Người Phật Tử Chân Chánh

G

LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

BÀI 2
NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH

Trong bài viết trước chúng ta đã xác định “Lý tưởng Gia Đình Phật Tử là trở thành Phật Tử Chân Chánh”. Tuần qua, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của các huynh trưởng trẻ  với nội dung“Vậy có ai đã đạt được lý tưởng ấy chưa?”

Để trả lời cho thắc mắc chánh đáng của các huynh trưởng trẻ, hôm nay tôi viết tiếp bài 2 trong loạt bài nói về Lý tưởng Gia Đình Phật Tử với tiêu đề “Người Phật tử chân chánh”.

Làm sao biết được ai là Phật tử chân chánh?

Nói chung, hễ ai đã quy y Tam Bảo và thọ các giới luật do Phật chế cho từng hạng đệ tử thì người đó được gọi là Phật tử. Theo sự hiểu biết thông thường thì hàng đệ tử Phật gồm có bốn chúng, chia ra hai chúng xuất gia và hai chúng tại gia :

-Hai chúng xuất gia là : Tỳ Kheo ( Nam) và Tỳ Kheo Ni (Nữ), thường được gọi tắt là Tăng và Ni.

-Hai chúng tại gia là : Ưu Bà Tắc (Nam) và Ưu Bà Di (Nữ), dịch nghĩa là : Cận sự nam và Cận sự nữ, thường được gọi là Nam Phật tử và Nữ Phật tử.

Như vậy, cụm từ “Phật tử chân chánh” là để áp dụng chung cho Tăng Ni và cả cho Phật tử tại gia. Nói cụ thể là Tăng Ni hay Phật tử tại gia đều có thể được đánh giá là Phật tử chân chánh hay không chân chánh.

Tuy nhiên, do Phật giáo chia ra quá nhiều tông môn hệ phái, đề ra rất nhiều  pháp môn tu khác nhau. Cách sinh hoạt tôn giáo của từng hệ phái lại khác biệt nhau, thậm chí giáo lý tu tập cũng khác nhau v.v… cho nên rất khó có một định nghĩa chung cho cụm từ “Phật tử chân chánh” hoặc nêu lên những chuẩn mực bất di bất dịch cho mọi người áp dụng để  được công nhận là người Phật tử chân chánh. Thực tế cho thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ làm công việc khảo sát và công nhận ai là Phật tử chân chánh. Vả lại trong lịch sử tu tập đạo Phật tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta chưa bao giờ đọc thấy trong Hiền chương của các Giáo hội có ghi mục đích tu tập của Tăng, Ni và Phật tử là để “trở thành Phật tử chân chánh” cả.

Vậy là, chỉ có  GĐPTVN là tổ chức Phật học duy nhất ghi trong Nội quy của mình câu :”Mục đích của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh…” Và do vậy, cũng chỉ có  GĐPTVN mới đặt ra lý tưởng tu để trở thành Phật tử chân chánh. Nói như vậy để anh chị em độc giả bài này hiểu rằng ở đây chúng ta chỉ đề cập về việc người huynh trưởng  GĐPTVN tu thế nào để đạt đến lý tưởng trở thành người Phật tử chân chánh. Chúng ta không đem các giá trị của “người Phật tử chân chánh” trong bài này để áp dụng cho các thành phần Phật tử khác ngoài  GĐPTVN.

Nguoi Phat Tu Chan Chanh 1
Tôn tượng bác Tâm Minh Lê Đình Thám đặt tại chùa Từ Đàm – Huế.

Trước khi định nghĩa thế nào là Phật tử chân chánh, tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả chân dung người Phật tử chân chánh đầu tiên của GĐPTVN, đó là Đại Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người sáng lập tổ chức GĐPTVN:

Trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tác giả Nguyễn Lang đã viết về Bác Tâm Minh như sau : “…Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã có tư chất cực kỳ thông minh. Ông tốt nghiệp thủ khoa  Đông Dương Y sĩ khóa 1916 và Y Khoa Bác sĩ năm 1930. Khi về làm việc tại viện Pasteur Huế vào năm 1928, ông quy y Tam Bảo và thọ Ngũ Giới với thiền sư Giác Tiên, được Bổn sư ban pháp danh Tâm Minh.Trong suốt 3 năm (1929-1932), ngoài giờ làm việc tại Viện Pasteur, ông dành nhiều thời gian  học Phật pháp dưới sự hướng dẫn của thiền sư Giác Tiên và thiền sư Phước Huệ. Trình độ Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận là thâm uyên, cho nên ông được mời giảng dạy tại các Phật học đường Trúc Lâm và Từơng Vân.

Ông vận động thành lập Hội An Nam Phật Học và trở thành hội trưởng đầu tiên của Hội. Ông còn là linh hồn của tạp chí Viên Âm. Năm 1940, ông sáng lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục quy tụ đông đảo thanh niên trí thức thời bấy giờ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có một tổ chức thanh niên học Phật ra đời nhằm mục đích lôi kéo giới trẻ đến với đạo Phật. Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục mới đầu thành lập các Ban Đồng Ấu để hướng dẫn các em tu học, sau đổi tên thành Gia Đình Phật Hóa Phổ và năm 1951 thì thay đổi danh xưng thành Gia Đình Phật Tử cho đến nay…

Năm 1946 cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cùng gia đình di tản về Quảng Nam. Từ năm 1947 đến 1949, ông tham gia Việt Minh và giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ. Tại liên khu V của vùng kháng chiến, ông tập họp một số đoàn viên của Đoàn Phật Học Đức Dục có mặt trong vùng để thành lập tổ chức “Phật Giáo và Dân Chủ Mới” nhằm mục đích nghiên cứu việc tổng hợp giáo lý Phật giáo và lý thuyết Mác – Lê. Mùa hè năm 1949, ông được lệnh ra Bắc. Ở đây ông được đề bạt làm Chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới. Năm 1956, ông được cử đi dự lễ Buddha Jayanti tại Ấn Độ cùng với pháp sư Thích Trí Độ. Năm 1961, toàn bộ Kinh Lăng Nghiêm mà ông đã bỏ công phiên dịch và chú giải được Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho xuất bản tại Hà Nội.

Ông mất vào ngày 23/4/1969 tại Hà Nội, thọ bảy mươi ba tuổi. “

Và sau đây là những dòng bình luận của tác giả Nguyễn Lang về Bác Tâm Minh Lê Đình Thám : “Tâm Minh Lê Đình Thám thật xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại. Ông là một người dễ mến và đầy nhiệt tình. Tâm Minh là người rất yêu trẻ. Một hôm, từ nhà ở số 31 đường Nguyễn Hoàng, ông đi bộ lên chùa Từ Đàm. Dưới dốc Nam Giao, ông gặp hai đứa trẻ ngồi đánh cờ tướng bên đường. Ông ghé mắt xem, thấy một bên đang bí nước, ông liền ngồi xuống chỉ cờ cho em bé. Và ông ngồi chơi đánh cờ với bọn trẻ tới hơn một giờ đồng hồ rồi mới đứng dậy tiếp tục lên chùa….”

Qua vài nét sơ lược về cuộc đời Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, chúng ta rút ra được những phẩm chất cao quý của một người Phật tử chân chánh như sau:

  1. Là người đã quy y Tam Bảo và thọ Năm giới, chọn Phật giáo làm lý tưởng để suốt đời  phụng sự. Không vì tham chức quyền, lợi danh mà từ bỏ đạo Phật.
  2. Phải có trình độ thế học và Phật học cần thiết. Người huynh trưởng GĐPT, nếu hạn chế về thế học thì sẽ không đủ trình độ tiếp thu Phật học. Thế học được ví như nền móng căn nhà, Phật học là ngôi nhà được xây trên nền móng ấy. Ngôi nhà được to đẹp cỡ nào là tùy thuộc vào công phu tu học của mỗi người.
  3. Là người phụng sự Đạo Pháp không mỏi mệt, phụng sự cho đến hơi thở cuối cùng. Phụng sự Đạo Pháp tùy hoàn cảnh mà sử dụng nhiều phương tiện và nhiều phương pháp khác nhau. Người huynh trưởng GĐPT nỗ lực đem Phật pháp đến cho thanh thiếu đồng niên chính là một hình thức phụng sự Đạo Pháp. Ngoài ra, tùy hoàn cảnh mà người huynh trưởng có thể phụng sự Đạo pháp bằng những phương tiện và phương pháp khác nữa.
  4. Là người có tu tập và ứng dụng Phật pháp vào đời sống thường ngày. Huynh trưởng GĐPT phải có Chánh tín và một đời sống lành mạnh, xa lánh các tệ đoan xã hội, gia đình hạnh phúc, giáo dục con cái nên người, tuân thủ pháp luật, đóng góp tài năng  và trí lực vào việc xây dựng xã hội ấm no an lạc theo tinh thần Phật giáo.
  5. Phải có lòng yêu trẻ. Đây là phẩm chất căn bản của người huynh trưởng GĐPTVN, vì nếu không yêu thương trẻ thì anh chị không thể gắn bó suốt đời với  GĐPT được.

Nguoi Phat Tu Chan Chanh 2

Trong lịch sử cận đại của Phật giáo Việt Nam, tổ chức  GĐPTVN còn cống hiến rất nhiều Phật tử chân chánh ngoài Bác Tâm Minh. Tôi xin kể một vài nhân vật mà nhiều người đã biết tên tuổi như :

  • Trưởng lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, một trong những người sáng lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Ngài tinh thông kinh tạng Pali đến mức được giới học Phật trên thế giới tôn vinh là “Huyền Trang của Việt Nam”. Ngài là Viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh, viện đại học duy nhất của Phật giáo Việt Nam trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ngài là người Việt Nam duy nhất đã biên dịch toàn bộ Đại tạng kinh điển Pali ra tiếng Việt. Hòa thượng viên tịch năm 2012, thọ 95 tuổi
  • Đại Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt. Ông là người xây dựng ngôi chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Tp Hồ Chí Minh, ông viết nhiều sách Phật học nổi tiếng như “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, “ Địa Tạng Mật Nghĩa” v.v…Ông là người sáng lập ra tổ chức GĐPT tại miền Nam. Ông qua đời năm 1973 tại Sài Gòn., thọ 63 tuổi
  • Đại Cư sĩ Nguyên Hùng Vỏ Đình Cường, một trong những người sáng lập Đoàn TNPHĐD năm 1940 tại Huế. Ông giữ chức Trưởng Ban Hướng Dẫn  GĐPTVN suốt từ năm 1951 cho đến 1975. Từ năm 1981 cho đến ngày qua đời ông liên tục giữ chức Trường Ban Văn Hóa Trung ương Giáo Hội PGVN. Ông qua đời năm 2008, thọ 91 tuổi. Những tác phẩm văn học của ông viết cho đoàn viên  GĐPTVN như : Đây Gia Đình, Thử Hòa Điệu Sống, Những Cặp Kính Màu v.v…
  • Đại Cư sĩ Tâm Bửu Tống Hồ Cầm, nhà báo, nhà thơ, người huynh trưởng cấp Dũng mẫu mực của  GĐPTVN năm nay đã 102 tuổi và vẫn còn minh mẫn. Ông là một trong những người  sáng lập Hội Phật Học Nam Việt. Ông còn là sáng lập viên tờ báo Giác Ngộ và trực tiếp điều hành báo này từ năm 1976 cho đến năm 2016. Trong lễ mừng thọ ông 100 tuổi, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu : “Cư sĩ Tâm Bửu Tống Hồ Cầm là một người khiêm cung, suốt đời đóng góp cho Phật giáo Việt Nam không biết mệt mỏi”

Còn rất nhiều huynh trưởng GĐPTVN mà cuộc đời đã gắn liền với đạo Phật và chiếc áo Lam GĐPTVN cho tới ngày nhắm mắt. Rất nhiều huynh trưởng đã hy sinh mạng sống vì bảo vệ Đạo Pháp qua các thời kỳ lịch sử. Rất nhiều huynh trưởng cao niên hiện nay vẫn còn tận tụy với thiên chức mang Phật pháp đến cho thanh, thiếu, đồng niên, đào luyện nên thế hệ Phật tử chân chánh mai sau v.v… Tất cả những con người tôi vừa kể đều là những hình ảnh chân thực của một người Phật tử chân chánh.

Thiết nghĩ, bài viết này đến đây cũng đã thỏa mãn được thắc mắc của các huynh trưởng trẻ rằng: “Trong GĐPTVN đã có ai là Phật tử chân chánh chưa?” Tuy nhiên, đàng sau danh từ “Phật tử chân chánh” còn ẩn dấu nhiều ý nghĩa thâm thúy mà huynh trưởng chúng ta cần hiểu rõ để ứng dụng vào cuộc đời tu tập của mình hòng mang lại kết quả thiết thực trong khi thực hành vế thứ hai của mục đích GĐPTVN là “…phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội (theo tinh thần Phật giáo)”.

Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ gặp lại các bạn qua đề tài “Người Phật tử chân chánh xây dựng xã hội như thế nào?”

Thân ái chào các bạn.

TÂM PHÁP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang