Bạn có biết: Cô tiên trên chiếc đĩa tuổi thơ là ai?

G

Chiếc đĩa tuổi thơ chắc nhiều bạn trẻ ngày nay không còn nhìn thấy nữa! Đối với thế hệ 8x, 9x thì chiếc đĩa này là một vật dụng phổ biến trong gian bếp của mọi nhà. Đã bao giờ bạn từng đặt câu hỏi: cô tiên trên chiếc đĩa này là ai? Hôm nay, BBT trang nhà gdptkiengiang.vn sẽ giải đáp câu hỏi này của các bạn.

Các nghệ nhân dân gian xưa kia thường trang trí các sản phẩm của mình bằng những điển tích, truyền thuyết dân gian. Các sản phẩm này thường chịu nhiều ảnh hưởng từ gốm sứ Trung Quốc do sự giao lưu văn hóa từ thương nhân nước láng giềng du nhập. Các điển tích thường thấy trên đồ gốm như: Thọ tinh (tranh ông Thọ), Phúc – Lộc – Thọ, Trúc Lâm Thất Hiền (bảy vị hiền sĩ ở rừng trúc)…

Hình ảnh vị tiên nữ in trên đĩa mà nhiều người quen thuộc này chính là tiên nữ Ma Cô, một vị nữ thọ tiên của Trung Quốc. Ngoài ra, vị tiên nữ này còn liên quan đến một câu thành ngữ quen thuộc mà hầu như ai cũng biết: “Bãi bể nương dâu” hay “Thương hải tang điền”, đã được nhiều tác giả đưa vào tác phẩm thơ văn của mình, như Truyện Kiều có câu: “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” cũng xuất phát từ điển tích này.

Ban Co Biet Co Tien Tren Chiec Dia Tuoi Tho La Ai 2

Ma Cô tiên nữ

Ma Cô (麻姑) là vị nữ thọ tiên trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc.  Về lai lịch  của Ma Cô, thấy sớm nhất là ở Thần tiên truyện (神仙傳 ) của Cát Hồng đời Tấn, lưu hành cũng tương đối rộng. Trong Thần tiên truyện nói rằng: Ma Cô vẻ ngoài khoảng chừng 18-19 tuổi, rất xinh đẹp, tóc đen tuyền vấn thành búi, còn dư thả xuống tới ngang hông, mặc áo gấm thêu lóng lánh, tư thái vô cùng kiều diễm. Nhưng tay của Ma Cô nhọn như móng chim, không được đẹp cho lắm.

Tác giả Thần tiên truyện – Cát Hồng là quan nhà Tấn (thời kỳ này Việt Nam vẫn còn bị Bắc thuộc), tu theo Đạo gia. Cát Hồng từng làm huyện lệnh ở Câu Lậu và luyện thuốc trường sinh ở núi Câu Lậu (núi Tây Phương), hiện nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Liên quan đến lai lịch của Ma Cô có nhiều thuyết. Trừ Thần tiên truyện của Cát Hồng ra, còn có một truyền thuyết khác rất sinh động. Truyền thuyết đó kể rằng, Ma Cô là con gái của Ma Thu (麻秋), một tướng quân người Hồ của nhà Hậu Triệu (後趙) – là một quốc gia thuộc Ngũ Hồ thập lục quốc trong thời Đông Tấn (265-420) tại Trung Quốc.  Tướng quân Ma Thu có tính cách hung dữ và nóng nảy, vô cùng tàn ác. Tuy Ma Thu còn có biệt danh xấu là Chiêu Trứ, nhưng lại có một cô con gái tốt bụng. Người con gái ấy chính là Ma Cô (cô gái họ Ma). Ma Cô thường chỉ xinh đẹp nhà còn vô cùng lương thiện. Ma Thu muốn trong thời gian mình nắm quyền, sẽ xây thành trì. Bởi vậy, hắn lệnh cho nhân công ngày đêm làm việc, tới khi gà gáy mới cho nghỉ ngơi một lát. Sau mấy ngày đã có nhiều người bị chết do làm việc quá sức. Trước cuộc sống khổ cực mà người dân chịu đựng, Ma Cô vô cùng thương xót, bèn khuyên cha hãy khoan dung một chút. Ai ngờ rằng, Ma Thu không những không nghe mà còn mắng Ma Cô một trận. Thấy việc khuyên cha không có hiệu quả. Ma Cô muốn nghĩ cách giúp mọi người có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Khi ấy, người cai quản phán đoán ngày đêm qua tiếng gà gáy. Do đó, mỗi ngày vào lúc nửa đêm, Ma Cô thức dậy, nhẹ nhàng chạy tới công trường bắt chước tiếng gà gáy. Người cai quản nghe thấy tiếng gà gáy nghĩ trời sáng liền cho người làm nghỉ. Thời gian trôi đi, người cai quản phát hiện ra sự việc có điều mờ ám, bèn cho người theo dõi và nhanh chóng phát hiện ra việc Ma Cô. Vì Ma Cô là con gái của chủ nhân, đương nhiên không dám tự ý xử phạt, bèn đem chuyện báo với Ma Thu. Sau khi biết chuyện, Ma Thu đùng đùng nổi giận, cầm kiếm muốn giết chết Ma Cô. Dân công biết Ma Cô vì họ mới bị trách phạt nên giúp nàng chạy trốn lên núi. Ma Thu đuổi tới núi, nhưng không sao tìm thấy, bèn hạ lệnh châm lửa đốt. Ma Cô lương thiện đã bị thiêu trong núi, Tây Vương Mẫu ngồi trên vân xa đi ngang qua, nhìn thấy hạ giới lửa cháy liền biến hóa ra trận mưa dập tắt đám cháy.

Sau này, Tây Vương Mẫu mới biết nguyên do sự tình, liền khen ngợi Ma Cô có tuệ căn và thu làm học trò, lại cho nàng tu hành ở ngọn núi phương Nam. Căn cứ theo ghi chép trong Phủ Châu Nam Thành huyện Ma Cô sơn tiên đàn ký của Nhan Chân Khanh: “Theo Đồ kinh, huyện nam Thành có núi Ma Cô, đỉnh núi có chiếc đài cổ, tương truyền Ma Cô đắc đạo ở đó”.

Ban Co Biet Co Tien Tren Chiec Dia Tuoi Tho La Ai 1

Điển tích “Ma Cô thọ tiên”

Tương truyền có vị tiên nhân tên Vương Phương Bình và tiên nữ Ma Cô giáng xuống nhà ông Tế Thái (sau này cũng đắc đạo thành tiên) để gặp gỡ và đàm đạo. Khi đang trò chuyện với Vương Phương Bình, Ma Cô có nói rằng: Tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông hải tam vi tang điền (接侍以来,已见 东海三为桑田), nghĩa là từ lần gặp trước đến nay, cô đã 3 lần thấy biển Đông hóa thành ruộng dâu. Phải mất cả trăm năm, ngàn năm, biển xanh bồi lấp rồi nông dân trồng trọt mới có thể tạo thành ruộng dâu, lại thêm trăm, ngàn năm nữa ruộng dâu lại bị nhấn chìm xuống biển, vậy mà Ma Cô được miêu tả như là một cô gái 18-19 tuổi đã thấy biển hóa nương dâu tới 3 lần, thử hỏi Ma Cô đã sống được bao nhiêu năm?

Người đời suy tụng Ma Cô trở thành nữ thọ tiên và câu “thương hải tang điền” (滄海桑田) được dùng để chỉ một khoảng thời gian dài, nhiều biến cố. Câu này có một số cách nói khác như: Bãi bể nương dâu, bể dâu, tang hải khách (chỉ người có cuộc đời nhiều biến cố).

Ma Cô Hiến Thọ Đồ

Tương truyền cứ vào mỗi mùng 3 tháng 3 hàng năm, Ma Cô tiên nữ sẽ dâng lễ mừng thọ Tây Vương Mẫu. Hình tượng Ma Cô được mô tả nhiều nhất cũng qua câu chuyện này bởi bức “Ma Cô hiến thọ đồ”. Ma Cô được miêu tả là một vị tiên nữ với dải áo bay phấp phới, chân cưỡi mây, dắt chim hạc hoặc cưỡi trên lưng thần lộc. Dáng người cao, gương mặt hoan hỷ, bàn tay búp sen bưng đào tiên hay thọ tửu.

Hình tượng Ma Cô dưới cây bút của các hoạ gia đa phần là một vị tiên nữ với dải áo bay phất phới, hoặc chân giẫm lên mây, dắt chim hạc hoặc cưỡi thần  lộc , cùng cây tùng xanh tươi làm bạn, hoặc dáng cao dong dỏng, bàn tay búp sen bưng thọ đào thọ tửu, nét mặt hoan hỉ như ý cát tường. Về tranh tượng Ma Cô thì  bức “Ma Cô hiến thọ đồ” 麻姑獻壽圖 và bức “Ma Cô trịch mễ đồ” 麻姑擲米圖 của đời Thanh là đẹp nhất.

“Ma Cô hiến thọ đồ” được sử dụng trang trí đầu tiên vào thời Khang Hy nhà Thanh, về sau dần phổ biến. Từ đó, Ma Cô hiến thọ đồ cũng được sử dụng rộng rãi trên các sản phẩm đồ sứ sau này như các loại ấm, chén, dĩa mà chúng ta thường thấy. Thường trên đĩa có hình Ma Cô sẽ có đề chữ “麻姑献寿”- Ma Cô hiến thọ.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, những chiếc đĩa gốm sứ trong gia đình dần được thay bằng những chiếc đĩa mica, hoa văn truyền thống cũng dần được thay thế bằng những hoa vawn trang trí phong cách tây phương. Chiếc đĩa “cô tiên” ngày xưa cùng dần ít xuất hiện trong các gia đình. Đối với nhiều người, chiếc đĩa này cũng chỉ còn là một ký ức tuổi thơ…

Tổng hợp từ nhiều nguồn.

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
08
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Chủ nhật
Ngày Ất Hợi
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
06
Tháng 08
Kiên Giang