Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Hiển Pháp, Người Cha, Người Thầy Của Phật Giáo Kiên Giang

G

Chúng con lần đầu được tiếp xúc với Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Hiển Pháp là vào năm 1961, khi ấy Thầy còn là vị Đại Đức, về làm giảng sư tại trường Hạ chùa Sắc Tứ Tam Bảo thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa Tam Bảo lúc ấy là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt Tỉnh Kiên Giang.

Trong cách nhìn của Phật tử chúng con, Thầy là một vị tăng trẻ đầy hoạt bát, tài năng và nhiệt tâm. Trường Hạ năm đó nhờ tài tổ chức điều hành của Thầy mà trở nên linh hoạt như được một làn gió mới thanh khiết tươi nhuận thổi vào. Vì thế Phật tử chúng con một đồn mười, mười đồn trăm, lũ lượt kéo nhau đến chùa Tam Bảo hộ trì chư Tăng an cư suốt 3 tháng. Đêm nào rảnh rỗi, Thầy quây quần Phật tử chúng con lại nghe Thầy kề chuyện Phật pháp. Chúng con được thể, cư vài ba hôm lại hùn tiền nấu nồi chè thật to, rồi thỉnh Thầy “độ” chè để tụi con được dịp quây quần bên cạnh Thầy nghe Thầy nói pháp. Suốt mùa Hạ năm đó chúng con đã có những giờ phút an vui bên cạnh Thầy và chư Tăng nơi trường Hạ Tam Bảo.

Thời gian trôi quá nhanh. Những giờ phút bên Thầy chưa kịp mãn nguyện thì đã hết 3 tháng an cư. Hôm đó, Phật tử chúng con tiễn đưa thầy lên đường trở về trú xứ mà ai cũng bùi ngùi xúc động. Lòng những mong có dịp gặp lại Thầy.

Mùa An Cư năm 1962 không thấy Thầy về Rạch Giá, lòng con cứ bâng khuâng mong nhớ hình bóng Thầy. Năm 1963, trường Hạ chưa kịp mở thì pháp nạn xảy đến. Chùa Tam Bảo vắng bóng người. Một hôm, bữa cơm chiều vừa xong, chưa kịp dọn dẹp thì chú H. trong chùa Tam Bảo chạy ra nhà con, nói nhỏ :”Thầy Hiển Pháp gọi cô vô chùa có việc cần gấp”. Con vừa mừng vừa lo. Mừng vì được gâp lại Thầy; lo là vì giác quan thứ sáu cho con biết chắc có chuyện gì quan trọng.

Vừa gặp Thầy, chưa kịp mừng thì Thầy đã nghiêm giọng bảo: “Diệu Thiện phân phát dùm thầy mớ truyền đơn của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Nhanh chừng nào tốt chứng đó. Tối nay thầy phải về Sài Gòn ngay”. Con run run cầm sắp truyền đơn Thầy giao cho, cố gắng kềm chế cảm xúc, thưa :”Thưa Thầy cứ tin tưởng, con sẽ làm được”. Gặp lại Thầy lần này mà không dám ngồi bên Thầy lâu để thưa hỏi về Phật pháp. Từ đêm đó, con không có cơ hội gặp lại Thầy nữa. Năm 1969, con nghe người ta nói Thầy đang làm Chánh đại diện Giáo hội PGVN Thống Nhất bên Sa Đéc. Con mong có dịp nào đi Sa Đéc để tìm thăm Thầy. Vậy mà, thời gian cứ trôi qua, cơ hội thì chưa đến…

* * *

Ngày 30 tháng tư năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Lịch sử đất nước sang một trang mới. Phật giáo Kiên Giang cũng theo bước chân dân tộc mà chuyển mình. Chùa Tam Bảo được xem là “đầu não” của Phật giáo trong tỉnh. Tăng, ni cần làm giấy tờ chi cũng về đây xin Hòa thượng Thích Bổn Châu xác nhận. (Lúc ấy, Hòa thượng được chánh quyền mời làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Kiên Giang) Hòa thượng là người xuất gia không rành rẽ văn bản và thủ tục hành chánh, lúc đó con đang làm hiệu trưởng một trường Tiểu học  trong thị xã Rạch Giá, vì vậy Hòa thượng tin tưởng giao con tiếp nhận, xử lý tất cả giấy tờ do tăng, ni mang đến theo ý kiến chỉ đạo của Ngài. Từ đó, con như là thư ký riêng của Hòa thượng. Nhờ nhân duyên này mà về sau con mới có nhiều cơ hội gặp và được làm việc với Hòa thượng Hiển Pháp, một vị chân tu mà con luôn ngưỡng mộ và tôn kính từ khi biết Ngài.

Năm 1982, Phật giáo Kiên Giang tổ chức đại hội lần I thành lập Tỉnh Hội Phật Giáo Kiên Giang do HT Danh Nhưỡng (Nam tông) làm Trưởng Ban Trị sự, HT Thích Bổn Châu làm Phó ban Thường trực, bản thân chúng con được đại hội giao chức vụ Chánh thư ký. Trong ngày khai mạc đại hội, Hòa thượng Thích Hiển Pháp lúc ấy là Phó Trưởng Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo TP.HCM đã về Kiên Giang tham dự với tư cách khách mời. Kể sao cho hết nỗi vui mừng của chúng con sau gần 20 năm xa cách Thầy. Nhân dịp này, Hòa thượng đã cầm tay chỉ việc cho con rất nhiều trong trách vụ Chánh Thư ký Tỉnh Hội. Từ đó về sau, trong công tác Phật sự nếu có gì trở ngại, con thường điện thoại lên xin Hòa thượng chỉ dạy.

Năm 1990 (đại hội PG toàn quốc lần III), Hòa thượng được suy cử làm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 GHPGVN . Trong chức vụ này, Hòa thượng càng có nhiều điều kiện giúp đỡ cho Tỉnh hội PG Kiên Giang hơn nữa. Điển hình như : lần đại hội nào của PG Kiên Giang, Hòa thương cũng đều về chỉ đạo từng chút một (thời đó các tỉnh, thành cứ 5 năm tổ chức 2 lần đại hội). Trong hoàn cảnh địa phương thiếu nhiều tăng tài như Kiên Giang thì sự có mặt chỉ đạo của Hòa thượng thật sự quý báu không kể xiết.

Hai là, Hòa thượng đã làm mọi cách giúp đỡ cho PG Kiên Giang thành lập ngôi trường Cơ bản Phật học đầu tiên vào năm 1992 (nay là trường Trung cấp Phật học). Đây là một trong số ít ngôi trường Phật học trong cả nước được thành lập sau năm 1975. Từ ngôi trường này mà hôm nay PG Kiên Giang có được một thế hệ tăng tài trẻ kế thừa sự nghiệp hoằng dương đạo pháp một cách xứng đáng. Trong vai trò Phó hiệu trưởng (thế học), chúng con càng có nhiều cơ hội gần gũi để nhận sự chỉ dạy của Hòa thượng trong công tác điều hành nhà trường. Lần đầu tiên PG Kiên Giang mở trường Phật học cho nên mọi công việc đều mới mẻ, khó khăn, nhưng nhờ có sự chỉ đạo từ xa của Hòa thượng mà mọi thứ đều suôn sẻ, kết thúc khóa I với 36 tăng, ni sinh tốt nghiệp mà trong số đó hiện nay có nhiều vị đã là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… Có thể nói, ngôi nhà Phật giáo Kiên Giang là do Hòa thượng đặt nền móng nên mới được khang trang đẹp đẽ như hôm nay.

cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Hiển Pháp và Hòa Thượng Thích Trí Quảng (ảnh chụp năm 2013)

Vào năm 1990, trong khi Trung ương Giáo hội chưa có chủ trương cho Gia Đình Phật Tử sinh hoạt lại, chúng con đã trình bạch với Hòa thượng xin ý kiến chỉ đạo về việc Ban Trị sự Tỉnh hội PG Kiên Giang muốn thành lập Tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử trực thuộc Ban Hướng dẫn Nam nữ Cư sĩ Phật tử để tạo cơ hội cho hàng Phật tử trẻ có điều kiện đến chùa sinh hoạt. Hòa thượng đã đồng ý và còn chỉ dạy chúng con về thủ tục xin phép và phương thức sinh hoạt sao cho phù hợp với tình hình mới. Nhờ vậy mà phong trào thanh thiếu nhi học Phật tại Kiên Giang đã nở rộ với 12 tự viện tham gia. Đây chính là nền tảng cho GĐPT phục hồi sinh hoạt vào năm 1997 sau này. Anh chị em Áo Lam Kiên Giang ghi tâm khắc cốt trọng ân của Hòa thượng. Chính nhờ Hòa thượng mà tổ chức GĐPT Kiên Giang có được ngày hôm nay.

Năm 1997, đại hội Phật giáo toàn quốc lần IV diễn ra. Hòa thượng được suy cử vào chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN. Trên cương vị này, Ngài đã thường xuyên giúp đỡ cho Giáo hội Kiên Giang vượt qua nhiều khó khăn do thiếu nhân sự. Đặc biệt, Hòa thượng hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu làm Y Chỉ Sư cho Thượng tọa Thích Giác Phước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Kiên Giang (thay thế HT Thích Bổn Châu viên tịch). Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho Thượng tọa dễ dàng hoạt động trong vai trò lãnh đạo Phật giáo Bắc tông tại Kiên Giang.

Còn rất nhiều điều để tôn vinh công ơn to lớn của Trưởng Lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp đối với Phật giáo Kiên Giang. Với những gì Hòa thượng đã thi ân cho Phật giáo Kiên Giang trong suốt 30 năm qua, chúng con nghĩ rằng không còn ngôn ngữ nào diễn tả cho đầy đủ bằng cách tôn xưng Ngài là Cha và Thầy của toàn thể tăng ni và Phật tử Kiên Giang.

Hôm nay, tưởng niệm 49 ngày Trưởng Lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp từ giã Ta Bà cao đăng Phật quốc, chúng con thành kính dâng lên Ngài những tình cảm kính mến của chúng con và tấm lòng tri ân sâu sắc của toàn thể tăng ni và Phật tử Kiên Giang đối với công ơn to lớn mà Hòa thượng đã ban bố cho Phật giáo Kiên Giang.

Nam mô Giác linh Cố Trưởng Lão Hòa Thượng thượng Hiển hạ Pháp chứng minh.

Huynh trưởng cấp Dũng
DIỆU THIỆN TRẦN THẾ MỸ
( Nguyên Chánh Thư ký BTS –
Nguyên Phó Hiệu trưởng trường CBPH-
Trưởng Phân ban GĐPT GHPGVN Tỉnh Kiên Giang)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang