Khôn Nghề Cờ Bạc

G

Nhơn lúc rảnh rỗi, chúng tôi lang thang trên mạng Youtube, chợt trông thấy một video clip có tựa đề “Dân tộc Do Thái, một dân tộc đặc biệt” Diễn giả bài nói chuyện là ông Francis Hùng.

Mở đầu, ông diễn giả kể một câu chuyện để chứng tỏ trí thông minh của người Do Thái. Ông kể :

“Có một người Do Thái bước vào một ngân hàng ở Mỹ, hỏi chủ  ngân hàng:

-Ngân hàng của ông cho vay tối đa là bao nhiêu tiền ?

Chủ ngân hàng trả lời:

-Bao nhiêu cũng được, miễn là ông có tài sản thế chấp, chúng tôi sẽ cho ông vay tối đa bằng bảy mươi phần trăm giá trị của tài sản mà ông thế chấp

-Vậy, nếu vay tối thiểu thì vay được bao nhiêu ?

-Vay tối thiểu thì tùy khách hàng, bao nhiêu cũng được.

Người Do Thái liền trao cho chủ ngân hàng cái túi vải mà nảy giờ ông ta vẫn cầm trên tay và nói:

-Ông xem giá trị tài sản trong chiếc túi này đáng giá bao nhiêu để tôi thế chấp vay tiền.

Chủ ngân hàng xem xét những thứ có trong chiếc túi, bao gồm vàng bạc, đá quý, kim cương, các thẻ chứng khoán… rồi nói với khách hàng:

-Tôi định giá tài sản trong chiếc túi này là một triệu đô la. Vậy ông muốn vay bao nhiêu tiền?

-Tôi sẽ vay một số tiền theo đúng quy định của ngân hàng

Chủ ngân hàng dẫn người Do Thái đến chỗ nhân viên tín dụng để làm thủ tục vay tiền. Sau khi các giấy tờ thủ tục đã được điền vào và ký tên, nhân viên tín dụng cầm hồ sơ trình cho chủ ngân hàng phê duyệt số tiền vay. Chủ ngân hàng vô cùng ngạc nhiên vì khách hàng chỉ vay …. có một đô la mà thôi. Ông hỏi người Do Thái :

-Ông thế chấp một triệu đô la mà chỉ vay có một đô la sao ?

-Chẳng phải ông đã nói vay tối thiểu bao nhiêu là tùy khách hàng hay sao?

Chủ ngân hàng cứng họng, đành ký tên vào hồ sơ.

Người Do Thái bước tới quầy thủ quỹ, giao nộp chiếc túi đựng tài sản trị giá một triệu đô la và lãnh ra một đô la tiền vay. Chủ ngân hàng, như lệ thường, tiễn chân khách hàng ra tận cửa. Trước khi bắt tay tiễn khách, ông ta hỏi một câu cuối cùng để cởi bỏ nỗi thắc mắc trong lòng :

-Vì Chúa, xin ông hãy nói sự thật vì sao ông chỉ vay có một đô la ?

Người Do Thái nở nụ cười ranh mảnh, nói :

-Tôi muốn thuê một chiếc tủ trong ngân hàng để bảo quản số tài sản vừa rồi, nhưng tiền thuê đắt quá, vì vậy tôi nghĩ ra cách đi vay tiền bằng cách thế chấp số tài sản đó, như vậy ngân hàng của ông sẽ giữ dùm tôi số tài sản ấy với một cái giá rất rẻ, tức chỉ bằng tiền lãi của số tiền một đô la mà thôi.

Ông diễn giả, sau khi kết thúc câu chuyện, đã hỏi thính giả rằng: “Quý vị có biết nhờ đâu mà dân Do Thái thông minh như thế không?” Rồi ông trả lời luôn : “Vì tất cả người Do Thái đều đọc sách rất nhiều, đặc biệt ngày nào họ cũng đọc Kinh Thánh…”

Tất cả người Do Thái đều đọc sách rất nhiều

Tới đây, bất cứ thính giả nào cũng đều hiểu rằng ông Francis Hùng muốn mượn câu chuyện về dân tộc Do Thái để “câu like” người nghe, nhân đó ông ta có cơ hội để truyền đạo.

Qua sự việc vừa nêu, chúng ta thấy rõ sự ranh mảnh của người Do Thái, cũng như ông Francis Hùng. Thế nhưng họ thực sự thông minh hay không thì còn phải bàn thêm, bởi quan niệm về tính thông minh (Khôn) hay ngu dại (Dại) theo người Phương Đông nói chung, Việt Nam mình nói riêng, rất thâm thúy và đầy chất minh triết chứ không đơn giản hời hợt như người Phương Tây. Về đề tài “Khôn & Dại”, các bậc trí thức Việt Nam đã đề cập nhiều trong các tác phẩm của mình với mục đích giáo dục con người trong xã hội. Trong bài này, chúng tôi xin đơn cử hai bài thơ sau đây :

Khôn Dại

                         – Nguyễn Bỉnh Khiêm –

Ở đời có dại mới có khôn,
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình, đừng để dại,
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là Khôn Dại,
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn.
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn…

Dại Khôn

                    -Trần Tế Xương-
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn

Qua bài thơ của Trần Tế Xương, chúng ta phải hiểu nghĩa rộng của hai cụm từ “nghề cờ bạc”“chốn văn chương” :

– Nghĩa rộng của “nghề cờ bạc” là tác giả muốn chỉ cho những nơi có sự lừa lọc, phản trắc, tham lam, sân hận, si mê, mưu mẹo hại người lợi mình v.v…

-Nghĩa rộng của “chốn văn chương” là chỉ cho những nơi có tri tuệ, nhân phẩm, tình thương, hy sinh, vô ngã vị tha v.v…

Quán chiếu sâu ý nghĩa hai bài thơ của hai bậc hiền triết Việt Nam, chúng ta liên hệ với cái mà ông Francis Hùng cho là tính thông minh của dân Do Thái thì thấy rằng “sự thông minh” đó theo Trần Tế Xương, chỉ là loại “Khôn nghề cờ bạc” mà thôi, ông bà ta thường gọi là “khôn vặt”  và thường dạy răn con cháu đừng có khôn theo kiểu đó.

Đọc tác phẩm văn học Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, chúng ta thấy nhân vật Xuân Tóc Đỏ đúng là kẻ đại diện cho sự “Khôn nghề cờ bạc” mà Cụ Trần Tế Xương đã nói đến. Nếu ông Francis Hùng có đọc Số Đỏ, chắc chắn ông đã không ca ngợi tính thông minh của dân Do Thái bằng câu chuyện trên. Bởi vì Xuân Tóc Đó có đầy đủ tính ma mảnh, láo cá, thượng đội hạ đạp, biết tận dụng thời cơ nhanh như chớp, sẵn sàng bước lên xác kẻ khác để tiến thân, do đó mà anh ta từ một đứa “du thủ du thực” đã trở thành đại gia trong cái xã hội phản trắc, lừa lọc, hào nhoáng, lấy giả làm chân… như Vũ Trọng Phụng mô tả trong tác phẩm.

Ai có đọc kỹ tác phẩm Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng đều sẽ thấy sự ranh ma của anh Do Thái trong câu chuyện “Do Thái, một dân tộc đặc biệt” của diễn giả Francis Hùng còn chưa đáng làm học trò của Xuân Tóc Đỏ, nói gì đến chuyện làm gương tốt cho các dân tộc khác noi theo. Hóa ra, dân Do Thái nhờ đọc sách Kinh Thánh mà trở thành một dân tộc quỷ quyệt, láu cá, “khôn nghề cờ bạc” hay sao ? Ông Francis Hùng nên coi chừng lại việc làm của mình, kẻo không sẽ lâm vào hoàn cảnh muốn tốt cho dân Do Thái mà hóa ra nói xấu dân Do Thái đấy! Dân tộc Do Thái thiếu gì cái tốt sao không đem ra nói, mà lại đem cái láu cá của kẻ “khôn nghề cờ bạc” ra nói giữa bàng quan thiên hạ. Rất may, vì diễn giả nói tiếng Việt nên người Do Thái không nghe biết, chứ họ mà biết họ sẽ kiện ông ra tòa án Quốc tế đấy. Lại nữa, việc làm của ông Francis Hùng coi chừng vô tình chứng tỏ đạo của ông cũng láu cá như nhân vật Do Thái mà ông tôn vinh trong câu chuyện “câu like” của ông đấy!

Qua bài viết ngắn này, chúng tôi muốn góp ý với cách truyền đạo quá thực dụng nhưng vô cùng sơ sót về nội dung, đồng thời theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” của ông Francis Hùng. Nhưng quan trọng hơn, tôi muốn báo động với độc giả trang web gdptkiengiang.vn đừng học theo cái thông minh “khôn nghề cờ bạc” mà ông Francis Hùng tôn vinh và gán nó cho dân tộc Do Thái.

Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài “Khôn – Dại” trong bài viết tới đây.

FRANCO NGUYỄN


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang