Đạo Đức Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử

G

Người viết bài này còn nhớ: hồi xưa, lúc chúng tôi đi dư trại Lộc Uyển,  đến giờ học đề tài “Người Huynh Trưởng GĐPTVN”, một trại sinh đứng lên hỏi huynh trưởng giảng huấn: “Thưa anh, đi sinh hoạt GĐPT là việc làm tự nguyện, vậy tại sao cần phải nói tới tư cách, bổn phận, trách nhiệm… của người huynh trưởng chi vậy, anh?”

Anh huynh trưởng giảng huấn đã trả lời chung cho cả lớp như sau : “Dẩu biết đi sinh hoạt GĐPT là việc làm tự nguyện, nhưng đã là một tập thể, một tổ chức, mà muốn lớn mạnh thì từng con người trong tổ chức đấy phải có đủ tư cách, phải biết bổn phận và trách nhiệm để chu toàn, nghĩa là phải có đạo đức, thì  tổ chức ấy mới tiến bộ và lớn mạnh được. Các anh, chị có muốn cho tổ chức Áo Lam mình lớn mạnh không?”

Cả lớp vỗ tay hoan hô và la lớn “Muốn !”  Cảnh tượng và âm thanh vang dội ngày xưa ấy vẫn còn theo chúng tôi cho đến tận hôm nay. Dù hoàn cảnh khó khăn đôi lúc đến với mình trong cuộc đời làm huynh trưởng, nhưng hễ nhớ lại cảnh tượng ngày hôm ấy là mình lại cố gắng vượt qua nghịch cảnh mà tiếp tục dấn bước đi lên.

Trải qua mấy mươi năm làm huynh trưởng, nhiều lúc thành công, lắm khi thất bại, bản thân tôi càng thấm thía ý nghĩa của bài học năm nào. Vâng, huynh trưởng cần phải có đạo đức thì sự nghiệp xây dựng Gia Đình Phật Tử và hướng dẫn đàn em tu học mới mong thành công.

Người huynh trưởng GĐPT cần những đạo đức nào?

Nói chung, đạo đức người huynh trưởng nằm ở hai phương diện là:

1)Hoàn thiện tư cách

2)Làm tròn bổn phận và trách nhiệm

I-HOÀN THIỆN TƯ CÁCH NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Hoàn thiện tư cách là việc làm thường xuyên và suốt cả một đời người. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên một vài việc làm  thiết yếu để anh chị em chúng ta suy gẫm và thực hành:

1)Hãy làm việc hết mình vì lợi ích của tổ chức GĐPT

Đa số anh chị em mình thường bị vướng kẹt (chấp) vào tình cảm thương – ghét, vui – buồn…trong khi làm một việc nào đó cho tổ chức. Vì vậy, hễ vui thì làm tốt, mà buồn thì không làm tốt; hoặc thương thì nỗ lực  mà ghét thì lập tức buông xuôi. Chính vì điều này mà tổ chức ta tuy đông huynh trưởng nhưng hiệu quả cống hiến cho tổ chức không được bao nhiêu.

Nếu như chúng ta trút bỏ được “vui-buồn, thương-ghét” trong khi làm Phật sự; nếu chúng ta nghĩ rằng “mình làm việc này không vì ai, mà chỉ vì lợi ích của tổ chức Áo Lam”, thì tâm tư chúng ta sẽ thanh thản và sức cống hiến của ta sẽ tràn đầy, không bị vướng ngại bởi điều chi cả.

2)Hãy học đức tính “biết ơn”

Suốt cuộc đời mặc chiếc áo Lam, từ lúc còn là đoàn sinh cho đến khi mang cấp bậc huynh trưởng trên vai, huynh trưởng chúng ta chịu ơn rất nhiều người, trong đó nổi trội hơn cả là các huynh trưởng đàn anh đàn chị đi trước.

Không giống như những tổ chức ngoài đời chỉ cần có bằng cấp là được thu nhận vào tổ chức, do đó, mọi thành viên trong tổ chức đều ngang hàng nhau, không ai phải chịu ơn ai cả.

Trong GĐPT thì khác. Từ khi còn là đoàn sinh, mỗi người trong chúng ta đều chịu ơn dìu dắt của các huynh trưởng đi trước. Cho đến khi ta đủ tuổi để làm huynh trưởng, ta lại càng chịu ơn huấn luyện, ơn nâng đỡ cất nhắc… của các huynh trưởng đàn anh. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có được hôm nay trong màu áo Lam đều mang dấu tích “Ơn-Nghĩa” của đàn anh, đàn chị đi trước.

Người huynh trưởng có đức tính biết ơn la người luôn kính trọng và tuân phục đàn anh đàn chị mình (Tôi nhấn mạnh cụm từ “đàn anh đàn chị mình” nghĩa là những người trực tiếp dìu dắt mình trên con đường sinh hoạt trong màu áo Lam). Có thể anh (chị) ấy chưa phải đã hoàn chỉnh, thậm chí  bây giờ có thể mình đã vượt qua anh (chị) ấy nhiều mặt, nhưng các bạn nên nhớ :mình đã từng là học trò của anh (chị) ấy. Câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” người xưa thường dạy nằm ở ý nghĩa này.

“Biết ơn” chính là đức tính mẫu mực của một huynh trưởng mẫu mực.

3)Hãy gìn giữ uy tín trước mọi người

Ngày xưa, chúng tôi mỗi khi mặc chiếc áo Lam vào người là đi một mạch từ nhà đến chùa, sinh hoạt xong là đi một mạch từ chùa về nhà. Không bao giờ dám la cà quán xá trong khi mình đang mặc áo Lam. Đó là để giữ uy tín người huynh trưởng đối với đoàn sinh. Đó cũng là “thân giáo” của người huynh trưởng.

Chúng ta nên biết rằng, uy tín người huynh trưởng không những phải giữ gìn trong lúc mình mặc đoàn phục GĐPT, mà còn phải giữ gìn ngay cả trong đời sống riêng tư của mình, khi mà mình đã mặc vào bộ thường phục ở nhà.

Huynh trưởng là “thầy” của đoàn sinh, vì vậy rất cần có uy tín để nói đoàn sinh nghe. Uy tín người huynh trưởng nằm trong hình ảnh, lời nói và việc làm. Nhiều lắm, nhưng ở đây chỉ xin đưa ra vài thí dụ:

-Hình ảnh : đoàn phục phải luôn chỉnh tề; thường phục trong đời sống riêng tư cũng không được kiểu cọ quá đáng. Hình ảnh huynh trưởng cần đơn sơ giản dị, không trau chuốt quá, nhưng cũng không luộm thuộm quá mà mọi người xem thường. Một số huynh trưởng Nữ thường mắc phải ba khuyết điểm : 1)Nhuộm tóc xanh đỏ  2)Trang điểm và đeo nữ trang quá nhiều.  3)Chạy theo mốt thời trang lõa lồ làm mất giá trị người thanh, thiếu nữ Việt Nam.

-Lời nói, việc làm : một điều nhức nhối hiện nay đang diễn ra trong xã hội nói chung, đối với huynh trưởng GĐPT nói riêng, đó là nạn facebook. Một số không nhỏ huynh trưởng thường lên facebook tự do nói năng không kềm chế “khẩu nghiệp”, hoặc đưa những hình ảnh phóng túng, dung tục của mình (mà mình tưởng là đẹp) lên cho thiện hạ “chiêm ngưỡng”. Các huynh trưởng ấy đâu ngờ rằng trong số người đọc những lời lẽ “vô tư” và xem những hình ảnh dung tục của mình  mà mình hãnh diện khoe trên facebook, có các huynh trưởng trẻ và đoàn sinh (cùng phụ huynh các em) trong đơn vị mà mình đang phụ trách.

Tệ hơn nữa là có những huynh trưởng nam lên facebook tán gẫu tào lao với huynh trưởng nữ. Hai bên trao đổi qua lại bằng những lời lẽ “hết sức thiếu kiểm soát” làm trò cười cho biết bao người, trong đó có huynh trưởng trẻ và đoàn sinh của hai anh, chị này.

Qua sự việc vừa nêu, chắc độc giả đã biết ngay hậu quả của nó mà không cần tôi phải bình luận gì thêm.

Ngoài việc quan hệ “nhố nhăng” trên facebook, việc tỏ tình cảm qua điện thoại giữa huynh trưởng nam và nữ cũng là nguyên do làm mất uy tín của huynh trưởng. Tôi có biết một huynh trưởng nam thường xuyên bày tỏ “tình cảm áo Lam”  bằng việc gọi điện thoại vào lúc nửa đêm để “tâm sự lòng thòng” với nhiều huynh trưởng nữ.

II-LÀM TRÒN BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Tại Mục C Điều 15 Chương III Nội Quy Phân Ban Gia Đình Phật Tử do Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ban hành ngày 17/7/2013,  quy định rõ ràng nhiệm vụ của từng huynh trưởng trong 1 đơn vị GĐPT;

Tại Chương III, các Điều 11, 12, 13, 14 Nội Quy Huynh trưởng GĐPT do Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ban hành ngày 17/7/2013,  quy định rõ bổn phận và trách nhiệm của huynh trưởng theo từng cấp bậc : Tập, Tín, Tấn, Dũng;

Tại Mục B Điều 5 Chương II Quy Chế Làm việc của Ban Hướng Dẫn Phân ban GĐPT Kiên Giang do Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Kiên Giang ban hành ngày 01/5/2017, quy định đầy đủ về nhiệm vụ của từng ban viên Ban Hướng Dẫn PB.GĐPT Tỉnh;

Trên đây là 3 văn bản pháp quy ghi rõ bổn phận, trách nhiệm của người huynh trưởng. Đạo đức của nguynh trưởng được dánh giá cao hay thấp chính là ở chỗ anh, chị có làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình hay không. Chúng tôi nghĩ rằng Ban Hướng Dẫn Tỉnh cần thường xuyên nhắc nhở cho huynh trưởng nắm rõ bổn phận và trách niệm của mình, đồng thời có biện pháp “thưởng-phạt” hằng năm nhằm tôn vinh những huynh trưởng có công và nhắc nhở những huynh trưởng xao lãng bổn phận và trách nhiệm.

Chúng ta cần nhớ rằng: một anh chị cấp Tín mà bỏ bê Gia đình, khiến cho đơn vị xuống cấp, sẽ không bằng một em đoàn sinh đội, chúng trưởng biết lo cho đội, chúng mình và đưa đội, chúng mình đi lên. Cũng vậy, một ban viên Ban Hướng Dẫn quanh năm chẳng có đóng góp gì đáng kể cho phong trào chung sẽ không bằng với một huynh trưởng trẻ chưa có cấp nhưng luôn nhiệt tình, xông xáo đưa Gia đình mình ngày càng tiến bộ.

Thời gian qua, Ban Hướng Dẫn PB.GĐPT Kiên Giang có phát động phong trào thi đua “Đơn Vị Vững Mạnh” hằng năm, đó là một cách hay để đánh giá sức cống hiến của huynh trưởng và cũng là thước đo đạo đức của huynh trưởng. Chúng tôi thiết nghĩ quý Thầy Trụ Trì các chùa có sinh hoạt GĐPT nên quan tâm xem xét kết quả thi đua hằng năm của đơn vị mình để từ đó có biện pháp giúp đỡ cho đơn vị nơi chùa mình tiến bộ xa hơn.

Diệu Quang


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang