Đức Bổn Sư thường đưa hai hình ảnh "người trí" và "người ngu" giúp chúng ta nhận biết một cách rõ ràng những gì là tốt đẹp và những gì là không tốt đẹp cho mình và cho người.
Tăng Chi I, trang 113 nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và người trí : "Người ngu thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; Người trí thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện". Cũng theo nghĩa này, Đức Phật nói thêm: "Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỳ kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền tri. Phàm có sự nguy hiểm nào khởi lên, tất cả nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí".
Một sự sai khác rõ rệt nữa giữa người ngu và kẻ trí là đối với các cảm thọ. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân thường sầu muộn, than van, khóc lóc. Còn bậc trí đối với khổ thọ về thân thời không sầu muộn, than van, khóc lóc.
Vân vân …
Để nêu rõ định nghĩa và vai trò của trí tuệ hơn nữa, chúng tôi ghi chép sau đây một vài câu Phật dạy trích dẫn từ kinh tạng Pàli để chứng minh :
"Tất cả hành vô thường
Với tuệ, quán thấy vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh
Tát cả hành khổ đau
Với tuệ, quán như vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh
Tất cả pháp vô ngã
Với tuệ, quán như vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh"
(Pháp Cú 277, 278, 279)
"Mắt thịt, mắt chư Thiên
Vô thượng mắt trí tuệ
Cả ba loại mắt ấy
Được bậc vô thượng nhân
Đã tuyên bố trình bày
Từ đây trí khởi lên
Tuệ nhân là tối thượng
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau"
(Phật Thuyết Như Vậy, trang 437 – 438)