“Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài,
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”
Câu cách ngôn từ thuở chúng tôi còn đi học cách đây 60 năm đến nay vẫn còn thấy giá trị mỗi khi nhớ lại.
Thật vậy, những viên kim cương giá trị hàng tỉ bạc mà chúng ta thường thấy chưng bày ở các hiệu kim hoàn, không phải tự nhiên mà có giá trị như vậy. Chúng vốn nằm lẫn trong cát sỏi ở quặng, mỏ, phải là người có kiến thức về ngọc mới nhận ra. Nhận ra cũng chưa đủ, chúng phải được người thợ kim hoàn lành nghề mài giũa tốn biết bao công sức và thời gian mới cho ra viên kim cương giá trị để cho các mệnh phụ phu nhân giàu sang bỏ hàng tỉ bạc ra mua về làm đồ trang sức.
Bề ngoài một viên ngọc thoạt trông chỉ là một hòn đá mà thôi, có cho cũng chẳng ai thèm lấy, Nhưng một khi đã được bàn tay thiện nghệ mài giũa rồi, hòn đá ấy trở nên một viên ngọc vô giá. Còn như hòn đá ấy có lọt vào tay những người không có kiến thức về ngọc, thì nó vẫn mãi mãi là một hòn đá dùng để làm vật chặn giấy mà thôi. Như thế thật là hoài phí đi một vật quý báu trên đời.
Đấy là nói về nghĩa đen của câu cách ngôn.
Ở một ý nghĩa cao hơn, người xưa muốn lấy giá trị một viên ngọc để nói về giá trị của một con người. Con người cũng như viên ngọc vậy, càng ra công học tập, tu dưỡng lâu ngày thì càng thêm giá trị. Vì vậy, muốn trờ nên con người hoàn thiện, có nhân cách tốt đẹp, được cộng đồng kính trọng, tôn vinh, thì người ấy phải thường xuyên khổ công trau giồi kiến thức- nghề nghiệp, tu dưỡng đạo đức và làm được nhiều lợi ích cho xã hội.
Nhân nói về ý nghĩa câu cách ngôn xưa, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến giá trị của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (HT.GĐPT) thông qua việc tu học và huấn luyện.
Chúng ta đều biết, cuộc đời của người HT.GĐPT gắn liền với hoạt động tu học và huấn luyện qua bốn bậc : bậc Kiên (1 năm) với trại Lộc Uyển, bậc Trì (2 năm) với trại A Dục, bậc Định (3 năm) với trại Huyền Trang và bậc Lực (4 năm) với trại Vạn Hạnh. Việc tu học và huấn luyện không ngoài mục đích làm tăng trưởng kiến thức và đạo đức, tức làm tăng trưởng năng lực cũng đồng nghĩa với làm tăng trưởng giá trị của HT.GĐPT trong sinh hoạt của tổ chức Áo Lam, đồng thời cũng là để tăng trưởng giá trị của một con người trong xã hội, một công dân của một quốc gia.
Trong xã hội không có một ngành nghề nào mà người làm nghề không cần qua sự đào tạo, huấn luyện tay nghề, không có một sản phẩm có giá trị nào mà không qua khối óc tinh tế và đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề.
Cũng vậy, người HT.GĐPT muốn trở thành một người huynh trưởng xứng đáng về đạo đức lẫn kiến thức, năng lực lẫn tinh thần và ý chí, tất phải thường xuyên tu học và chịu sự huấn luyện của tổ chức. Đó là điều kiện tiên quyết để người huynh trưởng hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh mà Giáo hội và tổ chức GĐPT đã tin tưởng giao cho.
Ý nghĩa và mục đích của việc tu học và huấn luyện trong GĐPT là vậy. Tuy nhiên, trên thực tế không phải huynh trưởng nào cũng làm tốt việc tu học và huấn luyện cho bản thân mình. Bởi vậy, trong tổ chức chúng ta tuy vẫn có nhiều huynh trưởng đầy tâm huyết và năng lực luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng cũng không thiếu những huynh trưởng thuộc loại “lục bình trôi”, chẳng làm được gì nhiều. Đó là vì họ thiếu nỗ lực tong tu học và huấn luyện, cũng như viên ngọc không được mài giũa nên vẫn mãi là một viên đá chặn giấy tầm thường mà thôi.
Ngày 16/9.2017 tới đây, Ban Hướng Dẫn Phân ban Gia Đình Phật Tử Kiên Giang tổ chức buổi lễ Tổng Khai giảng các lớp Kiên, Trì, Định, kết hợp với lễ khai khóa năm thứ 2 lớp bậc Lực V. Đây là cơ hội để ACE huynh trưởng GĐPT Kiên Giang thể hiện ý chí và quyết tâm của mỗi người tham gia việc tu học và huấn luyện cho bản thân.
Được biết, sau buổi lễ tổng khai giảng, các lớp tu học Kiên, Trì, Định, Lực sẽ được duy trì thường xuyên vào mỗi ngày thứ bảy cuối tháng. Phần thuyết giảng sẽ do quý vị Giáo thọ sư đảm trách; Phần ôn tập sẽ do các huynh trưởng cấp Dũng, Tấn, Tín phụ trách. Ban Hướng dẫn tỉnh đã có quy định: “Huynh trưởng nào không tham dự thường xuyên các lớp học nói trên, sau này sẽ không được dự kỳ thi bậc Kiên, Trì, Định, Lực và cũng không được dự các trại huấn luyện tương ứng”
Chúng tôi xin thân tặng ACE huynh trưởng GĐPT Kiên Giang cũng câu cách ngôn trên, nhưng được đổi thành :
“Ngọc kia đã giũa đã mài,
Đã nên giá trị, chẳng hoài công lao”