KỲ 19: Tiền Thân Kulavaka Thà chết chớ không phá giới
Hai người ấy đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Đạo Sư và ngồi xuống. Thế Tôn hỏi: hai người trên đường đi có hòa thuận nhau không? Người không có lọc nước thưa: Bạch Thế Tôn, người này dọc đường cãi lộn với con, không cho con sử dụng chung cái lọc nước. Người chủ cái lọc nước thưa: Bạch Thế Tôn, người này không có lọc nước mà vẫn uống nước có loài hữu tình. – Này tỷ kheo, có thật vậy không? – Bạch Thế Tôn, quả có vậy. Bậc Đạo Sư bèn kể câu chuyện quá khứ:
***
Thuở xưa, trong nước Ma Kiệt Đà, tại thành Vương Xá có vị vua Ma Kiệt Đà trị vì. Đế Thích, trong một đời sống trước, sanh ra trong làng Macala ở nước Ma Kiệt Đà. Hồi đó, Bồ tát sanh làm con trai một đại gia đình, cũng ở trong làng Macala ấy. Bồ tát được cha mẹ đặt tên là Mahga. Khi lớn lên, cha mẹ cưới cho Bồ tát một người vợ từ một gia đình môn đăng hộ đối. Bồ tát, với con trai, con gái lớn lên, thường hay bố thí và giữ gìn năm giới. Trong làng ấy có ba mươi gia đình. Và những người trong ba mươi gia đình ấy, một hôm, đứng ở giữa làng bàn bạc giải quyết những vấn đề trong làng. Bồ tát quét dọn nơi hội họp thành một nơi sạch sẽ để mọi người tụ họp. Trong một lần khác, Bồ tát cất một cái phòng lớn cho đại diện ba mươi gia đình đến họp … Dần dần, hai mươi chín người ấy thương mến, tin tưởng và đi theo Bồ tát làm các công đức như: xây cầu, đào ao, làm đường v.v… Người thôn trưởng suy nghĩ về họ: trước đây, khi những người này uống rượu, sát sanh v.v… ta lấy được nhiều tiền: nào tiền rượu, tiền phạt, tiền cúng v.v… Nay thanh niên Mahga làm cho họ giữ giới không uống rượu, không sát sanh v.v… làm cho ta thất thu, vậy ta hãy làm cho họ không còn giữ giới nữa. Nghĩ như vậy, nó liền đi đến gặp vua và báo: tâu thiên tử, có một đoàn ăn cướp, cướp phá xóm làng và làm nhiều tội ác! Vua nghe báo liền nói: hãy dẫn chúng đến đây! Người thôn trưởng trở về làng bắt trói ba mươi người ấy, dẫn đến vua và báo: thưa thiên tử, những người ăn cướp đã được dẫn đến đây. Không điều tra việc làm của họ, vua ra lệnh: hãy cho voi chà đạp chúng! Vua bắt tất cả nằm xuống sân rồi lệnh cho đem voi đến. Bồ tát khuyên các thanh niên: Các bạn hãy hành trì giới, hãy khởi lòng từ đối với kẻ vu cáo, đối với vua, đối với con voi. Các người ấy làm theo lời khuyên của Bồ tát. Người của vua đem voi đến để chà đạp nhưng con voi bỗng rống to lên và bỏ chạy. Chúng lại đem con voi khác, con voi khác nữa… chúng cũng đều bỏ chạy như vậy. Vua nghĩ trong tay họ chắc có thuốc trường sanh và ra lệnh soát. Sau khi soát không thấy gì, họ báo lên vua. Vua bảo: vậy chắc họ có đọc bùa chú, hãy hỏi họ. Bồ tát đáp: Có. Chúng thưa lại với vua. Vua cho gọi tất cả họ đến và bảo: hãy đọc bài chú của các người. Bồ tát trả lời: Thưa thiên tử, chúng tôi không biết bùa chú gì khác, nhưng ba mươi người chúng tôi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không nói láo, không uống rượu. Chúng tôi khởi lòng từ, chúng tôi bố thí, chúng tôi đắp đường, xây cầu v.v… Đấy là bùa chú của chúng tôi, là sự bảo vệ của chúng tôi! Vua rất bằng lòng với họ, cho họ tất cả gia sản của người vu cáo, bắt người vu cáo làm nô lệ cho họ, cho họ cả đàn voi và ngôi làng. Từ đấy trở đi, họ làm các công đức theo sở thích của họ. Họ cho gọi thợ mộc để xây dựng một phòng họp lớn tại ngả tư đường. Nhưng họ lại không cho nữ nhân tham gia công đức làm phòng họp ấy. Lúc bấy giờ, tại nhà Bồ tát có bốn nữ nhân tên là Thiện Pháp, Tư Duy, Thiện Sanh, Hoan Hỷ. Một trong bốn nữ nhân là Thiện Pháp bèn hối lộ người thợ mộc và nói: Này anh, hãy cho tôi đóng góp phần chính vào công việc làm phòng họp này! Người thợ mộc chấp nhận lời yêu cầu, trước tiên cho phơi khô gỗ làm một cái tháp nhọn, làm xong lấy vải quấn lại rồi đem cất đi. Khi phòng họp cất xong tới phần đặt tháp nhọn thì người thợ mộc kêu lên:
– Thưa các tôn giả, có một cái chúng ta chưa làm!
– Cái gì?
– Một cái tháp nhọn
– Được, chúng tôi sẽ mang cây đến
– Nhưng không thể làm với cây mới đốn được
– Vậy phải làm sao?
– Hãy tìm coi nhà nào có một cái tháp nhọn đã làm trước đây mà chưa xài tới thì hỏi xin mua lại
Họ đi tìm thì thấy nơi nhà cô Thiện Pháp có một cái tháp nhọn chưa dùng, bèn hỏi mua nhưng cô không bán, mà nói rằng: Nếu các người cho tôi dự phần công đức làm phòng họp thời tôi sẽ biếu không cái tháp này.
– Không được, chúng tôi không cho nữ nhân dự phần công đức
Người thợ mộc nói với họ: Sao các tôn giả lại nói vậy? Chỉ trừ Phạm Thiên giới, không một chỗ nào khác loại trừ nữ nhân! Hãy lấy tháp nhọn. Có như vậy công việc chúng ta mới hoàn thành. Họ bằng lòng. Sau đó Tư Duy đến xin góp công đức bằng cách xây dựng một công viên bao quanh phòng họp với những cây hoa đủ hương sắc. Hoan Hỷ cũng góp phần công đức bằng cách cho đào một hồ nước phía trước. Riêng cô Thiện Sanh chưa thấy góp phần công đức gì. Cuộc sống trong làng ngày càng thanh bình an vui. (còn tiếp)
CHÚ THÍCH : –Cái lọc nước: Ngày xưa, khi nhân loại còn chưa biết đến vi trùng thì Dức Phật của chúng ta, bằng huệ nhãn, biết rằng trong nước sông, suối, hồ, ao …có rất nhiều vi sinh vật mà Đức Phật gọi là “loài hữu tình”. Vì vậy, để tránh cho các đệ tử giết hại các vi sinh vật khi uống nước, Ngài đã chế ra giới luật “Mỗi khi uống nước nơi ao, hồ, sông, suối…phải lọc nước cho hết các loại vi sinh vật để tránh làm hại sinh mạng của chúng”
Ý NGHĨA PHẦN NÀY : Trong phần đầu câu chuyện, Đức Phật dạy chúng ta giữ Năm Giới thì luôn luôn được Chư Thiên hộ trì.