Một thời Thế Tôn ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:
Có năm nguy hại này, này các Tỷ kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm ?
Này các Tỷ kheo, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy phạm lỗi và chúng Tăng tùy theo lỗi đã phạm ngưng chức người ấy, bắt người ấy xuống ngồi cuối. Lại nữa, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy đi đến nơi khác hoặc người ấy bị loạn tâm hay người ấy bị mạng chung.
Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ, ưa thích, nay người ấy bị chúng Tăng ngưng chức, bị bắt xuống ngồi cuối; nay người ấy đã đi xa, bị loạn tâm, bị mạng chung” và người này không còn tịnh tín với các Tỷ kheo. Do không còn liên hệ với các Tỷ kheo khác, người này không nghe diệu pháp, do không nghe diện pháp nên người này thối đọa khỏi chánh pháp.
Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại đối với việc chỉ tịnh tín đối với một người.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác Hành, phần Tịnh tính đối với một người [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.745)
Đức tin vào Tam bảo, nhất là tin Tăng được xem là một yếu tố quan trọng của niềm tịnh tín, là tăng trưởng phước báo và thăng hoa tinh thần của tự thân. Tăng là một đoàn thể thanh tịnh và hòa hợp, tin Tăng đúng nghĩa là gởi trọn niềm tin vào đoàn thể ấy. Dựa trên niềm tin Tăng bảo, một Phật tử có thể thân cận, gần gũi để được hướng dẫn và tu học với một vị xuất gia. Thế nhưng chỉ tin vào một vị Tăng duy nhất và gần như phớt lờ với Tăng già, đó là điều nguy hại.
Cộng đồng xuất gia ngày nay chưa thể gọi là rốt ráo thanh tịnh, bởi một số vị chưa làm tròn bổn phận xuất gia của mình. Sự thật này tuy ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chư Tăng nói chung nhưng đó là việc cá nhân, không hề liên hệ đến bản thể Tăng già vốn thanh tịnh và hòa hợp. Cũng chính vì thế mà hiện tộn tại hiện tượng một số người (có thể chưa hiểu sâu sắc về giáo lý hay do sự hướng dẫn thiên kiến của thầy mình) chỉ tin vào một người duy nhất là thầy của tôi, sư phụ của tôi, chân sư của tôi…. và đánh mất niềm tinh Tăng già.
Cách tin này dễ rơi vào sự sùng kính thái quá đến mê muội, khó tránh khỏi chấp thủ cho người tin và làm tăng tự mãn đối với người được kính tin. Theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những nguy hại. Bởi tkhi chỉ đặt niềm tin vào một người, rồi người ấy chẳng may thăng trầm, suy thịnh theo lẽ vô thường, dẫn đến chao đảo, hụt hẫng, mất nơi nương tựa tinh thần và thối đọa trong Chánh pháp.
Vì thế, người con Phật phải xây dựng niềm tin, sự kính trọng vào Tăng bảo. Thầy của mình chỉ là một chiếc lá của cây Tăng, một tế bào của cơ thể Tăng. Cây Tăng luôn to lớn, cành lá xum xuê, gốc rễ bền chặt. Chiếc lá có thể vàng úa và rụng rơi nhưng đại thọ kia thì luôn vững chãi. Bỏ quên cây lớn để nắm bắt chiếc lá là một thiệt thòi, lầm tưởng chiếc lá là đại thụ lại càng đáng thương hơn. Và đây cũng là điều mà hàng sơ học cần suy tư để thành tựu niềm tịnh tín Tăng bảo.