Bậc Thiên Nhơn Sư

G

Thứ nhất, trong mười tôn hiệu của Đức Thích Ca, có một tôn hiệu là Thiên Nhơn Sư nghĩa là bậc thầy của Trời và Người. Thật vậy, qua lịch sử cuộc đời của Ngài đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng: Ngài ra đời là vì muốn chỉ cho chúng sanh thấy được những điều mà chư Phật đã giác ngộ, đồng thời dạy cho chúng sanh hiểu và thực hành những điều giác ngộ ấy để thoát khỏi vô minh, đạt tới một cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại này. Lý tưởng và việc làm của Đức Thích Ca, nếu không nói là sự nghiệp của bậc thầy vĩ đại thì khó mà tìm được điều gì đúng nghĩa hơn để so sánh.

Thứ hai, trong tất cả các tôn giáo lớn trên hoàn cầu này, chỉ có vị giáo chủ của Phật Giáo tự xưng mình là Người Thầy, mà không tự xưng mình là đấng toàn năng có quyền "ban phước, giáng họa" cho loài người. Đây là sự khác biệt căn bản nhất giữa đạo Phật với các đạo khác. Người "tín đồ" của đạo Phật không coi mình là tín đồ, mà gọi mình là Phật tử, nghĩa là người học trò của đức Phật. Hàng đệ tử xuất gia được gọi là Tỳ Kheo, Phạn ngữ viết là Biksu, dịch nghĩa là Khất Sĩ, tức người đi xin. Đi xin gồm hai thứ quan trọng nhất là:

-Xin thức ăn (nơi quần chúng Phật tử) để nuôi thân mạng

-Cầu giáo pháp (nơi bậc Đạo Sư Thích Ca) để nuôi huệ mạng

Tóm lại, quan hệ trong đạo Phật là quan hệ thầy trò, không phải là quan hệ giữa giáo sĩ và tín đồ; càng không phải là quan hệ giữa thần thánh với phàm nhân.

DSC 0101

Thứ ba, ngoài tôn hiệu Thiên Nhơn Sư, Đức Thích Ca Mâu Ni còn được người đời tôn kính qua chín danh hiệu khác. Đó là:

1)Như Lai: bậc đến từ Chơn Như, tức Niết Bàn

2)Ứng Cúng: bậc đáng nhận sự cúng dường từ Trời và Người

3)Chánh Biến Tri: bậc thấu triệt mọi chân lý trên đời

4)Minh Hạnh Túc: bậc có đầy đủ trí tuệ và đạo hạnh

5)Thiện Thệ: bậc đã hoàn thành mọi việc lành

6)Thế Gian Giải: bậc đã tháu suốt đạo lý của mọi việc trên thế gian

7)Vô Thượng Sĩ: bậc cao tột về trí tuệ và đức hạnh, không còn ai cao hơn

8)Điều Ngự Trượng Phu: bậc đã hoàn toàn chế ngự được bản thân và điều phục được nhân loại

9)Thiên Nhơn Sư: bậc thầy của Trời và Người

10)Phật – Thế Tôn: bậc đã hoàn toàn giác ngộ, được thế gian tôn kính

Qua mười tôn hiệu do người đời tôn vinh Đức Phật, chúng ta thấy rõ một điều là: làm người thầy phải vẹn toàn cả trí tuệ lẫn đạo đức, không thể ngụy biện rằng: "hãy học theo những gì tôi dạy, đừng học theo những gì tôi làm". Hàng huynh trưởng chúng ta cũng là một dạng "thầy" vì chúng ta đem lời Phật dạy giới thiệu đến cho các Phật tử trẻ tuổi, vì vậy chúng ta cần đặc biệt chú ý đến điều này, vì các em của chúng ta thường chú ý đến những gì ta làm để bắt chước, hơn là chú tâm vào những lời ta dạy.

Rất tiếc là ngày nay trong xã hội ta, cái quan điểm "hãy học theo những gì tôi dạy, đứng học theo những gì tôi làm" lại khá phổ biến trong giáo giới và được mọi người dễ duôi chấp nhận, khiến cho hình bóng những Nhà mô phạm đúng nghĩa ngày một thưa thớt dần. Thật là một tai hại cho nền giáo dục nước nhà vậy.

buddha

Thứ tư, bậc Đạo Sư Thích Ca đã dạy cho Trời và Người những gì?

1)Ngài không dạy kỹ thuật chiến tranh để một dân tộc đi xâm chiếm một dân tộc khác và bắt dân tộc đó làm nô lệ cho mình, vơ vét tài nguyên của nước bị trị cho đến cạn kiệt.

Ngài dạy rằng: trên thế gian này mọi vật đều nương nhau mà có, nương nhau mà diệt. Rằng: hãy sống hòa đồng, tôn trọng lẫn nhau để giữ cho môi trường sống này được lâu dài, chớ nên hung tàn hủy diệt sự sống của mọi người mà trong đó cũng có mình.

2)Ngài không dạy những kỹ thuật về chính trị, khoa học, kinh tế, tài chánh v.v… nhằm mục đích giúp con người kiếm tiền thật nhiều, ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, bất cần những giá trị đạo đức làm người.

Ngài chỉ cho nhân loại thấy rằng: Tham – Sân – Si là cội rễ của mọi tội ác trong kiếp người. Ngài dạy mọi người sống vừa đủ, không tham lam hưởng thụ quá đáng. Rằng: sự hưởng thụ trụy lạc là con đường dẫn tới diệt vong của đời sống hôm nay.

Ngài dạy con người sống đời lương thiện: không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không sử dụng rượu và các chất ma túy.

3)Ngài không dạy loài người cầu xin nơi Ngài điều gì. Ngài không bắt họ phải dâng các lễ vật hoặc bằng sinh mạng của các con thú, hoặc bằng sinh mạng của những nàng trinh nữ, hoặc bằng các thứ ngọc ngà châu báu… để làm đẹp lòng Ngài, hầu cầu xin Ngài ban phước lành cho họ.

Ngài dạy họ về lý Nhân Quả, rằng: gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Mọi việc tốt xấu trên đời đến với họ chính là kết quả của nhân mà họ đã gây ra trong quá khứ, chứ không do bất cứ một thượng đế hay thần thánh nào ban phước giáng họa cho họ cả. Nếu họ muốn cuộc đời họ tốt lành thì ngay lập tức họ phải suy nghĩ, nói năng và hành động thiện. Cuộc đời nhân loại là do chính con người quyết định.

4)Ngài dạy con người bằng chính lối sống xả ly của mình: từ bỏ giàu sang phú quý của một thái tử, từ bỏ vợ đẹp con ngoan, từ bỏ ngôi vị thiên tử, từ bỏ mọi thú vui trần thế v.v… Ngài đã chứng minh rằng: giàu sang, địa vị, thú vui trần thế không đem lại an lạc thật sự cho con người, mà chính là sự giác ngộ chân lý mới đem lại cho con người niềm an lạc chân thật và miên viễn.

XDij7Nd

Thứ năm, tất cả những người thầy của thế gian đều phải qua sự dạy dỗ của rất nhiều ông thầy từ lúc ấu thơ cho tới lúc trưởng thành. Riêng Đức Phật Thích Ca, khi trở thành bậc Thiên Nhơn Sư là hoàn toàn do Vô – Sư – Trí, nghĩa là trí tuệ tự có của bản thân mà giác ngộ. Lịch sử kể rằng, lúc mới xuất gia, Ngài có tìm đến một số vị đạo sư nổi danh thời ấy như các ông A-La-La, Uất-Đầu-Lam-Phất… để học đạo. Tuy nhiên, sau một thời gian, Ngài nhận ra đạo của những vị này không thể đưa đến giác ngộ hoàn toàn, vì thế Ngài đã từ giã các vị ấy ra đi để tự mình tìm chân lý qua phương pháp tu khổ hạnh. Sau 6 năm tu khổ hạnh khiến cho sức khỏe cạn kiệt, Ngài phát hiện ra lý Trung Đạo, do đó, Ngài từ bỏ tu khổ hạnh, thực hành Thiền Định trong 49 ngày đêm dưới cội cây Pippala và giác ngộ hoàn toàn mọi chân lý của vũ trụ và nhân sinh. Từ giờ phút ấy, người đời xưng tụng Ngài là bậc Giác Giả, Phạn ngữ viết là Bouddha, Trung Hoa phiên âm Phật Đà, chúng ta thường đọc tắt là Phật.

Với hiểu biết giới hạn của người viết, chúng tôi không thể nào xưng tụng hết những điều vĩ đại về Đức Phật Thích Ca, vị Thầy của Trời và Người. Chúng tôi xin kính cẩn ghi lại những suy nghĩ thô thiển của mình về Đức Bổn Sư Thích Ca như một nén tâm hương của người đệ tử Phật thắp lên tưởng niệm về vị Thầy vĩ đại mà mình có phước duyên được tiếp cận nền giáo lý vi diệu của Ngài nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang