Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Maghadha, làng Nàlaka. Rồi du sĩ Jambukhàdaka đi đến, sau khi chào đón hỏi thăm và nói với Tôn giả Sàriputta:
Này hiền giả Sàriputta, trong Pháp – Luật này cái gì là khó làm?
Xuất gia này Hiền giả, là điều khó làm trong Pháp – Luật này.
Đối với người đã xuất gia, này Hiền giả Sàriputta, cái gì là khó làm?
Đới với người đã xuất gia, này Hiền giả, hoan hỷ là điều khó làm.
Này Hiền giả Sàriputta, đối với người đã hoan hỷ, cái gì là khó làm?
Này Hiền giả, đối với người đã hoan hỷ, điều khó làm là sự thực hành đúng pháp và tùy pháp.
Có lâu không, này Hiền giả Sàriputta, một người đã thực hành đúng pháp và tùy pháp có thể thành vị A la hán?
Không lâu, này Hiền giả.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 4, Tương ưng Jambukhàdaka, phần Khó làm, NXB Tôn Giáo 2001, tr.416)
Trong nỗ lực hướng thiện của tự thân chắc chắn có nhiều việc khó làm nhưng có lẽ khó nhất là phát tâm xuất gia. Vượt qua những ràng buộc về thế thường, phát nguyện sống thanh bần thong dong tự tại, dấn thân vì thượng cầu hạ hóa là điều mà không phải ai cũng hội đủ duyên lành để thực hiện trọn vẹn.
Tuy khó là nhưng xuất gia chỉ mới ở trong giai đoạn đầu. Bởi ngoài việc ra khỏi căn nhà thế tục, người xuất gia phải cố gắng thật nhiều để thoát khỏi căn nhà phiền não và vượt qua vòng kềm tỏa sanh tử nơi nhà lửa tam giới. Trong đời sống xuất gia, khi nội lực của định tuệ chưa đủ thâm hậu để đạt đến sự vững chãi và an tịnh thì rất cần đế sự kham nhẫn. Chịu đựng, nhẫn nại, chấp nhận thực tại để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên đường tu một cách hoan hỷ, vui vẻ là điều không đơn giản.
Hoan hỷ là biểu hiện của một tâm lượng bao dung, tràn đầu tuệ giác và từ bi. Khi chưa đạt được hạnh phúc giải thoát của bậc Thánh, hoan hỷ là một trong những chất liệu tối cần để nuôi dưỡng thân tâm và giữ vững ý chí, tâm nguyện xuất gia ban đầu. Nếu đánh mất hoặc thiếu vắng sự hoan hỷ sẽ khiến cho tâm hồn trở nên cau có, khô cằn, chai sạn thậm chí có thể trơ lì, đông đặc hoặc phản ứng ngược lại trở thành mềm yếu, đa cảm, ủy mị và bi thương. Hoàn toàn chướng ngại cho tiến trình thăng hoa tâm linh nếu rơi vào những tâm lý thái cực này.
Một khi đã chấp nhận thực tại với tâm hoan hỷ thì việc cần làm và phải làm của người xuất gia là thực hành đúng pháp và tùy pháp. Chỉ có nương tựa và thực hành theo Chánh pháp mới có thể đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau, thoát ly sanh tử. Thế nhưng trong thực tế tu tập thì việc thực hành đúng pháp và tùy pháp lại vô cùng nan giải. Điều này tưởng chừng phi lý nhưng lại vô cùng hợp lý bởi quá trình vận động nghịch lưu với thác ghềnh nghiệp lực thì không phải lúc nào cũng như ý, muốn là được. Do đó, để thực hành đúng pháp và tùy pháp là cả một quá trình tu học bền bỉ và liên tục.
Nhờ đó, quả vị A la hán sẽ đến không lâu sau cho những ai thực hành đúng pháp và tùy pháp. Ngay đây, “sanh đã tận, lậu tận đã tận, gánh nặng đặt xuống….” những điều khó làm đã làm xong.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1