Sau khi Phật viên tịch, sau những lần kết tập kinh điển, hình thành dần nhiều phái, có tổ chức, có giáo lý Phật giáo nhưng khác biệt về tiểu tiết, đã định hình dần hai hệ phái với số Tăng sĩ có khác biệt về lối tu tập, về trang phục và một số mặt khác. Những người xuất gia này có số đệ tử tại gia đông đúc, theo từng hệ phái riêng và từ đấy khái niệm tín đồ đã được rõ ràng hơn, đối với đạo Phật, còn gọi là Phật tử.
Ở Việt Nam, tổ chức Phật giáo hình thành khá muộn màng. Thời Trần, sử sách có nói đến một giáo hội thống nhất, nhưng con số tín đồ theo đạo dường như chưa được đặt ra và nêu rõ. Những năm 30 của thế kỷ XX dần dần đã xác lập được các hội Phật giáo ở ba miền Nam (1931), Trung (1932), Bắc (1934).
Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964, cơ cấu tổ chức giáo hội đã có những điều lệ được Hiến chương quy định. Từ đó tín đồ Phật giáo đã được thống kê. Và như vậy, một tín đồ Phật giáo phải là một người đã tiến hành lễ thọ "tam quy, ngũ giới".
Trong thực tế, đã có rất nhiều người tự nhận mình là Phật tử, đã tự nguyện giữ giới luật nghiêm minh dù chưa một lần quỳ trước điện Phật thọ tam quy ngũ giới. Điều đó tuy có khác nhau về hình thức nhưng không vì vậy mà giảm giá trị và lòng tin của một Phật tử. Có thể thấy do một số nguyên nhân chính:
1)Phát xuất từ quan niệm "Phật tại tâm, không chấp tướng", những nghi lễ diễn ra tuy có cần thiết nhưng không phải là quyết định. Từ đó đưa đến việc Phật giáo không có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ, không buộc tín đồ phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ đã đặt ra. Không có một quy định nào buộc các tín đồ đã quy y phải đi chùa vào hai ngày sóc, vọng trong tháng hoặc phải làm lễ sám hối trước chánh điện vào ngày 14 và 30 mỗi tháng.
Chính xuất phát từ quan niệm đặt ý thức tự giác ngộ lên cao nhất mà trong tổ chức Phật giáo các khái niệm về tín đồ, Phật tử khó xác định. Xuất phát từ quan niệm như vậy, dường như trong xã hội Việt Nam ngày nay, số người thọ tam quy ngũ giới lúc nào cũng ít hơn con số tìm hiểu và sống theo giáo lý Phật giáo.
2)Mặt khác cũng cần thấy rằng, đã là tín đồ một tôn giáo, thì đối tượng thờ cúng của họ cũng là một trong những yếu tố giúp phân biệt tín đồ của tôn giáo này hay tôn giáo khác. Như đạo Tin Lành, tín đồ của họ chỉ thờ Chúa Jésus; đạo Thiên Chúa ngoài Chúa Jésus còn có Đức Mẹ Maria… Còn đối với đạo Phật, đối tượng thờ chính là chư Phật và Bồ tát. Như vậy, một người tuy chưa thọ tam quy ngũ giới, nhưng trong nhà có bàn thờ Phật và thỉnh thoảng có đi chùa lễ Phật, thính pháp nghe kinh… thì họ vẫn phải được xem là tín đồ Phật giáo, là một Phật tử.
3)Phật Giáo không phải là tôn giáo tín ngưỡng. Chính xác thì Phật Giáo là con đường, là phương pháp thể nghiệm và thực chứng giáo lý để tìm sự giác ngộ, giải thoát và an lạc. Phật Giáo không có giáo điều và những ràng buộc hình thức đối với Phật tử. Chư tăng, ni coi người đã thọ tam quy ngũ giới và người chưa thọ tam quy ngũ giới đều là những chúng sanh đang chịu nhiều đau khổ của cuộc đời, và như vậy, họ đều bình đẳng trước Đức Phật; trong khi các tôn giáo tín ngưỡng khác chỉ "cứu rỗi" những ai đã là con chiên, và trừng phạt những ai không vâng phục theo chúa!
Quan điểm này giải thích vì sao có nhiều người, tuy đặt niềm tin và thực hành giáo lý đạo Phật hằng ngày, rất xứng đáng với danh nghĩa Phật tử, nhưng chưa thọ tam quy ngũ giới.
Chúng tôi viết bài này với mong muốn nhắc nhở những người có nhiệm vụ thống kê số lượng tín đồ Phật Giáo cần quan tâm điều này để nội dung thống kê được chính xác và đầy đủ, tránh quy định máy móc, cứng nhắc, không phù hợp với thực tế như thời gian qua.
Trần Hiền Long
(Huyện Cái Bè-Tỉnh Tiền Giang)