Lửa Căn Bản Thắp Sáng Tình Phụ (Mẫu) Tử – Phần 2

b

2. Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái

Là người Phật tử tại gia, hầu hết khi lớn lên ai cũng thành gia lập thất, sanh con đẻ cái nối dõi tông đường. Vì thế, trong gia đình đối với cha mẹ mình là con cái, đối với con cái mình là cha mẹ. Cho nên, ngoài việc thể hiện bổn phận đối với cha mẹ, ta còn có trách nhiệm đối với con cái của mình. Vậy đối với con cái, ta cần phải làm gì?

Điều này đã được Thế Tôn giảng dạy cho trưởng giả tử Thi-ca-la-việt như sau: “Cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách:

  1. Ngăn chặn con làm điều ác và bất thiện.
  2. Khuyến khích con làm điều thiện.
  3. Dạy con nghề nghiệp.
  4. Cưới vợ, gả chồng xứng đáng cho con.
  5. Chọn thời điểm thích hợp giao tài sản cho con thừa kế.[1]

Trước khi “ngăn chặn con làm điều ác và bất thiện” hay “khuyến khích con làm điều thiện”, thiết nghĩ ta nên hiểu thế nào là ác, là bất thiện? Thế nào là thiện? Nghiệp ác và bất thiện có tai hại như thế nào? Nghiệp thiện có lợi ích ra làm sao mới mong có thể chia sẻ và hướng dẫn con cháu của mình một cách hữu hiệu và tốt nhất.

Ác và bất thiện được hiểu là những gì mang lại khổ đau cho mình, cho người, cho cả hai trong hiện tại hoặc trong tương lai, hay cả hai đời hiện tại và tương lai. Các nghiệp ác và bất thiện bao gồm: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói lời dối trá, nói lưỡi hai chiều – chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời thêu dệt, uống rượu, tham lam, nóng giận (sân nhuế), ngu si, tà kiến.v.v…

Còn thiện được hiểu là những gì mang lại hạnh phúc, lợi ích, an vui cho mình, cho người, cho cả hai trong hiện tại hoặc trong tương lai, hay cả hai đời hiện tại và tương lai. Nghiệp thiện bao gồm các việc: Xa lìa sát sanh, xa lìa trộm cướp, xa lìa tà dâm, nói lời chân thật, nói lời hòa hợp, nói lời ái ngữ, nói đúng lúc đúng pháp, xa lìa uống rượu, khéo điều phục tham lam, khéo điều phục nóng giận (sân nhuế), khéo điều phục ngu si, tu tập chánh kiến.v.v…

Quả báo của các nghiệp ác, bất thiện và thiện như thế nào, mà ta cần phải đoạn trừ và tu tập? Đối với các nghiệp ác và bất thiện thì “ngay hiện tại sống trong đau khổ, chướng ngại bức bách. Sau khi chết rơi vào đường ác, nhận chịu khổ báo.” Còn thiện nghiệp thì “hiện tại sống an vui, không khổ đau, không chướng ngại, không nhiệt não. Sau khi chết được sanh về cõi lành.”[2]

Đó là quả báo chung của các nghiệp ác, bất thiện cũng như nghiệp thiện và sau đây là quả báo riêng của từng hạnh nghiệp khi được sanh làm người.

  1. Sát sanh: Nếu sanh làm người thì thọ mạng ngắn ngủi, chết yểu. Tại sao thế? Vì đã cắt đứt sinh mạng của chúng sanh.[3]
  2. Xa lìa sát sanh: Nếu sanh làm người thì thọ mạng rất dài, tâm thường vui vẻ, không có oán thù, sẽ chứng đắc Niết-bàn trong tương lai. Tại sao thế? Vì không nhiễu loạn, giết hại chúng sanh.[4]
  3. Trộm cướp: Nếu sanh làm người sẽ nghèo cùng khổ sở, ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Tại sao thế? Vì đã chiếm đoạt, cắt đứt phương tiện sống của chúng sanh.[5]
  4. Xa lìa trộm cướp: Nếu xa lìa trộm cướp, rộng hành bố thí thì đời hiện tại được sắc đẹp và sức lực. Đời sau khi sanh làm người sẽ giàu sang sung sướng, tiền tài không bị mất, tương lai sẽ chứng đắc Niết-bàn.[6]
  5. Tà dâm: Nếu sanh làm người thì sanh vào nhà không có tịnh hạnh, bị người chê bai, vợ chồng không thủy chung.[7]
  6. Chánh hạnhkhông tà dâm: Nếu sanh làm người thì gia đình hạnh phúc, thân thể sạch thơm, không có ý tưởng tà vạy, vợ chồng chung thủy thuần lương, con cái trinh bạch hiền hòa.[8]
  7. Nói lời dối trá: Nếu sanh làm người thì hơi miệng thường hôi, bị người khinh chê, lời nói chẳng ai tin.[9]
  8. Nói lời chân thật: Nếu sanh làm người thì hơi miệng thơm tho, lời nói được mọi người kính tin, không bị chê bai.[10]
  9. Nói lưỡi hai chiều chia rẽ: Nếu sanh làm người thì tâm thường không định, hay lo buồn, bạn bè xa lìa, người thân ly tán và hay chống trái nhau. Tại sao thế? Vì người ấy đã tung ra lời nói hư dối với đôi bên vậy.[11]
  10. 10. Nói lời hòa hợp: Nếu sanh làm người thì bạn bè thân quyến thương yêu gắn bó, vui vẻ thuận hòa.[12]
  11. Nói lời thô ác: Nếu sanh làm người thì thân hình thô thiển, thường nghe tiếng xấu, hay bị chửi mắng.[13]
  12. Nói lời ái ngữ: Nếu sanh làm người thì thường được nghe âm thanh dịu dàng, giọng nói thanh tao ai cũng muốn nghe.[14]
  13. 13. Nói lời thêu dệt: Nếu sanh làm người thì có nhiều oán thù, lời nói không được tin dùng.[15]
  14. 14. Nói đúng lúc, đúng pháp: Nếu sanh làm người thì lời nói sẽ được tin dùng, tiếng tăm vang xa.[16]
  15. Uống rượu: Nếu sanh làm người thì sẽ không có trí tuệ, điên cuồng, ngu si, chẳng biết chân ngụy (đúng sai).[17]
  16. Xa lìa uống rượu: Nếu sanh làm người sẽ được thông minh, không bị ngu dốt, biết rộng nhớ nhiều, ý không nhầm lẫn.[18]
  17. Tham lam: Trăn trở, toan tính, ngủ không yên. Nếu sanh làm người thì tham lam (ích kỷ) sẽ tăng trưởng.[19]
  18. Xa lìa tham lam: Nếu sanh làm người thì thường thích bố thí, tâm luôn vui vẻ.[20]
  19. Sân nhuế: Ngủ không ngon giấc, thân hình xấu xí, sanh nhiều bệnh tật, sân giận tăng trưởng.[21]
  20. Xa lìa sân nhuế: Khi sanh làm người thì thân tướng xinh đẹp, tâm không thù oán, ăn uống ngon miệng, không mơ ác mộng, ngủ sâu và ngon, tâm từ rộng mở.[22]
  21. Tà kiến: Nếu sanh làm người sẽ phải ở chỗ man rợ, cách xa chốn văn minh, không gặp được Tam Bảo, không được nghe nghĩa lý đạo pháp, ngu si tăng trưởng, không biết rõ nẻo về của pháp lành, pháp dữ.
  22. Chánh kiến: Nếu sanh làm người thì được gần gũi Tam Bảo, thân cận thiện tri thức, trí tuệ tăng trưởng, biết rõ nẻo về của pháp lành, pháp dữ.[23]

Như vậy, ta đã biết thế nào là ác, là bất thiện, là thiện và quả báo của các nghiệp để chia sẻ, hướng dẫn con cháu của mình đi theo nẻo chánh, lánh xa đường tà nhằm đem lại niềm vui, hạnh phúc trong hiện tại cũng như cuộc sống tương lai cho cá nhân, cho gia đình, cho dòng họ và góp phần làm cho xã hội thêm trật tự bình yên.

Tuy nhiên, để con cháu tin và làm theo lời dạy của mình, trước hết cha mẹ phải là người gương mẫu. Một khi ta đã thuần thiện thì nhiều lúc chỉ cần thông qua hành động (thân giáo), không cần dùng lời nói (khẩu giáo), con cháu cũng sẽ tự noi theo những hạnh lành của mình. Vì vậy:

Hãy tự làm cho mình,

Như điều mình dạy người.[24]

Nếu cả nhà từ nhỏ đến lớn, ai ai cũng thực hành mười hạnh lành, xa rời mười nghiệp ác bất thiện thì gia đình sẽ luôn luôn hạnh phúc, sự nghiệp sẽ mãi mãi vững bền và một khi con cháu đã trở nên hiền lương thì việc chọn vợ, gả chồng hay dạy con nghề nghiệp không có gì khó khăn trở ngại. Lúc ấy, không những trao của thừa tự về tiền tài, vật chất mà còn truyền trao pháp tài cho thế hệ tương lai.

Thế nhưng không phải lúc nào cha mẹ hiền lương thì con cháu cũng hiền lương. Vì từ xưa đến nay không ít trường hợp “cha mẹ cú sanh con tiên, cha mẹ hiền sanh con dữ” hay “cây ngọt sanh trái đắng.” Vì vậy, đức Thế Tôn bảo có ba hạng con cái:

  1. Tùy sanh (con giống cha mẹ), nghĩa là cha mẹ vâng giữ năm giới, con cái cũng học và thực hành theo.
  2. Thắng sanh (con hơn cha mẹ), nghĩa là cha mẹ không giữ năm giới nhưng con cái lại giữ gìn năm giới.
  3. Liệt sanh (con thua cha mẹ), nghĩa là cha mẹ vâng giữ năm giới nhưng con cái lại không làm theo.[25]

Bởi thế, nếu con cháu trong gia đình, dù mình đã hết lời khuyên dạy, nhưng lại không nghe và “cứ mải miết với đồ bất chính” thì ta cũng nên biết rằng tuy có duyên sống chung một nhà (đồng nghiệp), nhưng mỗi người lại có nghiệp lực riêng của mình (biệt nghiệp). Cho nên, ta không thể khuyên dạy những người ấy cũng là lẽ tất nhiên.

Nghĩ thế để lòng nhẹ nhõm và hãy khởi tâm từ bi đến những người chưa dễ thương ấy, rồi thầm cầu mong cho họ sớm hồi đầu tỉnh thức, nương theo đường lành lánh xa nẻo ác. Có lẽ đối với những người bất khả trị, ta chỉ có thể làm được như thế mà thôi?

Như vậy, ta đã tìm hiểu về bổn phận và trách nhiệm của người cư sĩ đối với cha mẹ, cũng như đối với con cái của mình và qua đây, ta thấy được rằng trước tiên cần phải “tu thân”, rồi mới có thể “tề gia” để góp phần làm cho “thiên hạ thái bình.” Có lẽ vì ý nghĩa ấy nên Ca Dao Việt Nam có câu:

Nếu mình hiếu với mẹ cha

Thì con cũng hiếu với ta khác gì.

Nếu mình ăn ở vô nghì

Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.

Chăm lo, dạy dỗ con cái là một trong những ý nghĩa của việc phụng thờ Lửa Cư Gia và ngoài trách nhiệm đối với con cái thì việc phụng sự, lễ bái Lửa Cư Gia còn có ý nghĩa như thế nào? Người thiện nam cần phải làm thêm những gì? Đối với ai?

Để biết được điều đó, ta hãy tìm hiểu trong phần Lửa Cư Gia Sưởi Ấm Đạo Phu Thê – Tình Đệ Huynh và Nghĩa Bằng Hữu thì sẽ rõ.

[1] Kinh Trường Bộ, tr 628.

[2] Tạp A-hàm, Q.1, tr 262.

[3] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 612.

[4] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[5] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 612.

[6] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[7] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 612.

[8] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[9] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 612.

[10] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[11] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.039, tr 593.

[12] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[13] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 612.

[14] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[15] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 612.

[16] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 613.

[17] Tiểu Bộ, Q.4, tr 283.

[18] Tăng Nhất A-hàm, Q.1, Phẩm Ngũ Giới, tr 191.

[19] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 614.

[20] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 614.

[21] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 614.

[22] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 614.

[23] Tạp A-hàm, Q.3, Kinh số 1.048, tr 614.

[24] Kinh Pháp Cú, Câu số 159.

[25] Tạp A-hàm, Q.3, tr 226.


(Trích Nét đẹp người Phật tử – ĐĐ. Thích Thường Ninh)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang