Hình tượng con trâu trong văn hóa Việt Nam

G

Đêm 30 Tết sẽ là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm Canh Tý 2020 và Tân Sửu 2021. Sau một năm chấn động với những ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch COVID-19, nhiều người hi vọng, năm của con trâu sẽ mang tới màu sắc tươi sáng hơn.

Trong nhiều văn hóa, hình tượng con trâu phổ biến trong văn hóa phương Đông và gắn bó với cuộc sống người dân ở vùng Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là trong nền văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp gọi là (Sửu) ở vị trí thứ hai, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), trâu có vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước. Trâu là con vật dùng vào việc lễ tế thần thánh. Trâu sinh sống phổ biến ở châu Phi, châu Á, nhưng hiếm gặp ở châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ nên hình tượng trâu trong mỹ thuật và văn hóa chủ yếu xuất hiện ở Ai Cập, Ấn Độ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Dù có những hình thức thể hiện khác nhau, nhưng hình tượng trâu ở các nền văn hóa đều có những điểm chung đó là con trâu trước hết là biểu hiện cho sức khỏe vì là vật nuôi lấy sức cày kéo trong nông nghiệp, con trâu tượng trưng cho sự chắc chắn, đức tính trung thành, hiền lành và cần cù, chất tích cực, chăm chỉ và thật thà.

Ở nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, con trâu được người nông dân coi như bạn thân. Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật rất gần gũi với con người. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt và là một biểu tượng không chính thức của Việt Nam, nó còn là vật gắn bó nghĩa tình, bầu bạn với người nông dân, là biểu tượng, thước đo sự giàu-nghèo, sang-hèn.

Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước ở Việt Nam, con trâu hiền lành, chịu thương chịu khó đã trở thành người bạn của nhà nông, trâu vẫn là con vật tham gia trong nhiều công đoạn làm ruộng, từ cày vỡ, cày ải, cày đánh luống đến bừa vỡ, bừa kĩ, bừa trang luống và con trâu đi trước cái cày theo sau đã thành một trong những hình ảnh biểu trưng về cảnh làm ăn của người nông dân Việt Nam, rồi những câu ca dao “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” là hai câu ca dao vẽ nên bức tranh về đồng quê Việt Nam vào mùa vụ. Qua mùa cày cấy, trâu lại làm cái việc kéo xe, vận chuyển những nguyên vật liệu cần thiết cũng như chuyên chở thành quả lao động sau khi thu hoạch.

Sau những lúc làm nông, hình ảnh chú trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên đồng, trên lưng trâu vắt vẻo mục đồng thổi sáo là hình ảnh của phong cảnh bình yên, nên thơ và lãng mạn của làng quê Việt, hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thị vị thanh bình vùng miền quê Việt Nam.

Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền và tri thức về loài vật của người Việt về con trâu là có sớm nhất, hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm.

Trâu trong văn hóa Việt Nam

Trong đời sống vật chất và tinh thần nhiều tộc người thuộc nhóm Bách Việt cư trú và canh tác lúa nước ở vùng Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng, con trâu rất gần gũi, gắn bó mật thiết với người nông dân. Trong văn hóa dân gian dân tộc Kinh mà tiền thân là người Lạc Việt và người Âu Việt, con trâu (thủy ngưu) được thức nhận, được chiêm nghiệm sâu sắc và đa dạng, đa chiều. Tri thức về con trâu xuất hiện sớm nhất trong tri thức về loài vật của người Việt. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần và lao động sản xuất từ hàng ngàn năm, con trâu vừa là công cụ sản xuất, sức kéo, vừa là bạn của nhà nông đã đi vào ca dao tục ngữ trở thành hình ảnh đẹp đẽ gắn bó với con người.

Người nông dân sử dụng trâu vào mục đích cày kéo (cày ruộng, kéo xe, kéo mật, kéo gỗ) sinh sản, nuôi lấy thịt, nuôi làm vật cúng tế (lễ đâm trâu), làm vật thi đấu (chọi trâu).

Thời nhà Lý-nhà Trần, với chính sách trọng nông, khuyến nông, Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật. Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò, những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt. Vào đầu xuân, theo lệ, nhà vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền, trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực.

Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003, hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam Con Trâu Vàng được chọn làm linh vật của Sea Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003, biểu tượng vui của SEA Games 22 được đặt tên là Trâu Vàng, với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây ở Hà Nội, Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.Hinh Tuong Con Trau Trong Van Hoa Nhan Loai Ky 1 B

Con trâu đi vào văn hóa Việt trở thành hình ảnh quen thuộc, một mã biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác, là hình ảnh cần cù, chăm chỉ, cực nhọc và khoẻ mạnh, khi chỉ về sức khỏe người ta nói là khỏe như trâu (hay khỏe như vâm). Chúng cho sức kéo cày nặng nhọc, trâu còn cung cấp thịt và sữa. Thành ngữ con trâu là đầu cơ nghiệp nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu đối với nhà nông. Con trâu là biểu tượng cho tinh thần cố kết và sức mạnh cộng đồng, dù bản tính hiền lành, nhiều khi quá thật thà nên phải chịu thiệt thòi, song trâu cũng là một loài vật dũng cảm, thiện chiến, không dễ bắt nạt vì với sức khỏe kinh ngạc và cặp sừng cong vút lợi hại, một tráng sĩ cừ khôi, câu chuyện “Trâu đoàn kết giết hổ” là một bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù.

Con trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hay trong thôn xóm mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh của những chú bé mục đồng, những sinh hoạt chăn trâu hay len trâu thì rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, cưỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu làng, bên những vựa lúa chín vàng, những trẻ em chăn trâu còn gọi là trẻ trâu. Con trâu còn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn tắm trâu, cưỡi trâu, ra đến miền quê chúng ta thấy hình ảnh quen thuộc của những chú bé mục đồng chăn trâu “Ai bảo chăn trâu là khổ”, qua ca dao còn có chuyện thằng Bờm và thằng Cuội chăn trâu: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời/Cha còn cắt cỏ bên trời/Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng và Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Trong lịch sử

Trong những câu chuyện cổ tích có sự hiện diện của con trâu sớm nhất là câu chuyện Trí khôn của ta đây. Trong truyện dân gian, con trâu là hình tượng ẩn dụ tượng trưng cho trí khôn của con người, qua truyện “Trí khôn của ta đây” dân gian đã mượn hình ảnh con trâu cười lăn đến mức gẫy răng hàm trên và cảnh con hổ bị trói, bị lửa đốt để ngầm khẳng định con người có trí khôn cho nên có sức mạnh hơn loài mãnh thú dù là chúa sơn lâm hung dữ nhất. Y nghĩa của truyện cười “Trí khôn của ta đây” lý giải đặc trưng của hai loài vật, hổ có da màu vàng, có vằn (vì bị đốt) còn trâu chỉ có một hàm răng (vì cười nhiều). Ngoài chủ đề ca ngợi “trí khôn” của người còn cho thấy trâu là bạn bè thân thiết, tin cẩn của nhà nông.

Thời kỳ Vua Hùng, con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Tượng Trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ, ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng-hồ Tây (Hà Nội). Theo huyền sử ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi trâu rước cờ lau tập trận, đây là một vị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng. Sau này còn có câu chuyện Trạng Quỳnh cho đấu trâu với Tàu, thắng về mưu trí, trâu Tàu to hung dữ nhưng phải chạy thua trước một con trâu nghé.

Tượng trâu đất nung được tìm thấy trong các di chỉ Đồng Đậu (niên đại hơn 3.000 năm). Là tài sản quý (vật chất), lại gần gũi (tinh thần) nên trâu được “thiêng hóa” thành vật hiến sinh trong các nghi lễ, hội hè. Hình ảnh lễ hội chọi trâu của người Việt cổ được khắc chạm trên trống đồng. Nhưng đậm nhất là hình ảnh mục đồng có trong đủ mọi loại hình nghệ thuật dân gian. Về hội họa thì sớm nhất có lẽ trong sách “Giao châu ký” (thế kỷ thứ III) phác vẽ hình một mục đồng thổi sáo trên lưng trâu. Trong điều khắc thì có các phù điêu gỗ đình làng có từ thế kỷ 15 với nhiều hình ảnh trẻ chăn trâu rất có hồn, gần gũi, ấm áp, từ nghệ thuật điêu khắc cho thấy quan niệm của mỗi thời về nghề nông.

Trong cuộc sống

Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu và quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu là yếu tố khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do “trâu chậm uống nước đục”. Cũng do gắn bó với con người nên trâu xuất hiện trong nhiều câu ca với thân phận lam lũ: “Kiếp trâu ăn cỏ, kiếp chó ăn dơ”; “Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò”; “Trâu lành chẳng thấy ai mừng, trâu ốm lắm kẻ mài dao”; “Trâu có đàn, bò có lũ”, và “thân trâu, trâu lo; thân bò, bò liệu”.

Do gắn bó mật thiết với người nông dân nên con trâu được con người suy ngẫm, định lượng thành bậc thang giá trị văn hóa rất đa chiều, gắn với phong tục, tập quán, lối sống, nhân sinh quan cư dân nông nghiệp lúa nước, chẵng hạn để chỉ người làm khỏe, dân gian có câu: “Làm như trâu húc mả”; để chỉ loại lính tráng cậy thế quan trên giết người cướp của không ghê tay, dân gian có thành ngữ: “Đầu trâu mặt ngựa”; để chỉ kẻ dốt nát, không tinh tế khi thưởng thức âm nhạc, có thành ngữ: “Đàn gảy tai trâu”; chỉ sự ghen ghét, đố kị, có câu: “Trâu buộc ghét trâu ăn”; chỉ người quá lứa, nhỡ thì, có câu: “Trâu quá xá, mạ quá thì”, tục ngữ dân tộc Kinh có câu: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”.

Người nông thân mật giúp đỡ lẫn nhau, bà con hàng xóm trở thành gắn bó với nhau, cảm thấy cuộc sống thoải mái, thân thương với môi trường sinh hoạt đầy tình làng nghĩa xóm. Đời sống nông nghiệp quanh năm vất vả, nên nhà nông thường ăn Tết lâu hơn thành thị, họ chọn tháng tư để đi mua bò trâu lo cho việc cày cấy:

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm.

Tục ngữ cũng thường ví von về trâu, với những lợi ích thực tế như: muốn giàu nuôi trâu cái, muốn lụn bại nuôi bồ câu. Hàng năm trâu nái đẻ một con nghé có thể bán hay nuôi lớn để cày bừa, loại chim bồ câu chỉ ăn hại (luá thóc đi đâu bồ câu theo đó), người ta dùng biểu tượng con bồ câu cho hoà bình vì nơi nào giàu có no ấm dư thừa lúa gạo thì có bồ câu.

Đôi khi, hình ảnh trâu được xuất hiện trong những sắc thái không mấy tích cực: “Trâu buộc lại ghét trâu ăn” chỉ về sự ganh ghét lẫn nhau hay “Việc để lâu tựa cứt trâu hóa bùn”; “Sừng trâu cong khó uốn, kẻ ương ngạch khó dạy thành người”; hay “Đầu trâu mặt ngựa” là thành ngữ chỉ hàm nghĩa tiêu cực chỉ loại người bất lương vốn có từ thành ngữ Trung Hoa (ngưu đầu mã diện) tiếp biến sang văn hóa Việt hay “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chỉ về những kiểu kết bạn thiếu trong sáng. Có người lại “cưa sừng làm nghé” đã có tuổi, đã già câng lại giả vờ ngây thơ, non tơ, Những người lớn tuổi thích lấy vợ trẻ, người ta gọi trâu già thích gặm cỏ non.

Có những chê trách hài hước mà không kém sâu cay những người thích thể hiện những gì không đúng với mình “mài sừng cho lắm cũng là trâu”. Lại có phê phán những hành động thiếu cân nhắc, tính toán sẽ chẳng có kết quả tốt “Hùng hục như trâu húc mả” hay trong những liên quan xã hội như: “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, câu “trâu chậm uống nước đục, trâu ngờ ăn cỏ béo”; trâu cổ cò, bò cổ giải; trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng; trâu dắt ra, bò dắt vào; trâu trắng đi đâu mất mùa đến đấy; trâu đi tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu; trâu ho bằng bò rống; trâu khoẻ chẳng lo cày trưa; bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy; trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã khối kẻ cầm dao.

Danh từ trong tiếng Việt thì Trâu con gọi là nghé. Trâu giống cái gọi là trâu nái. Địa danh Bến Nghé nay vẫn lưu truyền vùng Sài Gòn. Có các địa danh mang tên trâu như Bến Nghé, Hà Nội có sông Kim ngưu, núi Cấm (Bảy núi) thuộc xã An Hào có miếu thờ “trâu dũng nghĩa”. Sau này thời hiện đại có tác phẩm tác phẩm Mùa Len Trâu trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ XX, len” trong tiếng Miên có nghĩa là “đi tự do”, “len trâu” có nghĩa là cho trâu đi tự do. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh sản xuất phim Mùa len trâu (Buffalo Boy) dựng phim theo truyện Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn Sơn Nam, phim diễn tả lại đời sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20, vào mùa nước lũ phải vất vả dắt trâu sang vùng khác tìm cỏ cho trâu ăn.

Trong tạo hình văn hóa

Con trâu trong hội họa Việt Nam thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và nhiều nhất là tranh sơn dầu và đặc biệt là qua Tranh Đông Hồ. Trong tranh của Đông Hồ còn ghi nhận hình ảnh con trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc để tóc chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả.

Hinh Tuong Con Trau Trong Van Hoa Nhan Loai Ky 1 A

Trong cách vẽ tranh trâu làm cho hình ảnh con trâu sống động hơn, gần gũi hơn. Hình ảnh con trâu sau đó cũng đi vào hội họa Việt Nam với các tác phẩm trâu của nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng với bức Chọi trâu, rồi họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với bức tranh Con nghé (1957), trong tranh Bùi Xuân Phái cũng có bóng dáng của con trâu. Trên đồng tiền Đông Dương thời thuộc điạ của Pháp, cũng như tiền của Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam đều in hình con trâu, đến thời kỳ CHXHCNVN trên tờ tiền vẫn có hình con trâu.

Hình con trâu chạm khắc khá phổ biến ở những đình, miếu cổ xuất hiện từ lâu đời, trâu còn xuất hiện trong điêu khắc kiến trúc gỗ đình làng thế kỷ XVII-XVIII ở Bắc Giang. Đình Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên) được xây dựng từ thế kỷ XVII, trong đình còn lưu giữ bức chạm hình con trâu được chạm nổi trên cốn nách gian giữa. Tại nghè Mẫu Sơn (Lục Nam) cũng còn lưu giữ bức chạm trâu kéo cày. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian ở thế kỷ XVIII tổng thể bức chạm giống như một bức tranh “Canh nông chi đồ”. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) có chạm khắc cảnh lễ hội đâm trâu của người Việt cổ. Ngoài các bức chạm hình trâu trên kiến trúc đình làng, trong dân gian còn xuất hiện nhiều tượng ông trâu bằng gốm thế kỷ XVII-XVIII, một sản phẩm của làng nghề truyền thống sản xuất gốm ở Thổ Hà, xã Vân Hà xưa.

Nhiều đình chùa đã chạm khắc và tạc tượng trâu, đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh). Thời nhà Lý, chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa khá sống động. Thời Lê Trung Hưng con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ. Trâu còn hiện diện trong tranh dân gian và trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ XVII, XVIII rồi thì đình Khả Lý Hạ (Việt Yên) còn chạm khắc hình trâu trên cấu kiện gỗ ở cốn mê. Bức chạm trâu kéo cày ở nghè Mẫu Sơn (Lục Nam) cũng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian ở thế kỷ XVII, XVIII.

Trong thi ca

Con trâu đã xuất hiện trong kho tàng văn học dân gian như ca dao, đồng dao, tục ngữ, câu đố, nhiều truyện cổ tích và huyền thoại. Từ thời thượng cổ người Việt sống về nông nghiệp, biết lấy nước sông để canh tác, những cánh đồng lúa bùn lầy, không thể dùng bò hay ngựa để cày ruộng, chỉ trâu giúp cho nông dân kéo cày bừa ở ruộng nước. Vào đầu năm theo lệ vua làm lễ tế thần nông và cày ruộng tịch điền, làm lễ xong vua cầm cày, đường cày tượng trưng mở đầu cho một năm cày cấy được mùa. Người nông dân đã đặt địa vị con trâu ngang với sinh hoạt trên cánh đồng, xưa và nay con trâu là một tài sản trong gia đình nông dân nghèo. Trâu không thể thiếu trong việc canh tác của nhà nông, trâu là đầu cơ nghiệp nên, tình cảm qua thi ca con trâu thường được nhắc đến như: một cậu bé chăn trâu, “Ai bảo chăn trâu là khổ”

Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Mắt nhắm mắt mở, đuổi trâu ra cày

hoặc

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày nối nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

❀❀❀

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần

❀❀❀

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
Rạng ngày vác cuốc ra đồng
Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
Ruộng dầm nước cỏ bùn sâu
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc làm chẳng quản nắng mưa
Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày.

Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát.

Sau này, Ông đồ Nguyễn Văn Lạc, nhìn thấy giới Sĩ phu thiếu tinh thần yêu nước, cúi đầu làm nô lệ cho bọn thực dân, nên ông đã vịnh bài Con trâu năm 1862. Tương truyền Đào Duy Từ lúc còn nhỏ nghèo khó, phải chăn trâu đã viết “Ngoạ Long Cương vấn”. Tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu xuất bản năm 1940 nói lên sự khổ đau của người dân dưới chế độ thực dân và phong kiến.

Trong âm nhạc Việt Nam, có ca khúc Đường cày đảm đang của An Chung: Trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi. Ta với trâu sương gió quản gì. Bừa kỹ xong gieo luống cho đều. Trâu ơi… Mai lúa khoai nhiều., ca khúc Em bé quê của Phạm Duy, có mấy câu đầu nổi tiếng: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ca khúc Lý con trâu của Lư Nhất Vũ, phỏng theo dân ca Nam Bộ. Bài hát của thiếu nhi như Cánh Đồng Tuổi Thơ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua lời ca về đồng lúa và con trâu: Ngồi dưới áng mây trời bay ngang/Còn con trâu nghé thì lang thang; Bài hát Con Đường Việt Nam, tác phẩm chung của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ nói về khung cảnh miền quê Việt Nam có bóng dáng con trâu gặp cỏ đường chiều, một vài em bé vui chơi thả diều. Phạm Duy thường dùng hình ảnh con trâu trong tác phẩm của ông, như trong bài Bình Ca. Bài Em Bé Quê, hình ảnh con trâu và em bé mục đồng đậm nét quê hương.

Trong tín ngưỡng dân gian

Giống như một số loài động vật quen thuộc gồm: chuột, hổ, mèo, rắn, ngựa, dê, lợn, chó hàng ngàn năm qua, con trâu đã được con người “thiêng hóa”, “linh hóa”. Con trâu được người Việt “thiêng hóa” đậm nét qua nghi thức cày tịch điền là một hình thức khuyến nông đặc biệt của các cư dân trồng lúa nước. Vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, vua Lý Thái Tông và vua Lý Nhân Tông nhà Lý đều thực hiện nghi lễ cày tịch điền. Tâm thức “thiêng hóa” con trâu của người nông dân cũng ẩn tàng qua Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, với trò diễn chọi trâu hàng năm người ta vừa đề cao tinh thần thượng võ, vừa để cầu nước, cầu mưa, cầu mùa màng. Trâu được “thiêng hóa” đến mức thêu dệt thành huyền thoại tiếp sức cho người anh hùng có công, đời Trần có Yết Kiêu đang đêm thấy hai con trâu nước chọi nhau liền dùng đòn gánh mà phang, trâu lặn xuống biển mất tích, trên đòn gánh còn dính vài sợi lông trâu, ông nuốt vào bụng, từ đó có tài bơi lặn.

Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Mô típ sừng trâu trong văn hóa người Việt còn là biểu tượng của hình ảnh vành trăng lưỡi liềm liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, cầu mưa của người Việt. Da trâu bịt mặt trống, khi cầu mưa người ta đánh trống để giả tiếng sấm. Sừng trâu còn là biểu tượng sức mạnh của nhiều đồng bào dân tộc, người dân tộc Dao ở Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động còn dùng tù và để gọi Bàn Vương trong nghi lễ cấp sắc. Trong một số sách cổ còn đề cập ngày xưa dùng trâu vào việc đánh trận (ngưu chiến). Tiếng tù và làm bằng sừng trâu vừa là hiệu lệnh, vừa tạo âm thanh như thúc giục, cổ vũ người lính vững vàng, mạnh mẽ hơn nơi chiến trường, nên đã chế tác sừng trâu thành chiếc tù và dùng để báo động và kích thích quân sĩ khi lâm trận.

Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân. Ở Bắc Giang từ xa xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Hội làng Phú Khê (Tân Yên) có lệ tế thần thành hoàng bằng trâu sống ở các đình, đền làng. Vào ngày sự lệ, dân làng chọn một con trâu đen làm vật tế. Trâu tế được nuôi trong đặc biệt và được làng tắm bằng nước gừng sạch sẽ, khi tế, con trâu này được dân làng dắt ra phía trước cửa đình, đền, nơi có bia đá và phiến đá to dùng làm bệ tế trâu. Trâu tế được dắt đi ba vòng quanh tấm bia đá. Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế Thần bằng trâu sống, lệ làng chọn một con trâu sống làm vật tế Thần, được buộc ở gốc đa trước cửa đình, quan viên trong làng mặc trang phục tế truyền thống đi vòng quanh trâu làm lễ tế Thần theo hiệu lệnh của quan cai đám.

Việc thờ trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang. Tục thờ trâu, tế trâu, trong các lễ hội truyền thống cho thấy nét văn hoá dân gian độc đáo này. Con trâu từ cuộc sống thực tế gắn với người dân nông nghiệp đã đi vào lĩnh vực văn hóa tinh thần tâm linh. Việc thờ trâu, tế trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang. Nghi lễ tế trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang ngoài mục đích tạ ơn Thần linh, còn mang tính chất triết lý vũ trụ âm dương, luân chuyển giữa mùa khô và mùa mưa là ước vọng của người làm nông nghiệp cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu Lễ hội chọi trâu còn phổ biến ở khắp vùng văn minh lúa nước châu Á và miền ven biển Tây Thái Bình Dương. Ngoài thể hiện một tín ngưỡng nông nghiệp (cầu mưa, cầu phúc), sự yêu mến, quý trọng con trâu, căn cứ vào thời điểm tổ chức lễ hội (thường vào dịp trăng sáng), người ta thấy có mối liên hệ giữa trâu với trăng và thủy triều (sừng trâu cong như trăng khuyết, vỏ sừng có các lớp ngấn hình thủy triều). Có nhà nghiên cứu ví 3 đỉnh của tam giác (trâu-trăng-thủy triều) tạo ra một không gian vũ trụ mà con người ở trung tâm. Trăng gắn liền với thủy triều (do lực hút của trăng) nên lễ hội chọi trâu là một cách tiếp thêm sinh lực cho vũ trụ và con người. Một số vùng nông thôn Việt Nam có tục lệ là làm Tết Trâu ở các vùng Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Đồng bào dân tộc sinh sống ở Việt Nam coi môn chọi trâu ở quy mô làng xã là hình thức thể thao dân tộc gắn với lễ hội bản làng và nghi thức tín ngưỡng sản xuất theo chu trình mùa vụ. Chọi trâu xưa giản dị, thanh tao vui khỏe thu hút cộng đồng dân cư làng xã tới cổ vũ chứng giám. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) Hải Phòng vào tháng Tám âm lịch có tục chọi trâu rất nổi tiếng ngoài ra còn có Làng Hải Lưu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có lệ chọi trâu khá quy mô. Lễ hội là một phong tục tín ngưỡng để tạ ơn Thần Biển của người dân. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của Hải Phòng.

Gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trâu còn góp mặt trong đời sống văn hóa. Trong sự diễn dịch bói toán hay trong nếp dân sinh người ta thường cho là người sinh vào năm con trâu thì chịu khó làm việc cực nhọc, chăm chỉ. Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật, con trâu cũng là một trong những con thú được nhắc đến (súc sanh) hay Kiếp trâu ngựa.

Triết học phương Đông rất coi trọng con trâu, nhìn nó như một phạm trù giàu sức khái quát, quan niệm trên trời có Nhị giáp bát tú (28 vì sao) trong đó sao Ngưu tức con trâu được “thần tiên hóa” qua tư duy dịch số.

Trong lễ hội xuân ngưu của người Việt, trâu là biểu tượng của mùa xuân, của sự tái hồi. Lễ hội xuống đồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao ở Bắc Giang thường có nghi lễ trâu kéo cày. Những đường cày đầu tiên báo hiệu một năm mới cho mùa vụ bội thu. Trong lao động sản xuất, người nông dân còn đúc kết kinh nghiệm dân gian từ hình tượng con trâu, vào thời khắc đón giao thừa, giữa không gian trời đất giao hòa thiêng liêng ấy người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không Trong phong thủy, biểu tượng con trâu được sử dụng khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau như hội họa, điêu khắc với ý nghĩa may mắn, tài lộc. Trâu bằng bột đá mạ vàng non mang Kim khí rất tốt cho tài lộc đối với các công việc kinh doanh, bất động sản hoặc đầu tư dài hạn.

Ở đền Đông Cuông thuộc xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, tôn tạo vào thời Tiền Lê thờ Mẫu đệ nhị thượng ngàn, Lễ hội lớn thứ hai với tục mổ trâu đen dâng lễ, trước đây thì đó là nghi thức treo trâu, người ta sẽ nghi thức treo cổ trâu đến chết. Tục treo trâu chỉ là một phần nghi lễ trong việc tế thần. Việc nghi thức treo trâu đến chết ở nơi đây sẽ được thay thế bằng hình thức mổ trâu để trâu được chết nhẹ nhàng, không phản cảm, nghi thức hiến sinh trâu trắng thay vì làm lễ treo cổ trâu đến chết thì sẽ quây bạt kín để hiến sinh trâu trắng, trâu sẽ được mổ ở nơi kín đáo không để du khách chứng kiến, theo dõi, sau đó, thịt đưa vào để tế thần

Tuy vậy, vật tế hiến sinh là trâu trắng vẫn được mổ để làm thành những mâm cỗ để dâng lên Mẫu và các vị thần linh. Nghi lễ hiến sinh tế “ông trâu trắng” ở đền Đông Cuông diễn ra vào nửa đêm. Trước khi được mang ra làm lễ hiến tế, “ông trâu” đã được nhiều người đến bên vuốt ve, sau đó người ta đưa trâu vào khung cũi bằng thép được dựng từ chiều ngay cạnh gốc mít trước cửa đền. Người dân địa phương đã chuẩn bị một con trâu trắng buộc dưới gốc cây trước cửa đền, cùng một chiếc cũi gỗ và bạt phủ. Đến khoảng 1h sáng, nghi lễ giết trâu kết thúc và những đầu bếp địa phương được phân công từ trước tiến hành mổ trâu làm cỗ tế. Nhiều người dân đã tranh thủ dùng tiền quệt vào máu trâu với quan niệm sẽ mang lại may mắn, tốt lành.

Con Trâu trong văn hóa các dân tộc Việt Nam:

Phía Bắc

Đối với đồng bào Tày, Nùng ở xứ Lạng, con trâu không chỉ là tài sản quý giá giúp người nông dân sản xuất ra lúa gạo mà còn là con vật linh thiêng. Từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất cho đến những nét văn hóa, con trâu thực sự đã gắn bó và trở thành biểu tượng tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng vốn chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, nên con trâu là một tư liệu sản xuất chính, quan trọng, sức kéo của trâu được dùng vào việc canh tác lúa. Ở thời điểm nào, con trâu vẫn luôn có vai trò quan trọng đối với người nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp, theo phong tục của đồng bào Tày, Nùng, con trâu còn là một tài sản lớn được nhiều người để lại cho con cái. Đặc sắc nhất trong đó có tục dắt trâu xuống ruộng cày với quan niệm trâu là con vật thể hiện sự no đủ, thịnh vượng trong sản xuất nông nghiệp.

Không giống những nền văn hóa khác là thờ các con vật có sức mạnh như thờ hổ, thờ sư tử, thờ chim ưng thì tín ngưỡng Tày, Nùng Lạng Sơn lại thờ các con vật hiền lành hơn như thờ trâu, thờ cóc, thờ rắn, thờ chuột, thờ chó, thờ mèo, thờ voi vì các con vật đó gần gũi với cuộc sống của người dân, đặc trưng cho xã hội nông nghiệp lúa nước. Con trâu còn gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người Tày, Nùng thông qua nghi lễ cúng vía trâu (khoăn vài) vào ngày 6 tháng 6 âm lịch hằng năm (so Lộc, bươn Lộc) để tạ ơn thần trâu, thần ruộng. Trong lễ cúng vía trâu, người ta chặt cành cây núc nác, có mấu tựa như đầu gối của trâu đặt lên mâm lễ người thay cho trâu thật, nhà nào có bao nhiêu con trâu thì đặt lên mâm lễ bấy nhiêu cành núc nác.

Họ còn thắp hương, dán giấy đỏ ở chuồng trâu và làm bánh, đồ xôi, làm bún, thịt gà, thịt vịt cúng tổ tiên. Sáng sớm chủ nhà đặt mâm lễ, thắp hương khấn cầu Thần Nông trả lại vía cho trâu và cầu phù hộ cho trâu luôn mạnh khoẻ. Ngoài ra, con trâu cũng xuất hiện trong tục lệ kiêng kỵ của người làm then, họ kiêng ăn các loại thịt trâu, thịt bò, thịt rắn vì tin rằng nếu làm trái với điều đó sẽ bị thần linh bắt tội. Hình ảnh con trâu cũng xuất hiện trong trường đoạn “Tu Vỏ Khuông, Vỏ Khắc” của then tín ngưỡng kể về quá trình hành quân, đoàn quan quân Then vượt qua những khu rừng ve đến vùng đồng bằng, nơi có hai ông Khuông, ông Khắc chiếm giữ. Để đi qua được vùng này, đoàn quân binh phải sắm lễ tam sinh (thịt trâu, thịt nai và cá) để dâng biếu thì mới được thông đường.

Tục treo trâu bắt nguồn từ tục của người Tày dòng họ Hà ở Yên Bái là con cháu của Hà Chương, Hà Đặc, Hà Bổng, người ta dùng lễ hiến tế trâu để mừng chiến thắng, đây là nghi lễ tế thần của người Tày đã truyền nhiều đời, là nghi lễ lâu đời của địa phương. Trong lễ hiến trâu, người Tày đều treo trâu lên để báo cáo với Mẫu và thần linh thổ địa rằng giặc đã bị đánh tan, quy hàng, việc chọn con trâu trắng làm vật hiến tế có nguồn gốc do nó gắn với nền nông nghiệp lúa nước, hiến tế trâu trong lễ hội để cầu mưa thuận gió hòa. Trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc, những con vật màu trắng (gà trắng, ngựa trắng, trâu trắng) là những con vật đẹp đẽ, quý hiếm, do đó, lễ vật tế thần được lựa chọn những đồ đẹp nhất, việc chọn trâu trắng làm vật hiến tế bắt nguồn từ lý do đó.

Con trâu trắng trước khi được hiến tế phải được tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun từ các loại lá thơm, sau đó lấy tấm vải lau khô, phủ vải điều đỏ trên lưng rồi dẫn ra gốc cây cổ thụ là nơi đó đã được quàng sẵn một sợi dây chão to, luồn dầu dây thong lọng vào cổ trâu. Một nhóm thanh niên khỏe mạnh sẽ kép sợi dây chão để treo trâu lên cành mọc ngang trước cửa đền, sau một hồi giãy giụa, con trâu tắt thở, đầu quay vào đền được hạ xuống tấm bạt lớn đã trải dưới đất, khi trâu chết, người dân sẽ thực hiện nghi thức hạ trâu xuống mổ tại sân đền làm cỗ cúng dâng lên Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và các vị Thần Vệ Quốc, trước khi tế thần, trâu được treo lên và giữ để khỏi giãy giụa, đây là nghi lễ bình thường so với những cách tế khác như đâm trâu, đập đầu trâu đến chết.

Theo quan niệm của một số vùng văn hóa, con trâu (đặc biệt là trâu trắng) có rất nhiều ý nghĩa, con trâu thuộc tính âm, màu trắng tượng trưng cho nước nên đây là một biểu tượng cho quỷ nước, nhưng con trâu cũng mang biểu tượng tích cực khi đôi sừng của nó giống như mặt trăng hình lưỡi liềm mà làm cho trai gái và giống đực, giống cái gần gũi nhau, thúc đẩy sự sinh sôi, phát triển và tượng trưng cho ước vọng được mùa, việc treo cổ trâu là một hình thức hiến tế cho thần, và là một cách để trị quỷ nước, tục treo cổ trâu ở Yên Bái giống với nhiều nghi thức hiến sinh ở một số lễ hội khác như lễ hội chém lợn, nghi thức đâm trâu ở Tây Nguyên, đó vừa là hình thức trị quỷ nước, vừa cầu cho sự sinh sôi, phát triển. Tục này cũng giống như hành động đâm trâu, chém lợn, màu đỏ tượng trưng cho sinh khí nên khi máu tóe ra thì sinh khí tràn đầy, con người sẽ nhận được một sức mạnh tâm linh rất lớn nên nhìn dưới góc độ tâm linh thì những hành động trên không ác độc, dã man.

Với người Sán Chay, nhà của người Sán Chay được xây dựng hình dung như một con trâu thần (thuỷ ngưu). Bốn cột chính tượng trưng cho bốn chân, rui mè như là xương sườn, nóc là sống lưng. Thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào chính là dạ dày của trâu thần, người và gia súc bám vào đó mà sống. Bởi vậy, đó là chỗ linh thiêng trong nhà, là nơi thờ thần nuôi của gia đình. Trâu mang đậm yếu tố vật linh trong tính ngưỡng của người Sán Chay.

Đối với người Thái, con trâu đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất và đời sống kinh tế của họ với câu tục ngữ: Con trâu là cái nền nhà (Tôquai tại hương). Khi Tết đến, họ thường cho trâu ăn bánh chưng, lá dong. Con trâu còn được sử dụng vào mục đích tôn giáo, là lễ vật cúng tế trong các đám tang nhà giàu, chức dịch hoặc các bậc cao niên và nhất là trong các dịp cúng bản, cúng mường để tạ lễ Trời Đất, cầu yên cho dân trong bản mường. Dân tộc thiểu số có những lễ hội đâm trâu tế Thần, Tết trâu, xem trâu là Thần linh rồi thì Đồ Sơn bãi biển đẹp nổi tiếng về cờ bạc, cũng có ngày hội truyền thống chọi trâu: Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu.

Người Mường thường dùng con trâu trắng (trâu cò) để giải hạn, trừ tà, nếu trong dòng họ xảy ra những chuyện không may mắn, nhiều phụ nữ chửa hoang, nhiều người chết trẻ thì cả họ phải thịt trâu trắng để Khồ ông, nghĩa là giải hạn. Họ quan niệm rằng, trong tất cả các con vật, thì yểm bùa bằng trâu trắng khó hóa giải nhất, trong các sách cổ có nhắc đến sức mạnh siêu nhiên của ác hiểm độc bùa, nhất là chuyện thả bùa ác bằng trâu trắng. Thầy bùa nào đi phá giải bùa của người khác mà không phá được sẽ bị phản lại. Bùa ác độc nhất được luyện từ sừng trâu trắng và lời nguyền của người sắp chết sẽ không thể hóa giải được, việc yểm bùa yểm độc bằng sừng trâu trắng, rồi thề nguyền. Một cách chống lại bùa là người Mường sẽ trấn yểm bằng ngà voi, nanh hổ và niệm chú mới hy vọng, bùa này có sức mạnh gấp mấy lần bùa ác bằng sừng trâu trắng.

Người Mường vẫn truyền đời những câu chuyện yểm bùa ác bằng trâu trắng. Từng có câu chuyện một giòng họ phá thế lực thịnh của dòng họ khác bằng cách yểm bùa trâu trắng, bí mật mời thầy cúng về làm lễ, thịt con trâu trắng, thả toàn bộ vào giếng ở núi Đống Thả với mưu đồ làm cho linh khí của nguồn nước tinh khiết biến mất, giếng mất thiêng và người ta gọi đó là giếng độc. Tuy vậy, đây là những câu chuyện dân gian, đồn thổi thái quá làm người dân hoang mang. Yểm bùa ác bằng trâu trắng chỉ là những lời đồn mê tín dị đoan, gây hoang mang cho người dân. Ngày trước, cuộc sống khó khăn, nhận thức không cao nên người dân dựa vào sức mạnh của thế lực siêu nhiên nên mới tin chuyện bùa mê, tà chú. Theo lý giải của các chuyên gia chăn nuôi, trâu có da màu trắng tuyền là do đột biến gen, người xưa không biết nên cho rằng nó quái dị, xui xẻo.

Tây Nguyên

Nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên từ xưa đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng tô tem của mình. Con trâu có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi, như miền Tây Nguyên còn tục đâm trâu, giết trâu tế Dàng. Đối với các dân tộc Tây Nguyên, việc giết trâu là một cử chỉ thờ cúng của bản làng. Con trâu vừa là con vật truyền thống dâng hiến cho cuộc sống, lúc sắp bị giết, trâu được chăm sóc, họ đánh đồng la, thổi kèn khi con trâu bị giết, giao chiến bên cọc trâu và con trâu, cuộc giao chiến nghi lễ. Khi giết xong, thịt được mang cúng thần, sau đó được phân chia cho bữa ăn tập thể. Phía sau những lễ đâm trâu, ăn trâu này là phong tục còn sót lại và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của người Tây Nguyên

Phong tục đâm trâu thịnh hành theo phong tục cổ truyền của những dân tộc miền cao nguyên, đặc biệt là ở vùng Kon Tum hay Gia Lai, dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum hầu như lễ hội lớn nào cũng đều cúng trâu để tạ ơn thần linh, Yàng để gia đình, làng quanh năm mạnh khỏe, ngày càng giàu có, không xảy ra thiên tai, bệnh tật. Tục đâm trâu là sự thử thách đọ sức mạnh của con người và thiên nhiên. Những buổi lễ này được dân làng cử hành thường vào mùa thu hoạch cuối năm là cơ hội để các trai và gái làng biểu diễn tài năng của mình. Nam thì múa khiên, múa giáo, hay phóng lao. Trong khi nữ thì múa hát (xoang) cổ động cho buổi lễ đâm trâu. Còn người già đảm trách nhiệm vụ cúng tế và đặc biệt là đánh ching (tức chiêng bằng không có núm).

Con trâu tế thần (gọi là Kapô) được cột dưới cột Gưng, nó có thể chạy quanh cột Gưng thành vòng tròn. Sau lời tế lễ, vị trưởng lão làng ra lệnh bắt đầu hành lễ, các chàng trai khoẻ mạnh như những dũng sĩ đóng khố Ktel (khố hoa) múa khiên, múa lao. Tiếng chiêng đuổi trâu chạy chàng dũng sĩ liền bám theo con trâu phóng những mũi lao ác nghiệt vào con vật hiến sinh cho buổi lễ. Theo nhịp ching chiêng nhún nhảy, các cô gái nắm tay nhau xoang (múa) vòng quanh. Họ múa hát vui mừng cho tới khi con trâu bị lao đâm gục ngã quỵ và lời cúng tế dâng lên các thần linh của vị trưởng lão làng chấm dứt rồi thì lễ được kết thúc.

Người Xê Đăng thuộc nhánh Mơ Nâm ở làng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plong (Kon Tum) có tục đâm trâu để giữ trọn lời hứa với thần linh. Trước ngày tổ chức đâm trâu, già gọi thanh niên trong làng lên rừng chặt lồ ô, để khắc họa hoa văn, họa tiết rồi chọn một cây rừng chắc, không cụt ngọn để làm cây nêu. Trước khi dựng cây nêu lên giữa sân nhà sàn, già làng sẽ lấy máu gà bôi lên cây nêu và chọn con trâu “hết lớn” làm vật tế chính, ngoài ra còn có dê, heo buộc xung quanh cây nêu này. Sáng hôm sau, buổi lễ đâm trâu bắt đầu chứng kiến gia đình già thực hiện lời hứa với thần linh. Nghi lễ đâm trâu bắt đầu với lời khấn vái của thầy cúng, rồi già làng cầm cây giáo nhọn đâm vào con trâu. Sau đó đến con cháu, họ hàng và cuối cùng là bà con cùng đâm trâu, vừa đâm vừa nhảy múa, hát say sưa, hồn nhiên như núi rừng mông muội thuở xa xưa.

Sau khi đâm con trâu, heo, dê cũng bị đâm ngã xuống, người làng Kon Bring lấy tiết trâu, heo, dê bỏ vào ống lồ ô rồi vẩy quanh cây nêu kèm với lời cầu xin Yàng, thần núi, thần nước hãy chứng giáng ngày lễ đâm trâu, lời khấn lầm rầm, thiêng liêng và không kém phần ma mị. Lễ đâm trâu xong, già làng lấy tiết và gạo vẩy quanh nhà để cầu bình an và sức khỏe. Vật tế được xúm tay vào làm thịt, nấu lên đầu trâu với bộ lòng và thịt dê, thịt heo được treo lên cây nêu cho đến ngày hôm sau. Đến ngày thứ hai, mọi người lấy bùn đất bôi lên mặt nhau, rồi cử một người gùi đầu trâu đi xung quanh cây nêu, một thiếu niên đi sau gùi thịt trâu, thịt dê và theo sau nữa là đội đánh chiêng cùng nhảy múa để cầu mong sẽ không có ai ốm đau, mùa màng tươi tốt. Ngày thứ ba, đầu trâu được cắt ra nấu chín cúng Yàng để xin lễ được kết thúc và tất cả sừng trâu, xương trâu được già làng treo bên cửa ra vào của nhà mình.

Người Sơđrá có tục cúng trâu “trả nợ thần linh” ở các xã Ngọc Wang, Ngọc Réo của huyện Đăk Hà làm lễ lớn nhất của dân tộc mình là lễ ting pêng (ting nghĩa là cúng, còn pêng nghĩa là bắn). Trong lễ này, con trâu là vật hiến tế và người Sơđrá dùng ná để bắn con trâu này. Lễ thức này xuất phát từ quan niệm của người Sơđră là trả nợ thần linh khi có của ăn, của để là lúc phải thực hiện lời hứa trước thần linh, lễ thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày. Lễ này chuẩn bị trước từ vài tháng. Các gia đình hay cộng đồng làng mua trâu lớn, sau đó mới đến dê, heo. Trong đó, trâu (tiếng Xê Đăng là kpô) thường là vật cúng của chủ gia đình khá giả và con cái thành đạt, còn làng thì chuẩn bị một con trâu lớn, hai con heo lớn để cúng thần tại nhà rông (Yang T’chuông). Tất cả các con vật đều phải là con đực khỏe mạnh.

Khi lễ diễn ra vào buổi sáng, vật hiến sinh được đưa vào bãi bắn, thường là ở một gò đất cao sạch sẽ. Sau đó, người làng đưa chiêng Buar (chiêng thiêng) ra đánh lễ, rồi đến đánh trống thiêng và già làng bắn vào con trâu do làng chuẩn bị, sau đó mới đến trâu của chủ nhà hiến tế. Sau đó, già làng và chủ nhà tế trâu lấy máu tươi bôi khắp nơi khấn: Nay làm lễ bắn con trâu, dâng cúng con trâu của cả dân làng chúng tôi. Chuyện gì không phải, không đúng của dân làng xin Yàng bỏ qua. Xin thỉnh các Yàng, tổ tiên, đây là gan (trâu) cúng, mong được làm tốt cái rẫy, tốt cái nương, no cơm ấm áo. Ngoài ra, còn có lễ cúng Yàng Plut (thần ngà voi) tại nhà rông của người Rơ Măm ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Lễ này cũng diễn ra hai ngày và vật hiến tế gồm: trâu trắng, dê trắng, gà trắng.

Ngày trước khi diễn ra lễ chính, người Rơ Măm làm xin đất rồi dựng ba cây nêu giữa nhà rông với nhiều họa tiết sặc sỡ. Trong đó, cây nêu để cột con trâu trắng là cao nhất, lớn nhất. Chiều muộn, trâu, dê được đưa ra buộc vào cây nêu này. Đêm hôm đó, dân làng uống rượu cần, đánh chiêng trống, nhảy múa xung quanh con trâu trắng, để nó không nằm xuống, con trâu nhìn xung quanh cầu cứu, rất thảm thiết dường như nó biết mình thành vật tế thần, sắp chết. Và đến sáng sớm hôm sau, những thủ tục khấn vái xong là người Rơ Măm dùng cây dao rất sắc chặt hai khuỷu chân sau làm hai chân con trâu bị liệt hoàn toàn. Những thanh niên trai tráng áp vào giữ và ghì đầu trâu xuống đất, một người cầm dao đến đâm sâu vào tim con trâu để lấy máu tế thần Yang Plút.

Nhưng tập tục đâm trâu của người Xê Đăng là một lễ hội, mang tính tâm linh cổ truyền có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức, người dân tộc Ca Dong và Xê Đăng rất nặng nề vấn đề này. Người Xê Đăng quần tụ sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh tại các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang. Đâm trâu là một cách chia của để thần linh không quở phạt, bài trừ bệnh tật. Theo phong tục, những ngày đầu xuân, khắp các nóc đều tổ chức lễ hội đâm trâu để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nếu hộ dân nào trong nhà có đến bộ bộ sừng trâu thì sẽ được “phong” thành già làng. Không ít người cố gắng tổ chức lễ đâm trâu mong nhận được sự trọng vọng của những nóc khác. Con trâu sẽ được hiến tế cho thần linh thường là trâu đực khỏe mạnh.

Khác với nhiều dân tộc khác, lễ đâm trâu của người Xê Đăng mặc dù là một lễ hội của cộng đồng nhưng lại chỉ do một hộ dân đứng ra lo liệu, những gia đình đứng ra tổ chức lễ đâm trâu ngoài những nhà có tiền của còn có cả những nhà có người thân đang ốm đau, chủ nhà phải lặn lội đi khắp các nóc lân cận hoặc, sang tận Kon Tum để tìm mua trâu. Trong lễ hội đâm trâu còn có nhiều rượu cần càng trở thành gánh nặng cho các hộ nghèo Xê Đăng, nhiều gia đình phải chạy tiền hoặc đem cồng, chiêng, ché đổi trâu về. Tại các xã Trà Cang, Trà Linh, người Xê Đăng cũng tổ chức lễ đâm trâu vào dịp đầu xuân với trên dưới 10 con trâu, trung bình lễ hội tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng thì người dân các xã đã tốn hàng tỉ đồng cho việc đâm trâu nên sau nhiều năm tổ chức lễ đâm trâu, nhiều hộ gia đình dân tộc Xê Đăng (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn chưa trả hết số nợ đã vay để mua lễ vật.

Trâu là vật nuôi gắn bó thân thiết với cuộc sống các dân tộc, người M’Nông (Tây Nguyên) thường dùng trâu để giải quyết các việc lớn trong gia đình, dòng họ và cho cả buôn làng. Mua chiêng bằng trâu, mua ché bằng trâu, dựng nhà, cưới gả, các lễ hội mừng được mùa hàng năm bằng trâu. Trong luật tục, những tội trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định của cộng đồng như xúc phạm thần linh, làm những điều người ta kiêng cữ, loạn luân đều dùng trâu để phạt vạ hoặc cúng xóa tẩy tội lỗi. Huyết trâu hòa với rượu cần, gan trâu, thịt trâu là các cỗ vật linh thiêng để con người thông qua với thần linh, là thức ăn đồ uống mà mọi người trong buôn làng dùng để tẩy rửa xui xẻo, cầu mong bình an và hạnh phúc cho cộng đồng và cho mọi người.

Với người M’nông thì trâu là con vật quý, đứng thứ hai sau voi, nên gia đình nào có trâu trong nhà được xem là giàu có. Họ tin rằng thần trâu, hồn trâu luôn ở bên cạnh, mang lại may mắn cho gia đình và cộng đồng… Con trâu là linh hồn của các nghi lễ quan trọng của đồng bào M’nông. Trâu còn là niềm tự hào mỗi khi có lễ hội, người ta sử dụng trâu làm vật hiến sinh để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn giữa con người với thế giới tâm linh. Trong các gia đình người M’nông, những chiếc sừng trâu vẫn luôn được đặt trang trọng ở một góc nhà.

Đối với Người Cơ Ho hay còn gọi là người Lạch thì con trâu là tài sản quý giá nhất rồi mới đến chiêng, ché. Giống trâu Langbiang ở xứ này có vóc dáng lớn nhất Việt Nam, được thả vào rừng để tự sinh, tự dưỡng như thú hoang. Trâu đực không dùng để kéo cày mà dành riêng cho việc tế thần. Theo họ thì mỗi con trâu đều có nét mặt, màu lông, dáng sừng và tâm tính riêng, giống như con người vậy. Người Lạch nói riêng và các tộc người thiểu số Tây Nguyên nói chung xem trâu là con vật tổ hoặc vật chuẩn để quy đổi các sản vật, đánh giá mức giàu sang của mỗi gia đình, dòng họ. Trước kia nhiều người còn cà hàm răng trên cho giống với vật tổ. Trong những dịp lễ trọng, trâu được chọn để hiến tế cho thần linh, thay thế con người.

Hinh Tuong Con Trau Trong Van Hoa Nhan Loai Ky 1 C
Nhà mồ pinh blâng của người Cơ Tu ở Quảng Nam được phục dựng tại Bảo tàng Dân tộc học.

Trong đời sống của người Cơ Tu, con trâu còn là hình ảnh thiêng liêng nối kết ước vọng của con người với thế giới thần linh. Trong tiếng Cơtu, con trâu được gọi là Tơ ri, nhưng con bò thì lại mượn tiếng bò của người Kinh để gọi. Con trâu được người Cơtu xem như của cải quý giá mà nhà gái thách cưới trong lễ hỏi, cưới, tương tự như đồ sính lễ nhà trai tặng cho nhà gái gồm mã não, chiêng, ché. Người dân cũng thường trao đổi, mua bán cái này với cái kia với đơn vị giá là trâu: một trâu, hai trâu. Khi ai đó vi phạm luật tục của làng cũng bị phạt vạ một con trâu, hai con trâu. Người Cơtu còn có điệu hát Lý khóc trâu và nhạc chuông dành riêng cho việc khóc tế trâu (Boóch tế Tơ ri). Theo phong tục từ ngàn xưa, mỗi dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội đâm trâu để mừng năm mới, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Những năm trở lai đây đang dần xóa bỏ phong tục này.

Lễ hội đâm trâu là phong tục truyền thống lâu đời và nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu, với họ thì con trâu là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế thần. Trong lễ hiến tế trâu, người Cơtu đâm trâu không phải cốt để ăn thịt hay đâm lung tung trên người nó để đùa vui, nhảy múa. Trước khi đâm, người chủ lễ sẽ dùng than vẽ đúng vị trí quả tim (bên phải) của trâu, đó là chỗ cần phải đâm. Và khi trâu ngã xuống, người chủ lễ hoặc già làng cẩn trọng rót nước nóng đúng vị trí quả tim, rồi trịnh trọng phủ chiếc khố đẹp nhất của làng lên mình trâu, không quên những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất dành cho sự ra đi của nó. Cái đuôi trâu cũng được cắt lấy, ném lên cột lễ như bói quẻ để cầu may.

Trong ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu, trâu cũng là một hình tượng chủ đạo trong mô típ trang trí truyền thống. Hình tượng trâu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn biểu tượng của niềm hy vọng đạt đến cuộc sống sung túc, giàu có. Trên nóc nhà làng (nhà gươl), cặp sừng trâu được bố trí ở đầu hồi, hai bên nóc nhà làng, bên cạnh sừng trâu, người ta còn phối hợp thêm cặp chim tring, cặp gà trống, hình người đàn bà nhảy hội. Trên các tấm ván thưng dọc liên kết khung nhà, ở hai đầu tấm ván, người ta thường tạc hình sừng trâu, đầu kỳ đà với đường nét tạo hình uyển chuyển. Con trâu, với người Cơ Tu, con trâu và cặp sừng của nó còn là biểu tượng cho sự hoàn hảo, mong ước vươn đến cuộc sống an lành, giàu sang, no ấm. Người Cơtu khắc hình ảnh trâu lên nơi trang trọng của ngôi nhà chung, là vật dâng cúng thần linh khi người về cõi chết. Khi trâu chết, người Cơtu còn lưu giữ đầu, sừng bằng cách treo ở cây cột cái/cột mệ (Zờ dâng Moong) của Gươi ở vị trí cao nhất.

Ngôi nhà cộng đồng của người Cơtu là Gươi là biểu tượng cho hình ảnh con trâu với toàn bộ cấu trúc ngôi nhà là sự mô phỏng hình dáng con trâu với bốn chân cao có đế vững, mình tròn, sóng lưng oằn xuống với những đốt gai sống nhấp nhô. Bộ xương là hình ảnh của bộ sườn nhà với sống lưng là đòn nóc, các xương sườn là hệ thống vì kèo. Trên đỉnh của ngôi nhà có hai vòng cùng hướng vào nhau như hai cái sừng. Chi tiết hình ảnh con trâu ta sẽ thấy ngay trên hai đầu bậc cấp bằng gỗ khi bước lên Gươi. Hai đầu trâu nhìn chính diện với cặp sừng cong, gờ nổi cao ở hai bên, cái đầu hơi cúi xuống, đôi mắt buồn bên cạnh hai tai được cách điệu cặp xuống. Một kiến trúc rất quan trọng của người Cơtu là khu nghĩa địa nằm phía Tây của làng. Nơi đây, hình ảnh rõ nhất là quan tài (pink) trên nóc hồi nhà mồ với hai đầu trâu. Con trâu được mô phỏng rõ nét và thật hơn bằng khối tròn của thân cây sừng, đầu, tai và đôi mắt gắn bằng miếng thủy tinh, chỉ khác thân nó là chiếc quan tài.

Đối với người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, con trâu là con vật không thể thiếu trong nghi lễ phong tục, là lễ vật dâng cúng thần linh, ông bà, cha mẹ, thu hút sự chăm lo giúp sức của người thân và bà con láng giềng. Cứ 7 năm một lần, vào tháng 7 lịch Chăm, một con trâu trắng (trâu cò) dùng làm lễ vật được đem dâng cúng với nghi lễ linh đình tại chân núi Đá Trắng (núi Giang Patao) thuộc làng Như Bình, Phước Thái, Ninh Phước (Ninh Thuận). Ngày nay, lễ đâm trâu vẫn còn được một số gia đình Bà La Môn thực hiện khi họ đã khấn nguyện và có đủ điều kiện về vật chất.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 01 năm 2025
28
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Đinh Dậu
Tháng Đinh Sửu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
29
Tháng 12
Kiên Giang