Đệ tử Phật có bốn chúng, chia ra :
A-Hai chúng xuất gia :
1)Tỳ Kheo (Tăng)
2)Tỳ Kheo Ni (Ni)
B-Hai chúng tại gia :
1)Ưu Bà Tắc (Cư sĩ nam)
2)Ưu Bà Di (Cư sĩ nữ)
Huynh trưởng GĐPT thuộc về hai chúng đệ tử tại gia : Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ.
Đối với chúng xuất gia, Đức Phật dạy các giáo lý và phương pháp tu tập xuất thế gian nhằm đạt đến sự giác ngộ giải thoát rốt ráo, thoát ly sanh tử, chứng nhập Niết bàn.
Đối với chúng tại gia, Đức Phật dạy những giáo lý và phương pháp tu tập nhằm đạt đến hạnh phúc an vui ngay trong đời sống gia đình và xã hội, chứ không nhằm mục đích thoát ly sanh tử, ra khỏi cõi Ta-bà này.
Tư tưởng này của Đức Phật thể hiện rất rõ trong Kinh tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy. Nhiều bài kinh, bộ kinh dành riêng cho giới cư sĩ đã được Phật thuyết một cách tỉ mỉ, chu đáo, làm kim chỉ nam cho hành trình tu tập của hàng Phật tử tại gia.
Trong sinh hoạt PG Bắc tông ở Việt Nam, phương pháp tu tập phổ biến của người cư sĩ hàng ngàn năm qua gồm : Bát Quan trai giới, Niệm Phật, Thiền định … Mặc dù ngày nay theo thời đại mới, các chùa có thay đổi tên gọi nhưng mục đích các phương pháp tu áp dụng cho hàng cư sĩ như nói trên vẫn không có gì thay đổi, đó là : tạo cơ hội cho cư sĩ tại gia tập tu theo cách tu của người xuất gia, nói nôm na là tập xuất gia trong một thời gian ngắn nào đó (24 giờ, 3 ngày, 7 ngày, 30 ngày, 3 tháng, v.v…). Ngày nay, không ít người cho rằng những pháp tu kể trên là pháp tu chính của giới Phật tử tại gia. Từ đó đi đến kết luận rằng :hễ Phật tử tại gia nào thường xuyên tham dự những khóa tu theo ba pháp tu ấy mới thực sự là người có tu, còn như không được như thế thì là người chưa tu.
Trong chương trình tu học của Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) hiện nay, tại mục “Tự thân tu tập” đều có quy định “…phải tham gia các khóa tu Bát Quan Trai, Niệm Phật, Thiền định do chùa tổ chức…” Nhưng khi áp dụng vào thực tế, việc tham gia vào các khóa tu như thế hoàn toàn không thích hợp với hoàn cảnh sống của huynh trưởng đồng thời gây trở ngại cho sinh hoạt GĐPT.
Có lần, một vị Hòa Thượng thấy huynh trưởng GĐPT tỉnh mình “ít tu” quá nên gợi ý với Ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh, rằng: Hòa thượng sẽ đứng ra tổ chức các khóa tu định kỳ cho huynh trưởng trong tỉnh . Ý tốt của Hòa thượng khiến anh chị em huynh trưởng vô cùng cảm kích, nhưng khi Ban Hướng dẫn đem việc này ra bàn để thức hiện thì gặp rất nhiều trở ngại. Những trở ngại đó thể hiện qua những ý kiến của người trong cuộc như sau đây:
-Các ngày trong tuần, tôi phải đi làm. Ngày chủ nhật tôi mới có thì giờ đi sinh hoạt GĐPT. Tôi đi tu mà các em đoàn sinh nheo nhóc không ai hướng dẫn thì làm sao tôi có thể an tâm tu được?
-Thứ bảy trường em vẫn phải học. Sáng chủ nhật em còn phải phụ tiếp việc nhà, buổi chiều em mới có ít thời gian để đi sinh hoạt GĐPT , còn dự khóa tu cả ngày thì em chịu thua.
-Nghỉ hè nhưng em vẫn phải đi học thêm và tham dự các hoạt động do Đoàn trường tổ chức, mà những hoạt động này thường tổ chức vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Em mà vắng mặt là bị trừ điểm học kỳ ngay.
-Em học đại học, đâu có nghỉ hè…
-Tôi già rồi, không còn bận bịu gì nên có thể tham gia khóa tu. Nhưng nhớ tới cảnh đoàn sinh thiếu bóng dáng tôi như gà con mất mẹ thì tôi lại không nỡ đành bỏ các em mà “đi tu”.
-Vân vân…
Nếu căn cứ vào việc huynh trưởng GĐPT không thể tham dự các khóa tu nêu trên mà kết luận rằng huynh trưởng GĐPT không tu hoặc thiếu tu thì thật đáng thất vọng cho hàng ngũ huynh trưởng GĐPT biết bao!
Những người mang nặng quan niệm trên có thể sẽ đặt câu hỏi: Huynh trưởng GĐPT là những người được phụ huynh và Giáo hội tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn tu học cho con em Phật tử mà “không có tu” thì có được hay chăng? Giá trị của người huynh trưởng là ở chỗ nào nếu bị coi là “thiếu tu”? Từ đó dẫn đến nỗi băn khoăn về chức năng giáo dục của GĐPT có đáng được tin tưởng hay không?
Và cũng vì quan niệm trên, chính bản thân huynh trưởng GĐPT sẽ nẩy sinh nỗi tự ti mặc cảm về thân phận “thiếu tu” của mình mà ảnh hưởng xấu đên lý tưởng và sự nghiệp Áo Lam-Sen Trắng mà anh chị em đã thiết tha chọn lấy và xem như lẽ sống trong cuộc đời mình..
Vì mối quan hoài vừa nêu, người viết bài này xin vì anh chị em Áo Lam mà nói lên tiếng nói của Chánh Kiến và Chánh Tư duy qua đề tài “Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử và pháp tu của người Phật tử tại gia”.
Bài viết này nhằm mục đích chỉ ra rằng: suốt hơn 70 năm qua (từ khi GĐPT ra đời đến nay), hàng ngũ huynh trưởng GĐPT , mặc dù rất ít hoặc không thể tham dự các khóa tu Bát Quan Trai, Niệm Phật, Thiền định tại các chùa, nhưng anh chị em vẫn CÓ TU và tu đúng theo lời Phật dạy.
Những biện giải của chúng tôi được nương tựa vào bản KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG do Thiền Sư Nhất Hạnh dịch và chú giải, Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 1993 tại USA.
ONG MẬT
(Xin xem tiếp kỳ sau: Kinh Người Áo Trắng)