Vì Hạnh Phúc Của Chư Thiên Và Loài Người

G

Câu Chuyện Mùa Phật Đản

VÌ HẠNH PHÚC CỦA CHƯ THIÊN VÀ LOÀI NGƯỜI

HT.Thích Phước Sơn

Cũng ngày trăng tròn tháng Tư này cách đây hơn 26 thế kỷ, một bậc vĩ nhân đã xuất hiện tại Ấn Độ, Sự ra đời của Đức Thế Tôn như một tin mừng cho nhân loại. Đạo giác ngộ của Ngài như vầng thái dương xuất hiện, xua tan những tăm tối triền miên của số kiếp con người.

Hôm nay, chúng ta làm lễ kỷ niệm đản sinh lần thứ 2641 (*) của Đức Phật Thích Ca, thiết tưởng cũng nên ôn lại đôi nét về những công hạnh cao quý mà suốt đời Ngài đã cống hiến để giải thoát cảnh thống khổ của nhân sinh.

1.Ý nghĩa cuộc đời:

Mỗi khi bàn đến thân phận của kiếp người, chúng ta thường đặt những câu hỏi:

-Chúng ta từ đâu đến?

-Chúng ta sinh ra đời để làm gì?

-Rồi từ đây chúng ta sẽ đi về đâu?

Đó là những câu hỏi đã được nhân loại đặt ra từ nghìn xưa. Đức Phật quả thật vì muốn giải quyết vấn đề đó mà xuất hiện. Ở đây chúng ta hãy đứng trên quan điểm nhân sinh để thảo luận về giá trị cuộc đời.

Khi đề cập đến cuộc đời, một nhà văn Anh đã nêu lên hình ảnh:

“Con người sinh ra đời cũng như người đi qua một cây cầu, mà cây cầu đó hoàn toàn chìm trong sương mù. Nhìn vào tình trạng của những người qua cầu: hoặc có người vừa đặt chân lên đầu cầu đã ngã và chìm trong sương mù; hoặc có người đến giữa cầu thì đột nhiên trợt chân mà té; cũng có người cố dò dẫm và phải khó khăn lắm mới qua được; hoặc cũng có một số rất ít ngay từ đầu đến cuối đã dũng cảm vượt qua dễ dàng; tình trạng thật thiên sai vạn biệt. Nhưng bất luận là người mới đặt chân lên đầu cầu, hay đã đến giữa cầu, hoặc đã cố gắng vượt qua; ai ai cũng ở trong một tình trạng là chìm ngập trong lớp sương mù dày đặc. Đó là vận mệnh chung của thân phận con người”

Nói theo kinh nghiệm, cuộc đời là một ảo ảnh, đúng như quan niệm của nhà văn Anh trên đây, nhưng nó không phải hoàn toàn vô nghĩa. Mặc dù những kẻ qua cầu phải lần mò, dò dẫm, có thể bị trợt chân và ngã lúc nào không biết, nhưng ít ra bản thân của mỗi người qua cầu cũng có một giá trị độc lập. Tuy chẳng nhìn rõ phía trước phía sau, nhưng chính những người qua cầu là thực tại, chứ không phải là ảo ảnh.

Như vậy, phải theo tiêu chuẩn nào để định giá cho cuộc đời cho có tính cách phổ biến? Nếu nói một cách nghiêm túc thì đây là một vấn đề rất lớn lao. Nhưng, nếu nhìn vào trước mắt thì chúng ta thường thấy có hai quan điểm nổi bật là xem cuộc đời hoặc khổ, hoặc sướng; có thể nói đó là đề mục phổ biến hơn cả.

5050030522 e458620823 b
Tuy chẳng nhìn rõ phía trước phía sau, nhưng chính những người qua cầu là thực tại,

chứ không phải là ảo ảnh. (ảnh minh họa)

2)Những mâu thuẫn của cuộc đời:

Là con người, chúng ta phải đứng giữa hai cái thế rất mâu thuẫn và bất khả tư nghì, một mặt phải nhờ thiên nhiên để sống còn. Vì, nhìn bề ngoài, con người cũng là một hiện tượng thiên nhiên; cho nên, dù bất cứ ở đâu, con người đều không thoát khỏi cái quy luật tất yếu của thiên nhiên. Nếu không có thiên nhiên, con người không thể sống còn. Vì thế, theo một ý nghĩa nào đó, thiên nhiên có thể được coi là người dưỡng dục chúng ta, vì thế ta không thể không tỏ lòng biết ơn.

Nhưng nếu coi thiên nhiên như một vị đại ân nhân là một điều rất sai lầm; vì, một mặt thiên nhiên tuy có giúp cho sự sinh tồn của con người, nhưng mặt khác, thiên nhiên cũng là một ma lực thường xuyên đe dọa sự sống còn của nhân loại. Hãy tưởng tượng từ xưa đến nay đã biết bao nhiêu người chết vì thiên tai, địa chấn, ta sẽ thấy thiên nhiên đáng sợ như thế nào. Nói cho công bằng thì thiên nhiên chẳng qua chỉ xoay vần theo định luật riêng của nó, con người biết thích ứng được định luật đó thì sống còn, nhưng nếu đi ngượi lại, tất không tránh khỏi sự đe dọa khủng khiếp.

Con người sở dĩ khác với muôn vật là vì con người có một cuộc sống tinh thần rất phong phú, có ý chí tự do, có thể dời non lấp biển, dùng ý chí và trí tuệ bắt thiên nhiên phải khuất phục trước mình. Đó là tinh thần đặc biệt chỉ có trong loài người. Lại nữa, con người sinh ra tất phải có già, chết, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng con người cứ muốn trẻ mãi không già, sống hoài không chết. Tóm lại, con người, không nhiều thì ít, đều muốn khống chế thiên nhiên để thực hiện cái ý chí tự do triệt để của chính mình.

Như vậy, một mặt con người bị luật thiên nhiên ràng buộc, mặt khác lại muốn thoát khỏi định luật đó mà kiến tạo một thế giới tự do của mình. Sự sống mâu thuẩn này mới thật là nguồn gốc khổ đau của kiếp người. Cái yêu cầu tự do của con người càng mạnh bao nhiêu thì cái uy lực thiên nhiên càng tăng bấy nhiêu. Sống giữa cái thế giằng co đó, con người phải âm thầm chịu đựng. Đó là chân tướng của cuộc đời.

Cái yêu cầu tự do của con người càng mạnh bao nhiêu thì cái uy lực thiên nhiên càng tăng bấy nhiêu (ảnh minh họa)

3)Chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan:

Căn cứ vào thực tế mà nhận xét thì cuộc đời có khổ, có sướng; sướng, khổ giao thoa. Nhưng, nếu chỉ quan sát thế thôi thì vấn đề có vẻ quá thường tình. Cho nên phải tiến thêm một bước nữa mà khảo sát xem cuộc đời vốn lấy khổ làm bản chất, hay lấy sướng làm bản chất? Đây có thể nói là vấn đề nhân sinh quan tối sơ. Những người chủ trương bản chất cuộc đời là vui sướng, dĩ nhiên thuộc phái theo chủ nghĩa lạc quan. Chủ nghĩa này rất được tôn sùng tại Tây phương. Ngược lại, những người cho bản chất cuộc đời là khổ, hay ít ra, khổ nhiều hơn sướng, tất nhiên là những người theo chủ nghĩa bi quan. Bên Tây phương, chủ nghĩa này cũng rất thịnh hành. Tại nước Đức, rất nhiều nhà triết học có tư tưởng yếm thế, mà Schopenhauer là một người trong số đó. Ông từng nói: “Ngủ dĩ nhiên là hay, nhưng nếu chết đi đừng sinh ra nữa thì càng hay biết chừng nào!” Ý nghĩa câu nói trên đây, mới nghe qua, tuy phảng phất như nhân sinh quan của Phật giáo, nhưng cái tinh thần của nó thì khác biệt vô cùng.

(còn tiếp…)

Đón xem kỳ sau: Quan niệm về cuộc đời của Phật giáo

(*) Lấy số Phật lịch + 80 năm = số năm sinh của Đức Phật. Thí dụ: năm nay (2017) Phật lịch 2.561 + 80 = 2.641 (Đức Phật Thích Ca đản sanh cách nay 2.641 năm)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang