Nên hiểu thế nào về “DUY NGÃ ĐỘC TÔN”

G

Hầu hết chư Tăng Ni, Phật tử đều biết đến sự tích Đức Phật đản sinh, bước đi bảy bước và lời tuyên bố của Ngài “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn…” Lời tuyên bố quan trọng này gợi lên những băn khoăn của quần chúng Phật tử: Ngã ở đây là gì? Chẳng lẽ Đức Phật đã không khiêm tốn? Chẳng lẽ quan điểm của Phật giáo không là Vô ngã hay sao? Thế là phát sinh những thắc mắc, những luận bàn, những yêu cầu được giải đáp. Từ đó việc giải thích “Duy ngã độc tôn” được nêu ra. Cũng từ đó, chư tôn thiền đức và một số học giả Phật giáo đã giải đáp thắc mắc ấy. Nhưng giải đáp thế nào, có hợp lý hay không, chúng ta hãy thử xem xét.

Trước hết, người viết bài này xin được nhắc đến những bài viết đã được đăng trên các trang web:

1. Những giải thích thường được tìm thấy:

-Ngã ở đây có nghĩa là con người, là mọi người. Con người là sinh vật cao nhất, có Phật tính; con người là tối linh của vạn vật; chỉ có con người mới có khả năng thành Phật (xem các bài trên các trang web: phatgiao.org.vn; giacngo.vn) Vậy, duy ngã (chỉ có ta) được hiểu là duy nhân (chỉ có con người). Thế rồi các tác giả bàn đến con người, bảo rằng Đức Phật dạy: Duy ngã độc tôn là nhằm dạy cho chúng ta con đường giải thoát… [linhsonphatgiao.com], rất xa với ý chính!

-Ngã ở đây có nghĩa là Phật tánh, là Như Lai tánh, chân lý tuyệt đối, chân tâm, là cái ngã chân thật, là Pháp thân thường trụ [phatgiao.org.vn; thuviengdpt.info; giacngo.vn…]. Thế rồi các bài viết lại giảng về pháp thân, về Như Lai tánh, về niết-bàn… và hiễu ngã như một chủ ngữ thuộc ngôi thứ ba trong xưng hô chứ không phải ngôi thứ nhất.

-Ngã ở đây là duy ngã, chân ngã, trong ngữ cảnh Thường Lạc Ngã Tịnh của Kinh Đại Bát Niết-bàn (bản Bắc) [thuvienhoasen.org; phapphapungdung.com…].

Người viết bài này còn được nghe một số băng đĩa ghi âm bài giàng của một số chư Tăng Ni thiền đức, có đọc một số sách tuyển tập các bài viết và một số tập san Phật giáo viết về ”Duy ngã độc tôn”: đại khái, việc giải thích ngã trong Duy ngã độc tôn đều như đã nói trên, lại còn khẳng định rằng ngã ở đây không phải là chỉ Đức Phật, vì Ngài là vị luôn luôn khiêm tốn, không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo. Có bài còn đưa cả ý niệm Tiểu ngã, Đại ngã của Ấn Độ giáo (!) để bảo rằng ngã ở đây là Đại ngã!

Có lẽ các tác giả của các bài viết, bài thuyết pháp nói trên đã quên, hoặc bỏ qua, hoặc chưa đọc nhiều kinh Phật nên có những giải thích không thỏa đáng. Thực ra, trọn lời tuyên bố của Thái tử Tất-đạt-đa hay Đức Phật được ghi lại trong rất nhiều kinh, không chỉ gồm “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

2.Nên hiểu lời tuyên bố của Đức Phật khi vừa đản sinh như thế nào?

Chúng ta hãy đọc nguyên văn lời tuyên bố nêu trên của Đức Phật qua một số kinh trong khá nhiều kinh, luận có nói đến: kinh Đại bổn số 13, Trường bộ kinh; kinh Đại bổn duyên, số 1, Trường A-hàm; kinh Vị tằng hữu pháp, số 32, Trung A-hàm; kinh Phương quảng Đại trang nghiêm; kinh Tu hành bản khởi; kinh Quá khứ hiện tại nhân quả; kinh Phật bổn hạnh tập (các kinh sau được nêu trong Đại tạng Đại chánh tân tu, dưới đây viết tắt là ĐCTT):

-“Ta là bậc tối thượng trên đời, Ta là bậc tôn quý nhất trên đời. Ta là bậc cao cả nhất trên đời. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, Ta không còn tái sinh ở đời này nữa” (kinh Đại bổn, Trường bộ)

-“Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là bậc tôn quý nhất. Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Ấy là pháp thường hằng của chư Phật” (kinh Đại bổn duyên, Trường A-hàm)

-“Đối với thế gian, Ta là bậc tối tôn, tối thắng. Đây là thân tối hậu của Ta vì Ta đã dứt hết mọi sinh, lão, bệnh, tử… Ta là bậc vô thượng đệ nhất trong tất cả chúng sinh”(kinh Phương quảng Đại trang nghiêm, ĐCTT)

-“Trên trời dưới đất, Ta là đấng độc tôn. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ an bài cho họ” (kinh Tu hành bản khởi, ĐCTT)

-“Ta là bậc độc tôn trong các cõi trời người. Vô lượng sinh tử của Ta nay đã chấm dứt” (kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, ĐCTT)

-“Trong thế gian, Ta là tối thượng.Từ nay Ta không còn tái sinh nữa” (kinh Phật bản hạnh tập, ĐCTT)

3. Nhận xét về các trích dẫn vừa nêu:

-Về văn mạch, “Duy ngã độc tôn…”, nếu ngã ở đây không phải là chính Đức Phật, thì ở các vế sau: “…Nay là đời sống cuối cùng của Ta, Ta không còn tái sinh ở đời này nữa”; “… Đây là thân tối hậu của Ta vì Ta đã dứt hết mọi sinh, lão, bệnh, tử…”; “…Ba cõi đều khổ, Ta sẽ an bài cho họ”; “…Vô lượng sinh tử của Ta nay đã chấm dứt”; “…Từ nay Ta không còn tái sinh nữa”… Chữ Ta ở đây lại không thể hiểu là con người ở đời, là Phật tánh, là chân ngã, là pháp thân, là Như Lai tạng… Rõ ràng, Ta ở các vế sau ấy chính là Đức Phật, Ngài tự nói về Ngài.

-Tự tuyên bố là “Duy ngã độc tôn…”, Đức Phật nhắc lại lời tuyên bố ấy của các vị Cổ Phật khi đản sinh chứ không phải của riêng Ngài. Lại nữa, ở đây không phải là vấn đề tự kiêu, tự tôn, vì Ngài chỉ nêu lên sự thật. Ngài biết Ngài là Phật, Ngài thị hiện trong cõi ta-bà. Trong kinh Tăng chi bộ, chương 1, Một pháp, Ngài dạy: ”Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng,  bậc tối thượng giữa loài người. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác”. Ngài đang là Phật, Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, và Ngài tuyên bố như vậy, liệu các tác giả trong các bài viết, bài nói như được nêu ở phần 1 của bài này có bảo rằng Ngài không khiêm tốn?

Kinh chép rằng khi Đức Phật đản sinh, các Phạm thiên đến chào mừng, rằng Ngài đã từng giảng pháp cho các Phạm thiên, rằng Ngài đã cải hóa nhiều vị Phạm thiên. Trong kinh Phạm võng (Bhramajala Sutta) thuộc Trường bộ, Đức Phật kể rằng vị Đại Phạm thiên vương vốn được xem là vua cõi trời cao nhất, chỉ là một chúng sanh được sinh ra đầu tiên khi thế giới bị hủy hoại, sau đó các chúng sanh khác từ cõi thấp hơn được sinh vào đó. Vị Đại Phạm thiên vương nghĩ rằng đấy là do mình sinh ra, mình là kẻ sáng tạo, quyền năng, tối thượng và các Đại Phạm thiên kia cũng nghĩ như thế. Thực ra, Đại Phạm thiên vương cũng chỉ là một chúng sanh dù tuổi thọ cao nhất (có sách ghi đến hàng tỷ năm) nhưng rồi cũng phải chết đi, phải tái sinh. Đức Phật từng bảo: “Vô lượng sinh tử của Ta nay đã chấm dứt” . Như vậy, Ngài là bậc tối thượng, cao hơn Đại Phạm thiên vương vốn được cho là vị Trời cao nhất.

Những lời giải thích quanh co, bảo rằng “Duy ngã độc tôn” không phải là Đức Phật tự nói về Ngài thật là không hợp lý, có thể nói là kỳ quặc. Suốt 45 năm hoằng hóa, cũng như từ thời thơ ấu, niên thiếu và trưởng thành trong hoàng cung, Đức Phật vẫn tiếp xúc với mọi người, vẫn dùng ngôi thứ nhất để chỉ mình là tôi (những người dịch ra Việt ngữ vì tôn kính Phật nên viết là Ta) cũng như tiếng Hán Việt (ngã, ngô), tiếng Hoa (wo), tiếng Pháp (je), tiếng Anh (I), tiếng Ý (lo)… Vậy thì sao lại bảo “ngã” trong “duy ngã” không phải là do Đức Phật tự xưng?

4. Lời kết:

Từ xưa đến nay, tại nhiều nơi trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều tranh, tượng thể hiện Đức Phật đản sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, ý nghĩa là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nếu bảo “ngã” ở đây không phải là chính Đức Phật thì e rằng là, mất đi ý niệm của các nhà họa sĩ, các nhà điêu khắc các tranh tượng ấy và mất đi ý nghĩa tôn kính Đức Thế Tôn của chư Tăng Ni Phật tử khi hành lễ Phật đản, khi lễ lạy trước tượng Phật đản sinh ở các tự viện.

Viết đến đây, tôi sực nhớ đến một bài viết mà tôi đã đọc vài ba chục năm trước, bảo rằng “Duy ngã độc tôn” chính là học thuyết Duy ngã,là cái Ngã, cái tôi vô cùng bền chặt, to lớn hơn mọi chúng sinh trong ba cõi, cho nên bảo “Duy ngã độc tôn”. Rồi tiếp đó, tác giả kêu gọi mọi người hãy hủy diệt cái ngã của mình. Ôi! Sự tưởng tượng là quá mức, cũng là loại “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”!

Không nghi ngờ gì nữa, “Duy ngã độc tôn” chính là lời Đức Phật tuyên bố về chính Ngài, vị độc tôn trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

(Văn Hóa Phật Giáo số 321)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang