Huynh Trưởng GĐPT Với Vấn Đề Dân Số Phật Giáo Tại Việt Nam

G

Vào giữa tháng 8-2021, chúng tôi có theo dõi một video clip của Thượng Tọa Thích Nhật Từ trên mạng xã hội YouTube nói về đề tài “Quản Trị Phật Tử Trong Thời Đại 4.0”, qua đó Thượng tọa có cho biết: theo thống kê  của nhà nước ta về tình hình tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2019 thì số lượng tín đồ Phật giáo là 4.606.000 (bốn triệu sáu trăm lẻ sáu ngàn) người, đứng thứ hai sau Thiên Chúa giáo với 5.866.000 tín đồ.

Thoạt nghe con số thống kê trên, tuyệt đại đa số Phật tử cũng như những người có cảm tình với Phật giáo đều lắc đầu không tin. Người ta cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tế tình hình sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam những năm gần đây, khi mà ai cũng nhận thấy rằng sinh hoạt của Phật giáo ngày càng phát triển rầm rộ; nhiều lễ hội Phật giáo được tổ chức khắp ba miền đất nước với số lượng người tham dự đông đảo; nhiều ngôi chùa đồ sộ được xây dựng; đặc biệt là ngày lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam 3 lần, vân vân… Người ta lập luận: “Một tôn giáo có mặt trên 2000 năm như Phật giáo thì làm sao tín đồ lại ít hơn một tôn giáo vào nước ta mới có 300 năm?”

Tuy nhiên, Thượng Tọa Thích Nhật Từ, trong bài nói chuyện của mình, đã thừa nhận tình trạng suy giảm dân số Phật giáo tại các nước Phật giáo Đại thừa là có thật và Thượng Tọa cho rằng sở dĩ dân số Phật giáo suy giảm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân xuất phát từ cách quản trị Phật tử lỏng lẽo của Tăng, Ni.  Thượng tọa đã đưa ra nhiều nguyên tắc và phương pháp quản trị Phật tử để kiến nghị lên Giáo hội các cấp, đồng thời để cho Tăng, Ni tham khảo và áp dụng nhằm cải thiện tình trạng tuột dốc về dân số của Phật giáo Việt Nam.

Nhân dịp này, người viết muốn cùng với anh chị em huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) trao đổi đôi điều về vấn đề dân số Phật giáo tại Việt Nam, để chúng ta tăng cường hiểu biết, thống nhất quan điểm và hành động giúp cho dân số Phật giáo nước ta không bị sụt giảm một cách oan uổng như hiện nay.

I-TĂNG CƯỜNG HIỂU BIẾT

1. Thực tế dân số Phật giáo trên thế giới hiện nay:

Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, Phật giáo là tôn giáo có ít tín đồ hơn một số tôn giáo khác, mặc dù Phật giáo có mặt trong đời sống xã hội nhân loại sớm hơn. Sau đây là số liệu về tín đồ của các tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay (theo Wikipedi a):

  • Kitô giáo Trên 2,4 tỷ (bao gồm: Ki-tô La Mã – thường gọi là Công giáo, Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo …)
  • Hồi giáo          1,8 tỷ
  • Ấn Độ giáo      900 triệu
  • Đạo giáo          400 triệu
  • Phật giáo         365 triệu (tín đồ chính thức)
  • Vân vân…

Nhìn vào bảng thống kê trên đây, chúng ta rút ra mấy điều sau đây:

a-Về thời gian ra đời:

  • Ấn Độ giáo có mặt tại Ấn Độ hàng ngàn năm trước khi Phật giáo ra đời
  • Phật giáo (Ấn Độ) và Đạo giáo (Trung Hoa) ra đời gần như cùng thời gian
  • Ki-tô giáo ra đời sau Phật giáo 600 năm
  • Hồi giáo ra đời sau Phật giáo 1.300 năm

b-Có hai hạng tín đồ Phật giáo:

Trong bảng thống kê, cơ quan thống kê ghi rõ: 365 triệu là số tín đồ chính thức. Người ta còn chú thích “Nếu tính chung tín đồ không chính thức thì số lượng tín đồ Phật giáo lên đến 1,2 tỷ – 1,5 tỷ”  Sự chú thích này nói lên tính cách đặc thù trong việc thống kê dân số Phật giáo trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Không như các tôn giáo khác, Phật giáo không đặt ra kế hoạch phát triển tín đồ và không quan trọng hóa việc có nhiều hay ít tín đồ , do đó việc một người đến chùa quy y làm Phật tử là hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh những người thọ tam quy-ngũ giới trở thành Phật tử chính thức thì cũng có nhiều người là Phật tử không chính thức, nghĩa là họ không có tên trong sổ sách nhà chùa mặc dù họ vẫn thường xuyên ứng dụng các giá trị của đạo Phật trong đời sống hằng ngày. Dù rất cảm tình với đạo Phật nhưng do cuộc sống bận rộn nên họ ít có mặt tham dự các Phật sự do giáo hội hay nhà chùa tổ chức. Họ chính là hạng Phật tử không chính thức. Số lượng Phật tử không chính thức thường đông gấp 4, 5 lần số Phật tử chính thức.

Huynh Truong Gia Dinh Phat Tu Voi Van De Dan So Phat Giao Tai Viet Nam 1
Phật Tử Thái Lan trong một buổi lễ xuất gia (ảnh minh họa. Nguồn: PxHere)

2. Vì sao người theo đạo Phật  không nhiều như các tôn giáo khác?

Nhân duyên đưa đến tình trạng sụt giảm dân số Phật giáo trên thế giới và tại Việt Nam thì có nhiều. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin đưa ra bốn nguyên nhân cơ bản để anh chị em huynh trưởng suy gẫm.

Nguyên nhân thứ nhất: Vì làm Phật tử “cực” hơn làm tín đồ các tôn giáo khác

Soi kỹ những tôn giáo có lượng tín đồ đông hơn Phật giáo trong bảng thống kê của Liên Hợp Quốc nêu trên, ta thấy những tôn giáo này đều là tôn giáo tín ngưỡng nhất thần hoặc đa thần. Tín đồ các tôn giáo này chỉ cần có đức tin (vô điều kiện) vào thần linh của tôn giáo họ. Họ không cần phải tu hành gì hết. Họ không cần biết nhân quả, tội phước là gì; Họ không cần phải nỗ lực trừ bỏ tham, sân, si chi hết; Họ không màng đến chuyện giác ngộ hay giải thoát gì cả. Họ tin rằng bao nhiêu tai họa đều đã có thần linh đỡ cho họ và thần linh sẽ mang đến cho họ toàn là hạnh phúc trong cuộc đời này. Sự thật có phải như vậy hay không họ không bao giờ quan tâm thắc mắc, miễn là họ cứ nhắm mắt mà tin như thế thì cũng đủ an tâm mà sống để hưởng thụ các lạc thú trong đời rồi.

Trong khi đó người Phật tử thì không được thần linh nào bảo hộ hết, mà phải tự mình tu dưỡng đạo đức để trở thành người tốt như lời Đức Phật Thích Ca đã dạy: “Các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đức Phật còn nói rõ: “ Trên đời này, mọi đau khổ hay hạnh phúc đều do chính con người tự tạo ra cho mình. Không có thần linh nào ban phước hay giáng họa cho con người cả”

Chính vì chấp nhận chân lý qua lời Phật dạy nên người Phật tử chân chính luôn phải nỗ lực tu hành theo giáo lý nhà Phật. Tóm lại, một khi chấp nhận làm tín đồ đạo Phật nghĩa là chấp nhận “lội ngược dòng nước” để chiến thắng giặc tham-sân-si trong chính con người mình. Khi tham-sân-si trong con người bớt đi thì hạnh phúc xuất hiện với con người ấy. Khi một người đã diệt hết tham-sân-si thì người ấy trở thành bậc Thánh ngay giữa cõi đời này.

Thử hỏi, trên đời này có được bao nhiêu người đủ trí tuệ, dũng cảm và ý chí để chấp nhận con đường tu hành nhiều khó khăn đó? Trong khi làm tín đồ các tôn giáo hữu thần thì quá khỏe, vì mọi việc đã có thần linh lo cho hết rồi! Đấy là nguyên nhân căn bản nhất khiến đạo Phật không nhiều tín đồ như các tôn giáo tin ngưỡng hữu thần.

Nguyên nhân thứ hai:  Vì Giáo hội và Tăng, Ni không xem trọng vấn đề “Dân số Phật giáo”

Tăng, Ni là những người đã sớm nhận ra tính huyễn hoặc, giả dối của “60 năm cuộc đời” này, vậy nên quý ngài quyết chí từ bỏ cuộc sống hưởng lạc tầm thường, mà chọn lấy con đường tu hành khắc kỷ để được giác ngộ giải thoát theo gương Đức Phật Thích Ca, tức là con đường từ một phàm phu sống theo bản năng trở thành một bậc Thánh làm chủ thân và tâm sống đời cao quý. Đó là chiến thắng vĩ đại nhất và cũng là hạnh phúc lớn lao nhất trong đời người.

Chúng ta hãy xét cho kỹ: những người đã nuôi lý tưởng cao cả như thế  thì còn thời gian và tâm tư đâu mà đi lo cái việc chiêu dụ tín đồ cho đông. Tín đồ đông để làm gì? Tín đồ đông thì có ích lợi gì cho con đường tu tập giác ngộ và giải thoát của Tăng, Ni? Nếu nghĩ cho cùng thì càng đông tín đồ lại càng rước lấy nhiều sự bận bịu, đa đoan vào thân và càng gây trở ngại lớn cho đường tu của quý ngài chớ không lợi ích gì! Phải vậy không?

Lại nữa, việc suy nghĩ tìm trăm phương nghìn kế để chiêu mộ tín đồ vô đạo cho đông là đã phạm vào chữ THAM rồi. Tu mà còn tham thì biết khi nào mới giải thoát được? Chúng ta phải suy xét cho thật thấu đáo mới có sự thông cảm với Tăng, Ni, nhất là các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Đừng vì lo âu bức xúc quá mà vội phê phán Chư tôn đức là có tội lớn.

Nguyên nhân thứ hai này cũng thuộc về nguyên nhân cơ bản của vấn đề sụt giảm dân số Phật giáo. Tuy không ai nói ra nhưng nó có thật và nó tiềm tàng trong tâm thức của hàng chúng Trung Tôn. Chúng ta chớ nên cho rằng Tăng, Ni vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với vấn đề dân số Phật giáo!

Huynh Truong Gia Dinh Phat Tu Voi Van De Dan So Phat Giao Tai Viet Nam 2

Nguyên nhân thứ ba:  Vì phương thức phát triển đạo của Phật giáo nặng tính từ bi và tự giác mà thiếu sự quyết liệt

Đạo Phật, từ khi Đức Thích Ca sáng lập trải qua hơn 2.600 năm cho đến nay, dù ở quốc gia nào, dù trong thời khắc nào, cũng đều lấy hai chữ TỪ BI và TỰ GIÁC làm nền tảng để mở rộng đạo tràng, chứ không hề cưỡng ép, gài bẫy, dụ dỗ, mua chuộc và đặc biệt Phật giáo không bao giờ dùng sức mạnh súng gươm xâm lăng đất nước người ta để bắt dân người ta phải theo đạo Phật.

Với cách truyền đạo thật thà và lương thiện như vậy, bảo sao Phật giáo không là tôn giáo thiểu số? Nhưng chính vì hiền lành chơn chất như vậy nên vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại trụ sở chính TP. New York, nước Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên hợp thứ 54,  đã chính thức công nhận Lễ Vesak tức ngày lễ Tam Hợp của Phật giáo là Lễ Hòa Bình, và là ngày Đại Lễ của thế giới. Thật vinh hạnh thay cho đạo Phật chúng ta, mặc dù là đạo thiểu số nhưng giá trị lại vượt lên trên tất cả các tôn giáo có đông tín đồ.

Nguyên nhân thứ tư : Vì thái độ của người Phật tử không cương quyết trước luận điệu sai trái của bọn xấu muốn tiêu diệt Phật giáo

Tại Việt Nam, Phật giáo đã từng bị thực dân Pháp bóp nghẹt từ năm 1858 cho đến 1930 (72 năm). Kế đến là phong trào chấn hưng Phật giáo 1930-1950 Phật giáo ngoi lên thở được một chút. Sau đó lại bị Ngô Đình Diệm tàn sát từ năm 1955 đến 1963 và liên tiếp bị các chính quyên Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Thiệu kỳ thị, chèn ép không cho ngóc đầu lên được.

Sau năm 1975, Nhà nước ta giúp đỡ cho Phật giáo thống nhất toàn quốc và được tự do hoạt động trong khuôn khổ Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo. Tuy nhiên vẫn có những thế lực âm thầm chống phá Phật giáo bằng những luận điệu sai trái nhằm mục đích ngăn cản sự phát triển dân số Phật giáo . Chúng thường tung ra những luận điệu này trong những lần thống kê về tôn giáo hay tại những nơi làm giấy căn cước với mục đích ngăn cản người Phật tử không được khai mình theo đạo Phật.

Bọn chúng thường nêu các luận điệu sau đây :

  1. Chỉ có tăng, ni hay chức sắc mới được khai mình theo đạo Phật. Anh (chị) không phải tăng, ni hay chức sắc Phật giáo thì không được khai đạo Phật
  2. Anh (chị) khai đạo Phật sau này sẽ gặp khó khi đi xin việc làm lắm đấy!
  3. Ngoài ra, bọn chúng còn làm khó dễ người dân khai theo đạo Phật bằng cách đòi hỏi các thứ giấy tờ như: thẻ tín đồ, tờ phái quy y v.v…

Thật đáng tiếc, rất nhiều Phật tử khi đối mặt trước những luận điệu này của bọn xấu, họ thường “yếu bóng vía” mà từ bỏ đạo Phật và đồng ý ghi vào cột “tôn giáo” một chữ không (!) . Đang là Phật tử bao nhiêu năm nay, chỉ vì yếu đuối, nhẹ dạ trước luận điệu sai trái của bọn xấu mà trở thành “người không đạo”. Có rất nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra.

(Xin đón xem tiếp kỳ sau: “Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thống nhất quan điểm và hành động về vấn đề dân số Phật giáo”)

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang