Chuyện Tiền Thân Kỳ 22: TIỀN THÂN SAMMODAMĀNA Nguồn Gốc Của Mọi Diệt Vong
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ tát sanh làm con chim cun cút, đoanh vây với hàng ngàn chim cun cút sống ở trong rừng. Đồng thời lúc ấy cũng có một đàn chim cun cút khác cùng sống ở đấy do một chim cun cút đầu đàn quản lý. Lúc bấy giờ, một thợ săn chim đi đến vùng chim cun cút, nhờ bắt chước tiếng kêu của loài cun cút, nó biết được chỗ tụ họp của đàn chim kia. Người thợ săn liền quăng lưới lên trên đàn chim, tóm rất nhiều cun cút, bỏ vào giỏ, đi về nhà, đem bán và nuôi sống với số tiền ấy. Một hôm, Bồ tát nói với đàn chim cun cút kia : Người thợ săn chim này giết hại nhiều bà con chúng ta; nay, ta có một phương kế khiến nó không thể bắt chúng ta được. Từ nay trở đi, khi nó vừa quăng lưới lên đầu các ngươi, mỗi người chui đầu vào một lỗ lưới, nhấc bỗng lưới lên, mang lưới đến chỗ các ngươi muốn rồi hạ lưới xuống trên một bụi gai. Làm như vậy, chúng ta sẽ trốn thoát được nhiều mẻ lưới. Tất cả chúng đều vâng theo. Vào ngày mai, đàn chim làm theo lời dạy của Bồ tát, cả đàn chim dồng tâm góp sức mang tấm lưới bay lên và quăng vào chỗ một bụi gai rồi thoát ra. Khi người thợ săn chim gở được lưới ra khỏi bụi gai thì trời đã xế chiều, nó đành trở về với tay không. Nhiều ngày kế tiếp, các con chim cun cút đều làm như vậy. Người thợ săn chim nhiều ngày trở về tay không khiến cho vợ nó không hài lòng, gặng hỏi có phải nó đã lấy tiền đem nuôi vợ hai vợ ba hay không. Người thợ săn chim thanh minh : Là vì đàn chim đoàn kết nên ta không bắt chúng được, nhưng mụ đừng lo, đợi khi nào chúng tranh cãi mất đoàn kết thì ta sẽ bắt chúng dễ như trở bàn tay.
Sự bình yên của đàn chim cun cút kéo dài được vài ngày. Rồi một hôm, một sự cố xảy ra với đàn cun cút kia: một con chim cun cút, khi đậu xuống ăn, vô ý bước lên đầu một con chim cun cút khác. Con chim ấy tức giận, dùng nhiều lời mỉa mai chỉ trích con chim vô ý kia và gây ra một cuộc tranh cãi giữa hai con chim. Cuộc tranh cãi này dần lan ra những con chim khác khi mà có những con chim đồng quan điểm với con chim này, một số khác đồng quan điểm với con chim kia … Bồ tát chứng kiến đàn chim tranh cãi liền suy nghĩ : Khi đã tranh cãi nhau thì đàn chim này sẽ không còn đồng tâm hiệp lực nữa, do vậy đàn chim này sẽ gặp đại nạn, người thợ săn chim sẽ nắm lấy cơ hội này. Ta sẽ không sống ở đây nữa! Rồi Bồ tát đem đàn chim của mình bay đến nơi khác . Vài ngày sau, người thợ săn trở lại, bắt chước tiếng chim cun cút, tìm ra chỗ tụ tập của chúng và quăng lưới lên đầu đàn chim. Những con chim, vì đang giận nhau nên chẳng chịu đồng lòng chung sức như trước, kết quả là người thợ săn bắt được trọn bầy chim mang về nhà, đem lại nụ cười cho bà vợ.
***
Kể xong câu chuyện, bậc Đạo Sư nói: này các vương gia hoàng tộc, tranh cãi là nguồn gốc diệt vong. Thế Tôn kết luận nhận diện tiền thân như sau : -Khi ấy, chim cun cút đầu đàn thiếu trí kia là Đề Bà Đạt Đa -Còn chim cun cút có trí chính là Ta vậy.
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN : Tranh cãi đưa đến bất hòa, là nguồn gốc của mọi diệt vong.