Tiểu Sử Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu

G

TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
THÍCH MINH CHÂU
( 1918 – 2012 )

 HTr cấp Dũng Thiện Điều NGUYỄN THẮNG NHU
HTr cấp Dũng Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO

 LỜI THƯA CỦA BAN BIÊN TẬP TRANG WEB.

Kính thưa Quý độc giả,

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu Hòa Thượng Thích Từ Thông – Như Huyễn Thiền Sư, môt cây đại thụ trong nền giáo lý Đại Thừa – Bắc tông Phật Giáo với những bài giảng mang tính “liễu nghĩa” của Ngài.

Bắt đầu năm 2019 này, Website gdptkiengiang.vn tiếp tục giới thiệu đến độc giả một nhân vật kiệt xuất khác của Phật Giáo Việt Nam được giới học Phật tôn vinh là “Huyền Trang của Phật giáo Việt Nam”, đó là Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu. Vì sao Ngài được ví như pháp sư Tam Tạng Huyền Trang của Phật giáo Trung Hoa?

Để trả lời cho câu hỏi ấy, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả bài viết Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu do HTr cấp Dũng Thiện Điều Nguyễn Thắng Nhu và HTr cấp Dũng Tâm Giới Phan Ngọc Thảo đồng biên soạn.

Sau bài này, chúng tôi sẽ lần lượt up lên mạng các bản Kinh Pali do Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch, được thực hiện qua hình thức pháp âm (sách nói) để phục vụ nhu cầu học Phật của Quý độc giả.

Xin trân trọng kính mời Quý bạn đọc theo dõi. 

PHẦN MỘT
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH

A.Thân thế :

Hòa thượng họ Đinh, húy Văn Nam, là đệ tử của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN, pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Thân phụ là cụ ông Đinh Văn Chấp và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Đạt. Gia đình Hòa thượng có 11 người anh em. Hòa thượng là con trai thứ tư trong gia đình. Vốn sinh trưởng trong gia đình vọng tộc Nho gia, thân sinh của Hòa thượng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp năm 21 tuổi (khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7). Nhờ ảnh hưởng sâu đậm nền giáo dục của cụ ông từ bé, vì vậy, Hòa thượng rất cần mẫn đèn sách, chăm chỉ học hành, trí tuệ phát triển sớm.

Năm 1939, Hòa thượng đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học Đông Dương, năm 1940 Hòa thượng đổ tú tài toàn phần tại trường Khải Định – Huế (nay là trường Quốc Học); và cùng thời gian này, Ngài được bổ làm thư ký Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Sau một năm làm việc tại đây, Hòa thượng thấy nhiều bất công trong khâu xét xử, người dân bị xử ép oan sai nên đã xin thôi việc.

B. Thời kỳ tìm hiểu giáo lý và xuất gia học đạo

– Tìm hiểu giáo lý đạo Phật:

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nở rộ. Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là nhà trí thức yêu nước cũng là một Phật tử được bầu làm Hội trưởng kiêm Chủ bút tạp chí Viên Âm. Phong trào học Phật do bác sĩ tổ chức có nhiều trí thức yêu nước tham gia như: Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường…

Hòa thượng cùng em trai là Đinh Văn Vinh đến với phong trào học Phật từ năm 1936 do bác sĩ Lê Đình Thám giảng và đảm nhiệm chức Chánh thư ký của Hội. Kể từ đó Hòa thượng gắn liền với Hội và là hạt nhân nòng cốt phát động phong trào yêu nước chống Pháp và phát động thanh niên tham gia học Phật. Hòa thượng là người đi đầu trong các phong trào này.

Lúc bấy giờ, trong tư cách là một Phật tử, bên cạnh cụ Hội trưởng Tâm Minh Lê Đình Thám, Hòa thượng đã hoạt động tích cực về nhiều mặt, giúp phát triển Phật sự của 17 Tỉnh hội Phật giáo miền Trung.

Trong phong trào thanh niên nghiên cứu đạo Phật, Hòa thượng là một trong những người sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ (tên cũ của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam sau này). Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo từ cố đô Huế đến các tỉnh Trung bộ, ngay từ buổi đầu Hòa thượng đã có nhiều công hiến đáng kể như: vận động một số Phật tử hội viên của Hội quyên góp, bảo trợ cho Trường Phật học Báo Quốc, tòng lâm Kim Sơn; lúc nạn đói dưới thời kỳ Nhật chiếm đóng, Ngài đã giúp sơ tán học tăng vào Nam bộ và gởi gắm các nơi khác có điều kiện hơn…

-Xuất gia tu học:

Trong thời gian làm việc ở Hội quán, Hòa thượng đã học hỏi và thâm hiểu giáo lý Đại thừa từ bác sĩ Lê Đình Thám cùng quý vị tôn túc trong sơn môn Thừa Thiên-Huế; thời gian này, Ngài đã vào ở hẳn trong chùa Tường Vân và thực tập nếp sống thiền môn như điệu chúng trong chùa. Cũng từ đó, Hòa thượng quyết chí xin xuất gia.

Năm 1946, Ngài đầu sư với Hòa thượng húy thượng Trừng hạ Thông, tự Chơn Thường, hiệu Tịnh Khiết (Đức Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN) tại tổ đình Tường Vân, thuộc làng Hạ I, xã Thủy Xuân, thành phố Huế và được bổn Sư ban cho pháp danh là Tâm Trí. Trải qua những ngày tháng hàu thầy và chấp tác nặng nhọc tại tổ đình cũng như việc Hội, Hòa thượng không bao giờ trễ nãi. Người lúc ấy vừa là giảng sư, vừa là chú điệu đang tập sự thực hành nếp sống thiền môn.

Công đức đã đầy đủ, năm 1949 (Kỷ Sửu) Hòa thượng được bổn sư cho phép thọ cụ túc giới tại Giới đàn Hộ Quốc chùa Báo Quốc do chính bổn sư làm đàn đầu Hòa thượng. Trong đại giới đàn này, Hòa thượng được Hội đồng Thập sư đặc cách cho thọ Tam đàn cụ túc và Hòa thượng bổn sư ban cho pháp tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung. Sau khi đã nhập vào hàng Chúng Trung tôn, Hòa thượng vẫn không ngừng sinh hoạt với Hội Phật học Trung phần, chuyên cần diễn giảng Phật pháp khắp các chùa Hội, hướng dẫn các thanh thiếu niên của Gia Đình Phật Tử, đóng góp bài viết cho tạp chí Viên Âm, Từ Quang, Liên Hoa…, Chủ bút tạp chí Tư tưởng Vạn Hạnh.

Năm 1951, khi Hội thành lập Trường Trung học Bồ Đề đầu tiên ở Huế thì Hòa thượng được mời giữ chức Hiệu trưởng.

Trong hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam ba miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm năm 1951, Hòa thượng được cử là đại biểu chính thức.

C. Xuất dương du học

Trong quá trình nghiên cứu Kinh Luật Luận Hán tạng, Hòa thượng thấy cách phiên âm các từ ngữ Pali, Sanskrit mỗi người mỗi khác khiến bản văn trở nên khó hiểu. Từ đó, Hòa thượng xin phép Bổn sư và Hội Phật học Trung phần cho phép mình xuất dương tu học tại Sri Lanka (Tích Lan) và Ấn Độ về Kinh Luật Luận Pali và Sanskrit, nguyện sau này về nước tiếp tục phiên dịch kinh điển làm phong phú kho tàng Tam tạng nước nhà.

Năm 1952, được sự chấp thuận của Giáo hội và Hòa thượng bổn sư, Hòa thượng xuất dương tu học tại Sri Lanka, học Pali và Anh văn tại Colombo (thủ đô nước Sri Lanka). Năm 1955, Hòa thượng được Trường Đại học Sri Lanka tặng bằng Pháp sư (Saddammcariya). Sau đó, Hòa thượng sang Ấn Độ và theo học tại Nava Nalanda Mahavihara thuộc Đại học Bihar (Ấn Độ). Trong thời gian du học tại đây năm 1957, Hòa thượng đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Ấn Độ của Người.

Năm 1958, Hòa thượng liên tiếp đỗ các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt lại đỗ thủ khoa M.A (cao học) về Pali và Abhidhamma trên một số đông thí sinh Ấn Độ và nước ngoài đang theo học cùng khóa với Hòa thượng. Với luận án “So sánh tập Pali Trung bộ kinh với tập Trung A hàm chữ Hán” (The Chinaese Madhyama gama and  The Pali Majjhima Nikaya), tháng 9 năm 1961, Hòa thượng là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, Văn học Pali tại Ấn Độ, được đích thân Tổng thống Ấn Độ thời ấy đứng ra trao văn bằng danh dự và khen ngợi không ngớt về luận văn này. Năm 1962-1963, Hòa thượng được Đại học Bihar (Ấn Độ) mời ở lại giảng dạy tại đây. Trước khi về nước, Hòa thượng đã viết nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh như: “Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả”; “So sánh tập Pali Milinda-Padha với tập Na Tiên Tỳ kheo chữ Hán”; “Pháp Hiển – nhà chiêm bái khiêm tốn”. Năm 1964, Hòa thượng trở về nước tiếp tục trước tác và dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị cho hàng xuất gia và tại gia tu học.

D. Thời kỳ vế nước hành đạo

I-Công tác hoằng pháp:

Tháng 4 năm 1964, sau khi trở về nước, Hòa thượng đã đem khả năng của mình để ứng dụng vào Phật sự như: phiên dịch Kinh tạng, mở Trường Đại học Vạn Hạnh v.v…ngõ hầu báo đáp thâm ân Phật tổ. Vì thế, Hòa thượng đã tuần tự được mời giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964-1965), Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa Giáo dục (GHPGVNTN, 1966-1975).

Năm 1975-1976…, sau khi nước nhà thống nhất, Hòa thượng đã bàn giao Viện Đại học Vạn Hạnh cho Bộ Giáo dục quản lý. Sau đó, Hòa thượng trở về cơ sở II ở Phú Nhuận thành lập Phật học viện Vạn Hạnh, nơi đây, Hòa thượng đã tập trung vào việc tiếp tục hiên dịch toàn bộ Kinh tạng Pali sang Việt ngữ. Ngoài ra, Hòa thượng cũng dành nhiều thời giờ để nhiếp hóa đồ chúng và dạy Phật pháp cho tín đồ. Và cũng từ cơ sở này, lần đầu tiên sau ngày thống nhất đát nước, Hòa thượng mở lớp dạy Phật pháp cho Phật tử sau giờ tan sở và đề xuất với Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh giảng pháp vào sáng chủ nhật hằng tuần cho Tăng Ni, Phật tử. Các buổi giảng đầu tiên là ở chùa Ấn Quang, Xá Lợi với các ngài Đôn Hậu, Thiện Châu…Hòa thượng cũng tham gia thuyết giảng. Từ đó, phong trào học Phật và nghe giảng pháp sáng chủ nhật hằng tuần được lan rộng.

(Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang