Chuyện Tiền Thân – Kỳ 1: Tiền Thân Apannaka

G
LỜI GIỚI THIỆU:
Chuyện Tiền Thân Đức Phật do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch,  Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1991.
Theo lời giới thiệu của dịch giả in ở đầu sách : Chuyện Tiền Thân là tập thứ 10 trong bộ Khudaka Nikaya (Kinh Tiểu Bộ) nằm trong kinh bộ nguyên thủy được viết bằng tiếng Pali còn lưu giữ đến nay tại Tích Lan. Cũng theo lời giới thiệu của dịch giả: Kinh tạng Nikaya là nguyên bản bản kinh điển cổ xưa nhất, chứa đựng những giáo lý trung thành nhất do Phật thuyết.
HT Thích Minh Châu, một trong những Anh Cả của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, được giới Phật học trên thế giới nhìn nhận như một Huyền Trang của Phật Giáo Việt Nam với công trình dịch thuật Kinh tạng Nguyên thủy (Nikaya) từ chữ Pali sang Việt ngữ. Cho đến nay, Ngài là người mở đường và cũng là người đóng góp vĩ đại nhất trong nền dịch thuật kinh tạng Pali sang tiếng Việt.
Ban biên tập trang web : www.gđptkiengiang.com trân trọng giới thiệu tác phẩm này đến độc giả với mục đích chia sẻ giáo pháp Như Lai.
Trong phần giới thiệu tác phẩm, chúng tôi xin lưu ý độc giả mấy điểm :
1) Chúng tôi có chỉnh lý lại câu văn của bản dịch cho gọn nhẹ hơn và lượt bớt những chi tiết rườm rà nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ nội dung câu chuyện để độc giả không phải nhàm chán khi đọc tác phẩm(vì dịch giả dịch sát theo ngôn ngữ cỏ trong Kinh nên văn ngôn có phần dài dòng, dễ gây chán cho độc giả ngày nay)
2) Nhân vật “Bồ Tát” trong truyện chính là tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
3) Sau mỗi truyện, chúng tôi có thêm lời chú thích hoặc lời bình giải ngắn gọn để hướng các huynh trưởng trẻ suy nghĩ thêm về ý nghĩa mỗi câu chuyện nhằm rút ra các bài học đạo lý theo tinh thần Phật Pháp.
                                                                                    BAN BIÊN TẬP

BÀI 1 : TIỀN THÂN APANNAKA
Có Những Người Nói Lên

            Lúc ấy Thế Tôn đang ngự tại tinh xá Kỳ Viên gần thành Xá Vệ. Trưởng giả Cấp Cô Độc đem theo 500 người bạn, đều là đệ tử ngoại đạo, cùng với nhiều vòng hoa , mật ong, mật mía, vải vóc, dược phẩm v.v… cúng dường Như Lai cùng Tăng chúng. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, 500 người ấy cung kính nghe Phật thuyết pháp, rồi sau đó bò ngoại đạo mà quy y Tam Bảo, trở thành Phật tử.
            Được một thời gian, Thế Tôn rời Xá Vệ đi qua thành Vương Xá. Trong khi Thế Tôn vắng mặt tại Xá Vệ thì 500 người ấy liền bỏ đạo Phật, trở lại quy y ngoại đạo. Khi Đức Phật từ Vương xá trở về thì ngài Cấp Cô Độc lại đem 500 người ấy cùng với rất nhiều lễ vật đến tinh xá Kỳ Viên cúng dường. Sau khi đảnh lễ  xong, ngài Cấp Cô Độc báo cáo lên Thế Tôn việc 500 người bạn bỏ Phật để trở lại với ngoại đạo.
Thế Tôn nhẹ nhàng hỏi:
-Này các nam cư sĩ, có thật chăng, các người đã phá vỡ tam quy y, đi theo quy y ngoại đạo?
Vì không thể che dấu, nên họ đã thú nhận.
Bậc Đạo Sư kể lên câu chuyện tiền thân như sau:

* * *

            Thuở xưa, trong nước Kasi, tại thành Ba La Nại, có vị vua tên Brahmadatta. Khi ấy, Bồ tát sinh ra trong một gia đình chủ đoàn lữ hành. Lớn lên, chàng đi buôn bán với 500 cỗ xe. tại thành Ba La Nại có một người chủ đoàn lữ hành khác trẻ và ngu si, không giỏi tùy cơ ứng biến.
            Lúc bấy giờ, Bồ tát chất đầy 500 cỗ xe với những hàng hóa có giá trị lớn. Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si kia cũng chất hàng hóa trên 500 cỗ xe khác, sẵn sàng lên đường.
            Bồ tát suy nghĩ: Nếu hai đoàn lữ hành cùng đi với 1000 cỗ xe thì con đường sẽ không chịu nổi; thật sẽ khó tìm được củi, nước cho đoàn người và cỏ cho các con bò. Ngài liền nhắn người chủ đoàn kia đến, trình bày suy nghĩ của mình và nói: Hai đoàn chúng ta sẽ không thể đi cùng, Vậy bạn muốn đi trước hay đi sau?
            Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si kia suy nghĩ: “Nếu ta đi trước sẽ được nhiều lợi ích”. Nó liền nói: Tôi sẽ đi trước.
            Trong lúc đó, Bồ tát thấy đi sau có nhiều lợi ích như: “Ta sẽ đi trên con đường đã được các cỗ xe đi trước san bằng phẳng; các con bò của ta sẽ được ăn thứ cỏ non mới mọc trong khi các con bò đi trước phải ăn thứ cỏ khô cứng; ta sẽ uống nước ở các giếng do đoàn đi trước đào sẵn; đoàn đi trước sẽ hét giá cao khó bán, trong khi hàng hóa của ta đến sau sẽ bán với giá thông thường dễ cho khách hàng mua hơn…”
            Đoàn lữ hành đi trước khi đến cửa vào sa mạc liền cho đổ nước đầy các chum vại rồi tiến vào bãi cát dài tới 60 do tuần này. Khi đã đi được nửa đường, con quỷ trú ở sa mạc này nghĩ rằng: ta sẽ khiến cho những người này quăng bỏ nước để yếu sức, sau đó ta sẽ ăn thịt chúng.
            Rồi nó liền biến hóa ra một cỗ xe lộng lẫy với những con bò mập mạp trắng trẻo, với những gia nhân đẹp đẽ tốt tươi, tay cầm những cành sen cành súng ướt sũng bùn nước; vừa đi vừa nhai những ngó sen còn ướt mới bóc lên từ bùn, với quần áo đẫm ướt như mới vừa tắm táp thỏa thuê…
Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si thấy vậy liền hỏi con quỷ (lúc này đang biến thành một ông chủ đoàn lữ hành khác): “Có phải bạn vừa mới tắm táp thỏa thuê ở một hồ nước gần đây không?”
Con quỷ trả lời: “Đúng vậy, phía trước kia là rừng xanh với những ao hồ đầy nước ngon ngọt. Hãy bò lại các chum nước để bớt nặng xe mà đi cho nhanh.”
Người chủ đoàn trẻ và ngu si nghe lời quỷ, cho bỏ lại tất cả chum vại chứa nước và đi tiếp. Nhưng càng đi càng không tìm thấy một giọt nước nào, nói chi đến rừng xanh với ao hồ. Khi đêm xuống, đoàn người kiệt sức ngả xuống cát lạnh mà thiếp đi. Khi ấy quỷ Dạ Xoa kéo đến ăn thịt tất cả người và bò. Chì còn lại 500 cỗ xe hàng hóa là chúng không đụng đến.

* * *

            Còn Bồ tát, sau khi khi đoàn trước đi được một tháng rưỡi, chàng mới tập họp đủ 500 cỗ xe chất đầy hàng hóa và lên đường. Khi đến ngưởng cửa sa mạc chàng ra lệnh cho tùy tùng múc nước đầy các chum vại và ra lệnh như sau: “Nếu không có lệnh ta thì một ngụm nước cũng không được uống; không một ai được ăn bất cứ hoa quả lạ nào trong sa mạc mà không hỏi ta trước”. Ra lệnh xong, chàng cho đoàn lữ hành bắt đầu đi vào sa mạc.
            Quỷ Dạ Xoa cũng bày ra trò biến hóa với mục đích như trước. Nhưng Bồ tát tinh mắt và khôn ngoan nhận ra sự giả trá của nó, chàng không nghe lời dụ dỗ của nó mà ra lệnh vẫn chở nước tiếp tục cuộc hành trình. Bọn tùy tùng trong đoàn không biết sự giả trá của quỷ trong khi mắt thấy tai nghe về khu rừng phía trước quá rõ ràng, liền chất vấn người chủ đoàn. Bồ tát, với trí tuệ và biện tài của mình đã giải thích thỏa đáng, làm cho bọn tùy tùng hoàn toàn thỏa mãn và tiếp tục lên đường.
            Bồ tát dẫn đoàn đi cho tới khi thấy 500 cỗ xe trước cùng với xương người, xương bò rải rác khắp nơi. Chàng nói với bọn tùy tùng: đây là hậu quả thảm khốc của người chủ đoàn ngu si thiếu trí. Sau đó, chàng bố trí người canh gác qua đêm. Đến sáng đoàn lữ hành vẫn bình an tiếp tục cuộc hành trình. Chuyến đi buôn của đoàn lữ hành lần này thu được số tiền lời khổng lồ.

* * *

            Kể xong câu chuyện, bậc Đạo Sư nói: Này cư sĩ, như vậy trong thời quá khứ, những ai chấp chặt tà luận phải gặp đại nạn. Còn những ai chấp nhận vô hý luận thời thoát khỏi tay quỹ dữ.
            Ngài nhận diện tiền thân như sau:
            Trong thời ấy, người chủ đoàn lữ hành trẻ tuổi ngu si nay là Đề Bà Đạt Đa. Tùy tùng của nó nay là tùy tùng của Đề Bà Đạt Đa.
            Tùy tùng của người chủ đoàn hiền trí nay là tùy tùng của Đức Phật. Còn người chủ đoàn hiền trí chính là Ta vậy.
            Rồi bậc Đạo Sư nói lên bài kệ:
Có những người nói lên
Sự thật vô hý luận
Lại có hạng thứ hai
Tuyên bố về tà luận
Kẻ trí biết điều này
Nắm giữ vô hý luận
            Sau khi Thế Tôn giảng xong bài pháp, tất cả 500 cư sĩ nam đều chứng quả Dự lưu.

 
 
CHÚ THÍCH :
Chủ đoàn lữ hành: là người khôn khéo, mưu lược được mọi người tín nhiệm đưa lên làm người dẫn đầu một đoàn thương buôn đi mua bán nơi xa.
Sa mạc: Thuở ấy tại Ấn Độ có 5 loại sa mạc:
            1) Sa mạc trộm cướp là nơi có nhiều bọn trộm cướp hàng hóa.
            2) Sa mạc thú dữ là nơi có nhiều cọp, beo, sư tử sinh sống.
            3) Sa mạc không nước là nơi hoàn toàn không tìm ra nước.
            4) Sa mạc phi nhân là nơi có nhiều quỷ Dạ Xoa.
            5) Sa mạc không đồ ăn là nơi không tìm ra thứ gì để ăn.
Tà luận, hý luận : tức lời nói dối, nói thêu dệt, nói hoa mỹ… để lừa gạt người.
Vô hý luận : tức lời nói chân thật, đúng chân lý
Quả Dự lưu : theo PG Nam truyền, có 4 thánh quả cho người tu chứng đắc :
                        1) Tu Đà Hoàn
                        2) Tư Đà Hàm
                        3) A Na Hàm
                        4) A La Hán
            Quả Dự lưu là quả khởi đầu trước khi đắc được quả Tu Đà Hoàn
 
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN :
            Qua câu chuyện này, Thế Tôn muốn nhắc nhở 500 cư sĩ chớ theo tà luận, hý luận của ngoại đạo vì đó là con đường dẫn tới bại vong.
            Chỉ có Đức Phật mới nói lên sự thật vô hý luận để dẫn dắt con người đến với chân lý.
 
 
          


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang