Phật Giáo Trong Đời Sống Người Việt

GS Minh Chi

Nói đến Phật Giáo, người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh ngôi chùa với các tượng Phật uy nghiêm và tăng, ni cùng những lễ nghi cúng bái. Nhưng đó chỉ là những điều nhỏ nhặt bên ngoài. Điều thật sự quan trọng phải là: Phật Giáo đã hướng dẫn con người như thế nào trong cuộc sống, trước hết là cuộc sống bản thân, sau đấy là cuộc sống gia đình và cuộc sống quốc gia, xã hội.

Đến tận bây giờ, một số người trí thức vẫn còn đặt câu hỏi : “Đạo Phật là đạo “sắc sắc, không không” thì sao lại còn quan tâm tới vận mệnh quốc gia dân tộc và xã hội làm gì?”. Đó là một quan điểm rất không đúng, cần được phản bác về mặt lý luận cũng như về thực tế lịch sử.

Tất nhiên, việc đi chùa lạy Phật, tụng kinh, ăn chay cũng là sống theo đạo Phật. Thế nhưng thử hỏi trong một tháng có bao nhiêu ngày, và trong một ngày có bao nhiêu giờ chúng ta lễ Phật, tụng kinh ? Thế thì trong những ngày khác, giờ khác, chúng ta không đi chùa, không tụng kinh thì chúng ta sống ra sao ? Do đó, phải biết rằng sống theo đạo Phật là sống hằng ngày, hằng giờ chứ không phải chỉ trong những khi chúng ta đi chùa, lễ Phật, tụng kinh. Từ đó, người Việt Nam ta thường nói câu :Tu theo Phật là tu ở nội tâm mình, trong lòng mình…” Đó là một đặc sắc rất quý báu của đạo Phật tại Việt Nam.

Nguyễn Du viết trong phần kết luận truyện Kiều : “Thiện căn ở tại lòng ta”. Ý thi hào muốn nói gốc của điều thiện là ở trong lòng mình chứ không phải ờ hình thức bên ngoài.

Các nhà Phật học đời Trần cho rằng, tin rằng Phật chính là tâm mình. Do đó mà khi vua Trần Thái Tông bỏ kinh thành lên núi Yên Tử để tìm Phật, thì quốc sư Viên Chứng khuyên vua rằng : “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có ở trong tâm, tâm lặng mà biết thì đó là ông Phật thật”.

Lễ rước mừng Phật Đản tại Thừa Thiên Huế

Quốc sư Viên Chứng muốn nói rằng lòng người sở dĩ không biết, không giác ngộ, là vì lòng xao xuyến không yên lặng được. Vậy, cái gì làm cho tâm mình không yên lặng được? Đạo Phật dạy rằng  có hai điều: Một là làm điều ác khiến cho lòng bứt rứt không yên; Hai là tham lam quá nhiều khiến tâm mình quay cuồng chạy theo dục vọng, thanh sắc, không bao giờ ngưng nghỉ.

Dân ta có câu : “Tham thì thâm. Bụt đã bảo rằng chớ có tham

Lòng mình tức là Bụt vốn thường bảo ta rằng chớ có tham, nhưng ta vẫn cứ tham : tham tiền, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ… gì cũng tham. Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng nói đích thực của tâm thì chúng ta đỡ khổ đau biết bao nhiêu, đỡ phạm bao nhiêu sai lầm và tội ác. Nhưng đáng tiếc là trong cuộc sống thác loạn hiện nay, người ta không chịu nghe tiếng nói của Ông Phật trong tâm mình. Thí dụ: tuy bụng không đói nhưng thấy đồ ăn ngon vẫn cứ tiếp tục ăn; miệng không khát nhưng vẫn tiếp tục nốc bia hết chai này sang chai khác, nhất là người mời bia là những cô tiếp viên xinh như mộng v.v…

Bởi vậy mà vua Trần Nhân Tông, một nhà Phật học lỗi lạc đời Trần có bài thơ như sau :

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà
sẵn ngọc thôi tìm kiếm

Lặng lòng
đối cảnh hỏi chi Thiền”

“Ngọc” ở đây ẩn dụ cho Ông Phật trong tâm của mỗi người. Còn rất nhiều minh chứng về chân lý “Phật tức tâm-Tâm tức Phật” mà đạo Phật đã dạy cho dân mình, trở thành triết lý sống của mỗi người tin Phật trong xã hội Việt Nam hơn 2000 năm qua.

Lễ rước mừng Phật Đản tại Thừa Thiên Huế

Mọi người Việt Nam đều thuộc lòng câu thơ Kiều :

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Xin đừng trách
lẫn trời gần trời xa”

Vậy “Nghiệp” là gì ? Đấy là một chân lý đặc sắc của đạo Phật đã lan tràn trong đời sống xã hội Việt Nam đến nỗi không cần giải thích dong dài mà ai ai cũng đều hiểu.

Khi chúng ta có dụng ý thiện hay ác làm một hành động nào đó thì tức là ta đã tạo ra nghiệp cho mình. Chính chúng ta là chủ nhân của nghiệp và cũng là người nhận lấy quả báo do nghiệp mang lại, chứ không có một đấng thần linh tối cao nào sắp xếp cho ta, bắt cuộc đời ta phải chịu đau khổ hay hạnh phúc cả. Thuyết nghiệp báo của nhà Phật ăn sâu vào đời sống Việt Nam đến mức cụm từ “Tội nghiệp” đã trở thành câu nói cửa miệng của toàn dân, không chừa một ai. Thuyết nghiệp báo của Phật Giáo mang tính nhân bản rất cao, đồng thời hàm chứa một sự bao dung đối với người phạm tội, khiến cho xã hội an hòa, không cực đoan hiếu sát.

Dân tộc Việt có được phước báu lớn khi chọn đạo Phật làm quốc giáo (từ “quốc giáo” ở đây nói lên sự thật đa số người Việt chọn đi theo đạo Phật, chứ không mang ý nghĩa chính trị) và tu thiện hành thiện theo nền giáo lý từ bi hỷ xả của Phật Giáo.

Mọi người tin Phật đều thuộc nằm lòng bài kệ trong kinh Pháp Cú sau đây:

“Không làm các điều ác

Vâng làm những việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

lời chư Phật dạy”

Tinh thần bài kệ trên đây luôn hiện diện trong từng con người, trong từng gia đình và bàng bạc khắp xã hội Việt Nam.

​Lễ rước mừng Phật Đản tại Thừa Thiên Huế

Đó chính là kết quả mà Phật Giáo đã đem lại cho đời sống xã hội Việt Nam.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.