Trong Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử, Thành Phần Nào Quan Trọng Và Có Giá Trị Nhất?

G

I-CÁC THÀNH PHẦN NHÂN SỰ
TRONG MỘT ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Trong một đơn vị Gia Đình Phật Tử (GĐPT) gồm có bốn thành phần chính kết thành:

  1. Tăng, Ni: nói cụ thể hơn là vị trụ trì ngôi chùa và tăng (ni) chúng trong chùa, có vai trò là chỗ nương tựa tinh thần và pháp lý của Gia đình.
  2. Ban bảo trợ: bao gồm các bác cư sĩ Phật tử bổn tự với vai trò hỗ trợ vật chất và tinh thần cho đơn vị có phương tiện hoạt động.
  3. Ban Huynh trưởng: bao gồm các huynh trưởng có trình độ tu học và huấn luyện nhất định, giữ trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt của đơn vị theo đường hướng và chương trình kế hoạch của Phân ban GĐPT tỉnh.
  4. Đoàn sinh: là con em của Phật tử bổn tự với vai trò là đối tượng giáo dục.

Vậy, nếu hỏi rằng: trong bốn thành phần trên, thành phần nào quan trọng và có giá trị nhất?

Tôi xin thưa: đó là ban Huynh trưởng, hay nói cho rạch ròi hơn: Huynh trưởng là thành phần quan trọng và có giá trị nhất trong sinh hoạt GĐPT.

Trong Sinh Hoat Gia Dinh Phat Tu Thanh Phan Nao Quan Trong Va Co Gia Tri Nhat 1

II- 5 LÝ DO CHỨNG TỎ THÀNH PHẦN
HUYNH TRƯỞNG LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

Vì sao tôi nói vậy? Xin thưa, vì những lý do sau đây:

1- Huynh trưởng GĐPT là những Phật tử đã trưởng thành, có tuổi đời từ 18 tuổi trở lên, có trình độ tu học ít nhất là 5 năm trong GĐPT, đã qua các khóa huấn luyện chuyên môn về kỹ năng tổ chức điều hành và kỹ năng hướng dẫn sinh hoạt GĐPT mà một thanh niên bình thường ngoài đời hoặc một Phật tử trong đạo tràng không thể có được.

Ngoài ra, không ít huynh trưởng GĐPT ngoài đời là những người có học thức, có chuyên môn về đủ các ngành nghề trong xã hội, hoặc có vị trí xã hội, có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực đời sống, có khi là giám đốc công ty, có khi là thành viên của các tổ chức, cơ quan… Tất cả những thứ mà người huynh trưởng có được ngoài xã hội đều có thể góp phần vào việc tạo thuận lợi cho sinh hoạt GĐPT khi cần thiết.

2-Muốn thành lập một đơn vị GĐPT, quý thầy trụ trì phải cần có những huynh trưởng, vì không có huynh trưởng thì lấy ai điều hành sinh hoạt Gia đình? Mà dù có cố thành lập thì đơn vị ấy cũng không thể tồn tại lâu nếu không có huynh trưởng điều khiển. Các câu lạc bộ thanh thiếu nhi hiện nay tại một số chùa không thể duy trì sinh hoạt đều đặn hằng tuần được cũng vì không có huynh trưởng chuyên môn như GĐPT

3-Việc hướng dẫn đoàn sinh tu học và nhiều hoạt động khác trong một đơn vị GĐPT nếu giao cho tăng, ni đảm nhiệm thì quý vị không thể hoàn thành công việc được. Vì tăng, ni không thể nhảy múa ca hát với các em; còn như bắt các em ngồi im phăng phắt như những Phật tử lớn tuổi thì chỉ được tuần này, tuần sau các em trốn ở nhà hết.

4-GĐPT là tổ chức giáo dục cho con em Phật tử theo tinh thần Phật giáo. Do vậy nó gần gũi với Đời nhiều hơn với Đạo (nếu muốn giữ chân thanh thiếu đồng niên). Vì thế cần phải có một nền giáo dục linh hoạt giữa đời và đạo theo phương châm “trong đời có đạo, trong đạo có đời”. GĐPT không sinh hoạt theo hình thức đạo tràng của người Phật tử lớn tuổi, càng không phải là một trường Phật học hay một thiền viện dành cho tăng, ni. Muốn làm tốt việc giáo dục này, chỉ có người cư sĩ huynh trưởng là thích hợp và hiệu quả nhất.

5-Thực tế cho thấy: tỉnh nào có đội ngũ huynh trưởng đủ lượng và chất thì tỉnh đó có sinh hoạt GĐPT mạnh; Tỉnh nào không có huynh trưởng hoặc có mà huynh trưởng không có năng lực thì tỉnh đó không có GĐPT hoặc có chăng thì cũng không mạnh. Nói cách khác, lực lượng huynh trưởng là yếu tố quyết định trong việc thành lập, duy trì và phát triển sinh hoạt GĐPT tại mỗi địa phương.

Với 5 lý do nêu trên cho thấy vai trò cần thiết và quan trọng của đội ngũ huynh trưởng trong sinh hoạt GĐPT. Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh rằng không phải cứ có huynh trưởng cho đông là tổ chức GĐPT nơi đó vững mạnh. Nếu Ban Hướng dẫn GĐPT (BHD) tỉnh chỉ chú trọng huấn luyện đào tạo huynh trưởng cho đông mà quên đi phần đạo đức và chuyên môn cho huynh trưởng thì lực lượng huynh trưởng ấy cũng không xài được, giống như một ngôi nhà đắp bằng cát có thể tan rã bất cứ lúc nào.

Trong Sinh Hoat Gia Dinh Phat Tu Thanh Phan Nao Quan Trong Va Co Gia Tri Nhat 3

III-NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT
LÀM NÊN GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Vậy, cần phải có những điều kiện nào để đội ngũ huynh trưởng GĐPT thực sự có giá trị? Tôi xin đưa ra những điều kiện sau đây để anh chị em tham khảo:

1)Đạo đức-tư cách-uy tín:

Mỗi người huynh trưởng cần phải tu dưỡng đạo đức để có được tư cách của người Phật tử thuần thành. Huynh trưởng có tư cách đạo đức tất nhiên được mọi người chung quanh tin tưởng. Nếu là thành viên BHD thì các anh chị sẽ được Giáo hội tin tưởng; nếu là huynh trưởng trong đơn vị thì được thầy trụ trì, chư tăng (ni) và Phật tử đạo tràng tín nhiệm. Với uy tín đó, người huynh trưởng sẽ dễ gặt hái thành công trong sinh hoạt GĐPT.

2)Đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ:

Đây là chỗ yếu nhất của huynh trưởng chúng ta. Đây cũng là trở ngại lớn khiến cho sinh hoạt GĐPT khó phát triển lên được. Anh chị em chúng ta vào GĐPT là để thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Chúng ta đâu có tranh giành gì với nhau để đến nỗi anh em phải ganh ghét nhau, thù hằn nhau như vậy? Đã có nhiều trường hợp vì xung khắc nhau mà huynh trưởng rời bỏ chiếc áo Lam rồi. Như vậy là đúng hay sai? Ở ngoài đời, chúng ta đã đấu tranh giành giựt, ganh ghét đố kỵ nhau nhiều rồi, còn khi đã bước chân vào chùa, vào sinh hoạt GĐPT thì xin anh chị em huynh trưởng hãy nghĩ đến các em đoàn sinh mà nêu gương Lục Hòa để các em noi theo, đừng đấu đá nhau như những con gà nòi hiếu chiến nữa, sự bất hòa giữa các anh chị có giấu mãi đoàn sinh được không? Ngày nào đó, doàn sinh biết được sẽ không còn tin tưởng vào các anh chị nữa, làm sao các anh chị dạy dỗ các em được?

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm đôi chút về vấn đề mất đoàn kết trong đội ngũ huynh trưởng. Tại sao huynh trưởng không hòa hợp được với nhau? Đó là tại các anh chị xem CÁI TA của mình quá lớn, ai nói trái ý mình là mình giận mà không cần suy xét coi người ta nói đúng hay sai. Nhiều khi chỉ vì khác tánh tình nhau chút xíu mà sinh ra nghịch nhau, không cộng tác với nhau được, bỏ đơn vị này đi tìm đơn vị khác sinh hoạt, đúng như lời Phật dạy “Oán tắng hội” là vậy đó. Nhưng như thế cũng còn nhẹ, nhiều trường hợp chỉ vì “thấy ghét” một ai đó mà tự mình cởi bỏ chiếc áo Lam và rời xa tổ chức luôn, thật là uổng công rèn luyện bao nhiêu năm trong GĐPT mới hình thành nên mẫu người huynh trưởng GĐPT Việt Nam, vậy mà chỉ vì một chút sân si mà bao nhiêu công lao đổ sông đổ biển hết. Thật đáng tiếc!

Muốn khắc phục nhược điểm này, huynh trưởng chúng ta cần áp dụng các lời khuyên sau đây của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, cha đẻ của tổ chức GĐPT Việt Nam. Bác dạy như sau:

  1. Ráng tập tánh chấp nhận ý kiến khác biệt của người khác, đừng bao giờ khăng khăng cho ý kiến mình là đúng nhất.
  2. Nếu số đông trong tập thể quyết định một vấn đề gì trái với ý mình thì mình nên vui vẻ chấp nhận, đừng bảo thủ, đừng cay cú. Đừng vì bất mãn mà mình tách ra đứng bên ngoài không hợp tác.
  3. Chấp nhận sự khác biệt về tánh tình, về cách cư xử, cách làm việc… của đồng đội. Đừng bao giờ đòi hỏi người khác phải tuyệt đối giống mình. Hãy khen ngợi ưu điểm của đồng đội nhưng đừng bao giờ nói khuyết điểm của họ (trừ trường hợp hai người đã quá thân mật với nhau).
  4. Hãy tập tánh bình đẳng với mọi người, không vì thương ai mà cái gì cũng ủng hộ, không vì ghét ai mà cái gì cũng chống đối. Phải cương trực và công tâm mà đối xử với mọi người.

Tôi biết tại một vài tỉnh, thành, do huynh trưởng nơi đó bất hòa nhau nên Giáo hội không tin tưởng, đến nay cũng chưa thể thành lập Phân ban GĐPT được. Vì vậy đoàn kết nội bộ là điều kiện thứ hai huynh trưởng cần thiết phải có.

3)Không vụ lợi – biết hy sinh:

GĐPT là nơi để người huynh trưởng tu tập đức hy sinh và hạnh bố thí, không phải là nơi để tìm kiếm danh lợi cho riêng mình. Anh chị nào chưa bỏ được bản năng ích kỷ, đòi hỏi, so đo, tính toán, nệ công, hám danh hám lợi… thì không thể là một huynh trưởng tốt được. Không chóng thì chầy, những người như vậy cũng sẽ rời bỏ GĐPT vì ở đây không hợp với họ.

4)Siêng năng – Ham học hỏi:

Người siêng năng thì làm gì cũng thành công. Người ham học hỏi thì dở cũng thành giỏi. Huynh trưởng mà lười biếng và không chịu học hỏi thì mãi mãi chỉ là em “đoàn sinh già” chứ không xứng đáng với hai tiếng “huynh trưởng”. Đó là hạng người luôn ngại khó, suy nghĩ tiêu cực, hay so đo tính toán, lánh nặng tìm nhẹ nhưng lại rất thích được khen thưởng. Huynh trưởng như vậy không thể được xem là quan trọng và có giá trị.

5)Khép mình vào kỷ luật của tổ chức:

Điều kiện này là tối ư quan trọng đối với người huynh trưởng GĐPT. Nếu anh chị đã hội đủ bốn điều kiện trên mà thiếu điều kiện thứ 5 này thì anh chị cũng là người không “xài” được. Cứ thử tưởng tượng có một huynh trưởng nào đó thật là giỏi chuyên môn, năng động, sáng tạo trong sinh hoạt, cư xử khéo léo, ăn nói thuyết phục khiến ai cũng cảm tình… Nhưng huynh trưởng này có tật tự cao tự mãn, xem thường tập thể, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật của tổ chức, muốn làm gì thì làm theo ý mình, không theo phép tắc nào, không theo đường lối chung của tập thể, của tổ chức… Nếu trong tập thể huynh trưởng một đơn vị hay trong tập thể huynh trưởng một tỉnh, thành mà có người như vậy thì thử hỏi tập thể đó có chấp nhận huynh trưởng đó không? Huynh trưởng nào có tật xấu này cũng giống như một cái gai đâm vào da thịt, tất nhiên người ta phải tìm mọi cách để loại cái gai ấy ra khỏi da thịt mình mà thôi.

Trong Sinh Hoat Gia Dinh Phat Tu Thanh Phan Nao Quan Trong Va Co Gia Tri Nhat 3

Ngày xưa, Đề Bà Đạt Đa là người có tài, nhưng ông quá cống cao ngã mạn, tự cho mình ngang hàng với Phật và nuôi tham vọng tranh giành địa vị lãnh đạo Tăng đoàn với Đức Phật. Ông đến gặp Phật, bảo Phật nhường chức cho ông nhưng Đức Phật từ chối. Ông bất mãn, lôi kéo một số tỳ kheo ra thành lập tăng đoàn riêng, lúc nào cũng tìm cách nói xấu Tăng đoàn của Phật. Ông xúi thái tử A Xà Thế giết vua cha và giam tù mẹ mình để cướp ngôi. Ông xô đá từ trên cao xuống nhằm giết hại Phật. Ông cho voi dữ uống rượu say rồi xua voi chạy ra đường nhằm dẫm chết Đức Phật. Nhưng tất cả mưu mô ác độc của Đề Bà Đạt Đa đều thất bại trước Đức Phật. Cuối đời, ông bị bệnh hiểm nghèo mà chết. Lúc hấp hối, ông nhờ người khiêng đến tinh xá để sám hối tội lỗi với Phật, nhưng vừa đến cửa tinh xá ông đã trút hơi thở cuối cùng, không gặp được Phật.

Đề Bà Đạt Đa là đại diện cho hạng người phản trắc, tự cao tự mãn, xem thường phép tắc kỷ cương tổ chức, không biết khép mình vào kỷ luật của Tăng đoàn, tham vọng ngông cuồng, không từ một thủ đoạn độc ác nào mà không làm,

* * *

Trên đây tôi vừa trình bày 5 điều kiện cần thiết đối với một huynh trưởng gương mẫu. Địa phương nào có mặt hàng huynh trưởng gương mẫu càng đông thì phong trào GĐPT nơi đó vững mạnh đi lên, và ngược lại.

Anh chị em chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại chính mình, xem mình có được bao nhiêu điều kiện trong 5 điều kiện trên đây?

Tôi cũng rất mong đón nhận những ý kiến phản biện của các anh chị sau khi đọc bài viết này.

Minh Kiến


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang