "cháy giáo án"). Nên nhớ, khi biên soạn tài liệu tu học, ban biên soạn đã hạn định mục đích và số lượng kiến thức trong một bài học sao cho vừa với thời lượng 30 phút của 1 tiết học trong buổi sinh hoạt GĐPT. Các anh chị không nên tự ý nâng thời lượng tiết học lên gấp đôi mà phản lại đặc tính giáo dục của GĐPT và biến buổi sinh hoạt GĐPT thành một nhà trường phổ thông thứ hai. Nên nhớ: đặc tính nền giáo dục GĐPT là sự huân tập nhẹ nhàng, dài lâu, bền chặc, chứ không mang tính nhồi nhét kiến thức theo kiểu "ăn không cần nhai" như ở các trường học ngoài đời.
Về việc chép bài học của đoàn sinh : nhiều anh chị than phiền : 30 phút không đủ cho đoàn sinh chép bài. Đó là bởi vì các anh chị cho các em chép "nguyên xi" bài trong tài liệu vốn được biên soạn dành riêng cho huynh trưởng tham khảo để soạn giáo án trước khi lên lớp. Rất nhiều huynh trưởng lên lớp mà tay thì cầm cuốn tài liệu, miệng thì giảng huyên thuyên như giáo sư đại học giảng bài cho sinh viên nghe. Như thế làm sao đoàn sinh mình "tiêu hóa" cho kịp bài học ? còn đâu thời gian chép bài ?
Lại nữa, cũng có một số huynh trưởng tuy có soạn giáo án, nhưng thường cũng "bê nguyên xi" những gì viết trong tài liệu, chứ không biết rút gọn, sắc kẹo để vừa sức cho các em nghe và chép bài mà vẫn không bị lố thời lượng tiết học
Chúng ta không cần thiết cho đoàn sinh chép "toát yếu" với những câu văn đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ…như ở trường học. Chúng ta chi cần cho các em ghi vắn tắt những chi tiết trong bài học. Thí dụ :
-Thay vì các em phải chép bài : "Thái tử Tất Đạt Đa là con của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da nước Ca Tỳ La Vệ. Ngài đản sinh dưới gốc cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni vào ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch…"
-Các anh chị nên đọc cho các em ghi như sau bằng cách gạch đầu dòng :
-Tất Đạt Đa – Cha: Tịnh Phạn – Mẹ : Ma Da – Ca Tỳ La Vệ
-Lâm Tỳ Ni – cây Vô Ưu – 15/4 âl năm 624 trước TL.
-Nhận xét : nếu ghi như trên, các em phải chép tổng cộng 48 từ với 148 mẫu tự – Nếu ghi theo cách dưới thì các em chỉ phải viết tổng cộng 25 từ với 66 mẫu tự. Thời gian chép bài sẽ rút ngắn còn phân nửa so với kiểu chép toát yếu như trên.
Cho các em ghi vắn tắt như thế không có gì hại , bời vì khi đọc lại những chữ đó trong tập chép bài, các em sẽ hiểu ngay ý nghĩa của chúng mà không cần ai giải thích .
Đồng thời, ghi như vậy sẽ giúp các em phát triển năng khiếu ăn nói, bởi vì các em bắt buộc phải nghĩ ra câu trả lời từ những họ tên, địa danh và ngày tháng đó khi huynh trưởng kiểm tra bài vào tuần sau. Lại nữa, học như vậy các em sẽ tránh được kiểu "học vẹt" mà đa số học sinh bây giờ đang mắc phải.
Nhân đây, tôi xin gợi ý với các anh chị một trò chơi nhằm mục đích ôn tập những bài đã học trong 1 tháng. Trò chơi như sau : các anh chị viết những từ sau đây vào một mảnh giấy nhò : Tất Đạt Đa – Tịnh Phạn – Ma Da – Ca Tỳ La – Cây Vô Ưu – 15/4 -Lâm Tỳ Ni v.v…Xếp nhỏ các mảnh giấy, bỏ vào một cái hộp. Từng em đoàn sinh được gọi lên bóc một mảnh giấy trong chiếc hộp, mở ra gặp từ nào thì trả lời ý nghĩa của từ ấy. Thí dụ : em nào bắt được mảnh giấy có ghi từ "Tất Đạt Đa" thì em đó phải trả lời "Tất Đạt Đa là tên của đức Phật Thích Ca khi còn là thái tử"; nếu bắt được mảnh giấy có từ "Cây Vô Ưu" thì em trả lời "Cây Vô Ưu là nơi thái tử Tất Đạt Đa đản sinh". Trò chơi này, ngoài mục đích ôn tập, còn có tác dụng luyện cho các em biết sử dụng một từ có sẵn để lập thành một câu có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Đối với các đề tài khác, chúng ta vẫn có thể sử dụng trò chơi này.
–TƯ : là phần cốt lõi rút ra từ bài vừa học mà ta muốn cho đoàn sinh ghi nhớ như là kim chỉ nam hướng dẫn hành động cho các em. Huynh trưởng soạn phần này cần ngắn gọn, súc tích cho đoàn sinh dễ nhớ, thường thì rút gọn trong một câu mà thôi .
–TU : là một câu ngắn gọn nói lên quyết tâm noi gương hoặc một hành động cụ thể nào đó sau khi rút ra ý nghĩa cốt lõi từ bài học
-Câu hỏi kiểm tra : nên soạn những câu hỏi ngắn gọn, súc tích để hỏi và đoàn sinh trả lời. Các câu hỏi phải bám sát nội dung và mục đích bài dạy (đừng hỏi gì ra ngoài bài). Em nào trả lời không được thì chỉ em khác trả lời và nhớ bắt em trả lời không được lúc nảy lập lại câu trả lời của bạn. Làm sao cho tất cả người học đều phải được ít nhất một lần trả lời. (Tuần sau, trong tiết học bài mới, các câu hỏi này sẽ được hỏi lại trong phần "Câu hỏi kiểm tra bài cũ")
-Kết thúc tiết học: huynh trưởng biểu dương các em học tốt, trả lời được nhiều câu hỏi và nhẹ nhàng nhắc nhở những em còn lơ đễnh, thiếu tập trung trong giờ học. Sau đó cho các em hồi hướng và bắt một bài hát vui. (Nếu phần kết thúc tiết học diễn ra đúng vào lúc huynh trưởng trực thổi một hồi còi dài báo hiệu giờ học còn 5 phút nữa thì tiết học của anh chị xem như thành công về mặt giờ giấc)
1)Hãy kể và giải thích 4 phương pháp giáo dục trong GĐPT
2)Có 2 việc rất cần thiết trước khi lên lớp dạy 1 tiết học. Hãy cho biết là 2 việc nào?
3)Hãy ghi lại các phần căn bản trong một giáo án
4)Sau khi hướng dẫn bài "Ý nghĩa huy hiệu Hoa Sen" , thay vì cho các em chép bài toát yếu dài dòng, các anh chị sẽ cho các em ghi nhớ vào vở như thế nào ?
Một số hình ảnh của tiết học: