Một thời, Thế Tôn ở tại Sàvatthi, vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Có bao nhiêu hạng người, bạch Thế Tôn, đáng được cúng dường ở đời ? Và chỗ nào cần phải bố thí và cúng dường ?
Này gia chủ, có hai hạng người đáng được cúng dường ở đời: Hữu học và Vô học. Đối với hai hạng người này xứng đáng được cúng dường ở đời. Và này gia chủ, ở dây (tinh xá Kỳ Viên) cần phải bố thí và cúng dường.
“Hữu học và Vô học; cả hai ở trong đời; đều đáng được cúng dường; đối với người dâng cúng; phải giữ thân chánh trực; cả lời nói, ý nghĩ; phước điền người dâng cúng; đây thì có quả lớn”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩ Tâm thăng bằng, phần Đất, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.121)
LỜI BÀN:
Bố thí là mở rộng tấm lòng, ban phát cho những người nghèo hèn, khốn khổ thực phẩm, quần áo, thuốc men…..hay tạo sinh kế cho người cơ nhỡ, thất nghiệp. Cúng dường là dâng cúng phẩm vật lên những bậc tu hành với lòng kính trọng, tâm nguyện chí thành. Tất cả những phước báo tốt đẹp trong hiện tại và tương lai đều nhờ vào sự gieo trồng phước đức bố thí và cúng dường này.
Được cúng dường những bậc giới đức, phạm hạnh càng cao thì phước báo càng lớn. Gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc), đệ tử ngoại hộ trụ tín của Thế Tôn, không chỉ cúng dường Phật và chư Tăng mà còn cúng dường hết thảy các Sa môn, Bà la môn. Nhưng khi muốn xác định hạng người nào xứng đáng được cúng dường nhất thì Thế Tôn khẳng định đó là hai hạng Hữu học và Vô học. Vì đây là những Thánh giả đã từng bước đoạn tận phiền não, tham ái, chứng đắc quả vị từ Tu đà hoàn, Tư đà hàm đến A na hàm (hữu học) và đặc biệt những vị Thánh A la hán (vô học) hoàn toàn đoạn tận kiết sử, thoát ly sanh tử, phước trí trang nghiêm là ruộng phước tối thượng ở đời. Thế Tôn còn xác định trụ xứ cần phải cúng dường chính là những đạo tràng tu tập của chư Tăng như các tinh xá, chùa viện. Vì đó là nơi sản sinh ra những bậc Thánh Hữu học và Vô học mà không nơi nào có thể thành tựu được.
Song hành với việc xác định đúng địa điểm và đối tượng cúng dường, người Phật tử phải trang nghiêm tự thân bằng cách tu tập hướng đến thanh tịnh ba nghiệp. Theo tuệ giác Thế Tôn, ngưòi cúng dường cần phải chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý cho thanh tịnh thì phước báo mới thật sự tròn đầy. Đây chính là như pháp cúng dường tức thực hành viên mãn cả hai phương diện trên sẽ tạo ra phước vô lượng cho thí chủ.