Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử và Pháp Tu Của Người Phật Tử Tại Gia (tiếp theo)

G

PHẦN II :
ĐÔI ĐIỀU GIẢI MINH VỀ SỰ TU
CỦA HÀNG CƯ SĨ PHẬT TỬ HIỆN NAY

1) Vì sao Đức Phật không dạy hàng Cư sĩ tu theo các pháp tu của người xuất gia?

Trong phần đầu bài viết này, người viết có nói rằng Đức Phật đã rất thực tế và chu đáo khi dạy cho hàng đệ tử tại gia các pháp tu riêng cho họ. Vì sao Phật phải dạy pháp tu riêng cho các đệ tử tại gia mà không dạy họ tu theo các pháp tu của hàng đệ tử xuất gia?

Xin thưa, người xuất gia là người đã “ly gia cát ái”, sống cuộc đời “xuất thế gian”, không còn vướng bận với “cơm áo gạo tiền”, không còn bổn phận và trách nhiệm của người làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ, làm ông làm bà, làm chủ làm tớ v.v…

Toàn bộ thời gian cuộc đời kể từ khi xuất gia là dành trọn cho việc  nghiên cứu, tiếp thu, hành trì kinh điển để đạt mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Bổn phận duy nhất mà người xuất gia phải làm tròn, đó là:

  • Hoàn thành sự nghiệp “tự giác và giác tha”
  • Chứng tỏ cho quần chúng trong xã hội thấy rõ giá trị ưu việt của đạo Phật.
  • Làm cho đạo Phật lan truyền ra khắp thế gian.

Trong khi đó, chúng đệ tử tại gia vẫn còn bận bịu với biết bao bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội, nhất là trách nhiệm lao động sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội; lại còn trách nhiệm nuôi dạy con cái để đời sống ngày càng thăng tiến, đất nước càng phồn vinh. Còn nói về phần tâm linh thì giới tại gia vẫn chưa thoát khỏi ái dục v.v…

Với bao nhiêu trở ngại của đời sống thế tục như vậy, làm sao người cư sĩ có thể tu theo pháp tu của người xuất gia để đạt đến chỗ hoàn toàn giác ngộ và giải thoát cho được? Người cư sĩ mà học đòi tu theo người xuất gia thật chẳng khác chi “con cóc cố phình bụng để được to bằng con bò” trong chuyện ngụ ngôn của văn hào La Fontaine vậy!

2) Đâu là pháp tu của người tại gia, đâu là pháp tu của người xuất gia?

Bởi các lý do vừa nêu, Đức Phật chỉ dạy pháp tu Nhân thừa cho hàng tại gia, tức là tu bằng cách nghiêm trì Ngũ giới để có được an vui hạnh phúc trong đời sống thế gian và sau khi kết thúc đời sống này sẽ tái sanh trở lại làm Người . Đối với hàng cư sĩ có thiện căn cao hơn, Phật dạy pháp tu Thiên thừa, tức là hành Thập thiện để được tái sanh vào cõi Trời hưởng nhiều phước báu và làm lợi ích cho nhân quần xã hội.

Tóm lại, người xuất gia không thể tu như người tại gia là lẽ đương nhiên. Ngược lại, người tại gia cũng không thể tu theo pháp tu của người xuất gia . Tuyệt đại đa số Phật tử tại gia hiện nay đều nghĩ rằng các pháp tu Bát quan trai, Niệm Phật, Trì chú, Thiền định… là pháp tu dành cho tất cả mọi người ai tu cũng đều đem lại kết quả. Thật ra các pháp tu ấy là của chư Tăng, Ni. Xin chứng minh như sau:

2-1. Pháp tu Bát quan trai giới:

Pháp tu này còn được gọi là “khóa tu tập xuất gia trong 1 ngày” , gọi như vậy tức đã xác định đây là pháp tu của người xuất gia, người cư sĩ tu Bát quan trai chỉ có tính cách “làm quen” hoặc “gieo duyên” chứ không thể xem là pháp tu chính do Phật dạy riêng cho người cư sĩ.

2-2. Pháp tu Niệm Phật (hoặc Trì chú):

Theo cách hiểu và thực hành hiện nay của tuyệt đại đa số người tu pháp môn Niệm Phật là : niệm Phật là đọc danh hiệu Đức Phật A Di Đà (cách niệm Phật này hoàn toàn sai với kinh điển gốc của đạo Phật). Yếu chỉ của pháp tu này là “niệm Phật (hoặc trì chú) đến chỗ nhất tâm bất loạn” thì sẽ chứng quả Niết bàn. Thử hỏi, nếu không phải là người xuất gia quyết chí buông bỏ mọi ràng buộc của đời sống phàm tục, sống ẩn cư, xa lìa tất cả thị phi thế gian… thì làm sao đạt đến chỗ “nhất tâm bất loạn”? Như vậy, chẳng phải pháp tu Niệm Phật và trì chú chỉ dành riêng cho các bậc xuất thế ẩn sĩ hay sao?

2-3. Thiền định:

Ngày xưa Sa môn Cồ Đàm bằng pháp tu Thiền định mà thành Phật. Sau đó, tất cả đệ tử Phật cũng đều tu Thiền và kết quả đã có hàng ngàn vị  đắc quả A-la-hán trong thời Phật còn tại thế. Như vậy, Thiền là pháp tu chính của người xuất gia.

(Học lịch sử Đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy không có một Phật tử tại gia nào chứng được quả A-la-hán, điều này nói lên thực tế rằng: Đức Phật đã không chủ trương cho người tại gia tu theo pháp tu của hàng xuất gia vì Ngài biết rằng việc ấy không đem lại kết quả tu tập cho người tại gia)

3)Kết luận phần II của bài viết, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:

3-1.Những pháp tu như : Bát Quan Trai, Niệm Phật, Trì chú, Thiền định do các chùa tổ chức là pháp tu chính của chư Tăng, Ni. Người tại gia nếu có điều kiện tham gia thì sẽ được lợi lạc trong chừng mực nào đó, thế nhưng không nên xem đây là pháp tu chính của người Phật tử tại gia. Thực tế cho thấy số Phật tữ tại gia có điều kiện thường xuyên tham gia các khóa tu nói trên là rất ít, vậy còn tuyệt đại đa số Phật tử tại gia khác không có điều kiện tham gia những khóa tu ấy thì sao?

3-2. Pháp tu (hay pháp hành) dù dành cho người xuất gia hay hàng tại gia đều phải được thực hành thường xuyên trong sinh hoạt thường ngày. Chính sự huân tập mỗi ngày một ít của người tu Phật mới có thể phát huy sức mạnh của pháp hành và hình thành nên nhân cách thánh thiện của người tu. Còn như thỉnh thoảng mới vào chùa tham dự khóa tu trong dăm ba ngày rồi thôi thì e rằng kết quả tu tập chỉ có được trong thời gian tu ở chùa mà thôi,  những ngày tháng còn lại trong năm khi ở nhà thì người cư sĩ tu theo pháp nào?

3-3.Cần xóa bỏ định kiến đã tồn tại hàng ngàn năm nay cho rằng: Phật tử tại gia nào thường xuyên tham dự các khóa tu Bát Quan Trai, Niệm Phật, Trì chú, Thiền định… do nhà chùa tổ chức mới là người Phật tử “có tu”, ai không tham gia các khóa tu ấy là người “thiếu tu” , bởi vì lấy định kiến ấy để đánh giá sự tu học của người Phật tử tại gia là việc làm khiên cưỡng, thiếu thực tế và không chính xác, chưa nói đến việc định kiến ấy vô tình đẩy đại đa số Phật tử tại gia xa rời đạo Phật, đồng thời gây tâm lý ngán ngại cho những người muốn đến với đạo Phật. (Có lẽ đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến đạo Phật là tôn giáo có dân số ít nhất trong bốn tôn giáo lớn hiện nay, gồm: Hindu giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, Phật giáo).

Với quan điểm vừa nêu, trong phần III bài viết, tác giả sẽ giới thiệu đến Anh Chi Em đoàn viên Gia Đình Phật Tử hai bộ Kinh do chính Đức Phật thuyết giảng riêng cho hàng Phật tử tại gia: Kinh Thiện SinhKinh Người Áo Trắng.

Ong Mật


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang