“Gia Đình Phật Tử Chơi Nhiều Hơn Tu” (?) – kỳ 3

“GIA ĐÌNH PHẬT TỬ CHƠI NHIỀU HƠN TU” (?)

Kỳ 2SỰ TU CỦA ĐOÀN VIÊN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Trong bài viết kỳ 2, chúng tôi đã trình bày về sự tu của người Phật tử tại gia, qua đó bạn đọc thấy rằng con đường tu của người cư sĩ gồm hai bước: học và tu.

-Học là tiếp thu lời Phật dạy qua các phương tiện như : nghe quý Thầy thuyết giảng; học từ các bậc thiện hữu tri thức; đọc trong kinh sách; đọc trên mạng Internet; thảo luận mạn đàm trong tập thể những người cùng chí hướng, v.v…

-Chiêm nghiệm, quán xét lời Phật dạy kỹ càng để nó thấm nhuần vào tâm thức mình, giống như việc nhai kỹ và tiêu hóa trọn vẹn thức ăn để nuôi lớn thân thể vậy. Việc này trong nhà Phật gọi là “TƯ”.

-Tu là ứng dụng những đạo lý trong Phật pháp (mà mình đã tiêu hóa được) vào việc ứng xử với mọi người và giải quyết mọi công việc trong đời sống hằng ngày. Nhờ Phật pháp mà các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Nhờ Phật pháp mà trong mọi công việc mình giải quyết có tình có lý hơn và dễ thành công hơn, tạo cho mình có cuộc sống bớt khổ thêm vui hơn… Kết quả tu của người tại gia chính là ở chỗ này.

Nếu một người tự nhận mình có tu, nhưng chỉ chuộng tu theo hình thức  bên ngoài, còn bên trong nội tâm mình không ứng dụng được Phật pháp vào đời sống, không chuyển hóa được vô minh một chút nào, thì người đó chưa phải tu, hay nói cách khác là đã chọn sai phương pháp tu , vì vậy tu không có kết quả đem lại an lạc cho mình và những người chung quanh.

Sự tu của đoàn viên Gia Đình Phật Tử chính là con đường học và tu của người cư sĩ Phật tử, để cho thuận miệng, chúng tôi thường gọi là TU HỌC.  Việc tu học của đoàn viên GĐPT có những ưu điểm như sau :

1)Chương trình tu học của GĐPT được chư Thầy Tổ biên soạn công phu, khoa học, khế hợp với tâm sinh lý từng đối tượng thanh, thiếu, đồng niên. Trong tất cả chương trình tu học dành cho giới cư sĩ từ trước đến nay thì chương trình tu học của GĐPT là hoàn chỉnh hơn cả          .

2)Việc học của đoàn viên GĐPT không chỉ có Phật pháp, mà bao gồm cả thế gian pháp, nghĩa là những môn học có thể làm tăng trưởng nhiều đức tính tốt cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng như : gút dây, truyền tin, phương hướng, cắm trại, cứu thương, văn nghệ, trò chơi,v.v…

3)Việc học của đoàn viên GĐPT được hướng dẫn bởi những phương pháp khoa học hiện đại, gồm : phương pháp huân tập, phương pháp lý giải, phương pháp hoạt động, phương pháp quán niệm. Tùy lúc tùy nơi và tùy đối tượng học,  bốn phương pháp nói trên được áp dụng một cách linh hoạt, đem đến kết quả giáo dục hết sức rõ ràng.

4)Việc học của đoàn viên GĐPT được diễn ra thường xuyên liên tục và đều đặn nhưng không khẩn trương, không vội vã, không khiên cưỡng, âm thầm nhưng chắc chắn , không phô trương qua số lượng đông đảo.

5)Sự tu của đoàn viên GĐPT không lấy việc tụng kinh, lễ bái, niệm Phật, tọa thiền, kinh hành, cầu an, cầu siêu, trì chú… làm phương pháp chính. Sự tu của đoàn viên GĐPT lấy việc chuyển hóa tâm tánh mỗi người làm cứu cánh. Sự tu của GĐPT lấy Nhân Thừa làm phương tiện.

6)Sự tu của đoàn viên GĐPT không chỉ diễn ra ở ngôi chùa, bởi vì mỗi tuần lễ anh chị em chỉ có thể đến chùa sinh hoạt trong một buổi chiều chủ nhật, thời gian còn lại trong tuần dành để chu toàn các bổn phận của một người còn trách nhiệm với gia đình và xã hội. “Đạo tràng” của anh chị em GĐPT chính là nơi gia đình, láng giềng, trường học, công sở, đồng ruộng, nhà máy, thương trường… Ở những nơi đó, anh chị em phải luôn ứng dụng Phật pháp trong mọi tình huống, trong mọi công việc để đạt được những kết quả tốt đẹp nhất ngay đây và bây giờ.

7)Tất cả những phương pháp tu của người xuất gia mà các anh chị em được hướng dẫn trong chương trình tu học GĐPTnhư : niệm Phật, thực hành Chánh niệm (Thiền), thọ Bát Quan Trai, v.v… chỉ co tính cách giới thiệu, thực tập, làm quen, gieo duyên, chứ không phải là những phương pháp tu chính của đoàn viên GĐPT.

Giá trị tu của đoàn viên GĐPT không phải ở chỗ : niệm Phật tới mức quên hết mọi điều xảy ra chung quanh mình; hay ngồi thiền suốt 2 tiếng đồng hồ mà khoe mình không biết đau chân; hoặc bỏ việc nhà việc cửa đi hết chùa này đến chùa khác tham dự các khóa tu như người xuất gia…

Giá trị tu của đoàn viên GĐPT là ở chỗ:

1.Các mối quan hệ của anh, chị từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội có dần dần trở nên tốt đẹp không ? hoặc trước đây xấu mà nay dần cải thiện tốt lên từ từ không ?

2.Công việc mà anh, chị đang làm có “xuôi chèo mát mái” không? vị trí xã hội và uy tín của anh, chị có thăng tiến không ?

3.Đối với 8 sự khổ mà ai cũng gánh chịu trong đời, riêng các anh, chị có chịu đựng và vượt qua được hay không? và mỗi ngày một vượt qua dễ dàng hơn trước không ?

4.Mỗi khi tự vấn lòng mình hoặc mỗi khi thử thách kéo đến, anh, chị có chắc rằng tham, sân, si trong con người mình có bớt đi ít hay nhiều không ?

Anh chị em Áo Lam thân mến,

Qua 3 bài viết, chúng ta đã cùng chia sẻ về chữ TU trong đạo Phật bằng cách tìm hiểu về sự tu của người xuất gia, sự tu của người tại gia và sự tu của GĐPT. Chúng ta thấy rằng :

1)Sự tu của người xuất gia là TU CHUYÊN NGHIỆP. Với điều kiện của chư Tăng, Ni đã “cát ái ly gia” , “nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du”, nỗ lực, miệt mài biết bao nhiêu công phu tu tập mới hy vọng có ngày nào đó đạt tới một trong bốn quả vị Thánh, tức đạt mục tiêu của sự tu.

2)Sự tu của người tại gia là học lời Phật dạy để ứng dụng vào đời sống, gọi là tu tâm sửa tánh để trở nên NGƯỜI TỐT trong cuộc đời này với hy vọng đời sau được trở lại kiếp người, tiếp tục tu nữa… Người tại gia mà bắt chước cách tu của người xuất gia để mong được trở thành Thánh là một điều hoang tưởng dại khờ, không bao giờ thành được… cái gì cả.

3)Sư tu của đoàn viên GĐPT cũng đặt mục tiêu như người tại gia, nhưng có ưu điểm là được tổ chức hướng dẫn tu học có bài bản, mang tính khoa học và khế hợp với tâm sinh lý từng độ tuổi thanh, thiếu và đồng niên.

Cổ Đức có khuyên người Phật tử tu như sau :

“Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”

Đến đây, chúng ta có thể kết luận rằng: không thể lấy hình thức tu chuyên nghiệp như: tụng kinh, bái sám, lễ lạy, tọa thiền, niệm Phật, trì chú, cầu an, cầu siêu hay học giáo lý hàng 2-3 tiếng đồng hồ … để làm căn cứ đánh giá mà cho rằng đoàn viên GĐPT “chơi nhiều hơn tu”.

(Kỳ sau : luận về chữ “Chơi”)

Minh Chiếu NVH
GĐPT Tp Hồ Chí Minh

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.