Ngày 27 tháng 7 dương lịch hằng năm được Nhà nước ta chọn làm Ngày Thương Binh Liệt Sĩ nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng.
Cũng trong tháng 7 âm lịch, cụ thể là ngày Rằm tháng 7 hằng năm. Phật giáo Việt Nam có ngày lễ Vu Lan tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên đã khuất nhằm giáo dục người Phật tử tinh thần “tri ân và báo ân” công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, dù đã khuất hay còn tại thế.
Hai ngày lễ trên đây, một xuất phát từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt, một xuất phát từ giáo lý Tứ Ân của Phật giáo Việt Nam. Nhưng dù xuất phát từ nguồn gốc nào, hai ngày lễ này đều có chung một ý nghĩa và mục đích là giáo dục truyền thống “tri ân-báo ân” cho thế hệ đi sau.
Phật giáo không giống với bất cứ tôn giáo nào trong xã hội loài người từ xưa đến nay. Trong khi tất cả các tôn giáo nhất thần hay đa thần đều dạy tín đồ của họ rằng: mọi thứ trên đời này con người được hưởng hay phải gánh chịu đều do thần linh của tôn giáo họ ban phước hay giáng họa. Vi vậy tín đồ phải tuyệt đối phục tùng và biết ơn thần linh của họ. Chưa có tôn giáo nào dạy tín đồ phải biết ơn con người cả!
Phật giáo thì không dạy thế. Đức Phật dạy người Phật tử trong cuộc sống phải biết ơn và đền ơn bốn đối tượng sau đây:
1. Ơn ông bà cha mẹ: vì có ông bà mới ra cha mẹ, có cha mẹ mới có chúng ta. Suốt từ khi lọt lòng cho đến ngày trưởng thành sống đời tự lập, bất cứ người con nào trên cuộc đời này đều phải sống dựa vào tình thương và sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ. Vì vậy ơn thứ nhất không ai được quên, đó là ơn ông bà cha mẹ.
2. Ơn thầy, bạn : thầy là người truyền trao kiến thức, luân lý, đạo đức cho ta làm người hữu dụng trong xã hội. Bạn là người gần gũi giúp đỡ ta khi ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Mọi thứ ta có hôm nay như: tri thức, sự nghiệp, đạo đức, địa vị xã hội v.v… không nhiều thì ít đều có công ơn của thầy ta và những người bạn tốt của ta. Do đó, Phật dạy người Phật tử phải tri ân báo ân thầy và bạn.
3. Ơn quốc gia, xã hội : ơn này rất rộng lớn, nên tách ra hai phạm trù cho đễ trình bày:
3.1- Ơn quốc gia : đó chính là nhà nước, nhà cầm quyền ở mỗi quốc gia, mỗi chế độ. Chúng ta làm dân trong một quốc gia, dù thương hay ghét chế độ thì chúng ta cũng đã mặc nhiên chịu ơn của nhà nước trong chế độ đó. Tôi xin tóm tắt hai món ơn cơ bản nhất của nhà nước là:
-Ơn quản lý, điều hành đất nước, tạo công ăn việc làm cho dân, cơm no áo ấm cho dân, chăm sóc sức khỏe cho dân, giáo dục tri thức cho dân, tạo điều kiện cho dân được tự do tín ngưỡng tôn giáo, đưa đất nước tiến bộ mọi mặt để cho cộng đồng thế giới nể trọng , người dân được tự hào về đất nước mình, về dân tộc minh với bạn bè khắp năm châu v.v…
-Ơn giữ gìn an ninh quốc phòng. Biết bao người lính dầm sương dãi nắng giữ gìn biên cương đất nước cho người dân yên ổn làm ăn, học hành, vui chơi. Biết bao anh công an, cảnh sát thức trắng đêm canh giữ an ninh trật tự để cho người dân có được giấc ngủ bình yên v.v…
3.2- Ơn xã hội : sống ở đời ai cũng có nhu cầu hưởng thụ các quyền cơ bản như : lao động, ăn, mặc, học tập, giải trí cùng rất nhiều nhu cầu khác. Vậy ai là người cung cấp cho ta những thứ cần thiết để ta thỏa mãn những nhu cầu trên đây? Đó chính là các ngành nghề trong xã hội như: người nông dân làm ra nông sản cho chúng ta ăn, người thợ dệt làm ra vải vóc cho chúng ta mặc, người dược sĩ làm ra thuốc, người bác sĩ khám và chữa bệnh cho ta v.v… Vì vậy ta phải biết ơn và đên ơn cho xã hội.
Đối vơi mọi người sinh ra trên thế gian này, không ai là không thọ nhận ba món ơn trọng trên đây. Riêng đối với người Phật tử thì ngoài ba trọng ân nêu trên, còn thọ nhận món ơn thứ tư, đó là ơn Tam Bảo.
4.Ơn Tam Bảo : Tam Bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.
-Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra đạo Phật. Ngài đã từ bỏ đời sống vương giả, chọn con đường xuất gia đầy gian khó để mưu cầu tìm ra chân lý cứu khổ cho nhân loại. Nếu không có sự xả thân tìm Đạo của Ngài thì ngày nay 1/3 dân số toàn cầu đâu thấy được ánh sáng chân lý cho đời bớt khổ đau?
-Pháp là những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong suốt 45 năm được các đệ tử của Ngài ghi chép lại trong ba tạng : Kinh – Luật – Luận và truyền bá đến ngày nay. Người Phật tử tin theo đạo Phật chính là tin vào lời dạy của đức Phật. Nhờ học và thực hành những lời dạy của Ngài mà chúng ta được thêm vui bớt khổ trong đời sống.
-Tăng là những người xả ly những bận bịu của đời sống thế gian, xuất gia vào chùa chuyên tu học Phật và thực thi sứ mạng truyền bá đạo Phật ra khắp thế gian. Chư Tăng là một tập thể có đời sống cao quý như:
*Hy sinh các thú vui trần tục, chọn lối sống thanh cao đạm bạc để dành hết thời gian và tinh thần cho việc tu học Phật.
*Chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp để cải tạo nhân cách, làm gương tốt về đạo đức cho Phật tử noi theo.
*Hết lòng hướng dẫn Phật tử học và tu theo lời Phật dạy để họ được thêm vui bớt khổ trong đời sống thường ngày
Đấy là lý do tại sao người Phật tử phải tri ân và báo ân Tam Bảo.
☸☸☸
Học lịch sử nước nhà, ai cũng biết rằng đất nước ta đã bị thực dân Pháp xâm chiếm kể từ năm 1858. Từ năm 1858 đến trước năm 1930, hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp đã nổ ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau, như khởi nghĩa của Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân; các cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trung Trực… lãnh đạo. Các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đó vô cùng anh dũng, nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại.
Cho đến năm 1930, vị anh hùng dân tộc Hô Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân chống Pháp giành độc lập vào ngày 02/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945-1954) và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, khiến cho thực dân Pháp phải bỏ mộng làm bá chủ cõi Đông Dương và ngồi vào bàn hội nghị ký hiệp định đình chiến với Chính phủ ta.
Hiệp định Genève ký ngày 20/7/1954 tạm thời chia đôi đất nước với điều kiện 2 năm sau sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam. Tưởng đâu nhân dân ta sẽ được hưởng cảnh thanh bình thống nhất sau 2 năm theo hiệp định Genève, nhưng đế quốc Mỹ đã nhảy vào chiếm miền Nam và lập ra chính phủ bù nhìn Việt Nam Cộng Hòa nhằm cản trở việc thống nhất đất nước và biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn chống Cộng Sản tại Đông Nam Á.
Trước dã tâm của đế quốc Mỹ, Đảng ta bắt buộc phải lãnh đạo toàn dân hai miền Bắc-Nam tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng khốc liệt suốt 20 năm (1955-1975). Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc trọn vẹn vào ngày 30/4/1975. Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành vẻ vang công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng Sản Việt Nam suốt 45 năm gian khổ với vô vàn hy sinh mất mát.
Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc chưa được bao lâu, Đảng ta lại phải đối phó với kẻ thù mới là bọn diệt chủng Pôn-Pốt ở biên giới Tây-Nam và bọn bành trướng Bắc Kinh ở biên giới Tây-Bắc. Ở thế “lưỡng đầu thọ địch” , Đảng và nhân dân ta lại phải lao vào cuộc chiến mới kéo dài suốt 10 năm (1978-1988) hao tổn biết bao sức người sức của, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống và biết bao thương binh trở về hậu phương với thân xác không còn nguyên vẹn.
Theo thống kê của ngành Lao động-Thương binh và xã hội thì đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công ( chiếm gần 10% dân số). Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng; 300.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,…Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. (*).
Người Phật tử Việt Nam đang thực hành giáo lý Tứ Ân trong đời sống hôm nay vâng theo lời Phật dạy đến đáp ơn trọng quốc gia, tích cực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ thương binh, các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng và người có công với Cách mạng qua hình thức đóng góp vào các quỹ do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam các cấp vận động. Việc đóng góp này vừa là bổn phận vừa là thể hiện nếp sống “tốt đạo đẹp đời” theo lời Phật dạy.
Tuy nhiên, càng suy ngẫm sâu xa chúng ta sẽ thấy rằng dù đóng góp bao nhiêu tiền của cũng không bao giờ đủ để đền đáp công ơn những người anh hùng vị quốc vong thân, hoặc những người thương binh đã hy sinh một phần thân thể trong 3 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đã qua.
Để tạm gọi là báo ân cho những thương binh liệt sĩ, chúng tôi thiết nghĩ không gì hơn là Phật tử chúng ta hãy sống theo tấm gương cao cả của các vị ấy, tiếp nối sự nghiệp giữ nước và dựng nước mà các vị ấy còn dang dở, nỗ lực xây dựng Tổ Quốc Việt Nam Chủ nghĩa Xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh để sánh vai với các dân tộc tiến bộ trên năm châu bốn biển.
Đó là cách trả ơn mang ý nghĩa thiết thực nhất.
Chú thích:
(*) Theo báo cáo năm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1