Nghĩ vậy xong, nó nói : “Hôm nay các vì sao không tốt. Chớ nên làm lễ hôm nay, nếu làm lễ sẽ có nạn diệt vong lớn!” Các người trong gia đình tin vào lời nói của nó, không đi đến nhà bên gái. Trong lúc đó, đàng gái đã sửa soạn tất cả để làm lễ ngày lành. Khi thấy bên đàng trai không đến, họ nói :”Chính chúng quyết định ngày hôm nay, và chúng không đến, Chúng ta đã phí tổn rất nhiều. Chúng ta là hạng người gì ? Chúng ta sẽ gả con gái chúng ta cho một người khác!” Ngay ngày hôm ấy, họ liền gả con gái cho một người khác và làm lễ cưới như đã được sửa soạn.
Ngày hôm sau, những người bên đàng trai đi đến xin rước dâu. Những người ở thành Xá Vệ nói: “Các ngươi, gia chủ sống ở thôn quê là những người ác. Đã quyết định ngày cưới lại khinh thường không đến. Các ngươi hãy về lại con đường các ngươi đã đến. Chúng ta đã gả con gái cho người khác rồi!” Chúng mắng những người kia như vậy, những người kia cũng mắng lại, rồi cuối cùng cũng đi về.
Các tỷ kheo biết được toàn bộ câu chuyện ấy và thầm trách tên tà mạng ngoại đạo ấy đã làm hư chuyện cưới hỏi của gia đình kia.Khi được biết câu chuyện các tỷ kheo đang bàn tán, bậc Đạo Sư nói: “Này các tỷ kheo, không phải chỉ nay, tà mạng ngoại đạo mới làm hư chuyện cưới hỏi của gia đình kia. Thuở trước, nó cũng đã tức giận với họ và cũng làm hư đám cưới”
Nói xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ :
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, một gia đình ở thành phố xin cưới con gái một gia đình ở thôn quê, đã định ngày cưới và hỏi một tà mạng ngoại đạo bạn của gia đình :”Thưa tôn giả, hôm nay chúng tôi định làm lễ cưới cho con, không hiểu các vì sao có tốt không?” Người tà mạng ngoại đạo tức giận suy nghĩ :Những người này đã quyết định ngày theo sở thích của mình, nay mới hỏi ta. Vậy, ta sẽ làm trở ngại đám cưới này cho bỏ ghét!” Nó bèn nói với những người kia :”Hôm nay các vì sao đều xấu, nếu làm đám cưới ắt sẽ chịu nạn diệt vong” Bên đàng trai tin vào lời nói của nó nên không đi rước dâu ngày hôm ấy.
Những người bên đàng gái chuẩn bị lễ cưới tươm tất đầy đủ nhưng đã hết ngày mà bên đàng trai vẫn không đến rước dâu. Họ tức giận nói với nhau: “Nay chúng đã định ngày rồi nhưng không đến. Chúng là hạng người gì đối với chúng ta!” Nói xong, họ đem con gái gả cho một người khác ngay hôm đó.
Ngày hôm sau, những người ở thành thị đến xin rước dâu. Những người ở thôn quê nói: “Các ngươi, những người ở thành phố là những gia chủ không có liêm sĩ. Các ngươi đã định ngày nhưng không đến rước dâu. Vì các ngươi sai lời nên chúng ta đem con gái gả cho người khác rồi!”
Chủ hôn bên đàng trai trả lời:”Chúng ta hỏi tà mạng ngoại đạo biết được các vì sao không tốt nên chúng ta không đến, hãy cho chúng ta rước dâu” Chủ hôn đàng gái trả lời :”Vì các ngươi không đến nên chúng ta đã gả con gái cho người khác rồi!”
Trong khi hai bên đang cải nhau thì một người hiền trí từ thành thị đi đến thôn quê có công việc gì đó. Biết được vụ việc, người ấy nói: “Có nghĩa lý gì các vì sao? Được người con gái đâu phải nhờ vào các vì sao!” Nói vậy xong, người hiền trí nói lên bài kệ :
Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành
Điều lành chiếu điều lành
Sao trời làm được gì?
Các người ở thành phố cải lộn xong, không rước được cô dâu, đành ra về.
Sau khi kể lại pháp thoại, bậc Đạo sư kết hợp hai mẩu chuyện, nhận diện tiền thân như sau:
-Tà mạng ngoại đạo thuở ấy cũng là tà mạng ngoại đạo ngày nay
-Các gia đình xưa kia cũng là các gia đình hôm nay
-Người hiền trí khi ấy chính là Ta vậy.
CHÚ THÍCH :
–Tà mạng : chỉ cho người sống bằng nghề không lương thiện
–Các vì sao không tốt : cũng giống như ngày nay xem ngày tốt ngày xấu vậy.
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN :
Qua câu chuyện này, bậc Đạo Sư dạy ta chớ nên tin vào những điều nhảm nhí như : coi ngày tốt ngày xấu, tin vào các thầy bói v.v…