Đạo Đức Trong Nếp Sống Người Phật Tử

G

Tỳ Kheo THÍCH MINH CHÂU

“Nếp sống Phật Giáo” là một đề tài mà chính Đức Bổn Sư Thích Ca đã giảng thuyết nhiều lần, nhưng cụ thể và rõ ràng là trong các bài kinh Đức Phật dạy người con trai của mình là La Hầu La, sau khi La Hầu La xuất gia. Kinh này đã được vua A Dục (thế kỷ thứ IV trước Công nguyên) khắc trên bia ký, kêu gọi mọi người xuất gia và tại gia Phật tử cần phải tụng đọc và thực hành hằng ngày trong đời sống.

Chúng ta không phải là con trai Đức Phật như La Hầu La nhưng đều là người con tinh thần của Đức Phật. Những lời dạy chí tình và đầy trí tuệ của Đức Phật đối với La Hầu La, cách đây gần ba ngàn năm tại Ấn Độ cũng là lời dạy đối với tất cả chúng ta, những người con Phật Việt Nam, xuất gia cũng như tại gia, nam cũng như nữ, trẻ cũng như già.

Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm về những lời giáo huấn của Đức Phật về nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo.

Đức Phật dạy :

-Này La Hầu La, mục đích của cái gương là gì ?

-Bạch Thế Tôn, mục đích của cái gương là để phản tỉnh

-Cũng vậy, này La Hầu La, sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp!

Nếp sống đạo hạnh là nếp sống luôn phản tỉnh, không buông trôi, không phóng túng. Cái gương mà Đức Phật nói không phải là cái gương soi mặt, mà là cái gương tâm hồn soi chiếu lại mọi ý nghị, lời nói và việc làm của mình có hợp hay không với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo.

Đạo Đức Trong Nếp Sống Người Phật Tử

Vì sao Đức Phật khuyên ta phải phản tỉnh nhiều lần ? Đó là vì quá trình diễn biến của nghiệp có thể chia làm ba giai đoạn :

1) Giai đoạn I là giai đoạn dụng tâm, còn gọi là tác ý. Khi ý muốn làm điều gì đó vừa khởi lên, chúng ta liền phản tỉnh xem xét : muốn như vậy là đúng hay không với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo ? Có lợi lạc cho mình và cho người hay không ? Từ đó mà chúng ta quyết định có hay không có tiến hành thực hiện theo ý muốn đó.

2) Giai đoạn II là khi một việc đã bắt đầu làm, đang làm. Ngay trong giai đoạn việc làm đang diễn biến, chúng ta vẫn tiếp tục phản tỉnh : việc này chúng ta đang làm hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo? Có lợi lạc cho mình và cho người hay không? Từ đó mà chúng ta quyết định có tiếp tục làm hay không làm việc đó.

3) Giai đoạn III là khi một việc đã được làm xong chúng ta cũng phải phản tỉnh xem: việc chúng ta vừa làm xong có hợp hay không hợp với nếp sống Phật giáo? Có đem an lạc đến cho mình và cho người không ?. Nếu xét thấy việc này có hại cho mình và người thì ngay lập tức chúng ta phải ăn năn sám hối với những bậc thiện tri thức và hạ quyết tâm từ nay không làm một việc có hại như thế nữa. Nhưng nếu sau khi phản tỉnh thấy rằng việc làm của mình vừa qua hoàn toàn hợp với nếp sống đạo, đem lợi lạc cho mình và người, thì chúng ta thật sự hoan hỷ, sẵn sàng làm việc đó một lần nữa.

Đối với mỗi việc làm của thân, trong kinh gọi là thân nghiệp, Đức Phật dạy La Hầu La cũng như tất cả chúng ta đều nên tỉnh táo xem xét là thiện hay bất thiện. Nếu là thiện thì hãy tinh tấn tăng trưởng những việc làm thiện ấy. Nếu là bất thiện thì hãy cố gắng ngày đêm để dứt bỏ, ăn năn, sám hối và không bao giờ tái phạm.

Đối với lời nói tức khẩu nghiệp, Đức Phật răn dạy La Hầu La và tất cả chúng ta rằng : không được nói dối, nói chia rẽ, nói ác, nói lời vô nghĩa. Đức Phật dạy rằng : một người nói dối có ý thức thì không một việc ác nào mà không dám làm. Người thời nay thường xem lời nói như gió thoảng qua, cho nên không cẩn thận trong lời nói, nhiều khi nói dối để mà chơi, làm cho trẻ con cũng bắt chước theo.

Xã hội tồn tại được là nhờ vào lòng tin cậy giữa mọi người với nhau. Một xã hội mà tệ nói dối trở thành phổ biến, xã hội đó không tránh khỏi điêu tàn. Đối với lời nói, Đức Phật dạy chúng ta hãy phản tỉnh nhiều lần. Nếu thấy lời nói đó đem lại an lạc cho mình và người thì hãy phát huy tăng trưởng lời nói ấy; nếu đó là lời bất thiện thì phải nỗ lực trừ bỏ, ngăn chặn, ăn năn và không bao giờ tái phạm nữa.

Đạo Đức Trong Nếp Sống Người Phật Tử

Như vậy, không những đối với việc làm nơi thân, mà cả đối với lời nói và ý nghĩ chớm nở trong tâm chúng ta cũng được Đức Phật nhắc nhở qua bài kệ dưới đây :

 “Không làm các việc ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy”

Giữ tâm ý trong sạch phải là mối quan tâm thường xuyên và hàng đầu của mọi Phật tử chúng ta, dù xuất gia hay tại gia. Vì sao vậy ? Vì thông thường người ta suy nghĩ trước rồi mới nói, mới làm. Tất cả chúng ta đều tâm niệm câu kệ I của Kinh Pháp Cú :

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như bánh xe vật kéo”

Ngược lại :

“Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình”

Nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo là nếp sống với tâm ý trong sạch. Đó cũng chính là nếp sống hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mình tự tạo cho mình, đem lại cho mình chứ không phải người nào khác, dù là cha mẹ hay bà con cũng không làm được.

Có người hỏi : “Làm sao giữ được cho tâm ý trong sạch?”

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cứ nhìn vào đời sống thường ngày sẽ thấy :

Vì sao biết hút thuốc lá có hại mà nhiều người vẫn hút? Biết uống rượu có hại nhưng nhiều người vẫn uống. Đó là sức mạnh của thói quen, một sức mạnh thật đáng sợ. Cũng như một người đi mãi trong sương mai thế nào áo cũng phải thấm sương. Muốn cho áo mình được khô phải phơi phóng bao nhiêu ngày. Đối tâm người cũng vậy. Tâm người nghĩ ác hay nghĩ thiện cũng thành thói quen. Mà đã thành thói quen, nhất là thói quen xấu thì cũng phải có công phu, mất nhiều thời gian mới trừ bỏ được. Trước hết phải tự tạo cho mình một môi trường tốt bằng cách gần gũi thân cận với những bạn bè tốt, những bậc thiện tri thức.

Đạo Đức Trong Nếp Sống Người Phật Tử

Có môi trường tốt, có bạn bè tốt rồi, chúng ta còn phải nỗ lực bản thân nữa. Trong Kinh An Trú Tâm, Đức Phật dạy có 5 biện pháp nỗ lực :

1)Lấy niệm lành xua đuổi niệm ác

2)Ngẫm nghĩ về hậu quả tai hại của niệm ác

3)Cố gắng quên niệm ác đi, đừng nhớ tới nó nữa.

4)Hãy chặn dòng niệm ác để giảm bớt sức mạnh của nó

5)Dùng sức mạnh của ý chí khống chế không cho niệm ác sanh khởi

Trên đây có mói “lấy niệm thiện xua đuổi niệm ác”, vậy thế nào là “niệm thiện” ? Đức Phật có dạy Bát Chánh Đạo gồm : Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh Định. Tám pháp môn nêu trên làm nên con đường toàn thiện. Một người sống đầy đủ theo tám con đường chân chánh trên đây sẽ trở thành một bậc Thánh giữa cuộc đời. Đó là một hướng phấn đấu cụ thể, không có gì là viễn vông xa vời.

Giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó vạch ra con đường cụ thể để giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, những con người giải thoát khỏi ba độc tham, sân, si, những con người sống hạnh phúc và tự do. Trong thế giới đầy hận thù này, chúng ta hãy sống không hận thù, hãy nêu gương sáng của cuộc sống đầy tình thương. Trong thế giới đầy bóng tối của đe dọa chiến tranh và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và thông cảm.

Xã hội không nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua chùa to, Phật lớn, mà đánh giá chúng ta qua con người cụ thể của chúng ta, qua việc làm và lời nói cụ thể của chúng ta có thể hiện trung thành hay là tương phản lại với lý tưởng từ bi và trí tuệ của đạo Phật.

Đức Phật cũng vậy, Ngài nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta không phải qua tượng tranh to đẹp, không phải qua kinh sách ghi chép có đúng với lời Ngài dạy hay không, mà là qua nếp sống hằng ngày của Tăng Ni Phật tử chúng ta có thật là nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo hay không. Nếu thật sự chúng ta sống, ứng xử, hành động theo đúng những lời dạy của Phật thì dù Phật có nhập Niết Bàn cách đây ba ngàn năm, nhưng Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, theo dõi, hướng dẫn, khích lệ chúng ta.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang