Một thời, Thế Tôn trú tại Vesàli, làng Veluva, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, hãy an cư vào mùa mưa, chỗ nào có bạn bè, có người quen biết. Ta sẽ an cư mùa mưa tại làng Veluva này.
Trong mùa an cư ấy, Thế Tôn bị bệnh trầm trọng, cảm thọ đau đớn khốc liệt nhưng Thế Tôn vẫn chánh niệm, tỉnh giác, không than vãn.
Rồi Thế Tôn thoát khỏi cơn bệnh, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, con được chút an ủi rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ nếu Ngài không có lời di giáo lại cho chúng Tỷ kheo.
Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: “Ta sẽ là cầm đầu chúng Tỷ kheo”, hay “Chúng Tỷ kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thì này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ kheo ?
Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. Những vị ấy, này Ananda là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh [trích], NXB Tôn Giáo 2002, tr.237)
Ngay từ thời Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã khẳng định một điều cực kỳ hệ trọng rằng Như Lai không phải là giáo chủ, nhà lãnh đạo, điều hành chúng Tăng mà chỉ là vị Thầy chỉ đường, tùy duyên giáo hóa. Mặt khác, chúng Tỷ kheo cũng không phải chịu sự lãnh đạo, lệ thuộc hoàn toàn vào Thế Tôn mà phải tự giác, tự chứng, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Điều này xác chứng rằng trong Phật giáo không có giáo quyền và sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn, hàng đệ tử ngoài việc nương tựa chính mình thì chỉ nương tựa và Chánh pháp mà thôi.
Những lời giáo huấn của Thế Tôn trong mùa an cư sau cùng một lần nữa khẳng định tinh thần tự lực và tự giác ngộ. Người thầy chỉ có vai trò chỉ bày con đường tu tập, trợ duyên cho quá trình thăng hoa tâm của học trò. Và như thế, vai trò lãnh đạo chỉ hạn cuộc trong các hình thức tổ chức, đoàn thể có tính phương tiện chứ không thể lãnh đạo tâm linh. Chính Như Lai, người khai sáng ra đạo Phật mà đã phủ nhận vai trò lãnh đạo của mình, chỉ thừa nhận là Đạo sư, là Y vương thì hàng hậu thế không một ai có thể đảm nhận vai trò ấy. Đây là đặc điểm rất riêng, hy hữu, chỉ có trong Phật giáo.
Hàng đệ tử Phật dù khi Thế Tôn còn tại thế hay sau khi Thế Tôn diệt độ cần phải tự mình soi sáng cho chính mình băng cách nương tựa Chánh pháp. Điều này đã được Thế Tôn lặp lại một lần nữa trước khi Niết bàn: “Này Ànanda, sau khi Như Lai diệt độ, Chánh pháp và Luật sẽ là Đạo sư của các ngươi”. Do vậy, thực hành nương tựa vào chánh pháp, nương tựa vào chính mình là phương châm tu học của tất cả những người con Phật.