Tinh Thần Từ Bi – Vô Ngã Của Phật Giáo Trong Nền Văn Hóa Việt Nam

Theo những sử liệu mới nhất cho thấy đạo Phật từ Ấn Độ du nhập vào xứ Âu Lạc từ thế kỷ III trước Tây lịch, tức vào thời các Vua Hùng. Cũng theo sử liệu này thì Chữ Đồng Tử chính là người Phật tử Việt Nam đầu tiên  Đạo Phật đến nước ta trên các thương thuyền xuất phát từ Ấn Độ, mang theo những nhà sư Tây Trúc.(1)

Trải qua hai mươi bốn thế kỷ đồng hành cùng dân tộc Việt, đạo Phật đã thâm nhập sâu vào đời sống và tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Một trong những tư tưởng nổi bật nhất của Phật giáo đã làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam, đó là tinh thần Từ Bi – Vô Ngã – Vị Tha

Thật vậy, hình ảnh nhà sư Việt Nam hiền lành, thuần phác, tự tại, ung dung chính là hình ảnh tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam bao đời nay. Trong đời sống xã hội đầy ganh đua này, sự hiền lành thuần phác thường bị hiểu lầm với nhu nhược và bất tài. Song le, sự hiểu lầm ấy chỉ có nơi những kẻ võ biền thô lậu, còn tuyệt đại đa số người dân Việt từ xưa đến nay vẫn xem đây là đức tính cao quý của bậc hiền nhân quân tử, vì vậy mà tinh thần Từ Bi-Vô Ngã của đạo Phật mới được xã hội ta tiếp nhận như là ánh sáng hải đăng chiếu rọi xuyên suốt nền văn hóa Việt Nam.

Theo Từ điển Phật học (2) định nghĩa về Từ Bi như sau:

  • Từ và Bi là hai trong bốn tâm rộng lớn của chư Phật và Bồ Tát. Bốn tâm rộng lớn ấy là : Từ, Bi, Hỷ, Xả.
  • Từ : lòng lành, do tấm lòng ấy mà làm lợi ích và đem an lạc đến cho chúng sanh.
  • Bi: lòng xót, do tấm lòng ấy mà cứu tai nạn, khổ não cho chúng sanh
  • Hỷ: lòng vui, tự mình vui cho chúng sanh khi thấy họ được điều thiện lành
  • Xả: lòng tha thứ, tự mình hy sinh để cho chúng sanh được an vui

Từ Bi của Phật giáo không hoàn toàn giống với đức Nhân của đạo Nho hay Bác ái của đạo Ki-Tô. Vì Từ Bi là lòng thương xót bao trùm lên cả chúng sanh, tức bao gồm con người, động vật và thực vật; Trong khi đó NhânBác ái chỉ được thực hiện với con người mà thôi.

Vô Ngã vốn là một trong những triết học vế Tánh Không của đạo Phật. Trong phạm vi bài này, người viết định nghĩa Vô Ngã theo thế gian nghĩa, tức theo nhận định thông thường của cộng đồng xã hội. Vậy, theo nghĩa thông thường dễ hiểu, Vô Ngã có nghĩa là dẹp bỏ Cái Ta , coi những gì thuộc về Ta là không quan trọng, trái lại hãy quan tâm đến lợi ích của tha nhân, đó chính là Vị Tha. Do đó Vô Ngã  thường đi đôi với Vị Tha là vậy.

Ở đây, ta thấy Vô Ngã vừa là kết quả của Từ Bi mà cũng là nguyên nhân của Từ Bi. Nói nôm na, “Có Từ Bi mới ra Vô Ngã” hoặc nói : “Tu Vô Ngã mới được Từ Bi” đều đúng cả.

Tinh thần Từ Bi-Vô Ngã trong đời sống xã hội dân cư thời Âu Lạc-Hùng Vương đã thể hiện rõ rệt qua tác phẩm Lục Độ Tập Kinh. Tư tưởng nhân nghĩa này “không chĩ giới hạn trong việc thương người mà còn bao trùm hết cả sinh vật cho đến cả cỏ cây” (3) (Nguyên văn: “Hoài vô ngoại chi hoằng nhân, nhuận đãi thảo mộc” ). Đây là một tư tưởng hết sức rộng lớn, không có trong Nho giáo. Thiên Tận tâm chương cú thượng trong Mạnh Tử nói rất rõ: “Lòng nhân của Nghiêu Thuấn không yêu khắp mọi người, mà trước hết yêu bà con và người tài giỏi”.

Tinh Than Tu Bi Vo Nga Cua Phat Giao Trong Nen Van Hoa Viet Nam 1

Lục Độ Tập Kinh được các nhà sư Việt Nam sáng tác trong thời đại các Vua Hùng, được truyền bá rộng rãi đến thời Hai Bà Trưng và nhiều đời sau nữa. Nội dung sách viết về lý tưởng Bồ Tát, trong đó có đoạn kêu gọi toàn dân đứng lên chống lại ách nô lệ của người Hán: “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đây rõ ràng là những lời gởi gấm của người Phật tử Việt Nam thời đó trước sự cai trị hà khắc của người Hán. Và đây chính là một minh chứng cho tinh thần Từ Bi-Vô Ngã của Phật giáo lan tỏa trong đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập sau này của các nhà yêu nước.

Trong rất nhiều truyện được viết trong Lục Độ Tập Kinh, các tác giả còn truyền bá tư tưởng Từ Bi đến giới vua quan :”Dân bốn thiên hạ quí sự dạy bảo nhân từ, vâng thờ ba ngôi báu, làm mười điều lành, lấy đó làm phép trị nước, đến được hạnh phúc mãi mãi”. Ở một truyện khác, sách viết: “Ta thà bỏ mạng sống một đời chớ không bỏ chí lớn, quên mình để yên ổn quần sinh, đó là lòng nhân bao trùm trời đất vậy”

Suốt một ngàn năm Bắc thuộc, đạo Phật vẫn luôn sát cánh cùng với dân tộc. Các Thiền sư thường đem giáo lý Khổ Vô Thường làm bài học thường ngày cho Phật từ, giáo dục họ tinh thần vượt qua “biển khổ” và luôn nuôi hy vọng một ngày cởi ách nô lệ. Chính trong nỗi khổ của kiếp nô lệ, dân ta vẫn đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn theo tinh thần Từ Bi-Vô Ngã .

Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời,
Đang cơn hoạn nạn độ người trầm luân
Dẫu xây chín cảnh phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người

Trong cảnh khổ của một dân tộc bị nô lệ, hình ảnh từ bi cứu khổ của Đức Phật biến thành Ông Bụt hiền lành trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Mỗi khi có ai đau khổ, Bụt thường hiện ra với dáng người phúc hậu, nụ cười độ lượng và câu hỏi “Tại sao con khóc?” Hình ảnh Ông Bụt trong truyện cổ tích là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần Từ Bi Vô Ngã của đạo Phật đã ăn vào bản sắc văn hóa Việt Nam .

Có một điều lý thú mà ít ai nhận ra, đó là: Người Việt Nam sợ thần, sợ thánh, sợ ma, sợ quỷ…, nhưng lại không sợ Ông Bụt, bởi vì Ông Bụt tuy có quyền năng vô hạn, như có thể thấy trong truyện Tấm Cám, cứ mỗi lần Tấm khổ, Tấm khóc nức nở thì Bụt lại hiện ra giúp đỡ… nhưng Bụt hiền lành, thương người, nhất là những người côi cút, cô đơn, bị ức hiếp.

Ông Bụt trong văn hóa dân gian Việt Nam gần gũi, thân thương như hình ảnh nhà sư Việt hiền lành, thuần phác. Sự gần ũi thân thương ây thể hiện trong câu ca dao :

Gần chùa gọi Bụt bằng anh,
Trông thấy Bụt lành cõng Bụt đi chơi

Qua các sử liệu ghi lại nền chính trị nước ta khi bước vào thời kỳ tự chủ, tức thời đại Đinh, Lê, ta thấy các triều đình còn dùng những cực hình như vạc dầu, chuồng hổ để trừng trị kẻ có tội. Đời Đinh thì Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Đời Lê thì Ngọa Triều giết Lê Trung Tông. Nhưng sang đời Lý thì các vua có đạo đức và đời sống tâm linh, độ lượng khoan hồng với dân và ngay với kẻ cừu địch. Sự khoan dung trong đường lối chính trị của triều đình  cho ta thấy ảnh hưởng tư tưởng Từ Bi của Phật giáo. Ta biết rằng vua Lý Thái Tổ vốn là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân và là học trò đắc ý của Thiền sư Vạn Hạnh. Trên nền tảng chính trị từ bi ấy, vua Lý Thái Tông đã tha tội chết cho Nùng Trí Cao, trong khi vua Lý Thánh Tông cũng đã không giết vua Chiêm Thành là Chế Củ .

Năm 1065, vua Lý Thánh Tông, trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh, đã chỉ vào công chúa Động Thiên đang đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lại rằng: “Lòng ta yêu con ta cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân, dân không biết mà mắc vào hành pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm.

Cũng nhà vua này, vào mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét, đã bảo với các quan: “Trẫm ở trong cung nào lò sưởi ngự, nào áo lót cầu mà còn rét như thế này, nghĩ đến người tù giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian mà ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Lòng thương dân còn được thể hiện trong việc làm của thái hậu Ỷ Lan, vợ của vua Nhân Tông. Năm 1913, thái hậu lấy của kho chuộc những người đàn bà con gái vì nghèo phải đem thân đi ở thế nợ, không thể đi lấy chồng.

Với những nhà chính trị có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục sự thực hành đạo Từ Bi trong dân chúng, đời sống xã hội thời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẽ. Đạo đức và từ bi đã không làm cho dân nghèo nước yếu, trái lại, những yếu tố này đã tạo nên phú cường. Những chiến thắng Chiêm Thành và Tống quốc, sự vắng mặt của bạo động trong nhân gian và trong cung khuyết, sự gần gũi giữa vua với dân, những điều đó nói lên được đặc tính của xã hội đời Lý. Thiền sư Pháp Thuận đã nói trước điều đó:

Vận nước như dây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Đạo đức ngự cung điện
Muôn xứ hết đao binh (4)

Tinh thần Từ Bi cứu khổ của Phật giáo còn được thể hiện rất phổ quát và sinh động qua hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát mà dân gian thường gọi một cách thân tương là Phật Bà Quan Âm hay gần gũi hơn nữa: Mẹ Quan Âm. Rất nhiều truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm được lưu truyền trong dân gian qua những tác phẩm văn học như : Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính… Trong các tác phẩm trên đây, người đọc luôn cảm nhận nơi nhân vật Quan Âm những đức tính Tứ Bi, Vô Ngã, Vị Tha. Có thể nói người Phật tử Việt Nam thân quen với hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm còn hơn cả Phật Thích Ca. Người ta tôn trí ảnh, tượng Quan Âm trong nhà, nơi cửa hiệu, quán xá và trên các phương tiện giao thông thủy bộ… với niềm tin sẽ được Phật Bà gia hộ độ trì cho gia đình tai qua nạn khỏi, mua may bán đắt, hoặc hành trình luôn được bình an đi đến nơi về đến chốn.

Tinh Than Tu Bi Vo Nga Cua Phat Giao Trong Nen Van Hoa Viet Nam 2

Phật giáo Việt Nam thể hiện Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát qua hình ảnh người phụ nữ với nét mặt từ hòa khả kình chính là muốn nói lên đức tình từ ái bao dung của Bồ Tát với toàn thể chúng sanh, ví như tình thương của mẹ hiền đối với đàn con. Dù con có tội lỗi cách mấy thì mẹ vẫn luôn thương yêu và tha thứ.  Hình ảnh và đức tình từ bi cứu khổ của Mẹ Quan Âm từ bao đời nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn và tính cách con người Việt Nam.

Nền văn hóa Việt Nam thấm nhuần tinh thần Từ Bi-Vô Ngã của Phật giáo. Lướt qua một vài trang trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, ta dễ dàng nhận ra điều đó:

1) Để khuyến thiện con cháu, ông bà ta có những câu :

  • Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
  • Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ.
  • Ác giả ác báo, hại nhân nhân hại.
  • Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai.
  • Ai ăn mặn nấy khát nước.
  • Ai ăn trầu thì nấy đỏ môi.
  • Cấy ác thì gặt ác.
  • Gieo gió, gặt bão.
  • Làm phúc được phúc, làm ơn được ơn.
  • Ở hiền thì lại gặp lành
    Những người nhân đức trời dành phúc cho.
  • Ở hiền thì lại gặp lành
    Nhược bằng ở dữ, tan tành cái con.
  • Ở hiền thì lại gặp lành
    Ở ác gặp dữ tan tành như tro.
  • Ở hiền thì lại gặp lành,
    Hễ ai ở ác tội dành vào thân

2) Gặp phải cảnh tranh chấp quyền lợi với hàng xóm, ông bà thường khyên răn:

Ở đời thà chịu thiệt mình
Chớ đừng tàn hiếp vì ta hại người.

3) Khi quê hương gặp thiên tai địch họa, ông bà khuyên dạy con cháu hãy ra tay tương trợ đồng bào:

  • Cứu được một người, phúc đẳng hà sa
  • Bầu ơi! Thương lấy bí cùng,
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
  • Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
    Người trong một nước phải thương nhau cùng
  • Thố tử hồ bi (Thỏ chết cáo khóc)
  • Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ
  • Lá lành đùm lá rách
  • Một miếng khi đói bằng một gói khi no
  • Vân vân…

Ngày nay, có thể khẳng định rằng tinh thần Từ Bi-Vô Ngã của đạo Phật đã trở thành dân tộc tính của người Việt Nam. Thông qua lối sống và cách ứng xử của cộng đồng xã hội trong cuộc sống thường ngày cho ta thấy được điều ấy. Cụ thể trong thời gian từ tháng 8/2020 trở lại đây, miền Trung chịu liên tiếp bốn cơn bão lụt nặng nề, đời sống người dân vùng bão lụt vô cùng khó khăn, nhà cửa ruộng vườn bị lũ cuốn trôi; hoa màu, tài sản, vật nuôi… cũng biến mất theo cơn bão lũ v.v…

Trong hoàn cảnh này, chánh quyền và nhân dân cả nước đã phát huy tối đa tinh thần tương trợ. Các cơ quan chức năng túc trực ngày đêm, chia sẻ từng giờ từng phút nỗi hiểm nguy hãi hùng với người dân vùng bão lũ. Trái tim nhân dân cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt. Ông Bụt trong truyện cổ tích giờ đây đã hóa thân vào thực tế qua hình ảnh các anh bộ đội, các hội viên Chữ Thập Đỏ, các bác sĩ, y tá . các mạnh thường quân v.v… đang có mặt tại các trung tâm bão lũ cứu giúp đồng bào vượt qua đói khát, bệnh tật, sợ hãi …do thiên tai giáng xuống. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu trợ. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tự động vận động bạn bè, người thân, quần chúng cảm tình… đóng góp tịnh tài tịnh vật để mang ra miền Trung trao tận tay đồng bào nạn nhân bão lụt. Thật quá nhiều tấm gương từ bi cứu khổ sáng lên trong những tháng ngày đen tối này.

Qua bài viết ngắn gọn này, chúng tôi muốn chứng minh cho sự đóng góp nhỏ của đạo Phật vào đời sống đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay.

__________________________________________________________________

(1) (3) Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam – Lê Mạnh Thát – NXB Thuận Hóa – 1999

(2) Phật Học Từ Điển – Đoàn Trung Còn – NXB.TP.Hồ Chí Minh -2005

(4) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang – NXB Văn Học 2000

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.