Khi tiến cũng như khi lùi, lúc thịnh cũng như lúc suy, đạo Phật không bao giờ đi ngược với bản tính nhu hòa truyền thống của mình, do đó đạo Phật đã gây được cảm tình tốt đẹp với các dân tộc trên thế giới, và có thể chung sống bên cạnh những đạo giáo địa phương khác mà không gây một đổ vỡ đáng tiếc nào.
Người ta có thể không đồng ý kiến với nhau khi bàn bạc một điểm nào trong giáo lý của đạo Phật, nhưng ai cũng có thể công nhận một điểm chung là tính cách hòa bình của đạo Phật; một bản sắc hòa bình biểu lộ rõ ràng trên nét mặt hiền hòa, trên nụ cười hoan hỷ, trong những cử chỉ, thái độ dịu dàng, trong những hành động cân nhắc, chừng mực, hiền hòa của người tu Phật khi tiếp xúc với đồng loại, với cả thú vật hay với thiên nhiên.
Chính đức Phật đã đặt ra sáu phép hòa bình (Lục Hòa) làm nguyên tắc căn bản cho các bậc xuất gia chung sống với nhau, cùng nhau hòa hợp. Và khắp nơi trên thế giới, ở đâu có chùa, có tùng lâm với tinh thần hòa hợp như thế, thì các hàng Tăng chúng đã sống và sinh hoạt theo sáu phép hòa bình này. Đạo Lục Hòa của Phật trước tiên phải thể hiện được sự hòa đồng trong Tăng giới, và do Tăng chúng tự mình biểu thị được nếp sống hòa thuận cới nhau, mới đến thực hành giáo hóa, hòa ái rộng rãi với cương vị "Như Lai sứ giả". Nếu đã gọp thành đoàn thể mà thiếu sự hòa hợp, còn mâu thuẩn xung đột với nhau, thì không còn gọi là hiệp hòa chúng, Tăng chúng, Tăng đoàn được.
Với ý nghĩa quan trọng về sự và về lý của pháp môn Lục Hòa, hàng ngũ Tăng giới và Phật tử chân chính tất nhiên phải thực chứng được truyền thống và bản chất hòa bình của đạo Phật.
Vì thế, chúng tôi nghĩ, từ mỗi người Phật tử trước hết ai ai cũng phải có phương pháp xây dựng hòa bình nội tâm , hòa bình bản thân mới có thể phổ biến trở thành hòa bình xã hội, hòa bình nhân loại. Và hòa bình của đạo Phật là hòa bình thật sự đi từ mỗi người ra đến mọi người.
Ngoài ra, trên cơ sở tu học của người Phật tử với 10 phép nghiệp lành, 4 vô lượng tâm, 6 độ hạnh, 37 phẩm trợ đạo, cho đến 10 lực trí tuệ, 4 hạnh vô úy, là những vấn đề cơ bản nhất trong Phật học để cho bản thân người học Phật đạt tới tính chất thanh bình cho tâm trí, và đồng thời nhằm phát huy trở thành những hoạt động thực tiễn mang sắc thái hòa bình, an lạc cho cuộc sống rộng rãi số đông.
Nơi đây chúng tôi chỉ xin đơn cử đôi điều cơ bản của giáo lý nhà Phật, đã làm cho hàng Phật tử chúng tôi thấm nhuần chủ trương hòa hợp, để sống một cuộc sống trong sáng hàng ngày cho chính mình, và tha thiết khát khao thể hiện cuộc sống ấy hòa nhập tiến lên xã hội an lạc, hòa đồng cùng cả thế giới hạnh phúc.
Suốt dòng lịch sử truyền bá, tinh thần và hành động hòa bình-bình đẳng, đạo Phật đã được truyền nối và phổ biến một cách trung thành qua không gian và thời gian.
Đạo Phật, bằng những giáo lý của mình, có những căn bản phù hợp với những yếu tố của một nền hòa bình vĩnh cửu. Không dựng lên những tín điều bất di bất dịch, nà dựa trên trí tuệ, trên những kinh nghiệm bản thân, giáo lý của đạo Phật rất rộng rãi, có thể nói rất dễ gặp gỡ, gần gũi những đạo lý, triết học khác, những kinh nghiệm chính xác khác được coi là những trí tuệ quý giá nằm trong kho báu chung của trí tuệ toàn nhân loại. Đạo Phật được đức Phật tóm tắt là : "DUY TUỆ THỊ NGHIÊP" , sự nghiệp của đạo Phật duy có trí tuệ là chủ yếu. Tình thương (Đại Bi) phải xuất phát từ trí tuệ mới là tình thương rộng rãi, vô tư chân chính. Dũng lực (Đại Hùng, Đại Lực) phải phát xuất từ trí tuệ mới là hành động sức mạnh có cơ sở lý tính vững vàng.
Một vua A Dục (Asoka) hiếu chiến (năm 264 trước Công nguyên) trị vì gần hết đất đai Ấn Độ lúc bấy giờ, môt khi đã tiếp cận với đạo pháp Phật, trở thành bậc minh quân, thương dân, yêu nước, hòa hoãn với lân bang, chân thành góp công sức phát huy tinh thần hòa bình, bình đẳng của Phật giáo. Vua A Dục đã xây 80.000 tháp (stupa) để lưu niệm những nơi có bước chân truyền bá nhân đức hòa bình của đức Phật đi qua. Ngày nay người ta còn thấy những di tích rải rác suốt từ Cachemir đến Sodassay, từ Punjab đến Bengale.
Trong những tờ hịch của vua A Dục mà nội dung đầy lòng nhân ái bao la khiến nhà văn hào Masson Oursel đã phải tán thán, biểu dương rằng : "Vua A Dục không những là một đại vương hùng cường nhất Ấn Độ, mà còn là một bậc hiền nhân đàn anh của nhân loại".
Ba đặc điểm đáng ca ngợi của những tờ hịch đó là :
1-Lòng từ bi bao la rộng rãi bao trùm mọi người, cho đến cả loài muông thú
2-Một tinh thần bình đẳng hoàn toàn , khuyên răn tất cả mọi người ở tất cả các đẳng cấp, nên học và tu các thiện nghiệp.
3-Một lòng tôn trọng đối với tất cả các tôn giáo.
Một Lương Võ Đế (502 trước Công nguyên) của Trung Quốc là người sáng lập nhà Lương, ở ngôi 48 năm. Khi mộ đạo Phật, ông là một vị vua biết giữ gìn quốc gia hòa hoãn, thường mở kho phát chẩn cho dân nghèo. Khi có sứ đưa về nước xá lợi của Phật, thì đồng thời với việc lập chùa thờ Phật, vua ra lệnh thả các tội nhân bị cầm ngục. Bởi nhất tâm ủng hộ chánh pháp, ban bố từ tâm, ân đức cho dân chúng nên được đời xưng tụng là "Phật Tâm Thiên Tử".
Một tu sĩ Nhật Liên (Nichiren- 1222 – 1282) của Nhật Bản ở thế kỷ XIII, con nhà thuyền chài vùng biển, đã trở thành vừa là một nhà đạo giáo vừa là một nhà chí sĩ. Thâm nhập tinh thần Bi-Trí-Dũng, vì hòa bình xứ sở, Sư đã mạnh dạn lập ra Pháp Hoa tông, tạo ra uy khí, không ngần ngại đứng ra hô hào trừ khử một phong trào chính trị phản động có hại cho đất nước ông, làm dân tâm hưởng ứng sôi nổi, nên được dân chúng sùng bái, gọi là Nhật Liên Bồ Tát.
Một U Thant của thời đại chúng ta, một phật tử có đức độ hoàn toàn của nước Myanmar (Miền Điện) đắc cử chức vụ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một thời gian dài, làm nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quốc tế một cách công minh và hòa bình.
Riêng với Phật tử Việt Nam thì lịch sử đã chứng minh bằng nhiều sự kiện suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước . Tiêu biểu như thời Lý-Trần với sự tham mưu trị nước của nhiều thiền sư nổi tiếng như : Khuông Việt, Vạn Hạnh, Pháp Thuận… và với những ông vua Phật tử như Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông … đã đưa đất nước ta vào thời thái bình thịnh trị, dân chúng an vui hạnh phúc, giặc xâm lược phương bắc phải khiếp vía kiêng dè. (Còn tiếp…)
Huynh trưởng cấp Dũng cao niên
Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Tâm Bửu TỐNG HỒ CẦM
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1