Một Số Tục Lệ Cổ Truyền Trong Ngày Tết Việt Nam

G

LTS: Hiện nay, một bộ phận giời trẻ chạy theo văn hóa và lối sống phương Tây. Do vậy, các bạn ấy dần dần không còn biết đến phong tục tốt đẹp của dân tộc để rồi từ đó có thể quên luôn cội nguồn dân tộc của mình và trở thành “NGƯỜI NGOẠI QUỐC” ngay trên quê hương đất nước mình.

Để giúp các bạn Huynh trưởng trẻ hiểu biết và trân trọng những tập tục đáng quý của dân tộc, chúng tôi xin sưu tầm cống hiến các bạn một số phong tục ngày Tết của Việt Nam ta.

CÂY NÊU NGÀY TẾT

Ngày xưa (cách đây khoảng 60 năm trở về trước), mỗi khi tết đến xuân về, các đình, chùa và tại tư gia có tục lệ trồng nêu mừng tết. Do vậy mà có câu ca dao : “Cu kêu ba tiếng cu kêu, cho mau đến tết dựng nêu ăn chè”.

Nêu là một cây tre cao khoảng 8-10 mét, róc hết nhánh nhóc cành là, chỉ chừa một ít lá trên ngọn. Trên cây nêu có cột ngọn phướn, treo vài chiếc khánh sành lủng lẳng và một bó vàng (mã). Mỗi khi có gió thổi qua, những chiếc khánh sành chạm vào nhau kêu leng keng rất vui tai. Nêu được dựng trước sân đình, chùa hay tư gia vào ngày đưa Ông Táo. Nêu của tư gia không có treo ngọn phướn,

Ngoài cây nêu, tại các đình, chùa và tư gia còn có tục rắc vôi bột vẽ cung tên để đuổi ma quỷ.

Việc trồng cây nêu và rắc vôi bột, vẽ cung tên xuất phát từ sự tích sau đây:

“Ngày xưa, có một thời ma quỷ quấy nhiễu dân gian khiến cho cuộc sống không lúc nào được yên. Dân gian mới xin với Bụt. Bụt liền đi xuống trần gian bắt hết lũ quỷ. Bọn quỷ van lạy xin tha mạng và hứa không quấy nhiễu dân nữa.

Bụt tha cho quỷ và dạy dân gian dựng cây nêu và rắc vôi bột vẽ cung tên đề làm dấu cho quỷ biết mà không dám đến quấy nhiễu nữa.

Vì vậy mới có tục dựng nêu trong ngày tết.

MỘT BÀI THƠ TẾT XƯA

Trời tối quá! Bên ngoài trời tối quá!
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm
Những cung vôi trong sân như mờ xóa
Những giấy điều trước cửa dán đen thâm

* * *

Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn (*) mơ chiếc váy sồi đen rức
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm

* * *

Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa
Cả nhà vội giật mình không ai bảo
Cũng đứng lên thăm bánh chín hay chưa

Bài thơ trên của nữ sĩ Anh Thơ đã tả đúng cái cảnh đêm ba mươi Tết ở làng quê, với một đôi tục lệ của dân Việt Nam. Chiều ba mươi Tết có những tục lệ của buổi chiều, thì đêm ba mươi Tết lại có những tục lệ riêng của ban đêm, những tục lệ đã lưu truyền từ ngàn xưa trong tín ngưỡng của dân ta, mà trong đó có nhiều tục có lắm điều hay hay.

Chú thích:

(*) Đĩ nhớn: ngôn ngữ xưa ở miền Bắc để chỉ cô con gái lớn trong nhà.

SÚC SẮC SÚC SẺ

Tối hôm ba mươi Tết, ngày xưa tại các làng xã, những trẻ em nghèo họp nhau thành từng bọn, rủ nhau đi chúc Tết, tuy mới có là chiều ngày ba mươi. Mỗi bọn có một chiếc ống đựng tiền, thường là ống tre. Các em tới từng gia đình và các em cùng nhau hát, vừa hát vừa lắc ống tiền:

Súc sắc súc sẻ,
Nhà nào còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho chúng tôi vào,
Bước lên giường cao,
Thấy đôi rồng ấp,
Bước xuống giường thấp,
Thấy đôi rồng chầu,
Bước ra đằng sau,
Thấy nhà ngói lợp,
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn cầm.
Ông sống một trăm
linh năm tuổi lẻ,
Vợ ông sinh đẻ,
Những con tốt lành,
Những con như tranh,
Những con như rối, (*)
Tôi ngồi xó tối,
Tôi đối một câu.

Đối rằng:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.

Các em vừa hát vừa súc sắc súc sẻ trong lúc gia đình chủ nhà chăm chú nghe, và sau câu hát đầy lời chúc tụng trên, gia đình nào cũng tặng các em một số tiền. Tục cho rằng các em đến đem sự may mắn lại. Không gia đình nào để các em ra đi tay không. Cũng có gia đình lại cho các em cả bánh mứt.

Chú thích:

(*) Rối : là những hình nhân được tạc từ gỗ để diễn trò. Những con rối ngày xưa, dưới mỹ quan thời bấy giờ được coi là đẹp. Ngày xưa khen đẹp như con rối cũng giống như ngày nay khen đẹp như búp bê vậy.

ĐÓN GIAO THỪA

Giao thừa là giờ phút giao tiếp giữa năm cũ và năm mới. Đêm hôm ba mươi Tết người ta không đi ngủ sớm. Người ta thức để chờ đợi giây phút thiêng liêng của một năm: giây phút giao thừa.

Trong lúc này có nhà còn đang ninh nồi bánh chưng sình sịch và trẻ con còn đang quây quần quanh bếp ấm để chờ nối bánh chín.

Trên bàn thờ nhà nào cũng khói hương nghi ngút với đèn nến soi tỏ rõ những đồ thờ, những cành hoa giấy ngũ sắc sặc sỡ và những đồ lễ bày trên những chiếc mâm đồng đã được lau chùi trông như mới.

Năm mới sắp sang, mọi người hồi hộp chờ đợi với bao nhiềm hy vọng. Người ta được thêm một tuổi, và với giờ phút giao thừa, năm cũ sẽ ở lại cùng với tất cả mọi sự không may, và năm mới đến sẽ mang những điều tốt lành lại.

Giờ phút lặng lẽ trôi, bên ngoài trời tối đen như mực. Ở miền Bắc, với cái rét lạnh điểm thêm những hạt mưa phùn cuối năm lớt phớt. Cũng những giọt mưa này, nhưng qua giao thừa đó sẽ là những giọt mưa xuân đem sinh khí lại cho cỏ cây và muôn vật, đem sắc thắm lại cho muôn hoa…

Giờ phút giao thừa thật là được nghiêm trang chờ đợi.

CHÚC TẾT Ở ĐÌNH LÀNG

Tại các làng quê, ngày mồng một Tết có tục chúc Tết tại đình làng. Sáng hôm đó tại đình đã có mặt đầy đủ các vị chức sắc trong làng cùng nhau làm lễ Đức Thành Hoàng (*), sau đó mọi người chúc Tết ông Tiên chỉ và chúc Tết lẫn nhau. Ông Tiên chỉ làm lễ Đức Thành Hoàng và đọc bản văn chúc Tết :

Năm cũ đã qua
Năm mới đã đến
Bước vào đình trung
Tôi xin kính chúc:

Trước tôi chúc Thánh cung vạn tuế, tại thượng dương dương, bảo quốc hộ dân, lưu ân tích phúc.

Tôi lại chúc kỳ lão sống lâu tám chín mươi, thọ tăng thêm thọ.

Tôi lại chúc quan viên trùm lão, niên tăng phú quý, nhật hưởng vinh hoa.

Tôi lại chúc quan lại binh viên ta đột pháp xông tên, công thành danh toại.

Tôi lại chúc đồng trang thượng hạ, già sức khỏe, trẻ bình yên, nhờ đức vua, nhà no người đủ, cát tường THIÊN THU VẠN TUẾ.

Với bản văn chúc Tết, sau khi chúc Thánh cung vạn tuế, tức là  Đức Thành Hoàng bản xã, ông Tiên chỉ đã chúc Tết tới hết mọi tầng lớp trong dân xã.

Bản văn đọc xong, ông Tiên chỉ lễ trước bàn thờ, sau đó các chức sắc, quan viên lần lượt vào lễ. Đồng thời một tràng pháo nổ mừng xuân.

Cúng lễ và chúc Tết ở đình xong, mọi người ra về .

Chú thích:

(*)Đức Thành Hoàng tức vị Thần chính thức của làng được sắc phong của vua

MỪNG TUỔI – LÌ XÌ

Tết đến xuân về, người ta được thêm một tuổi. Thêm tuổi tức thêm thọ, đây là điều đáng vui mừng đối với mọi người. Chính vì vậy nên trong ngày Tết ta có tục mừng tuổi. Tiền mừng tuổi được để trong những phong bao bằng giấy đỏ, vì màu đỏ, theo văn hóa Á Đông, tượng trưng cho sự may mắn, cát tường. Tiền mừng tuổi mang ý nghĩa như một thứ “tiền mẹ” đem tài lộc đến cho người nhận, vì thế tiền mừng tuổi thường là tiền có mệnh giá thấp, nhưng phải là tiền mới.

Mừng tuổi, ở miền Nam còn gọi là lì xì xuất phát từ chữ “lợi thì” của người Tàu, có nghĩa là “món tài lợi đầu năm”.

Các bạn thân mến,

Trên đây là một vài phong tục trong ngày Tết xưa của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, có cái vẫn được lưu giữ, có cái không còn hợp thời nữa,  nhưng chúng vẫn mang nét thiêng liêng của hồn dân tộc. Thiết nghĩ, giới trẻ hôm nay cần phải có ý thức bảo lưu những nét đẹp trong phong tục tập quán của tổ tiên để lại, không nên đua đòi chạy theo lối sống vật chất phương Tây mà bỏ quên nguồn cội “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc Việt.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang