Vào năm 1930, phong trào Chấn Hưng Phật Giáo trong cả nước được khơi dậy. Đến năm 1932 tại Huế có Hội An Nam Phật Học ra đời do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm hội trưởng.
Nhận thấy lớp thanh thiếu niên ở thành thị thời bấy giờ bị ru ngủ dưới chế độ thực dân Pháp, dần dần xa rời các giá trị tinh thần của dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng của phương Tây v.v… Vì thế Hội An Nam Phật Học có chủ trương quy tụ các con em của hội viên lại để giáo dục tư tưởng Phật Giáo cho các em nhằm khơi dây lòng tự hào dân tộc và khôi phục các giá trị đạo đức dân tộc nơi các em. Vì thế Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cho thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục vào năm 1940. Đoàn quy tụ nhiều thanh niên Phật tử trí thức của thành phố Huế. Nhiệm vụ của Đoàn là đi đến các chùa dạy giáo lý cho các các em thiếu niên, nhi đồng (những em này tập họp tại mỗi chùa dưới tên gọi Ban Đồng Au ).
Vào ngày Phật Đản năm 1944, một đại hội thanh thiếu niên được tổ chức tại rừng Quảng Tế (Huế) quyết định khai sinh một tổ chức mới thay thế cho Đoàn Thanh niên PHĐD và các Ban Đồng Au trước kia. Tổ chức mới này có tên gọi là Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đây chính là tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử sau này.
Gia Đình Phật Hóa Phổ từ Huế dần dần lan rộng ra nhiều tỉnh khác. Đến năm 1951, một đại hội các Gia Đình Phật Hóa Phổ toàn quốc được tổ chức tại chùa Từ Đàm – Huế quyết nghị đổi tên GĐPHP thành Gia Đình Phật Tử.
Ngày nay, tổ chức Gia Đình Phật Tử có mặt khắp ba miền đất nước, đồng thời còn theo chân những Phật tử đi định cư ở nước ngoài mà có mặt tại các quốc gia như : Mỹ, Uc, Canada v.v…
Qua 70 năm hoạt động ( 1940-2010 ), Gia Đình Phật Tử đã có những đóng góp quan trọng cho Phật Giáo Việt Nam trong công việc gieo mầm Phật Pháp cho lứa tuổi thanh thiếu đồng niên, đào luyện nên những Phật Tử chân chính và góp phần đưa tinh thần Phật Giáo vào đời sống.
Dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, GĐPT vẫn luôn trung thành với tôn chỉ và mục đích của mình là giáo dục đoàn viên thành những con người có đạo đức, trí tuệ, tình thương và sống tốt đời đẹp đạo để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.