Anh chị em huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) thường tự hào nói rằng: “Sự nghiệp Gia Đình Phật Tử là của người cư sĩ”. Tôi cho rằng câu nói này nhằm mục đích khêu gợi niềm tự hào, cốt để khuyến tấn anh chị em huynh trưởng cố gắng vươn lên trong nhiệm vụ mỗi khi gặp khó khăn trở ngại, tinh thần sa sút… Chứ thật ra, câu nói này không thể hiện đúng hiện thực khách quan hiện nay trong cơ chế hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Với tinh thần tôn trọng sự thật, trong bài này, chúng ta thử lý giải và trả lời cho câu hỏi “Sự nghiệp giáo dục Gia Đình Phật Tử là của ai?”.Một khi chúng ta đã hiểu đúng sự thật (Chánh Kiến) sẽ dẫn tới suy nghĩ đúng đắn (Chánh Tư duy) và hành động hợp lý (Chánh nghiệp). Còn như ngược lại thì có thể chúng ta sẽ đối mặt với phiền não và khổ đau trên con đường phục vụ Giáo hội.
Dẫu biết rằng ý tưởng đem Phật pháp đến với thanh, thiếu, đồng niên là sáng kiến của một vị Cư sĩ là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, hội trưởng Hội An Nam Phật Học tại Huế (1932). Nhưng thử hỏi thời ấy nếu không có sự đồng thuận của chư Tôn Đức lãnh đạo Phật giáo và quý Thầy trụ trì các chùa tại Huế thì cái ý tưởng hay ho ấy cũng đâu có “ đất dụng võ” ? Do vậy mà trong bất cứ một văn bản pháp quy nào của GĐPT cũng đều ghi câu “Gia Đình Phật Tử luôn hoạt động trong khuôn khổ một Giáo hội hợp pháp” Hoạt động trong lòng Giáo hội thì cũng giống như đứa con sống trong sự bảo bọc mọi mặt của cha mẹ, mà cha mẹ ở đây (Giáo hội) chính là Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội chứ đâu phải là người Cư sĩ ? Vậy thì, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, GĐPT đã là đứa con của Giáo hội, mọi sự sống chết, khỏe mạnh hay ốm yếu… của GĐPT đều do Chư Tôn Đức quyết định, chứ đâu phải do hàng Cư sĩ Phật tử quyết định. Vậy, sự nghiệp giáo dục GĐPT là của ai, do ai quyết định ? Thiết nghĩ anh chị em huynh trưởng cần cân nhắc cho kỹ.
* * *
Ngày nay, kể từ đại hội GHPGVN toàn quốc lần thứ IV-1997 quyết định cho phép sinh hoạt GĐPT được phục hoạt thì trong Hiến Chượng của GHPGVN quy định rõ như sau:
* GĐPT là một phân ban nằm trong sự quản lý của Ban Hướng dẫn Phật Tử. Trưởng Ban HDPT là một vị Tăng thành viên của Thường trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN.
Từ quy định đó suy ra sinh hoạt GĐPT mạnh hay yếu được quyết định bời chủ trương, đường lối, kế hoạch và chương trình hoạt động của Giáo hội các cấp. Vai trò quyết định của cư sĩ hoàn toàn không thấy ở đây. Vậy thì nói sự nghiệp GĐPT là của giới Cư sĩ thì có đúng sự thật không ? Hễ nói cái gì của ai thì người chủ của cái đó phải hoàn toàn quyết định, còn ở đây, người cư sĩ hoàn toàn không quyết định được điều gì cả về GĐPT thì sao lại nói sự nghiệp GĐPT là của người cư sĩ ? Nên nói lại rằng: Sự nghiệp GĐPT là của Giáo hội, của Chư Tôn Đức Tăng Ni thì mới đúng sự thật.
Một văn bản pháp quy khác cũng do Trung ương GHPGVN ban hành là Nội Quy Gia Đình Phật Tử cũng quy định:
*Vị trụ trì chịu trách nhiệm toàn diện về GĐPT sinh hoạt nơi tự viện mình trước Giáo hội và chánh quyền địa phương.
Từ quy định này, ai cũng hiểu rằng:
Qua phân tách về quy định trên đây, chúng ta đều thấy rằng vị trụ trì tự viện chịu trách nhiệm quyết định mọi mặt về các vấn đề có liên quan đến GĐPT đang sinh hoạt trong tự viện mình. Ví vậy có thể kết luận rằng sự nghiệp giáo dục GĐPT nơi tự viện nào là thuộc về trách nhiệm của vị trụ trì tự viện ấy.
Về vai trò của người cư sĩ huynh trưởng GĐPT, Nội Quy Huynh trưởng GĐPT do Trung ương GHPGVN ban hành có quy định:
1) Huynh trưởng GĐPT là người thực hiện mục đích của tổ chức GĐPT, tức là người trực tiếp làm công tác hướng dẫn đoàn sinh tu học theo chương trình do Phân ban GĐPT Trung ương ban hành và dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của Phân ban GĐPT cấp tỉnh, thánh.
Như vậy, hiểu một cách đúng đắn thì huynh trưởng (cư sĩ) chỉ là công cụ phục vụ cho vị trụ trì trong việc hướng dẫn đoàn sinh tu học. Vai trò ông chủ với tất cả quyền hạn và trách nhiệm đều nằm ở vị trụ trì.
Vị trụ trì có quyền mời ai và loại bỏ bất cứ người nào trong Ban huynh trưởng vì lý do nào đó. Một đơn vị GĐPT được khai sinh ra hay bị giải tán đều do vị trụ trì quyết định và chịu trách nhiệm trước Giáo hội về việc làm của mình. Người huynh trưởng không có quyền gì trong việc này, cũng như không chịu bất cứ trách nhiệm nào với Giáo hội. Nếu đơn vị giải tán thì các huynh trưởng sẽ quay về trình diện với Phân ban GĐPT và được Phân ban điều đi đơn vị khác.
2) Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT tỉnh là một tập thể huynh trưởng có tay nghề được Giáo hội tin tưởng giao chức năng quản lý và điều hành về chuyên môn đối với sinh hoạt GĐPT trong tỉnh.
Căn cứ theo quy định này thì Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT cũng chỉ là công cụ của Ban Hướng dẫn Phật tử. Mọi quyết định mang tính vĩ mô có ảnh hưởng đến sự thịnh suy của GĐPT đều nằm trong tay Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội địa phương.
Với những quy định trong cơ chế tổ chức GHPGVN và thực tế đã và đang diễn ra liên quan đến sinh hoạt GĐPT hiện nay, chúng ta không thể nói sự nghiệp GĐPT là của người Cư sĩ, mà phải khẳng định rằng: “Sự nghiệp giáo dục GĐPT là của Chư Tôn Đức Tăng Ni” Người cư sĩ huynh trưởng chỉ là công cụ mà thôi.
Sự nghiệp giáo dục GĐPT là một trong những phương tiện hoằng pháp lợi sanh.
Sứ mạng hoằng pháp lợi sanh là thuộc về Chúng Trung Tôn (tức Tăng Ni)
Người Cư sĩ chỉ có trách nhiệm hộ pháp và làm công cụ trong hoạt động GĐPT
Thiết tưởng sự thật này đã quá rõ ràng, không cần phải lý giải nhiều thêm nữa.
KẾT LUẬN
Chúng tôi viết bài này không phải để đả phá cơ chế tổ chức GĐPT do GHPGVN quy định hiện nay; Cũng không nhằm mục đích đòi hỏi cho người Cư sĩ huynh trưởng được thêm quyền hành gì ở đây. Chúng tôi thấy rằng cơ chế hiện nay như thế là rất hợp tình hợp lý trong việc đề cao vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Chư Tôn Đức Tăng Ni, đồng thời cho thấy vai trò “hộ pháp” của hàng Cư sĩ.
Chúng tôi viết bài này là muốn xác định một sự thật về GĐPT. Đó là:
Nếu ai cũng hiểu đúng sự thật này, và mỗi bên đều làm tròn trách nhiệm của mình thì sinh hoạt GĐPT mới được đặt đúng vị trí của nó trong sự nghiệp “Hoằng pháp lợi sanh” của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong thời đại 4.0 hiện nay.
T.V.L
Với dẫn luận này phải nhìn nhận đúng đắn về thực trạng của GĐPT; mục đích và bản chất(Tinh tấn) với tinh thần (Vô ngã) về(Tổ chức) và (Trách nhiệm) sinh hoạt xuyên suốt trong lòng Giáo hội(Bản lai diện mục) Thống nhất của chư Tôn đức và Trụ trì tại các ngôi chùa cùng Sứ mệnh và Phẩm chất của người HT tạo nên giá trị thừa kế truyền trao Phật Pháp vào đời sống thường ngày(Phật hoá gia đình) của mỗi HT và ĐS… Thiển nghĩ, như vậy Sự nghiệp và Lý tưởng là của ai trong ngôi nhà chánh Pháp để phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật